Tiếng chuông cảnh tỉnh về nạn buôn bán người

Đó là mong muốn của nhóm tác giả chương trình phát thanh Vì an ninh Tổ quốc (VANTQ) khi thực hiện đề tài 'Ngăn chặn mua bán người ở Hà Giang - nỗi lo còn đó'.

 

“Góp phần cảnh báo về nạn mua bán người ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, hy vọng các ngành chức năng ở địa phương có thêm những hoạt động tuyên truyền về tội phạm mua bán người một cách đa dạng hơn, phù hợp với đồng bào dân tộc...”. Đó là mong muốn của nhóm tác giả chương trình phát thanh Vì an ninh Tổ quốc (VANTQ) khi thực hiện đề tài “Ngăn chặn mua bán người ở Hà Giang - nỗi lo còn đó”. Đề tài được đánh giá cao và lọt vào vòng chung khảo Liên hoan phát thanh toàn quốc 2022.

Vượt khó gióng lên tiếng chuông cảnh tỉnh

Nạn mua bán người qua biên giới đang là vấn đề nhức nhối ở nhiều vùng biên giới, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Đặc biệt, trong điều kiện “xã hội mạng” phát triển mạnh mẽ và khó kiểm soát, tội phạm buôn bán người sử dụng các công cụ công nghệ thông tin (CNTT), mạng xã hội để lừa bán người qua biên giới càng phức tạp. Giải pháp hữu hiệu để phòng ngừa nạn buôn bán người chính là công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức, hiểu biết pháp luật cho người dân. Đây chính là lý do, cũng là động lực khiến nhóm tác giả: Chu Khánh Phương, Nguyễn Kiều Anh, Phạm Ngọc Lâm - chương trình phát thanh VANTQ vất vả lặn lội nhiều ngày qua các xã biên giới của tỉnh Hà Giang để thực hiện đề tài “Ngăn chặn mua bán người ở Hà Giang - nỗi lo còn đó” với hy vọng khi chương trình lên sóng sẽ như tiếng chuông cảnh tỉnh đồng bào vùng biên giới, cũng mong giúp sức cho chính quyền địa phương, cơ quan chức năng có thêm công cụ phòng, chống nạn buôn người gây nhức nhối này.

Nhà báo Khánh Phương tác nghiệp ở địa bàn vùng cao, biên giới.

Tác giả Chu Khánh Phương chia sẻ: “Phát thanh VANTQ là chương trình có tính chất chuyên biệt về an ninh trật tự, chúng tôi được tiếp cận với những hồ sơ chuyên án về mua bán người mà phòng Cảnh sát hình sự và bộ đội biên phòng điều tra. Có những vụ án mua bán người mà phụ nữ, trẻ em gái bị chính người thân trong gia đình, người quen ở thôn bản lừa bán. Thực tế là, có một bộ phận người dân tộc thiểu số vẫn suy nghĩ đơn giản việc nhận tiền “bán” con, cháu... đi làm vợ bên Trung Quốc cũng giống như nhận lễ hỏi để gả con gái lớn trong nhà. Bên cạnh đó, các điều tra viên cũng bày tỏ nỗi lo ngại về một xu hướng tội phạm mới, lợi dụng CNTT, mạng xã hội để lừa gạt phụ nữ, thiếu nữ người dân tộc. Người bị hại cả tin rồi mắc bẫy. Người dân thì mơ hồ về pháp luật rồi bị lôi kéo vào hành vi mua bán người...”.

Do đặc thù nhân vật trong phóng sự đều là người dân tộc thiểu số, đa phần không nói được tiếng phổ thông, hoặc nếu có thì chỉ là xã giao thông thường, còn nếu muốn đi vào tận cùng câu chuyện, tìm ra được những tình tiết đắt giá, được nhân vật cởi mở giãi bày... thì nhóm tác giả phải nhờ đến sự hỗ trợ của người cán bộ dân tộc.

“Không chỉ được hỗ trợ về thông tin, chỗ ăn nghỉ, phương tiện đi lại, chúng tôi còn được giới thiệu một cán bộ điều tra người dân tộc Mông, người đồng hành và đảm nhận công tác phiên dịch để chúng tôi có thể đến gần hơn nữa với nhân vật”, tác giả Nguyễn Kiều Anh chia sẻ.

Cũng theo Kiều Anh, chuyến công tác của nhóm tác giả lên Hà Giang không gặp may mắn lắm về thời tiết do trời mưa, đường chỗ thì trơn trượt, có chỗ lại đang trong giai đoạn phá núi mở rộng đường... có lần gần đến nơi, phải quay xe tìm đường khác do bị đá rơi chắn đường. Ở Hà Giang, các cung đường đều có chung một đặc điểm là một bên là vách núi, bên là vực sâu nên không phải lúc nào cũng có thể quay đầu xe, có đoạn vì đường chỉ đủ 1 xe đi lại, nên ô tô đối diện phải đi lùi mấy chục mét để đến chỗ rộng, đủ cho 2 xe tránh nhau.

“Khi thực hiện đề tài chúng tôi đã gặp không ít khó khăn, trong đó khó nhất là tiếp cận các nạn nhân bị lừa bán, làm sao để họ chia sẻ về câu chuyện buồn của họ. Các nạn nhân đều là người dân tộc thiểu số, sinh sống tại các huyện vùng cao biên giới của Hà Giang, có người không biết nói tiếng phổ thông trong khi chúng tôi không biết nói tiếng dân tộc, hoàn toàn phải phụ thuộc vào sự trợ giúp về ngôn ngữ cũng như liên hệ của cán bộ công an, bộ đội biên phòng ở cơ sở. Thực tế trong quá trình thu thập tư liệu cho phóng sự, đi tìm nạn nhân bị lừa bán được giải cứu đã khó, nhưng đến gặp họ rồi, lại có trường hợp họ không muốn chia sẻ. Mình hỏi gì họ cũng chỉ nói “chi pâu” có nghĩa là “không biết, không nhớ”. Để thực hiện phóng sự, nhóm chúng tôi đã đến nhiều xã của 3 huyện vùng cao Yên Minh, Đồng Văn, Mèo Vạc. Có huyện có 2 trường hợp phụ nữ bị lừa bán đồng ý gặp phóng viên song họ ở cách 50 - 60km đường núi... Thời gian đi trên đường gấp nhiều lần thời gian làm việc”, Khánh Phương chia sẻ.

Nhà Báo Kiều Anh (giữa) đang tác nghiệp

Tuyên truyền phải có bản sắc

Phạm Ngọc Lâm, kỹ thuật viên duy nhất của nhóm tác giả, đã có buổi thảo luận kỹ với 2 nữ phóng viên trước khi lên Hà Giang và thống nhất là ghi hết mọi âm thanh, tiếng động hiện trường để làm nổi bật nội dung cần truyền tải. Chính vì thế, phóng sự sau khi lên sóng mang đủ mọi âm thanh sống từ thực tế, những âm thanh của thôn bản, tiếng cả gia đình dân tộc Mông cùng xúm vào tách hạt ngô, tiếng rót rượu mời khách của trưởng thôn, tiếng gia súc gia cầm, tiếng cười, tiếng khóc của trẻ nhỏ...

“Chúng tôi tâm đắc nhất khi gặp người phụ nữ 2 lần bị lừa bán, mỗi khi nhân vật kể, câu chuyện đều được phiên dịch lại bởi đồng nghiệp trinh sát người dân tộc Mông, nên cách dịch, ngữ điệu, giọng nói... đều mang giọng nói, âm sắc riêng, đặc trưng của người Mông. Khi dựng tác phẩm, kỹ thuật viên đã rất tâm đắc với phần dịch này. Về âm nhạc, người Mông phổ biến với tiếng khèn, tiếng sáo. Các bản nhạc vùng cao mà chúng tôi lựa chọn đa phần đều mang ý nghĩa tươi vui, mong cầu hạnh phúc, có nhiều trường đoạn phải sử dụng tiết tấu buồn, da diết…”, Ngọc Lâm cho hay.

Theo chia sẻ của nhóm tác giả, có nhiều nạn nhân bị lừa bán vào động mại dâm, suốt cả một thời gian dài trước khi được giải cứu, các em chỉ sống trong những căn phòng ở ngầm dưới mặt đất, không biết ánh sáng mặt trời, mọi hoạt động ăn uống, vệ sinh, tắm giặt, tiếp khách đều diễn ra trong những căn phòng dưới lòng đất, dưới sự giám sát của các tú bà tú ông và bọn tay chân. Số lượng phụ nữ, các em gái bị lừa bán qua biên giới nhiều tới nỗi có đối tượng phạm tội không thể nhớ hết tên, số người đã từng bị y lừa bán./.

 

Bình luận

    Chưa có bình luận