Nghề báo và trách nhiệm xã hội

Báo chí Cách mạng Việt Nam là bộ phận quan trọng trong công tác thông tin, tuyên truyền của Đảng và Nhà nước.

 

Báo chí là công cụ sắc bén tuyên truyền đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; đồng thời là cầu nối, kịp thời phản ánh những tâm tư, nguyện vọng, những nhu cầu cấp thiết của nhân dân. Nhân kỷ niệm 97 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam (21/06/1925 - 21/06/2022), Báo Tiếng nói Việt Nam phỏng vấn Đồng chí Đỗ Tiến Sỹ, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam, Đại biểu Quốc hội khóa XV. Xin trân trọng giới thiệu nội dung cuộc phỏng vấn:

 “Đưa sự thật một cách nhanh nhất” - Đồng chí có chia sẻ gì về triết lý cốt lõi ấy của nghề báo?

“Nghề báo xuất hiện từ trước công nguyên”, bắt đầu từ báo in rồi sau này đến phát thanh, truyền hình và báo điện tử. Dù có lịch sử phát triển dài lâu như vậy, với đa loại hình, đa phương tiện như vậy, nhưng triết lý cốt lõi của nghề báo vẫn không thay đổi, đó là “đưa sự thật một cách nhanh nhất”. Với tiêu chí nhanh nhất, đã có thời phát thanh là phương tiện truyền thông nhanh nhất bởi tính linh hoạt và phương tiện kỹ thuật đơn giản. Mặc dù truyền hình xuất hiện với tính hấp dẫn của hình ảnh đã phần nào lấn át và nỗ lực tác nghiệp của phóng viên truyền những hình ảnh tức thì về để phát sóng thì lợi thế nhanh nhất của phát thanh vẫn vượt trội. Nhưng khi báo điện tử xuất hiện, loại hình này đã soán ngôi, trở thành phương tiện truyền thông nhanh nhất bởi nó không phụ thuộc vào không gian tác nghiệp, khung giờ phát sóng và có ưu thế vượt trội về khả năng tương tác. Nhưng rồi báo điện tử lại bị mạng xã hội cạnh tranh quyết liệt. Nói về tốc độ truyền thông tin thì mạng xã hội cực nhanh, nhưng đó lại là những thông tin không được kiểm chứng. Rồi trào lưu báo chí công dân, ai cũng có thể trở thành người đưa tin. Mạng xã hội lan tràn những thông tin không được kiểm chứng, với những góc nhìn thiếu khách quan đôi khi đầy định kiến.

Ông Đỗ Tiến Sỹ, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam, Đại biểu Quốc hội khóa XV.Trong bối cảnh ấy, chúng ta cùng soi lại triết lý cốt lõi của nghề báo “đưa sự thật một cách nhanh nhất”, để thấy rằng triết lý ấy chưa bao giờ xưa cũ, nó đưa ra nguyên tắc hoạt động của nghề báo, vạch ra sứ mệnh của người làm báo.

 Một nửa sự thật không phải là sự thật. Trong đời sống báo chí, để đưa sự thật là cả một hành trình lao tâm khổ tứ. Trước hết, người làm báo phải có tâm, dám dấn thân để tìm ra sự thật. Đôi khi trong một mớ bòng bong những hiện tượng bề nổi, những mối quan hệ đan xen, tìm ra sự thật không dễ. Và khi biết được sự thật rồi, vượt qua được những cám dỗ, và cả sự đe doạ để đưa sự thật ấy ra công luận... đôi khi rất gian nan.

Rồi nhà báo phải có tầm. Tôi xin đơn cử câu chuyện từ thực tế. Hiện nay một số địa phương đã chuyển đổi mạnh mẽ từ một tỉnh thuần nông trở thành những nơi có khu công nghiệp phát triển. Những cái tên như Bắc Ninh, Bắc Giang trở thành một mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Để có được những thành quả đó, trong quá trình tích tụ đất đai để hình thành các cụm công nghiệp, các khu công nghiệp có nhiều chuyện đã xảy ra. Câu chuyện đền bù đất đai cho người nông dân luôn là “đề tài nóng”, bởi liên quan đến lợi ích sát sườn của từng gia đình... Có những thửa đất nguồn gốc không rõ ràng, chính sách đền bù không thể thỏa mãn hết những yêu cầu của người dân. Nếu người làm báo không tìm hiểu sâu, không có tầm nhìn thì rất dễ đưa ra một nửa sự thật, mà một nửa sự thật không phải là sự thật. Cũng có khi một người làm báo mắc lỗi đưa một nửa sự thật không phải vì một động cơ không trong sáng mà chỉ bởi quá vội vã để thông tin nhanh nhất mà tìm hiểu không đến nơi đến chốn...

Có một thực tế là ở những địa phương như Bắc Ninh, Bắc Giang hay Bình Dương - nơi trở thành mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu, người nông dân nhường đất cho các khu công nghiệp có cuộc sống tốt hơn nhiều. Trước kia, họ canh tác trên một sào đất, nông sản bán ra “rẻ như cho”; nay thu nhập hơn gấp nhiều lần nhờ cung cấp nguyên liệu thực phẩm bán cho bếp ăn của các khu công nghiệp. Các địa phương có khu công nghiệp đang trở thành đầu tàu, động lực cho nền kinh tế. Thu nhập bình quân đầu người của nhiều tỉnh nay cao gấp nhiều lần so với thời kỳ thuần nông. Sự thật to lớn ấy đôi khi người làm báo lại bỏ qua.  

Đi đến tận cùng sự việc để hiểu rõ và phản ánh đúng sự thật đòi hỏi người làm báo phải dấn thân, đối mặt với nhiều khó khăn, hiểm nguy. Nhưng đó là trách nhiệm với xã hội của người làm báo.

Nói về trách nhiệm xã hội của nghề báo, trách nhiệm ấy được thể hiện trong thời gian qua như thế nào, thưa đồng chí?

Trách nhiệm xã hội của nghề báo đã được thể hiện rõ nét, sinh động, đặc biệt là trong suốt hơn 2 năm qua, khi đất nước ta phải gồng mình chống dịch. Các cơ quan báo chí lớn của Đảng và Nhà nước, trong đó có Đài Tiếng nói Việt Nam với 4 loại hình báo chí: Phát thanh, truyền hình, báo in và báo điện tử đã tham gia tuyên truyền phòng, chống đại dịch với tinh thần đầy trách nhiệm.

PV tác nghiệp đưa tin về dịch bệnh Covid-19.Theo đánh giá của Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống Covid-19, các cơ quan truyền thông đã có nhiều nỗ lực. Báo chí tập trung tuyên truyền đảm bảo thống nhất, kịp thời, chính xác thông tin về tình hình, quan điểm chỉ đạo, giải pháp chống dịch hiệu quả của Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Quốc hội và Chính phủ, các đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Quốc hội. Các cơ quan truyền thông phản ánh kịp thời ý kiến của người dân, của các doanh nghiệp góp phần giúp Chính phủ có những điều chỉnh kịp thời chính sách, cách điều hành linh hoạt, phù hợp với thực tiễn... Và báo chí đã góp phần tạo sự đồng thuận trong toàn xã hội trong điều kiện muôn vàn khó khăn.

Dùng triết lý kinh điển để soi chiếu, trong suốt thời kỳ dịch bệnh, các nhà báo đã dấn thân nơi tuyến đầu để truyền về tòa soạn, cơ quan báo chí những thông tin sớm nhất về tình hình dịch bệnh, cùng những nỗ lực của ngành y tế, của cả hệ thống chính trị. Đó là những câu chuyện thực tế từ tâm dịch TP. Hồ Chí Minh; Bình Dương, Đồng Nai… Sự hy sinh quên mình, bất chấp hiểm nguy để chăm sóc bệnh nhân của các thầy thuốc; sự dấn thân của các tình nguyện viên nơi tuyến đầu chống dịch; những chiến sĩ quân đội, công an trở thành lực lượng phục vụ ngày đêm trong những ngày xã hội giãn cách… Rồi những góc khuất cũng bị phanh phui: Những việc làm khuất tất trong chương trình giải cứu công dân; việc trục lợi trong phòng, chống dịch liên quan đến Công ty Việt Á.

Trong bức tranh toàn cảnh sáng tối ấy vẫn rạng ngời thành tựu chống dịch của cả nước. Chúng ta đã khống chế thành công dịch bệnh, sớm đưa đất nước về “trạng thái bình thường mới”. Nói về sự dấn thân, trong những hoàn cảnh đặc biệt, giữa lúc hiểm nguy, trong cơn hoạn nạn là lúc có thể nhận thấy trách nhiệm của từng nhà báo. Ở Đài Tiếng nói Việt Nam, các phóng viên trong trang phục bảo hộ phòng dịch đã có mặt ở những bệnh viện tuyến đầu, ghi lại thời khắc sinh tử, kể lại những câu chuyện nhân văn từ tâm dịch. Và đã có những tác phẩm về đề tài này giành được giải báo chí lớn.  

Đồng chí nghĩ gì về vai trò của báo chí trong kỷ nguyên bùng nổ thông tin hiên nay ?

Tôi trở lại với triết lý cốt lõi của nghề báo.“Đưa sự thật một cách nhanh nhất” đã tạo sự khác biệt giữa truyền thông chuyên nghiệp và mạng xã hội.

Phóng viên tác nghiệp đưa tin về bão lũ.Trên mạng xã hội, mỗi giây lại có biết bao thông tin được tung ra. Những thông tin ấy thường không được kiểm chứng. Những thông tin ấy được nhìn qua lăng kính của một cá nhân và nhiều khi đầy định kiến. Những thông tin ấy cũng thường được thể hiện không theo một chuẩn mực nghề nghiệp cũng như không tuân theo các nguyên tắc đạo đức nhất định. Chẳng hạn như để “câu view”, nhiều cá nhân sẵn sàng đưa những thông tin, những hình ảnh làm tổn thương tập thể, cá nhân khác. Các nhà báo chân chính luôn có trách nhiệm với từng luận điểm, từng câu chữ của mình. Trong rừng thông tin bề nổi, nhà báo chắt lọc, phân tích, giúp công chúng hiểu bản chất sự việc. Và đôi lúc, phải cân nhắc lợi ích khi lan truyền một thông tin không sai nhưng có thể làm tổn thương một cộng đồng. Đó là một phần của đạo đức người làm báo Cách mạng. 

Tôi cho rằng khi mạng xã hội bùng nổ, đó chính là cơ hội cho nghề báo chuyên nghiệp. Mạng xã hội là kênh để báo chí chính thống lan tỏa những thông tin, mở rộng tương tác. Với triết lý “đưa sự thật một cách nhanh nhất”, báo chí chính thống là kênh kiểm chứng thông tin, tạo niềm tin cho công chúng.

Đó cũng là sứ mệnh của nghề báo, của người làm báo Cách mạng.

Trân trọng cảm ơn Đồng chí./.

Báo Tiếng nói Việt Nam

 

Bình luận

    Chưa có bình luận