Chị đã chia sẻ với phóng viên Báo Tiếng nói Việt Nam về cuốn sách mà chị dành nhiều tâm huyết.
Như chị chia sẻ thì các truyện ngắn trong tập “Ở trọ phố phường” được chị viết rải rác trong khoảng 10 năm trở lại đây. Có phải công việc của một biên tập viên mảng văn nghệ đã thôi thúc chị sáng tác?
Nếu nói là tác phẩm đầu tay, có lẽ tôi viết nó từ thời học cấp 2. Rồi theo thời gian, tôi không giữ được niềm yêu mến buổi ban đầu ấy với văn chương. Nhưng như người ta nói, còn duyên thì còn gặp lại. Công việc của một biên tập viên văn nghệ đưa tôi trở lại với sáng tác văn học. Bắt đầu là những truyện ngắn viết cho thiếu nhi, rồi tản văn, và thành quả gần đây nhất là tập truyện ngắn “Ở trọ phố phường”. Tôi viết để tri ân cuộc sống bình thường mà tôi đang sống. Viết cũng là một cách để hiểu hơn tình cảm, suy nghĩ và lao động của người cầm bút, trân trọng hơn những tác phẩm mà các cộng tác viên đã tin cậy gửi về VOV6, trân trọng hơn sự đóng góp của các tác giả, bạn viết, bạn nghe đài dành cho làn sóng Văn nghệ Đài TNVN.
Qua những nhân vật của chị, tôi thấy nỗi ám ảnh của chị về cái cảnh phải đi thuê nhà, theo cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng?
Ông bà ta vẫn nói “An cư lạc nghiệp”. Có một nơi ở ổn định thì mới yên tâm lo làm ăn, phát triển sự nghiệp. Ông bà ta cũng nói “Tậu trâu, lấy vợ, làm nhà/ Trong ba việc ấy thực là khó thay”. Khao khát có một mái nhà vững chãi để che mưa, che nắng, được an tâm khi gió bão xoay vần, được nghỉ ngơi cùng gia đình sau một ngày làm việc mệt mỏi - đó là khao khát chính đáng và muôn thuở của con người bình thường chúng ta. Nhưng trong thực tế có người đến cuối đời cũng không lo nổi một mái nhà, dù nhỏ xíu. Những người trẻ tuổi từ các miền quê về thành phố để lao động, học tập, sinh sống, phần lớn họ phải đi thuê nhà. Nhiều người phải ở trọ trong những gian phòng tạm bợ, thiếu thốn tiện nghi sinh hoạt, mang tâm lý phụ thuộc, thậm chí bất an. Sự bất an này sẽ ảnh hưởng đến nhiều mặt khác của đời sống xã hội. Đó là hiện thực đã và luôn tồn tại ở các thành phố lớn, khi kinh tế thị trường phát triển, sự phân hóa giàu nghèo càng trở nên sâu sắc. Còn nghĩa bóng ư? Một nhân vật trong truyện ngắn của tôi khi vật vã ốm đau trong căn phòng trọ tồi tàn đã tự nhủ “Suy cho cùng cuộc đời con người cũng là ở trọ trần gian đấy thôi”. Ngày hôm qua không trở lại. Ngày mai chưa đến. Liệu ta có biết cách nắm chắc sợi dây hiện tại, chính ở khoảnh khắc này?
Nhân vật nữ chính trong truyện ngắn của chị đa phần là những cô gái rụt rè, sống nội tâm, không thức thời trước cơ chế thị trường nhưng vẫn cần mẫn, nghị lực vượt qua những khó khăn của cuộc sống để khẳng định mình… Có hình bóng chị trong các cô gái ấy?
Ở khoảnh khắc tuyệt vọng, một nhân vật trong truyện ngắn của tôi có cảm giác như “con tim bị cắt thành nhiều mảnh nhỏ, từng mảnh, từng mảnh rơi xuống nền đường, rồi bị cuốn đi theo dòng nước mưa đang xối xả”. Khi viết đến đấy, tôi cũng có cảm giác trái tim mình đang bị cắt thành nhiều mảnh nhỏ, những mảnh bất lực, đau đớn và hoàn toàn bị lãng quên giữa dòng đời. Nói vậy để thấy rằng người viết không thể đứng ngoài nhân vật. Nhưng người viết không thể can thiệp vào cuộc sống, vào những sự kiện, những bước phát triển tâm lý tính cách của nhân vật. Họ vẫn là những cá thể độc lập, có sự tồn tại riêng, dù chỉ là trong trang sách.
Chị có đặt ra mục tiêu trong sáng tác hay để cảm xúc tự nhiên đến thì mới viết?
Thi thoảng tôi có đặt những mục tiêu gần. Ấy là lúc tôi cảm thấy mình đang rất thoải mái, khỏe mạnh, và muốn viết. Khoảng còn lại thì tôi tự nhận mình lười biếng và đặc biệt thiếu kiên trì, theo ngôn ngữ dân gian là “cả thèm chóng chán”. Nói vui vậy để rút ra một điều rằng, mình thành công hay thất bại phần lớn đều do mình cả thôi, mình có đủ tài năng, tâm huyết và ý chí để theo đuổi mục tiêu hay không. Có một giai đoạn tôi viết khá tập trung, và càng viết càng thấy chữ gọi chữ, ý gọi ý, đề tài gọi đề tài. Nếu chỉ trông chờ vào cảm xúc tự nhiên thì theo thời gian những khoảnh khắc bừng sáng ấy sẽ càng hiếm đi. Nghề viết là nhọc nhằn, là trăn trở, là tự học tự thu nhận không ngừng. Điều ấy tôi rất thấm thía và hiểu những giới hạn của mình.
Những bài báo của chị rất chỉn chu về câu chữ. Phải chăng việc sáng tác đã giúp chị có được điều này?
Thời học phổ thông, năm nào tôi cũng đi thi học sinh giỏi văn dù chẳng đạt được thành tích gì đáng kể. Học xong đại học lại được làm việc đúng với chuyên ngành đào tạo. Tôi cũng tự thấy mình có một chút năng khiếu. Chưa nói đến sự tài hoa, cá tính, hay sáng tạo, chỉn chu về câu chữ là yêu cầu đầu tiên của người làm báo viết văn. Chữ là đối tượng, là phần công việc mà mình tiếp xúc hằng ngày, sao có thể cẩu thả được. Hơn nữa, Tiếng Việt vốn rất phong phú về nghĩa và các sắc thái biểu cảm. Đôi khi chỉ cần đặt sai một dấu câu, hạ nhầm một thanh âm, là nghĩa và biểu cảm đã khác rồi. Câu chữ được dùng đúng dùng hay, thì ngoài giá trị về nghĩa, nó còn đem lại khoái cảm. Tôi đã trải nghiệm điều này khi nhiều lần ở trong trạng thái lâng lâng hạnh phúc, thấy mình đã diễn đạt được những điều cần chia sẻ. Giữ gìn Tiếng Việt cũng là trách nhiệm của người viết.
Nghề báo giúp ích cho việc sáng tác của chị nhiều hơn hay ngược lại?
Thuở nhỏ tôi luôn mơ ước được đi nhiều nơi, khao khát trở thành một nhà báo. Ước mơ đã trở thành hiện thực. Nhưng nghề báo đâu phải chỉ gắn với những chuyến đi. Xê dịch nhiều rồi cũng có lúc muốn ngồi yên một chỗ. Nghề báo vất vả như bao nghề. Và cũng luôn có giới hạn. Sẽ là giả dối nếu tôi nói tôi luôn rực cháy đam mê với nghề. Có chứ, những lúc mệt mỏi, những khoảnh khắc thấy lòng chùng xuống. Song tôi luôn biết ơn nghề nghiệp. Bởi ở đó, tôi được lao động, được sáng tạo, được trung thực bộc lộ quan điểm của mình trước những vấn đề của đời sống xã hội. Công việc giúp tôi trưởng thành về nhận thức, thấy mình không đứng ngoài cũng như không được phép đứng ngoài những hạnh phúc, đớn đau hay bất hạnh trong cõi nhân sinh.
Tôi ý thức được trách nhiệm của một phóng viên - biên tập viên trên làn sóng Tiếng nói Việt Nam - làn sóng phát thanh Quốc gia. Tôi cũng luôn phân định rõ vai trò của mình khi làm báo hay viết văn. Mọi trải nghiệm đều có ích. Những sáng tác bé nhỏ của tôi, nếu có được, thì đó là một phần tinh thần của tôi, tôi luôn trân trọng, yêu quý và biết ơn tất cả!
Cảm ơn chị về cuộc trỏ chuyện!
Minh Thư thực hiện