Nhắc tới phát thanh Văn nghệ là nhắc tới những chương trình “đi cùng năm tháng” như: “Đọc truyện đêm khuya”, “Đọc truyện dài kỳ”, “Tiếng thơ”, “Sân khấu truyền thanh”, “Văn nghệ”… hoặc “trẻ tuổi” hơn như “Đôi bạn văn chương”. Nhiều năm qua, VOV6 (trước đây là Ban Văn nghệ) đã trở thành địa chỉ tin cậy để các nhà văn, nhà thơ, nhà phê bình gửi gắm nhiều bài viết tâm huyết. Đồng thời, các phóng viên, biên tập viên ở đây cũng đã trở thành cộng tác viên quen thuộc với nhiều tờ báo, tạp chí. Ý tưởng về một ấn phẩm của VOV6 đã được thai nghén từ lâu và gần đây càng trở nên thôi thúc khi xu hướng đa dạng hóa các loại hình báo chí ngày một trở nên mạnh mẽ. Bởi vậy, sự ra đời của “Đọc Radio”, với sự hỗ trợ của NXB Văn học, có thể coi là một dấu mốc với những người làm phát thanh Văn nghệ.
Nhà báo Trần Nhật Minh, Trưởng ban VOV6 bộc bạch: “Ngoài phát thanh, VOV6 đã bắt đầu mở rộng sang các nền tảng khác như Spotify, Youtube, trang điện tử. Năm nay, chúng tôi muốn tạo ra một ấn phẩm để lưu trữ các bài viết có chất lượng trong năm cùng nhiều tác phẩm nghệ thuật đi cùng năm tháng. Ở đây bao gồm tác phẩm của lực lượng cộng tác viên cùng các nhà văn, nhà thơ đã từng công tác tại VOV6 và đã có tên tuổi với các thế hệ độc giả, thính giả. “Đọc Radio” được hình thành trên ý nghĩa đó. Ngoài ra, đó còn là một cách để VOV6 tri ân các lực lượng cộng tác viên, các thế hệ cán bộ, phóng viên, nghệ sĩ, kỹ thuật viên đã có sự đồng hành, đóng góp cho bề dày truyền thống của VOV6, đồng thời tri ân cả những thính giả đã yêu thương, chung thủy và thậm chí “nghiêm khắc” với làn sóng của phát thanh Văn nghệ.”
Với hơn 400 trang, “Đọc Radio” có nhiều mục tương đồng hoặc trùng khớp với các chương trình phát thanh như “Đọc truyện đêm khuya”, “Bút ký - Tùy bút - Tản văn”, “Tiếng thơ”, “Sân khấu truyền thanh”, “Tiếng thơ”, “Góc thiếu nhi”, “Đối thoại mở”. Nhiều tác phẩm từng xuất hiện trên làn sóng của VOV6, giờ đây lại hiện diện trong ấn phẩm, sẵn sàng cho một đời sống tiếp nhận mới. Điều này cũng đem đến nhiều niềm vui cho các tác giả. Nhà báo Nguyễn Uyển cho biết: “Tôi rất hoan nghênh VOV6 đã làm một công việc có ý nghĩa lưu giữ lâu dài tác phẩm. Tác phẩm được phát trên sóng sẽ được lưu truyền rộng rãi, vì vậy khi được in sách sẽ được nhiều người biết đến hơn”.
Trong khi đó, nhà thơ Nguyễn Quang Hưng, Phó Trưởng ban Thời nay, báo Nhân Dân cảm thấy thú vị khi “Đọc Radio” đã nhanh chóng bắt nhịp với mạch chảy của các ấn phẩm “văn nghệ tổng hợp”, “đồng thời hứa hẹn khả năng thuyết phục bạn đọc ở khối lượng nội dung dày dặn bất ngờ, chất lượng tốt, quy tụ nhiều gương mặt sáng tác qua các thế hệ với các đề tài phong phú về nhân sinh, phận người, biến động dịch bệnh, ngẫm ngợi thời cuộc, bản sắc văn hóa, chủ quyền đất nước... Đó là kết quả đáng đề cao sau quá trình chuẩn bị kỹ càng và cả "dũng cảm" của một đơn vị báo nói quen thuộc”.
Quả thực, để “Đọc Radio” có thể “chào đời” với số trang dày dặn, phong phú về chuyên mục, đa dạng về nội dung, Ban biên tập cùng đội ngũ cộng tác viên đã phải nỗ lực rất nhiều. Theo họa sĩ Trần Thắng, người chịu trách nhiệm thiết kế ấn phẩm, anh đã được nhà báo Trần Nhật Minh chia sẻ về ý tưởng làm “Đọc Radio” từ đầu năm ngoái. Măng-sét và bộ form cũng trải qua nhiều lần chỉnh sửa. Thậm chí, trong giai đoạn nước rút, nhà báo Trần Nhật Minh đã đến làm việc trực tiếp với họa sĩ trong khoảng 2, 3 ngày để có được sản phẩm ưng ý. “Đọc Radio” còn hứa hẹn là một ấn phẩm đẹp mắt khi có phụ bản tranh của nhiều họa sĩ như: Nguyễn Quang Thiều, Lê Thiết Cương, Đào Hải Phong, Đặng Hữu, Dương Phố… Về phần nội dung, “Đọc Radio” không chỉ dừng lại ở việc “báo in hóa” các tác phẩm phát thanh mà còn có nhiều chuyên mục khác. Với “Gương mặt thời gian”, độc giả có thể hình dung về các thế hệ phóng viên, biên tập viên và cộng tác viên nhà Đài: cốt cách Hà Nội của nhà thơ Trần Nhật Lam, câu chuyện làm nghề của NSƯT Vũ Hà - gương mặt quen thuộc của Sân khấu truyền thanh hoặc mảnh ký ức về những năm tháng cuối cùng của nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm… Những chuyển động của đời sống văn nghệ trong và ngoài nước cũng được phản ánh rõ nét trong từng trang của “Đọc Radio” từ bút ký, thơ ca đến các bài viết về lý luận phê bình. Bên cạnh đó, một góc tâm tình trong “Bạn của VOV6” hẳn cũng sẽ khiến nhiều người thấy đồng điệu một khi “lòng đã trót yêu” phát thanh Văn nghệ.
Ra mắt vào dịp xuân, Tết, “Đọc Radio” là một dấu ấn với những phóng viên, biên tập viên của VOV6. Hy vọng ấn phẩm này cũng sẽ nối dài cánh sóng, trở thành một món quà đặc sắc khi đến tay độc giả, để tấm lòng lại được gặp tấm lòng./