Vỉa hè đang thực sự nuôi ai?

Loạt 4 bài 'Vỉa hè đang thực sự nuôi ai?" của VOV Giao thông, Đài TNVN được đánh giá cao tại Vòng chung khảo giải Báo chí Quốc gia 2021.

 

Tiếp nối các tuyến bài được đầu tư công phu trước đó, năm 2021, nhóm tác giả: Trang Công Tiến, Phạm Trung Tuyến, Nguyễn Hữu Thịnh, Chu Trung Đức, Nguyễn Hải Bằng (VOV Giao thông) thực hiện loạt 4 bài Vỉa hè đang thực sự nuôi ai ? được thính giả đặc biệt quan tâm và tác động không nhỏ tới ngành chức năng của thành phố.

Giải mã hấp lực từ vỉa hè

Nhà báo Hữu Thịnh chia sẻ, trước khi chiến dịch dẹp loạn vỉa hè được khởi xướng tại TP.HCM vào năm 2017 và Hà Nội vào năm 2018, Kênh VOV Giao thông đã có nhiều tuyến bài được đầu tư công phu nhằm thúc đẩy việc giành lại vỉa hè cho người đi bộ. Tuy nhiên, phải đến khi Hà Nội thực hiện việc giãn cách xã hội do sự bùng phát của đại dịch Covid-19,  vỉa hè mới thực sự được trả lại cho người đi bộ. Đây là dịp hiếm hoi để người dân tận hưởng không gian thoáng đãng trên vỉa hè, thành phố được trả lại vẻ đẹp vốn có. Thế nhưng, sau mỗi đợt giãn cách, các hoạt động giao thương kinh tế nối lại, vỉa hè lại biến dạng, nhếch nhác, bị xâm hại và tước đoạt công năng. Người đi bộ, trẻ em, người già, người khuyết tật bị đánh bật khỏi không gian được thiết kế dành cho họ. Trước thực tế trên, nhóm đã lần theo lợi ích kinh tế chính thức và phi chính thức liên quan tới vỉa hè, cụ thể nguồn thu từ vỉa hè là bao nhiêu, số tiền này được sử dụng ra sao? Ai đang trục lợi từ vỉa hè? Vỉa hè đang được áp dụng những chính sách quản lý và khai thác gây mâu thuẫn cho sự phát triển của thành phố như thế nào? Chính quyền đô thị đã nhìn nhận vỉa hè đúng vai trò và sứ mệnh của nó? Vì sao cứ hết cao điểm xử lý, đâu lại vào đấy?

 Khi đưa loạt bài lên các nền tảng truyền thông xã hội, có thính giả đã bình luận rằng, tại sao lại đặt một câu hỏi mà “ai cũng biết”? Nhưng theo lý giải của nhà báo Hữu Thịnh, những câu hỏi ấy gợi tò mò rất cao. Thính giả sẽ dõi theo từng bài viết để bám sát hành trình phóng viên đi tìm lời giải. Trong quá trình đó, mỗi thính giả, bạn đọc và chính nhóm tác giả cũng tự có một cách hiểu, một bức tranh tổng thể về vỉa hè. Vỉa hè bị lấn chiếm là trở lực cho sự phát triển của thành phố, nhưng khi nó được quản lý chặt, minh bạch và đúng mục đích thì nó chính là lời giải cho hàng loạt vấn đề đô thị khác. “Sự khác biệt của loạt bài chính là cách đặt vấn đề. Chúng tôi nhìn vỉa hè bằng tình yêu với thành phố này, và bằng cả góc nhìn của những người trục lợi, thỏa hiệp, dung túng cho vi phạm trên vỉa hè để giải mã hấp lực kỳ lạ từ vỉa hè” - nhà báo Hữu Thịnh cho hay.

Phóng viên Hữu Thịnh và Hải Bằng đang trao đổi công việc.

“Trắng tay” trong nhiều ngày

Nguồn thu từ vỉa hè, số tiền chung chi, tiền “trà nước” để được kinh doanh, lấn chiếm vỉa hè là chủ đề nhạy cảm, không phải ai cũng sẵn sàng mở lòng chia sẻ. Theo nhà báo Chu Đức, quá trình triển khai đề tài, nhóm gặp khó ngay từ đầu. Đó là làm thế nào để tiếp cận được các nhân vật trục lợi từ vỉa hè để nghe chính họ kể về quá trình trục lợi? Có những mũi phóng viên “trắng tay” trong nhiều ngày. Tuy nhiên, bằng sự kiên trì và áp dụng nhiều biện pháp nghiệp vụ, kỹ năng phỏng vấn, ghi âm, ghi hình khác nhau, dù quá trình khảo sát kéo dài hơn dự tính nhưng cuối cùng nhóm phóng viên cũng thu thập được đủ tư liệu từ những người trông giữ xe trái phép, kinh doanh dịch vụ lấn chiếm trái quy định trên vỉa hè và cả lực lượng thực thi công vụ. Có một chi tiết không đúng dự kiến là sau khi làm việc với cơ quan chức năng, nhóm nhận thấy chưa có sở, ngành nào của Hà Nội nắm bắt được nguồn thu thực tế của việc cho thuê vỉa hè trên toàn địa bàn là bao nhiêu. Chỉ có lác đác vài quận, huyện báo cáo số liệu thực tế. Vì vậy, nhóm đã bỏ công sức và thời gian để tìm hiểu, đối chiếu diện tích vỉa hè được cho thuê với giá thu thực tế trên mỗi m2 tại các quận để “tính nhẩm hộ” Hà Nội và ra được con số không quá 25,5 tỷ đồng/năm, chỉ bằng 1/3 số tiền Hà Nội bỏ ra để chỉnh trang, lát lại đá bờ hồ Hoàn Kiếm. Việc “tính hộ” này đã giúp tuyến bài khai thông được một mạch lớn để tiếp tục mở rộng.

 Nhà báo Hải Bằng bổ sung thêm, nhóm tác nghiệp trong thời điểm dịch bệnh diễn ra căng thẳng, việc tiếp cận nhân vật để phỏng vấn trực tiếp bị hạn chế và các thành viên trong nhóm đối mặt với việc có thể thể nhiễm Covid-19  bất cứ lúc nào. Một số chuyên gia không đồng ý phỏng vấn trực tiếp mà chỉ trả lời qua điện thoại, dẫn đến hạn chế trong việc biểu đạt cảm xúc, kiến giải một cách chân thực nhất. Bên cạnh đó, một số đối tượng trục lợi vỉa hè rất đề phòng và manh động, đặc biệt là tại các bãi giữ xe lậu, nhóm phải phân công ít nhất 2 người đi cùng để hỗ trợ nhau, nhằm đảm bảo an toàn trong quá trình tác nghiệp. Khó khăn nữa là cách giao tiếp kiểu “câu giờ”, cậy quen biết, trả lời “đẩy quả bóng trách nhiệm”, chưa đưa ra được giải pháp dứt điểm từ chính quyền địa phương, các cơ quan chức năng cũng khiến một số thời điểm đề tài gặp khó. Việc xử lý một số lượng dữ liệu liên quan tới các bộ luật, quy định, nghiên cứu, báo cáo về vỉa hè cũng đòi hỏi các thành viên phải dành thời gian để hệ thống lại.

Chọn phương pháp làm thích hợp

Nhà báo Chu Đức chia sẻ, trong quá trình tác nghiệp, nhóm đã thu thập được nhân chứng cung cấp thông tin về việc đưa và nhận tiền chung chi để sử dụng vỉa hè, nếu đưa vào bài viết sẽ có sự thuyết phục rất lớn. Thế nhưng, điều này lại không đảm bảo cho sự an toàn của nhân chứng, vì vậy khi sử dụng tư liệu để viết bài, nhóm rất cân nhắc. “Chúng tôi thận trọng trong tất cả các hoạt động tác nghiệp. Khi chụp ảnh, quay phim, chúng tôi thực hiện từ xa, nếu lại gần thì rất kín đáo và luôn có sự tương trợ. Dù nhóm không bị đe dọa nhưng áp lực rất lớn. Áp lực đến từ việc vừa đi sâu vào một đề tài liên quan lợi ích nhóm, vừa phải đảm bảo được độ hấp dẫn, chân thật, thuyết phục được người nghe, vừa giữ được an toàn cho tất cả nhân vật phỏng vấn và của chính các phóng viên. Đâu đó, cũng có những tác động từ một số đối tượng về các mối quan hệ nào đó, song được sự quán triệt và tín nhiệm tuyệt đối từ Ban giám đốc Kênh, chúng tôi không coi đó là một trở ngại. Tuyến bài này chúng tôi đã lựa chọn phương pháp làm thích hợp nên không đến nỗi nguy hiểm như nhiều người nghĩ” - Chu Đức khẳng định.

Phóng viên Chu Đức phỏng vấn nhân vật.Với một đề tài có nhiều công việc, làm việc nhóm sẽ là cách làm hiệu quả. Nhà báo Hải Bằng cho biết, các thành viên trong nhóm có sự phối hợp khá nhịp nhàng và có tính chuyên môn hóa cao, phát huy được thế mạnh của từng thành viên. Ngoài người chấp bút, còn có sự đóng góp của các mũi khảo sát hiện trường; những người chụp hình, quay tư liệu, lấy tiếng động nền; đội ngũ phát thanh viên thể hiện ra chất của tác phẩm phóng sự; rồi người dàn dựng, những “phù thủy âm thanh”, và những người hiệu đính, nâng tầm cho tác phẩm. Cho tới những tiếng cuối trước khi phát sóng, nhóm vẫn tiếp tục tìm kiếm thêm tư liệu minh họa cho bài viết. Để thực hiện thành công loạt bài 4 kỳ này, mỗi thành viên trong nhóm là một mắt xích trong chuỗi dây xích năng lực, kinh nghiệm,… để thực hiện công việc một cách tốt nhất.

“Ngoài việc hệ thống, đúc rút từ nhiều bài viết về vỉa hè mà VOVGT đã đề cập từ trước tới nay, loạt bài Vỉa hè đang thực sự nuôi ai? có thêm nhiều dữ liệu, cách tiếp cận mới và cách thể hiện mới trên nhiều nền tảng số của VOVGT. Loạt bài mới là được nhiều thính giả, độc giả ủng hộ và chia sẻ. Điều này cho thấy nhận thức của người dân về vỉa hè và văn minh đô thị đã có những thay đổi tích cực”.

Ông Trang Công Tiến, Giám đốc Kênh VOV Giao thông.

        Vĩ thanh

Điều đáng mừng là sau khi loạt bài được phát sóng đã tác động tới ngành chức năng của thành phố, đặc biệt là những địa điểm có vỉa hè bị lấn chiếm được đề cập trong tuyến bài đã bị lực lượng thực thi pháp luật dẹp bỏ. Thế nhưng theo nhà báo Hữu Thịnh: “Sự dẹp bỏ này chưa triệt để, và đó là điều mà chúng tôi trăn trở. Chúng tôi hiểu được rằng, việc thay đổi tư duy và hành vi, bóc tách những mối quan hệ xin-cho, lợi ích kinh tế ngầm phía sau vỉa hè, thúc đẩy việc ứng xử phù hợp với vỉa hè từ phía chính quyền đô thị sẽ không thể là chuyện ngày một, ngày hai. Nhưng chúng tôi nghĩ, mưa dầm sẽ thấm lâu và câu chuyện này sẽ được chúng tôi tiếp tục đề cập”.

Trước nay, thính giả rất quan tâm đến việc vỉa hè được đối xử như thế nào? Theo nhà báo Chu Đức, lượng tương tác với các chủ đề về vỉa hè gần như cao nhất trên hệ thống đo của fanpage VOV Giao thông. Loạt bài này cũng không ngoại lệ. Nhiều ý kiến khích lệ đã trở thành động lực để nhóm tiếp tục mở rộng và đào sâu các chủ đề. Chúng tôi cảm thấy may mắn khi được Hội đồng Giải báo chí Quốc gia xét giải. Đây là vinh dự không chỉ của riêng nhóm tác giả, mà cón là niềm tự hào của Kênh VOV Giao thông, Đài TNVN nói chung. Điều đó cũng cổ vũ chúng tôi tiếp tục sứ mệnh luôn đồng hành với thính giả cả nước trong các vấn đề giao thông, dân sinh trong suốt hơn 1 thập kỷ đã qua”./.

Khi giao nhiệm vụ cho nhóm phóng viên thực hiện loạt bài “Vỉa hè đang thực sự nuôi ai?”, chúng tôi đã trao đổi kỹ về góc tiếp cận, khai thác thông tin triển khai loạt bài. Chúng tôi yêu cầu nhóm thực hiện đề tài cần làm rõ câu hỏi: Vỉa hè đang thực sự nuôi ai? Đem lại nguồn thu cho những ai và có thực sự phục vụ người dân hay không? Tôi đánh giá cao việc tác nghiệp của phóng viên dù khi đó trong thời điểm dịch bệnh Covid-19 căng thẳng, nhưng nhóm đã tiếp cận được nhiều người, đem lại nguồn thông tin phong phú. Thậm chí các bạn còn tiếp cận được nhân chứng cung cấp thông tin về việc đưa và nhận tiền chung chi để sử dụng vỉa hè. Thế nhưng nếu đưa nguồn tin này vào bài viết sẽ khiến người cung cấp thông tin gặp nguy hiểm. Sau khi cân nhắc kỹ nhóm đã giữ lại thông tin này mà không sử dụng. Điều này cho thấy sự trưởng thành của các bạn, họ đã biết cân bằng lợi ích giữa mục tiêu mà mình đạt được với sự an toàn của người cung cấp thông tin. Dù loạt bài chưa trả lời được câu hỏi trách nhiệm cụ thể của người đã để vỉa hè bị chiếm giữ như hiện nay, nhưng chúng tôi xác định đây là đề tài trường kỳ để VOV Giao thông tiếp tục trở lại”. 

Ông Phạm Trung Tuyến, Phó Giám đốc Kênh VOV Giao thông.

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận