'Thanh âm ký sự': Những câu chuyện đặc biệt về lịch sử, văn hóa…

Có lẽ ít chương trình nào của Đài có thời gian thai nghén lâu như chương trình 'Thanh âm ký sự'.

Những câu chuyện, những số phận, những vùng đất, những sự kiện… có giá trị đặc biệt về lịch sử, chính trị, văn hóa, đời sống… trong nước và thế giới sẽ lần lượt xuất hiện trong chương trình phát thanh mới của Đài TNVN, đó là chương trình “Thanh âm ký sự”.

Từ khi lên ý tưởng cho tới số đầu tiên phát sóng mất gần 1 năm trời. Điều này cho thấy sự kỳ vọng của lãnh đạo Ban Thởi sự vào một chương trình mới, gây được ấn tượng với thính giả ngay từ chương trình đầu tiên. Nói về ý tưởng thực hiện chương trình, nhà báo Nguyễn Vũ Duy, Trưởng ban Ban thời sự (VOV1) chia sẻ, theo dõi đời sống báo chí hiện nay anh nhận thấy, bên cạnh sự quan tâm dành cho tin tức thời sự hằng ngày, công chúng còn quan tâm đến những sản phẩm báo chí có tính chuyên sâu, có điều mới lạ, hấp dẫn. Vì vậy, VOV1 quyết tâm thực hiện một chương trình đáp ứng yêu cầu này. Nhà báo Phạm Mạnh Hùng, Phó Tổng Giám đốc Đài TNVN ủng hộ ý tưởng càng làm cho VOV1 quyết tâm cho ra mắt chương trình mới.

Theo nhà báo Hằng Nga, từ ý tưởng thực hiện chương trình mới - việc đặt tên cho chương trình cũng rất nhiều trăn trở. Sau nhiều cân nhắc, tên gọi “Thanh âm ký sự” ra đời là sự kết hợp giữa ý tưởng của Phó Tổng giám đốc Phạm Mạnh Hùng và ê-kíp thực hiện chương trình. “Lấy chữ “Thanh âm” để nhấn mạnh việc sử dụng sáng tạo âm thanh trong ký sự, phát huy tối đa các yếu tố phát thanh hiện đại”.

Chữ Quốc ngữ - hồn trong nước

Đề tài đầu tiên mà chương trình lựa chọn là giúp thính giả có góc nhìn bao quát về quá trình ra đời, hình thành và phát triển của chữ Quốc ngữ. Hơn 400 năm trước, chữ Quốc ngữ đã được phôi thai, ghi lại toàn bộ tiếng nói và suy nghĩ, tri thức của người dân Việt Nam. Chữ Quốc ngữ ra đời được coi là phương tiện hiện đại và hữu hiệu nhất để “khai dân trí, chấn dân khí”. Do gắn liền với tiếng nói nên chữ Quốc ngữ có sức sống mãnh liệt và luôn phát triển cùng tiếng Việt. Chữ Quốc ngữ chính là hồn trong Nước, khẳng định bản lĩnh và sức mạnh dân tộc Việt Nam. Bởi ở đó, một dân tộc với hồn cốt mạnh sẽ có thể hiên ngang sánh vai cùng các dân tộc tiên tiến trên thế giới. Vì thế, chủ đề dầu tiên nhóm chọn mang tên “Chữ Quốc ngữ - hồn trong nước”. Nhà báo Vũ Duy chia sẻ, ngoài yếu tố đó, hằng ngày Đài TNVN vang lên lời xướng viết bằng chữ Quốc ngữ “Đây là Tiếng nói Việt Nam…” kiêu hãnh và tự hào. Như vậy, chọn đề tài chữ Quốc ngữ là lựa chọn một chủ đề gắn liền với lịch sử, với đời sống và gắn liền với Đài TNVN”.

Đầu tháng 9/2020, Trưởng Ban VOV1 Nguyễn Vũ Duy giao nhiệm vụ cho ba nữ nhà báo: Hằng Nga, Nguyễn Hằng và Thu Hòa, lên đề cương ký sự về lịch sử hình thành và phát triển chữ Quốc ngữ. Dù đã có kinh nghiệm thực hiện nhiều chương trình ở Đài TNVN nhưng với các chị đây vẫn là nhiệm vụ khó bởi lẽ thể loại ký sự, mà ký sự về lịch sử lại càng khó khăn hơn rất nhiều.

Nhận nhiệm vụ,  ê-kíp bắt đầu tìm hiểu các tài liệu, các công trình nghiên cứu, các tác phẩm báo chí đã khai thác đề tài này. Làm thế nào để không giẫm chân lên những gì báo bạn đã làm cũng là một vấn đề khiến cho ê-kíp suy nghĩ rất nhiều. Sau khi nghiên cứu, cả nhóm bất ngờ trước những tư liệu, câu chuyện về sự ra đời của chữ Việt hiện đại. Tuy vậy, đứng trước “ngồn ngộn” thông tin về Chữ Quốc ngữ, việc phải tìm được những chuyên gia, các nhà nghiên cứu am hiểu về vấn đề này cũng là một khó khăn nữa. “Rất may mắn, chúng tôi đã biết đến chị Phạm Thị Kiều Ly - TS ngôn ngữ học của Đại học Sorbonne - Pháp, người đã bảo vệ thành công luận án tiến sĩ với đề tài về lịch sử chữ Quốc ngữ. Chị cũng có rất nhiều buổi nói chuyện về đề tài này ở trong nước. Chúng tôi cũng đã liên hệ được với tiến sĩ giáo dục học Nguyễn Thụy Phương, nghiên cứu viên Đại học Paris Diderot và Đại học Genève có nghiên cứu rất sâu về hệ thống giáo dục thời kỳ Pháp thuộc - thời kỳ phát triển chữ Quốc ngữ rất mạnh  mẽ. Đây chính là một trong những yếu tố mới mẻ, đặc biệt của chương trình” - nhà báo Thu Hòa chia sẻ.

 

Chuyến công tác tới 4 tỉnh, thành miền Trung

Sau khi đã nghiên cứu kỹ tài liệu, xây dựng kịch bản chi tiết, kết nối các tuyến nhân vật, cuối tháng 11/2020, ê-kíp lên kịch bản sơ lược và kế hoạch công tác 4 tỉnh, thành phố miền Trung (Phú Yên, Bình Định, Quảng Nam và Đà Nẵng) - nơi khởi nguồn cũng là nơi chứng kiến phong trào phát triển chữ Quốc ngữ mạnh mẽ đầu thế kỷ 20.

Kế hoạch nhanh chóng được lãnh đạo phê duyệt, nhà báo Thu Hòa và Nguyễn Hằng bắt đầu chuyến công tác dài ngày tới 4 tỉnh, thành phố miền Trung. Nhà báo Nguyễn Hằng nhớ lại: “Chuyến đi đã để lại cho chúng tôi nhiều cảm xúc khi tận mắt thấy cuốn sách văn xuôi tiếng Việt đầu tiên được in bằng chữ Quốc ngữ của Việt Nam, cuốn “Phép giảng 8 ngày” do tác giả Alexandre de Rhodes soạn được lưu giữ tại nhà thờ Mằng Lăng - Phú Yên”.

Sau đó, hai chị tiếp tục tới Cảng thị Nước Mặn ở Quy Nhơn, Bình Định - được xem là nơi phôi thai của chữ Quốc ngữ khi năm 1618, quan Khám lý phủ Quy Nhơn Trần Đức Hòa đón các giáo sĩ phương Tây: Francesco Buzumi, Christoforo Borri, Francisco de Pina từ Hội An vào Quy Nhơn, đưa về lưu trú tại Nước Mặn. Tại đây, Tòa Giám mục Quy Nhơn xây dựng công trình biểu tượng mượn dáng cây cổ thụ có nhiều nhánh biểu trưng cho nguồn cội, sự phát triển của chữ Quốc ngữ. Cũng tại Quy Nhơn có Nhà in Làng Sông - thuộc Tiểu chủng viện Làng Sông - nơi đây từng là nhà in lớn nhất Việt Nam từ giữa thế kỷ 19 khi mà phong trào dạy chữ Quốc ngữ phát triển rất mạnh. Dinh chấn Thanh Chiêm ở Quảng Nam cũng là địa điểm quan trọng - nơi chứng kiến những bước chân đầu tiên của các nhà truyền giáo Phương Tây tới ở qua cảng Hội An vào đầu thế kỷ 17. Đất Quảng cũng là nơi chứng kiến phong trào phổ biến chữ quốc ngữ mạnh mẽ vào đầu thế kỷ 20 qua các phong trào Đông Kinh nghĩa thục, phong trào Duy Tân qua những sĩ phu rất nổi tiếng thời bấy giờ như: Phan Chu Trinh, Huỳnh Thúc Kháng, Trần Quý Cáp… Họ đã xướng lên phong trào khai Dân trí để chữ Quốc ngữ trở thành nhu cầu tự thân của người dân Việt Nam lúc đó. Nhà báo Thu Hòa cho biết mặc dù chuyến công tác gặp điều kiện thời tiết không thuận lợi khi đúng vào mùa mưa lũ của miền Trung nhưng những gì nhóm thu phóng viên thu được thì thành công ngoài mong đợi.

Với nguồn tư liệu ngồn ngộn thu được, nhóm đã chia đề tài thành 2 số: “Chữ Quốc ngữ - cơ duyên của lịch sử” và “Chữ Quốc ngữ - hành trình khai dân trí”. “Quá trình triển khai viết, chúng tôi cũng khá vất vả khi phải tìm bối cảnh, tiếng động nền, chắt lọc ý kiến chuyên gia, nhà nghiên cứu, rồi tư duy chọn nhạc sao cho phù hợp,... làm sao để hai số mang màu sắc khác nhau. Sau hơn 2 tháng với rất nhiều lần điều chỉnh, sửa chữa, cả nhóm đã hoàn thành phần văn bản và âm thanh ban đầu” - nhà báo Thu Hòa chia sẻ .

Nhà báo Nguyễn Hằng bổ sung thêm: “Khâu dàn dựng cũng chiếm rất nhiều thời gian và công sức của nhóm. Tìm tiếng động để đưa vào tác phẩm như thế nào phù hợp với bối cảnh lịch sử vô cùng khó. Lấy ví dụ, chỉ đi tìm tiếng động cho bối cảnh những nhà truyền giáo phương Tây đặt những bước chân đầu tiên lên Việt Nam qua cảng Hội An, đích thân Trưởng Ban đã mất cả một đêm tìm kiếm chỉ để lấy được 5 - 10 giây tiếng động. Cuối cùng, ngoài phần nội dung, âm nhạc cũng là một điểm cộng cho chương trình”.

Với thể loại ký sự, việc chọn giọng đọc cũng rất quan trọng. Chọn giọng ai cho phù hợp sẽ góp phần làm nên thành công của tác phẩm. Qua nhiều lần thử lựa chọn, cuối cùng nhà báo Vũ Duy là người thể hiện tác phẩm.

Những phản hồi tiếp thêm động lực

Sau bao vất vả, kỳ công, công sức của nhóm đã được đền đáp khi chương trình phát sóng nhận được sự phản hồi rất tốt từ đồng nghiệp, thính giả.

Thính giả Nguyễn Thắng (Hà Nội) chia sẻ: “Tôi đã đọc nhiều bài viết tìm hiểu về chữ Quốc ngữ nhưng chương trình của Đài TNVN cung cấp cho tôi kiến thức một cách hệ thống và có chiều sâu. Hơn nữa, chương trình còn cung cấp cho tôi những thông tin mà trước đây tôi chưa biết. Dù chương trình có thời lượng phát sóng khá dài nhưng cách thể hiện rất cuốn hút, có nhiều thể loại đan xen trong ký sự, như có thơ, có nhạc, có kịch... làm tôi nghe không dứt ra được. Chương trình dẫn dắt người nghe ngược về quá khứ, làm cho chúng tôi như sống lại ở không gian đó, thời gian đó, bối cảnh đó… Tôi mong Đài TNVN có thêm những chương trình được đầu tư công phu như vậy”. 

Còn thính giả Nguyễn Khánh Toàn (Đồng Hỷ, Thái Nguyên) cho biết: “Qua quảng bá trên sóng, tôi biết đến chương trình mới của Đài TNVN và tôi đón nghe với tâm trạng háo hức. Chương trình đã không phụ sự chờ đợi của tôi. Tôi thấy đây là một chương trình được đầu tư công phu, nội dung sâu sắc nghe rất thấm khiến tôi nghe hết lần đầu rồi còn nghe lại lần hai. Là người Việt Nam không ai không muốn tìm hiểu về tiếng nói, chữ viết của dân tộc mình. Nghe chương trình là tôi đủ hiểu về chữ Quốc ngữ. Hơn nữa khi nghe, chương trình cho tôi một cảm xúc rất dễ chịu, có lẽ do giọng đọc, do âm nhạc… mang lại chứ không giống như khi phải đọc một bài báo quá dài. Tôi đang mong ngóng những số tiếp theo của Thanh âm ký sự”.

Sau 2 số Chữ quốc ngữ, ê-kip bắt tay làm số thứ 3 “Hội nghị  Fontainebleau - nền hòa bình bị bỏ lỡ”. Đề tài này nhóm chọn từ tháng 6/2021 và ê-kíp đã phối hợp với nhà báo Quang Dũng - thường trú Đài TNVN tại Pháp thực hiện. “Đây là một đề tài về lịch sử nên chúng tôi cũng khó khăn trong việc chọn bối cảnh sao cho ra chất ký sự. Hơn nữa, do điều kiện dịch bệnh, chúng tôi không thể trực tiếp thực hiện nên phải có sự bàn bạc và lên kịch bản rất chi tiết để phối hợp được nhịp nhàng” - nhà báo Nguyễn Hằng chia sẻ.

“Do đây là chương trình mới nên cũng là một khó khăn khi ít phóng viên thực hiện được thể loại này. Chúng tôi cũng mong rằng, chương trình sẽ tạo được hiệu ứng tốt và sẽ có nhiều phóng viên cùng tham gia thực hiện để chương trình có thêm nhiều màu sắc tươi mới hơn” - nhà báo Thu Hòa bày tỏ.

‘Thanh âm ký sự là là những câu chuyện xảy ra trong quá khứ cũng như đương đại phản ánh dưới những góc nhìn khác nhau và ở những chi tiết mới lạ, đặc sắc, hấp dẫn với một phương thức thể hiện dựa trên đặc trưng phát thanh kết hợp với các loại hình báo chí khác và áp dụng cả phương thức mới. Tác phẩm sử dụng tối đa đặc trưng của âm thanh. Việc sử dụng âm thanh, âm nhạc nhuần nhuyễn cũng tạo ra hiệu ứng tối với thính giả. Sau khi phát sóng, chúng tôi nhận được phản hồi tích cực từ thính giả, đồng nghiệp và lãnh đạo Đài. Điều này khích lệ chúng tôi trong thời gian tới vượt qua khó khăn để sản xuất ra những chương trình Thanh âm ký sự chất lượng”. Nhà báo Nguyễn Vũ Duy, Trưởng ban VOV1.

 

“Thanh âm ký sự” phát trên kênh VOV1 vào 10h-10h30 ngày Chủ Nhật cuối tháng, phát lại vào 14h05 ngày thứ Năm và 22h30 ngày thứ Bảy, tuần đầu tiên của tháng tiếp theo; Phát trên các nền tảng số: Website: http://VOV1.VN; Fanpage Facebook: VOV1- Thời sự; Youtube: VOV1 – Thời sự; Podcast: VOV1 (trên các nền tảng Apple Podcast, Google Podcast, spotify..)

 

Bình luận

    Chưa có bình luận