Tây Bắc mùa mưa, lũ quét và sạt lở đất luôn thường trực, không chỉ mang đến lo lắng, bất an cho đồng bào vùng cao mà còn lắng lại những cảm xúc khó quên trong mỗi phóng viên khi vào hiện trường, chứng kiến những thiệt hại to lớn về người và của do thiên tai gây ra. Và họ đã truyền tải những ghi chép, cảm xúc ấy qua ngòi bút của mình, để lay động, kêu gọi cả cộng đồng hướng về "tâm lũ".
Những ngày tháng 6, mưa trút ầm ầm xuống ngay sau những ngày nắng như đổ lửa, nhà báo Hà Hùng Cường, Phóng viên Báo Yên Bái lúc nào cũng chuẩn bị sẵn bên mình các phương tiện tác nghiệp và đồ dùng cần thiết để bất cứ khi nào cũng có thể lên đường đi cơ sở ngay. Anh Cường chia sẻ: lũ quét, sạt lở đất ở miền núi Yên Bái luôn rất bất ngờ, gần như không thể lường trước, vậy nên cánh phóng viên luôn sẵn sàng "nhận lệnh", bất kể ngày hay đêm.
Ngẫm lại những kỷ niệm vào vùng lũ trong mười mấy năm làm nghề, Cường rưng rưng: “Tận mắt chứng kiến cảnh tượng tàn khốc mà những trận lũ kinh hoàng càn quét qua khiến những bản làng, khu dân cư vốn yên bình, nhộn nhịp bỗng tan hoang đổ nát; đối diện với những gương mặt, ánh mắt thất thần của đồng bào trong cảnh trắng tay, tài sản bao năm tích cóp đã bị dòng nước dữ cuốn phăng, đặc biệt là những gia đình vẫn đang trông ngóng từng phút, từng giờ mong tìm lại người thân mất tích… khiến lòng chúng tôi đau nhói, xót xa, đan xen rất nhiều cảm xúc cực kỳ khó tả…”.
7h sáng ngày 3/8/2018 là một ngày đặc biệt đối với Cường. Sáng sớm, tại thành phố Yên Bái nơi toà soạn Báo Yên Bái đóng chân, trời bắt đầu mưa nặng hạt. Cường nhận được lệnh của Trưởng phòng thông báo đi huyện vùng cao Mù Cang Chải làm về bão lũ. Mang máy ảnh, sổ ghi chép và ít đồ dùng cần thiết, Cường lên đường ngay. Trên suốt dọc đường, điện thoại liên tục đổ chuông, thông tin về số người thương vong liên tục tăng.
Xe dừng, Cường tranh thủ đi mua một đôi dép loại bộ đội hay dùng để tiện cho việc đi lại và tác nghiệp. Ngoài việc xác định đưa thông tin nhanh, chính xác về tình hình thiệt hại, công tác khắc phục hậu quả và tìm kiếm người bị nạn, Cường cũng lặn lội đến tận nơi những gia đình có người bị nạn hay bị mất nhà để xem cuộc sống của họ như thế nào, mong muốn của họ là gì?... Trong Cường, cứ ám ảnh mãi những câu hỏi: Không biết những người mất tích giờ ra sao, liệu có phép màu nào giúp họ vượt qua không? Rồi mai đây cuộc sống của những người vợ mất chồng, những đứa con mất mẹ, những cụ già mất nhà cửa, tài sản sẽ ra sao?
Những chi tiết, những hình ảnh ấy cùng những nỗ lực căng mình cứu dân, giúp dân của lực lượng chức năng và tình người trong lũ... đã được đăng tải nhanh chóng trên Báo Yên Bái, góp một phần vào việc kêu gọi cộng đồng sẻ chia, hướng về tâm lũ.
"Các phóng viên ai cũng mệt, thở dốc, chân tay lấm lem bùn đất nhưng nhìn khung cảnh tan hoang, bà con người thân, mất sạch nhà cửa, của cải thì ai cũng cảm thấy những vất vả, khó khăn kia chẳng thấm vào đâu so với “nỗi đau lũ quét” của đồng bào", Cường nói.
Mỗi trận lũ, mỗi vụ sạt lở đất ở Yên Bái xảy ra, đồng nghiệp luôn nhận ra nhà báo Đình Nguyên, Đài Phát thanh Truyền hình Yên Bái, dù nhiều lúc anh trùm áo mưa kín mít, bởi sự nhanh nhẹn, di chuyển hết sức linh hoạt và an toàn trên các triền dốc đứng trơn trượt, chực chờ ập xuống, hay bên những con suối ầm ào lũ dữ dội… Sức khỏe cho anh tác nghiệp nhanh đến mức khó ngờ, còn sự yêu nghề và tình thương với những hoàn cảnh bất hạnh nơi tâm lũ mang đến cho anh những tác phẩm hay, không chỉ đạt thứ hạng cao trong các giải báo chí Trung ương và địa phương mà còn có sức lay động lớn với cộng đồng. Tác phẩm “Đường của Thầy” giành Huy chương Vàng tại Liên hoan Truyền hình toàn quốc lần thứ 38 là một ví dụ.
Nhà báo Đình Nguyên chia sẻ, vào tháng 7/2018, khi đợt mưa lũ xảy ra, anh và đồng nghiệp trực tiếp lăn lộn trong vùng lũ, ghi lại được những cảnh một đoàn người dầm mình trong mưa trên cung đường sạt lở nghiêm trọng. Thoạt đầu các phóng viên chỉ nghĩ đó là những người dân đi lấy hàng về bán, khi hỏi ra thì toàn là các thầy giáo ở Trường Tiểu học Bán trú An Lương, huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái, gồm hơn chục người, dầm mình suốt 10 ngày trời trong mưa nắng bất thường, đu dây dưới vực sâu để gùi gần 3 tấn hàng về trường lo cho đàn em nhỏ khi trường bị cô lập.
Các phóng viên khi ấy đã nảy sinh ý tưởng của một tác phẩm hay. Tuy nhiên để hoàn thành phóng sự vô cùng xúc động ấy, nhà báo Đình Nguyên và đồng nghiệp đã phải lặn lội nhiều ngày nơi lũ vừa đi qua, đường sạt và tiếp tục lở, đi bộ cả ngày đường, luồn rừng mới có thể tiếp cận được hiện trường.
Nhà báo Đình Nguyên cho biết, tác nghiệp vùng lũ, ngoài sự can đảm, để hoàn thành nhiệm vụ, các phóng viên cần chuẩn bị không chỉ là phương tiện, đồ dùng một cách khoa học mà còn phải tranh thủ tìm hiểu nhanh các thông tin về địa bàn sắp tiếp cận để khi đến nơi không bối rối. Quá trình tác nghiệp không chỉ cần sự nhanh nhẹn, an toàn mà còn phải biết sắp xếp, phân tích tình huống để có được những thông tin đắt giá, chuẩn xác...
"Khi tiếp cận hiện trường mục tiêu cao nhất là tìm kiếm thông tin và truyền tải thông tin. Chúng tôi chắt lọc để xây dựng những tuyến tin bài. Đặc biệt khi có những thông tin mới, có tác động lớn thì chúng tôi sẵn sàng "dấn thân" để làm thêm những tuyến bài mang hơi thở cuộc sống trong đó", nhà báo Đình Nguyên nói.
Phóng viên nam đã rất vất vả khi vào vùng thiên tai, phóng viên nữ còn gặp trở ngại hơn nhiều phần. Thế nhưng các chị em vẫn sắp xếp công việc gia đình hợp lý, chuẩn bị sức khỏe cả về tinh thần và thể chất để "lên đường" bất kể khi nào.
Gần 4 năm trôi qua, phóng viên Mỹ Vân của Trung tâm Truyền thông và Văn hóa huyện Văn Yên vẫn còn nhớ như in trận lũ ống đột ngột đổ về Bản Lùng, xã Phong Dụ Thượng, huyện Văn Yên, cuốn trôi hết nhà cửa, tài sản, hoa mầu, trâu bò, lợn gà của người dân trong bản vào tháng 8 năm 2018. Khi ấy, đường xá bị chia cắt, cả xã Phong Dụ Thượng bị cô lập, không thể liên lạc do thiệt hại về hệ thống điện và viễn thông. Nhận nhiệm vụ phân công, Mỹ Vân cùng đồng nghiệp lên nhanh kế hoạch, chuẩn bị tư trang, máy móc để cùng lãnh đạo huyện trực tiếp tới địa bàn.
Vượt qua quãng đường gần 50km với nhiều điểm sạt lở, ách tắc, đoạn di chuyển bằng xe máy, đoạn thì đi mảng, đoạn thì đi bộ, đoàn công tác mới vào được đến bản Lùng. Lũ cuốn qua, cả bản làng tươi đẹp giờ chỉ là một bãi đá ngổn ngang, hoang tàn; không khí hoang mang, sợ hãi bao trùm cả bản.
Những câu chuyện được kể ngắt quãng trong nước mắt và ánh mắt sợ sệt, ngơ ngác của những em bé người Mông, người Tày khiến mọi người không khỏi thổn thức. Dưới cái không khí ngột ngạt ấy, Mỹ Vân và đồng nghiệp không quản vất vả, nguy hiểm, tìm từng góc quay, đến mức không ngại leo, bò trên từng nóc nhà hay những tảng đá lớn để ghi được những khuôn hình đắt giá với mong muốn có thể lột tả hết nỗi đau và sự mất mát của người dân nơi đây để kêu gọi được sự hỗ trợ, ủng hộ từ cộng đồng.
Theo Mỹ Vân, để đảm bảo an toàn khi vào vùng lũ, phóng viên nếu biết bơi sẽ là một lợi thế, bên cạnh đó cần phải trang bị cho mình trang phục bảo hộ cần thiết, nhất là áo phao. Khi vào đưa tin ở vùng nguy hiểm, nhất thiết phải đi cùng nhóm để có sự hỗ trợ lẫn nhau, nếu có được sự trợ giúp của lực lượng chức năng như bộ đội, công an… đi cùng thì sẽ an toàn nhất. Vị trí đứng tác nghiệp nhất thiết phải chọn nơi thuận lợi, có lối thoát đề phòng tình huống xấu xảy ra.
"Dấn thân vào vùng “tâm lũ” đối với phóng viên đã vất vả thì với nữ phóng viên không còn “son rỗi” lại càng khó khăn hơn. Tôi cũng như những nữ phóng viên khác của Trung tâm đang có con nhỏ, thế nhưng, khi nhận được lệnh “đi ngay, lũ lụt đang lên nhanh lắm…” chúng tôi đều sẵn sàng lên đường. Không có niềm động viên nào lớn lao hơn là khi mỗi bài viết, phóng sự, phản ánh của mình trở thành “cầu nối” để cộng đồng chia sẻ với người dân, giúp họ sớm vượt qua nỗi đau", Mỹ Vân chia sẻ.
Ông Trần Huy Tuấn, Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái cho rằng: Đội ngũ phóng viên, biên tập viên các cơ quan báo chí Trung ương và địa phương ở Yên Bái thời gian qua đã không quản ngại khó khăn, gian khổ, nhiều nhà báo đã luôn bám sát cơ sở, đến tận vùng sâu, vùng xa, vùng thiên tai lũ lụt, dịch bệnh để đưa tin nhanh nhất, kịp thời nhất đến độc giả, khán thính giả trong và ngoài nước.
"Những phóng viên hiện trường thực sự là những người lính thầm lặng trên mặt trận không tiếng súng để đem đến những thông tin nhanh nhất, chân thực nhất, đầy đủ nhất đã khắc phục nhanh chóng tình trạng tin giả, tin không chính thống, gây tâm lý hoang mang trong nhân dân", Ông Tuấn khẳng định.
Tây Bắc nói chung và Yên Bái nói riêng lại bước vào mùa mưa lũ và những anh chị em phóng viên chuyên mảng phòng chống thiên tai lại nhớ tới Đinh Hữu Dư, phóng viên Cơ quan thường trú Thông tấn xã Việt Nam tại Yên Bái, một phóng viên trẻ, quả cảm, nhiệt huyết, yêu nghề.
Cây cầu Thia bị sập ở thị xã Nghĩa Lộ, nơi Dư nằm lại vào mùa mưa lũ năm 2017 ấy, nay đã được khôi phục, những bước chân nơi Dư đi qua, hôm nay cuộc sống đã trở lại bình yên như vốn có, đau thương theo thời gian cũng dịu lại.
Tại những nơi ấy, bà con vẫn luôn nhớ tới những phóng viên tác nghiệp quên mình trong mưa lũ, họ không trực tiếp làm công tác cứu trợ nhân dân nhưng luôn kịp thời đưa đến cộng đồng thông tin về những thiệt hại, nỗi đau và khó khăn của đồng bào vùng lũ, qua đó mang tinh thần "tương thân tương ái", "lá lành đùm lá rách" đến nơi thiên tai đi qua, hàn gắn vết thương, đưa bình yên, no ấm trở lại những bản làng./.
Đình Tuấn/VOV-Tây Bắc