Những câu chuyện không của riêng ai

38 bài viết và hàng trăm bức ảnh của gần 30 người ở Cơ quan thường trú Đài TNVN tại TP..HCM và Đông Nam bộ là nội dung của 'Những câu chuyện không của riêng ai"

 

Đại dịch Covid-19 như một cơn lốc càn quét khắp nơi, gây thiệt hại rất lớn về người và tài sản, ảnh hưởng tiêu cực đến mọi mặt của cuộc sống xã hội. Nhưng trong cơn khốn khó ấy, tình người được nhân lên, lan tỏa và lắng đọng. Rồi sau tất cả là thông điệp về thái độ sống lúc bình thường cũng như trong hoạn nạn. Cuốn sách này sẽ lưu lại những kỷ niệm của một thời thương đau vì đại dịch.

Mất mát không chỉ con người

Đó là những câu chuyện riêng, những tâm tư, tình cảm, suy ngẫm của anh chị em cơ quan khi chứng kiến đại dịch hoành hành ở TP.HCM và các tỉnh lân cận. Tính đến giữa tháng 11/2021 cả nước có trên 23.000 người tử vong, nhiều cán bộ, chiến sĩ hy sinh trong khi chống dịch.

Đại dịch Covid-19 tàn khốc ập đến với gia đình anh Mu Sa Phương - người lớn tuổi nhất Cơ quan. Chắc chắn trong lúc viết bài anh đã khóc. Những giọt nước mắt của anh rơi vào từng trang viết... bởi chỉ trong ít ngày gia đình anh mất hai người thân. Một em vợ khỏe mạnh “ra đi” rất nhanh vì Covid-19. 6 ngày sau, mẹ vợ qua đời do tuổi cao đúng vào lúc “đỉnh dịch”. Và cũng như bao gia đình khác, đám tang của họ lặng lẽ không có lễ viếng, không con cháu, họ hàng, bà con lối xóm tiễn đưa.

Điều xót xa nữa Mu Sa Phương buộc phải chứng kiến là phong tục của người Chăm không hỏa táng. Vậy mà ở thời điểm đặc biệt, anh và cộng đồng Chăm vẫn phải chấp nhận, bởi đó là nỗi đau chung, nỗi đau của gần 2 vạn người mất trong làn sóng Covid thứ tư ở thành phố này.

 Đại dịch khiến thành phố “không ngủ” buộc phải ngủ sớm, ngủ nướng, ngủ không hẹn ngày thức giấc. Tất cả đường phố vắng hoe, im lìm, buồn tê tái. Một bức tranh lạ thường trong mô tả của Khánh Hiệp khi thành phố thực hiện giãn cách nghiêm ngặt “đi khắp tuyến phố 3km không một bóng người”. Buồn hơn khi những hình ảnh thân quen thường ngày bỗng trở nên xa ngái. Xin trích: “… Thấy xót xa khi hình ảnh bà cụ bán bánh mì đầu hẻm không còn nữa, khi ông anh gần nhà hì hục thiết kế quán cafe của riêng mình chưa kịp khai trương đã vĩnh viễn không làm được nữa…”.

Ngay sát TP.HCM - Bình Dương trở thành tâm dịch thứ 2 với số ca mắc rất cao. Bình Dương cũng là nơi gia đình Thiên Lý vừa làm báo, vừa cứu trợ, vừa đảm bảo an toàn cho các thành viên, trong đó một bé đang chờ ngày ra đời. Những mảnh đời Thiên Lý gặp “Người thì mất đi nhưng không có tiền mai táng. Người đến ngày lâm bồn mà cạn tiền. Rồi những trường hợp mất việc không thu nhập cả gia đình phải sống trong cảnh thiếu đói”.

Còn nhà báo Hồng Thủy kể về nỗi nhớ con gái là bác sĩ tuyến đầu chống dịch, để thấy “độ ghê gớm” của Covid-19: “Lúc mới đi chống dịch, ngày nào nó cũng gọi điện nhắn tin mấy bận”; “Nhưng rồi những cuộc gọi, những tin nhắn cứ thưa dần. Có chăng chỉ là một hai từ vắn tắt như: Con ổn; Con đi nhận bệnh đây...”. Minh Hạnh lại có một nỗi niềm riêng với con trai tham gia tổ Covid-19 cộng đồng: “Dịch bùng lên, nó đi trực 1 đêm nghỉ 1 đêm, rồi dần dần trực tất cả các đêm”.

Ví von “buổi chiều giãn cách nghiêm ngặt toàn thành phố giống như chiều 30 Tết khi mọi người đổ xô đi mua sắm”, Minh Thắm cảm nhận rằng cái buổi “chiều 30 Tết khác thường” này, mọi người đổ ra đường mua sắm trong tâm trạng lo âu, thấp thỏm, hoang mang. Rồi cuộc sống ở hàng ngàn, hàng vạn “xóm phong tỏa” như Minh Thắm im ắng đến lạ kỳ vào ban đêm nhưng tiếng còi hú của xe cứu thương lại đặc biệt đáng sợ, đáng sợ tới mức ám ảnh.

Trong số 15 anh chị em cơ quan trong vùng phong tỏa, thì Tỷ Huỳnh phải cách ly chồng, cách ly “28 ngày liên tiếp không nhìn thấy mặt trời”, rồi tự cách ly, điều trị 28 ngày nữa khi trở thành F0 sau đó. Duy Phương thì xin tự cách ly một mình ở cơ quan nửa tháng cùng lúc “cả thành phố đượm không khí kháng chiến, ngoài đường không một bóng người, các rào chắn, chốt chặn được dựng lên khắp nơi. Rồi Hồng Thủy, Thiên Lý, Việt Hùng, Quốc Phong sau F1 trở thành F0.

Chưa hết, dịch Covid-19 buộc người người phải xa nhau. Sự xa cách giữa thời bình mà như có chiến tranh với những cung bậc cảm xúc riêng, nhưng tất cả đều chung một tâm trạng nhớ nhung, mong ngóng.

Lần đầu được làm cha, lần đầu mong ngày thôi nôi con gái mà Xuân Ngà chỉ biết mở zalo để chúc mừng, lắng nghe con bập bẹ gọi tiếng “ba, ba” qua điện thoại. Còn hình ảnh Ba trong tâm tưởng của Ngọc Xuân trong ngày giỗ đầu rất khác lạ: “Một mình ra lan can, nhìn về hướng nhà cũ vái vọng”.

Sẽ là thiếu sót nếu không nói về nỗi nhớ của những người mẹ với con trẻ. Ái Nghiêm, Thanh Thảo, Minh Hạnh, Kim Dung lặng lẽ nuốt nỗi nhớ con vào lòng khi phải gửi chúng về nhà người thân, còn mình ở lại thành phố làm việc trực tuyến.

Đám cưới là sự kiện trọng đại của đời người, là đại hỷ của hai bên gia đình, người thân, bạn bè; là thời khắc người con gái mặc váy cưới lộng lẫy lên xe hoa… Vậy mà lễ cưới của Trịnh Giang “chóng vánh, cắt giảm hết các thủ tục để phòng dịch, không khách mời, không tiếng pháo hoa, không kịp có một tấm ảnh kỷ niệm,…chỉ có lời chúc phúc của cha mẹ hai bên”.

Làm điều thiện lành

Những việc tốt thường lặng lẽ, không ồn ào, không tính toán được mất. Nhiều anh chị em cơ quan được nhận trợ giúp từ các nhà hảo tâm, rồi chính họ, không ai bảo ai, mỗi người góp một chút để chia sẻ với người gặp khó khăn hơn mình trong cơn hoạn nạn.

Một Thiên Lý “bụng chửa vượt mặt” xăng xái giúp người. Nay thì nhóm công nhân xa nhà, mất việc sắp cạn đồ ăn; mai thì một phụ nữ đến kỳ sinh nở sống cô đơn, hết tiền. Rồi nữa hàng chục người hết hạn cách ly trở về không có xe đưa đón, trong đó có trẻ em. Cá biệt, có người qua đời mà người thân đang đi cách ly không ở bên cạnh, hoặc ở bên cạnh mà không đủ tiền hỏa táng, đưa tro cốt về quê…

Một Khánh Hiệp kiên nhẫn chạy xe máy bám theo dòng người đổ về quê, rồi chia sẻ với vợ chồng người xa lạ những đồng tiền cuối cùng mà lòng nhẹ thênh. Một Lưu Sơn “Vừa tác nghiệp vừa mang yêu thương đến người nghèo” trong lúc dịch bệnh bùng phát ở Bà Rịa - Vũng Tàu và Sơn phải lo chăm sóc mẹ già, bệnh trọng nhiều năm qua. Một Lệ Phương “làm shipper hạng Vip cho láng giềng”, tự coi mình là “con thoi” giữa cơ quan với hàng xóm cho đến hết thời kỳ “ngăn sông, cấm chợ”.

Rồi nữa, Cao Thoa, Hồng Thủy, Minh Hạnh, Việt Đức, Kim Dung, Thanh Thảo, Quốc Việt, Văn Quế, Lệ Hằng, Minh Thắm, Vũ Hường… “xin” rau củ quả, lương thực, thực phẩm, phân chia, ship cho từng người hoặc kêu gọi các bếp ăn từ thiện, những nhà hảo tâm chia sẻ địa chỉ cần giúp đỡ.

Không kể về những cảm xúc từ các câu chuyện cụ thể, Xuân Thân phân tích sâu hơn về chữ Nhân qua đại dịch. Nói đến chữ Nhân là nói đến lòng tốt, cách ứng xử giữa người với người, nhất là trong hoạn nạn, khốn khó. Trong đại dịch chữ Nhân chính là giúp đỡ người khác bằng cả tấm lòng mà không hề toan tính thiệt - hơn, được - mất.

Không quên công việc

 “Giữ vững vùng xanh”; “An toàn cho ngôi nhà chung” với lối viết có phảng phất chút văn phong hành chính, Huy Sơn và Xuân Chinh “vẽ” lại những tháng ngày bảo vệ tòa nhà liên tục 5 tháng giãn cách. Mộng Trang cùng Xuân Ngà  “ba tại chỗ”, nhưng mỗi người một góc nhìn, một tâm trạng. Khi Xuân Ngà viết về cảnh xa con, nhớ vợ, thì Mộng Trang kể về những tháng ngày trông coi, vận hành kỹ thuật cho “Ngôi nhà chung” và ngẫm ra rằng “Cơ quan không chỉ là một nơi để sáng đi chiều về”.

Gần 3 tháng tạm biệt bố mẹ và em gái vào cơ quan, Việt Đức đã tỉ mẩn, cần mẫn từng công việc. Nhưng đến đoạn kết bài viết mới cho hay “bà nội mất đột ngột ở quê”; rồi bác mất sau đó ít ngày mà cả nhà Đức không ai về được. Âu cũng là hoàn cảnh đặc biệt trong thời điểm đặc biệt.

Những người làm báo khi viết về mình thì thấy “cứ sao sao”. Tôi gom các chi tiết viết về “Những phóng viên thường trú Nhà Đài nơi tâm dịch” đăng báo như một lời động viên, chia sẻ với đồng nghiệp trong khoảng thời gian ngặt nghèo của nghề báo. Cũng nhờ làm báo, mỗi phóng viên thấu hiểu sự tàn khốc của đại dịch, sự cảm thông với người cần cứu trợ và nỗ lực của những người có trách nhiệm. Tất cả đều có lý lẽ. Tất cả đều có nỗi niềm. Tất cả cùng chịu niềm đau chung mang tên Covid-19.

Thêm trân trọng cuộc sống

“Đắt” nhất bài viết của nhà báo Cao Thoa là đoạn kết kể về câu chuyện hai chị em tranh chấp đất đai 10 năm nay. Chứng kiến cảnh mất mát quá lớn trong đại dịch, họ đã buông bỏ cái tôi ích kỷ để làm hòa với nhau. Họ trở nên có trách nhiệm hơn vì hiểu rằng, Covid-19 khiến sự sống của bất kỳ ai cũng bị đe dọa và trở nên mong manh.

Theo Khánh Hiệp thì “Covid-19 đã lấy đi của chúng ta nhiều thứ, nhưng nếu nhìn ở khía cạnh tích cực, nó cũng đã khơi lên trong mỗi chúng ta hai chữ “đồng bào”. Minh Thắm thì ngẫm ra rằng “Đại dịch dạy cho tôi bài học về sự yêu thương, quan tâm đến những người xung quanh mình”. Cụ thể hơn là mỗi ngày gọi điện về với mẹ, sợ mẹ lo, cái mà thường ngày chẳng mấy quan tâm, thậm chí bị lãng quên, thậm chí cảm thấy phiền hà.

“Biệt dược thời Covid” của chị Hồng Thủy, rằng:Tình người là loại biệt dược hiệu quả nhất để điều trị những sang chấn tinh thần do Covid-19 gây ra. Vì thế, mong sao thời kỳ hậu Covid, thứ “biệt dược” này vẫn được mỗi chúng ta không ngừng “bào chế” để trao tặng cho nhau”.

Còn anh Mu Sa Phương mỗi khi gọi video call về cho mẹ già trên 90 tuổi thì tươi cười, chia sẻ, động viên mẹ. Nhưng khi tắt máy, anh lại khóc như một đứa trẻ bởi anh hình dung chẳng may mẹ mình mất lúc này, sẽ không thể về tiễn biệt lần cuối.

Chứng kiến cảnh mất mát to lớn của người thân và đồng bào mình, sang chấn tâm lý, hình dung mình bị mắc Covid, nên cảm nhận của anh Mu cũng rất sâu sắc, thấm đẫm trải nghiệm. Anh kết thúc bài viết của mình: “Mong rằng những chia sẻ trên đây, sẽ giúp các bạn trẻ nhận ra ý nghĩa của cuộc sống để biết nâng niu và quý trọng những gì mình đang có, để thấy mình hạnh phúc, không tham sân si, không tranh giành thiệt hơn, hãy yêu thương nhau hơn, hãy sống tử tế với nhau hơn”.

Nhà thơ Tố Hữu từng viết: “Nếu là con chim, chiếc lá/Thì con chim phải hót, chiếc lá phải xanh/Lẽ nào vay mà không có trả/Sống là cho đâu chỉ nhận riêng mình”./.

 

Bình luận

    Chưa có bình luận