Nhà văn Trần Văn Thước: Cộng tác với đài để quen biết với thính giả xa gần

Đô thị hóa nông thôn đã đem đến cho làng quê nhiều phương tiện liên lạc hiện đại, nhưng nhà văn Trần Văn Thước vẫn giữ thói quen nghe Đài TNVN.

 

Mỗi buổi tối, chiếc đài như người bạn gắn bó trò chuyện cùng ông, chia sẻ cùng ông.

Không chỉ là thính giả chăm chú theo dõi làn sóng Đài TNVN, nhà văn Trần Văn Thước còn có thời gian dài cộng tác với chuyên mục Chuyện kể ở đại đội của chương trình phát thanh Quân đội nhân dân chủ nhật hằng tuần. Ông cười hóm hỉnh rằng không nhớ đã nhận được bao nhiêu nhuận bút từ chuyên mục này, nhưng những câu chuyện ông sáng tác gửi tới chương trình lên tới cả trăm, và đó là một kỉ niệm đẹp của ông với Đài. Qua những Chuyện kể ở đại đội được phát sóng đó, ông làm quen với nhiều thính giả xa gần. Nhiều người cho rằng ông từng đi bộ đội, hoặc đang trong quân ngũ thì truyện mới có trải nghiệm chân thật, hóm hỉnh và sâu sắc đến thế.

Mảng văn học nghệ thuật trên sóng phát thanh cũng được nhà văn Trần Văn Thước chăm chú theo dõi, thuộc từng tên chương trình, giờ phát sóng. Nhà có ti vi nhưng ông chỉ nghe đài, nghe nhiều vào ban đêm. Qua các bài thơ, truyện ngắn, bút ký, tiểu thuyết, bài phê bình, ông biết đến nhiều cây bút, nhiều nhà văn nhà thơ ở trong và ngoài nước. Thi thoảng, Trần Văn Thước gửi truyện ngắn đến chương trình Đọc truyện đêm khuya. Gửi một cách lặng lẽ, như một thính giả từ xa. Có truyện được đọc, có truyện không. Có truyện ông không gửi, nhưng bất ngờ thấy phát thanh viên đọc. Là do trong quá trình chọn truyện, biên tập viên thấy tác phẩm của ông phù hợp, ý nghĩa, giọng văn mềm mại trong sáng. Nhuận bút của Đài vốn ít ỏi, nhưng ông luôn trân trọng và tự hào bởi tác phẩm của mình được ghi nhận, được đến với thính giả của nhiều vùng miền đất nước, bản thân ông được góp phần bé nhỏ vào Tiếng nói Việt Nam.

Vơ chồng nhà văn Trần Văn Thước cùng bạn bè văn chương đến chơi nhà.Là một thính giả, một cộng tác viên quen thuộc và lặng lẽ, ngoài cái tên Trần Văn Thước và địa chỉ Vũ Lăng, Tiền Hải, Thái Bình đề ngoài phong bì thư, mấy ai biết được hoàn cảnh riêng của nhà văn như thế nào. Chỉ có thể nói đó là một con người đặc biệt, một nhà văn vượt lên số phận, kiên trì với con đường đi đầy thử thách, và đã gặt hái không ít thành công. 

***

Hơn 40 năm đã trôi qua, song nhà văn Trần Văn Thước vẫn nhớ như in buổi sáng định mệnh ngày 7/7/1979 tại nhà máy xe lửa Lương Sơn - Thái Nguyên. Trần Văn Thước khi đó ở tuổi 25 đang cùng đồng nghiệp dựng nhà ăn cho cơ quan. Một đầu vì kèo rơi xuống, trúng vào lưng anh. Thế là anh ngã xuống, ngất đi. Vào bệnh viện, bác sĩ chẩn đoán đứt tủy, chấn thương cột sống nặng. Thêm cấp cứu sai tư thế. Điều kiện y tế những năm 70 - 80 của thế kỷ trước có giới hạn. Trần Văn Thước được đưa từ bệnh viện ngành đến bệnh viện tỉnh, rồi bệnh viện tuyến Trung ương. Hơn 5 năm trời ròng rã, với những đau đớn triền miên, nhiều lần tưởng cầm chắc cái chết. Người đàn ông vốn khỏe mạnh, sôi nổi, là trụ cột trong gia đình bỗng chốc trở thành tàn phế, với tỉ lệ thương tật hơn 80 %. “Chấp nhận” là điều mà Trần Văn Thước buộc phải đối diện, buộc phải vượt lên, với rất nhiều đau đớn.

Giờ đây, sau bao nhiêu năm cố gắng, Trần Văn Thước hài lòng với những gì mà hai vợ chồng đã xây dựng. Một ngôi nhà nhỏ nằm ngay đầu làng, với cửa chính và cửa sổ luôn mở rộng. Ba người con học hết đại học, có nghề nghiệp tử tế, dựng vợ gả chồng, cháu nội ngoại đủ cả. Trần Văn Thước còn có thêm một gia tài riêng, một “cơ ngơi” riêng trong làng văn chương Việt.  

Người dân xã Vũ Lăng đã quen thuộc với hình ảnh người đàn ông gầy gò tựa vào nạng đứng sau khung cửa gỗ, hai tay tì lên cái hòm đạn - kỉ vật của người em trai mang từ chiến trường về. Hòm đạn được đặt trên mặt tủ cũ kỹ. Bên trái ông là cái tủ kính cũng cũ kỹ và bé xíu bày hàng tạp hóa, đằng sau ông lủng lẳng những bao những túi ni lông đựng bim bim, bỏng gạo, có cả bóng bay và những viên bi nhiều màu sắc - thứ đồ chơi quen thuộc của con trẻ. Chiếc bút trên tay ông chạy nhanh. Gương mặt ông như đắm chìm vào một thế giới khác. Có ai đến hỏi mua hàng, ông ngừng lại, và rất nhanh nhẹn, với tay sang bên phải, bên trái, phía trước, đằng sau để lấy đồ, rồi tính tiền, trả lại tiền thừa.

Cứ như thế. Vừa bán hàng vừa viết. Từ khung cửa sổ nhỏ, từ chiếc bàn viết đặc biệt, hai tiểu thuyết, hàng trăm truyện ngắn và bút ký, tiểu phẩm “Chuyện kể ở đại đội” đã ra đời. Nhiều tác phẩm tạo được tiếng vang như bút ký “Xin hãy nghe” (in năm 1988 trên báo Văn nghệ). Nhiều truyện ngắn được bạn đọc nhớ mãi, như “Tháng ba thương nhớ”, “Tráng sĩ gà”, “Trạm xá làng”, “Về một miền quê khắc khoải” với văn phong đẹp, sâu lắng. Những giải thưởng truyện ngắn, bút ký từ các báo, tạp chí và nhiều cuộc thi khác xác lập một chỗ đứng riêng cho nhà văn Trần Văn Thước. Ông viết về nông thôn, về cái làng của mình, về những con người xung quanh ông trong một tâm thế văn hóa, phản ánh hiện thực cuộc sống và tâm hồn của họ, tôn vinh họ. Chất liệu cho những trang văn được chắt lọc từ những câu chuyện làng quê, được xây dựng từ trải nghiệm và suy tư của chính ông - một người từng xa quê rồi lại trở về, được bao bọc trong đó, vươn lên từ trong đó. Một nông thôn với không ít nỗi niềm xót xa trắc ẩn, những thân phận bị xô đẩy, bị oan ức, song ở họ luôn nhân hậu, ấm áp, biết vượt lên và biết tha thứ. Một nông thôn đầy ánh sáng, màu sắc, âm thanh và mùi hương ruộng đồng.

Có ai nghe thấy một tiếng vọng

Thì thả con thuyền sang với tôi*

Cùng với điểm tựa gia đình, văn chương đã giúp Trần Văn Thước vượt qua khủng hoảng tinh thần, khơi thông nguồn năng lượng tích cực để đứng vững trên đôi chân bại liệt, được sáng tạo, được cống hiến, được sống thêm nhiều cuộc đời, nhiều số phận. Văn chương đem đến cho ông những người bạn quý. Họ là người viết, người đọc ở Thái Bình và ở các vùng miền đất nước, biết ông qua văn chương, khâm phục ý chí và nghị lực của ông mà tìm đến kết bạn rồi thành thân thiết. Ông không biết rằng chính ông cũng là điểm tựa tinh thần cho nhiều hoàn cảnh khó khăn hơn, chính ông cũng là một điểm hẹn để bạn bè văn chương thêm gắn kết sẻ chia./.

 (*Hai câu thơ trong bài “Tiếng vọng” của Trần Lê Văn)

 

Bình luận

    Chưa có bình luận