Đóng góp vào thành công ấy là công tác truyền thông, trong đó không thể không kể đến vai trò của VOV tham gia với đầy đủ các loại hình báo chí.
Tạo đà cho việc phối hợp làm việc nhóm giữa các đơn vị
Nhà báo Phạm Công Hân, Phó Tổng biên tập Báo Điện tử VOV.VN chia sẻ, từ cuối tháng 4, anh được lãnh đạo Đài TNVN giao nhiệm vụ là Trưởng nhóm điều phối phóng viên khối phát thanh và báo điện tử. Anh đã tổ chức cuộc họp với các đơn vị trong Đài tham gia để phân công nhiệm vụ, làm sao cho việc phối hợp giữa các đơn vị trong Đài diễn ra nhịp nhàng, ăn ý và thuật lợi nhất. “Tôi lập nhóm zalo và đưa những thành viên tham gia vào nhóm. Ngoài các cuộc họp trực tiếp, hằng ngày, tôi chỉ đạo, phân công công việc trên zalo mọi nơi, mọi lúc. SEA Games 31 diễn ra trong 2 tuần, thời gian không quá dài nhưng công việc dồn dập nên cũng gây áp lực cho những người thực hiện. Có ngày cao điểm diễn ra nhiều môn thi đấu, chúng tôi phải lựa chọn môn trọng điểm để tập trung phản ánh. Những môn được nhiều khán, thính giả quan tâm, tôi phân công 2-3 phóng viên cùng theo dõi như: bóng đá, điền kinh, bơi lội... Phóng viên tham gia phản ánh trực tiếp tại sự kiện không nhiều, lại cùng một lúc phải làm tin, bài cho phát thanh, điện tử, báo in, thậm chí truyền hình nên sức làm việc của các bạn phải gấp nhiều lần ngày thường mới có thể đáp ứng công việc được giao” - nhà báo Phạm Công Hân chia sẻ.
Để các kênh sóng cũng như báo điện tử lấy tin, bài được nhanh nhất, phóng viên gửi tin, bài, ảnh, clip... trực tiếp lên zalo và những người trực ở nhà có thể dễ dàng lựa chọn những thông tin mà đơn vị mình cần. Theo nhà báo Công Hân, hơn 2 tuần làm việc, VOV đã phản ánh được đầy đủ, toàn diện, cập nhật nhanh nhất những thông tin về SEA Games trên các kênh sóng và nền tảng kỹ thuật số của các đơn vị. Qua SEA Games, VOV đã làm nổi bật được sự cố gắng của Việt Nam trong việc tổ chức một kỳ SEA Games thành công trong bối cảnh dịch bệnh vừa trầm lắng nhưng vẫn chưa hết. VOV cũng cho khán giả thấy, kỳ SEA Games này, chúng ta không đặt nặng thành tích mà đề cao tinh thần cao thượng của thể thao, sự minh bạch trong thi đấu. Ngoài ra, VOV cũng phản ánh đầy đủ công tác hậu cần, hoạt động của đội ngũ tình nguyện viên, của đội ngũ văn nghệ sĩ; cảm nhận, đánh giá của VĐV, HLV các đoàn thể thao về công tác tổ chức, quảng bá hình ảnh đất nước và con người Việt Nam... “Sự phối hợp giữa các đơn vị trong Đài để phản ánh SEA Games 31 đạt hiệu quả cao đã cho chúng ta những bài học quý trong việc phối hợp nhóm lần sau, không chỉ trong việc đưa tin về thể thao mà còn cả những sự kiện chính trị, kinh tế, văn hóa... ” - nhà báo Công Hân nhấn mạnh.
Một trong những đơn vị của Đài TNVN được đánh giá cao trong truyền thông về kỳ SEA Games 31 là Đài Truyền hình kỹ thuật số (VTC). Ông Ngô Văn Nam, Phó Giám đốc Trung tâm Sản xuất chương trình thể thao - giải trí VTC chia sẻ, mặc dù VTC gặp những khó khăn nhất định trong việc mua gói “tín hiệu sạch” phát sóng các trận đấu diễn ra tại SEA games. Thế nhưng, đây là kỳ SEA Games tổ chức trên sân nhà, để có thể phục vụ người hâm mộ thể thao một cách tốt nhất, lãnh đạo Đài VTC cùng lãnh đạo Trung tâm đã quyết tâm mua được gói “tín hiệu sạch”, và cuối cùng đã đàm phán thành công với giá 680 triệu đồng. Thuận lợi của VTC là có đội ngũ nhân lực, từ lãnh đạo đến phóng viên, biên tập viên, kỹ thuật viên... kỳ cựu, trưởng thành qua mỗi sự kiện thể thao, có phong cách làm việc chuyên nghiệp. 3 lãnh đạo Trung tâm là nhà báo Quang Huy, Tam Điệp và Ngô Văn Nam là những người gắn bó lâu năm với trung tâm, có kinh nghiệm chỉ đạo tác chiến, từ việc mua gói “tín hiệu sạch” của các sự kiện thể thao đến việc chỉ đạo, tổ chức sản xuất các chương trình thể thao lớn. Từ năm 2005 đến nay, VTC chưa bỏ qua kỳ SEA Games nào. Không chỉ SEA Games, VTC còn không bỏ qua sự kiện thể thao lớn như World Cup, ASIAD và Olympic.
Không có gì ngạc nhiên khi những chương trình thể thao phản ánh SEA Games 31 của VTC luôn được khán giả đón đợi. Nhiều khán giả chờ đợi Bản tin SEA Games vào lúc 11h50’ và 19h30’ hằng ngày (diễn ra từ ngày 12 - 23/5); và chương trình Toàn cảnh SEA Games 22h15 hằng ngày (từ ngày 13 - 23/5). Những chương trình tường thuật, bình luận về SEA Games 31 trên các kênh sóng VTC1, VTC3, VTC8... và trên các nền tảng kỹ thuật số của VTC cũng thu hút đông đảo khán giả. Có những trận đấu được khán giả quan tâm như những trận đấu của Đội tuyển bóng đá nam U23 đạt lượng rating rất cao, trên 10 chấm. Những chương trình bình luận các trận đấu bóng đá nữ, bóng chuyền, vật... có lượng người xem đồng thời đạt hơn 100 nghìn người xem.
Phóng viên trưởng thành trong tác nghiệp
Phóng viên Ngô Đức, VOV2, từng tác nghiệp tại những sự kiện thể thao quốc tế ở nước ngoài, tuy nhiên khi tác nghiệp tại SEA Games 31 diễn ra trên sân nhà, anh rất háo hức. Nhưng sau háo hức là áp lực. “Tôi làm việc ở kênh phát thanh, nhưng cũng có nhiệm vụ sản xuất tin, bài cho nhiều kênh sóng khác của Đài TNVN. Để đảm bảo tính kịp thời, chính xác, hấp dẫn cho các sản phẩm phát thanh thôi đã tiêu tốn rất nhiều năng lượng rồi. Tôi và anh chị em đồng nghiệp trong team SEA Games 31 vừa theo dõi diễn biến, kết quả để gõ text, vừa chụp ảnh, quay video, vừa không thể rời mắt khỏi điện thoại bởi các BTV của Kênh Thời sự (VOV1) có thể gọi điện thoại bất cứ lúc nào để nối cầu trực tiếp, yêu cầu miêu tả không khí cổ động viên, yêu cầu thông báo tin vui huy chương, hay đề nghị giao lưu với chủ nhân của tấm huy chương đó. Ban Tổ chức sắp xếp khu vực riêng biệt cho phóng viên ảnh, phóng viên viết, khu vực phỏng vấn mixed zone, thế nên nhiều khi tôi cũng phải trở thành một “VĐV điền kinh” để có mặt đúng nơi, đúng thời điểm. Sự thi đấu thành công của các VĐV như tiếp thêm năng lượng để chúng tôi hoàn thành tốt công việc được giao” - Ngô Đức chia sẻ.
Phóng viên Trường Giang, VOV Đông Bắc chia sẻ: “Mặc dù đây không phải là lần đầu chúng tôi tác nghiệp ở các sự kiện quốc tế nhưng với sự kiện có quy mô lớn, thời gian dài và nhiều yêu cầu đối với việc tác nghiệp như SEA Games 31 thì đây là lần đầu. Chúng tôi không phải là phóng viên chuyên phụ trách mảng thể thao, nhưng việc đã quen tác nghiệp cùng lúc nhiều loại hình cũng là một lợi thế. Từ khi SEA Games chuẩn bị diễn ra, các đơn vị đầu mối của Đài đã có một group chung trên zalo, trao đổi từng phút về các chỉ đạo cũng như yêu cầu của từng kênh đối với các phóng viên. Điều này giúp tôi có thể nắm bắt vừa tổng thể vừa cụ thể, qua đó đáp ứng nhanh nhất các sản phẩm cho phát thanh, báo điện tử, truyền hình. Tại Quảng Ninh diễn ra 7 môn thi đấu, trong đó các địa điểm tương đối xa nhau (gần khoảng 15km, xa 60km), nên việc di chuyển cũng là một khó khăn khi có nhiều môn thi đấu cùng lúc, thời gian đấu từ 6h sáng đến 21h tối, đòi hỏi chúng tôi phải sắp xếp và phân công công việc chi tiết cho từng ngày. Thêm vào đó, phần lớn các môn tổ chức ngoài trời, trên bãi biển, thời tiết có ngày nắng nóng, ngày mưa lớn ảnh hưởng đến điều kiện tác nghiệp. Nhóm phóng viên thường trú hỗ trợ nhau tối đa, nhưng trong điều kiện có nhiều môn thi đấu, phần lớn một phóng viên sẽ tác nghiệp nhiều loại hình một lúc. Vừa theo dõi để “chớp” những khoảnh khắc đắt giá, quay clip, vừa suy nghĩ luôn nội dung để sẵn sàng kết nối trực tiếp trên sóng cũng là một thử thách. Đặc biệt là khi thời gian phát sóng các bản tin lại rơi trúng vào thời điểm trận đấu đang gay cấn hoặc lễ trao huy chương. Hoặc là vừa chụp các diễn biến trên sân, vừa sử dụng các thiết bị máy ảnh, điện thoại để chuyển hình ảnh cho tường thuật trực tiếp trên báo điện tử. Chúng tôi cố gắng để không lỡ bất cứ hoạt động nào. Một trong những khó khăn nữa đối với phóng viên thể thao “tay ngang”, đó là phải giữ cảm xúc trong bất cứ tình huống nào. Chúng tôi vừa là phóng viên, vừa là một khán giả có tinh thần cổ vũ cho đội nhà. Do vậy, trong những tình huống lật ngược tình thế, những pha bóng đẹp, những phút giây chiến thắng,… thì cần phải “kiềm chế” không bị cuốn theo cảm xúc ăn mừng, Việc tác nghiệp tại SEA Games đã để lại cho chúng tôi những kinh nghiệm đáng quý trong quá trình làm nghề.
Theo Dương Thuật, phóng viên của VOV.VN: “SEA Games 31 diễn ra ở nhiều địa điểm cách khá xa nhau nên phóng viên vất vả trong việc di chuyển. Có trận đấu diễn ra ở Việt Trì, tôi từ Hà Nội lên đưa tin xong lại phải quay về ngay để hôm sau kịp đi làm. Tác nghiệp tại SEA Games 31, tôi không chỉ viết tin bài cho báo điện tử mà còn biết cách làm tin, bài cho các thể loại báo chí khác trong Đài, vì vậy tôi học hỏi được nhiều điều từ đồng nghiệp, ví như tôi biết cách chụp ảnh đấu kiếm, hay đấu vật như thế nào cho đẹp. Tham gia tác nghiệp SEA Games 31 giúp tôi trưởng thành hơn”.
“Các phóng viên ở cả 4 loại hình báo chí của Đài đã theo sát các điểm thi đấu ở Hà Nội và các địa phương để cập nhật tin nhanh, đa dạng có góc nhìn bình luận, đánh giá rất sát với từng trận đấu, từng môn thi đấu và vận động viên. Các sản phẩm báo chí đã đáp ứng nhu cầu của công chúng, chính vì vậy số lượng người xem truyền hình VTC, người theo dõi thông tin trên các kênh phát thanh, các báo điện tử, nền tảng số của VOV, đặc biệt là các buổi phát thanh, truyền hình tường thuật trực tiếp các trận bóng đá tăng mạnh. Các nhà báo VOV đã vượt qua những khó khăn để có thông tin nhanh nhất, nhiều nhất trên VOV” . Ông Đồng Mạnh Hùng, Trưởng ban Thư ký Đài TNVN
|