Chuyện người, chuyện nghề

Nhưng nỗi niềm riêng của nhân vật thì đau đáu trong hành trình của mỗi phóng viên.

 

LTS: Rất nhiều câu chuyện, tư liệu được các nhà báo ghi chép lại trong quá trình tác nghiệp, nhiều câu chuyện vui, buồn đã được đưa vào tác phẩm. Tuy nhiên, vì nhiều lý do, không phải câu chuyện nào cũng được các nhà báo đưa vào tác phẩm báo chí. Trong đó, chuyện của chính những người làm báo trong quá trình tác nghiệp như tâm tư, tình cảm, khó khăn khi đi thực địa, tiếp xúc nhân vật, câu chuyện… hầu hết đều được các nhà báo giữ lại cho riêng mình. Nhưng nỗi niềm riêng của nhân vật thì đau đáu trong hành trình của mỗi phóng viên.

Nhà báo Kiều Anh, Phát thanh Vì an ninh Tổ quốc: Khổ tận cam lai

“Khổ tận cam lai” là cảm xúc của chúng tôi trong quá trình thực hiện phóng sự nhiều kỳ “Ngăn chặn mua bán người ở Hà Giang - nỗi lo còn đó” khi gặp gỡ một cô gái từng bị lừa bán lúc mới 15 - 16 tuổi, rồi may mắn được giải cứu, hiện đã lấy chồng, có cuộc sống ổn định, được gia đình nhà chồng quý mến.

Rất nhiều câu chuyện, tư liệu được các nhà báo ghi chép lại trong quá trình tác nghiệp, nhiều câu chuyện vui, buồn đã được đưa vào phóng sự. Tuy nhiên, vì nhiều lý do, không phải câu chuyện nào cũng được các nhà báo đưa vào tác phẩm báo chí. Trong đó, chuyện của chính những người làm báo trong quá trình tác nghiệp như tâm tư, tình cảm, khó khăn khi đi thực địa, tiếp xúc nhân vật, câu chuyện… hầu hết đều được các nhà báo giữ lại cho riêng mình. Nhưng nỗi niềm riêng của nhân vật thì đau đáu trong hành trình của mỗi phóng viên.

 Vừ Thị Giàng ở huyện Yên Minh, dù chỉ mới 22 tuổi song đã hai lần trở thành nạn nhân của bọn tội phạm mua bán người, đây là một trong số những câu chuyện để lại cho chúng tôi nhiều nỗi niềm. Chúng tôi gặp Giàng khi em vừa được giải cứu về Việt Nam nhưng không có được tình thương yêu của đấng sinh thành. Giờ đây, ước mơ của Giàng là có căn nhà nhỏ để 2 mẹ con ở, có việc làm, có tiền cho con đi học và được sống ở nơi mình đã sinh ra./.

Nhà báo Văn Quang, Đài PT-TH Lâm Đồng: Giữa trao và nhận cần có sự tử tế

Nhiều năm viết về đề tài thoát nghèo vùng đồng bào dân tộc thiểu số trong chương trình 30A của Chính phủ (huyện Đam Rông - Lâm Đồng), tôi nhận ra rằng, người dân thoát nghèo chậm và một bộ phận chưa thể thoát nghèo không phải vì thiếu sự quan tâm, đầu tư của Nhà nước, người dân không có ý thức vươn lên thoát nghèo, mà là vì sự quan tâm, đầu tư các dự án, chính sách thoát nghèo cho người dân chưa đến nơi đến chốn. Mặt khác, một bộ phận người dân chưa trân trọng sự quan tâm của Nhà nước từ các chính sách giúp họ thoát nghèo. Vậy rồi, cần câu thì vẫn cứ trao hết năm này qua năm khác, nhưng con cá thì không đến với người nghèo vì người trao không hướng dẫn cách câu, còn người nhận không biết câu như thế nào để có con cá.

Phóng sự nhiều kỳ “Chiếc Cần câu - Sự Tử tế và Con cá” là một góc nhìn từ một câu chuyện đã cũ, phần nào giúp người trao và nhận hiểu rằng: Một chính sách được triển khai có kết quả ở từng địa phương không chỉ là cách làm đúng, mà phải tận tâm, trọn tình từ những người có trách nhiệm và chính sách đó phải được đón nhận một cách trân trọng, tử tế từ người hưởng thụ nó./.

Nhà báo Lê Biết, Đài PT-TH Phú Yên: Quá đau khi chứng kiến những thảm cảnh xảy ra

Phóng sự “Lỗi không phải bởi dòng sông” được thực hiện cuối tháng 11, đầu tháng 12/2021 có chủ đề về phòng chống thiên tai. Chủ đề này không mới nhưng cái tôi muốn chuyển tải qua phóng sự này, đó là những bất cập trong việc điều tiết xả lũ của các công trình thuỷ điện trên Sông Ba gây hiện tượng khuếch đại lũ và gây ra trận lũ lịch sử tại Phú Yên với đỉnh lũ trên báo động cấp 3, nơi sâu nhất trên 3m, tương đương cơn lũ lịch sử xảy ra ở Phú Yên năm 1993. Trận lũ đã gây ra hậu quả nặng nề cho các vùng hạ du đôi bờ sông Ba đoạn qua Phú Yên.

Khi làm phóng sự này, tôi thực sự quá đau lòng khi chứng kiến thảm cảnh xảy ra và bản thân muốn nói lên tiếng nói của người dân, đồng thời thông tin về giải pháp giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra ở vùng hạ du Sông Ba. Khi đó, không chỉ làm công việc của một nhà báo, cá nhân tôi trong lúc lũ xảy ra đã trực tiếp tham gia giúp dân di dời, động viên, hỗ trợ bà con khắc phục hậu quả sau lũ trong khả năng có thể. Tôi nghĩ đó là tấm lòng của mình, cũng là trách nhiệm xã hội của nhà báo với người dân./.

Hân Vũ ghi

 

Bình luận

    Chưa có bình luận