Phóng viên thường trú 'nhà Đài' nơi tâm dịch

Từ khi TP thực hiện giãn cách, PV 'nhà Đài' tại TP.HCM và khu vực Đông Nam bộ tác nghiệp ngày đêm, trải qua những tình huống mà chưa bao giờ họ hình dung được.

 

Bộ đồ kháng khuẩn và trải nghiệm sự khác thường

Theo dõi mảng y tế nhiều năm, PV Kim Dung đăng ký vào “điểm nóng” ở một bệnh viện điều trị bệnh nhân mắc Covid-19 để “mục sở thị” công việc của y bác sĩ tuyến đầu. Dung được lãnh đạo bệnh viện đồng ý với điều kiện “5 phải”: Phải tiêm đủ 2 mũi; mũi 2 phải đủ 10 ngày; phải có đồ bảo hộ đạt chuẩn; phải có công văn giới thiệu; phải test nhanh và khử khuẩn ngay tại cổng.

“Viết bài xong, đêm ấy em không ngủ được vì cứ ám ảnh” - Kim Dung nhớ lại: Tất cả một màu trắng lạnh, những gương mặt tái mét, thiêm thiếp bất động, nhịp thở rất khẽ, chằng chịt dây, tiếng kêu tít tít liên hồi của các loại máy thở, máy trợ tim, máy đo huyết áp, ống xông. Các y bác sĩ bước đi nhẹ như gió. Họ ra hiệu, chỉ dấu, rồi hành động mà gần như không nói gì với nhau. Và bài viết “Tinh thần thép của y bác sĩ ở Bệnh viện Hồi sức Covid-19” ra đời trong hoàn cảnh như vậy.

Nhóm OV VOV TP.HCM tác nghiệp tại Viện Pasteur TP.HCM.

Trước đó, Kim Dung và quay phim Xuân Ngà cũng đã vào tận “Bên trong khu xét nghiệm Viện Pasteur TP. HCM”, để cận cảnh công việc rất tỉ mẩn, chi tiết của đội ngũ y, bác sĩ ở đây.

Mặc bộ đồ y tế, đeo găng tay cao su để tác nghiệp chừng 2 tiếng tại trạm y tế lưu động và ở khu cách ly của phường mà phóng viên Tỷ Huỳnh thấy ngộp. Với hai lớp khẩu trang bịt kín, kính chống giọt bắn bị hơi nước phủ mờ, Huỳnh phải xin phép ra ngoài dùng tập vở quạt gió cho đỡ sũng mồ hôi. “Chỉ như vậy thôi giúp mình hiểu thêm về những vất vả của đội ngũ tuyến đầu chống dịch” - Huỳnh bảo, trong balo của anh lúc nào cũng có sẵn bộ đồ kháng khuẩn y tế cơ quan cấp để khi liên hệ được thì lên đường ngay.

Từ khi bùng phát dịch bệnh, lực lượng tuyến đầu luôn được ưu tiên trong mỗi bài báo. Nhóm Việt Đức, Vinh Quang đi cùng bộ đội dọc dài biên giới Tây Nam, ăn cùng mâm, ngủ cùng chốt với anh em. Có đêm, trời nổi giông lớn, hai phóng viên vừa đeo lủng lẳng máy ảnh vừa cùng mấy anh lính biên phòng ghì dây néo để giữ lán không bị gió cuốn. “Bộ đội không sợ gì, chỉ sợ sét đánh lúc mưa giông nên tụi em cứ thấp thỏm, vì lỡ không may “oành” một cái thì… ” - Vinh Quang kể vui.

PV Kim Dung tranh thủ viết bài ngay khi ra khỏi khu cách ly.

Được giao nhiệm vụ viết bài về các lực lượng làm nhiệm vụ thực hiện nghiêm giãn cách, PV Khánh Hiệp kể: “Sáng sơ mi, quần tây, giày đen bóng loáng, đeo thẻ phóng viên đi làm. Ai dè trời mưa, cho giày vào bao nylon, mang dép lê, mặc quần xà lỏn “thông chốt”. Dừng chỗ nào, ngoài giới thiệu cũng phải nói thêm là do mưa nên em treo giày ở xe và mang dép để mấy anh bộ đội và chú CSGT, bạn dân quân... không đánh giá tác phong thiếu nghiêm túc”. Nhiều lần qua cổng cơ quan chỉ dám ngắm “ngôi nhà thứ hai” từ bên ngoài chứ không dám lên phòng làm việc vì sợ lây lan dịch. Có lần, chạy khắp nơi vòng về cơ quan, ngồi ở một góc sân làm tin… mà chợt thấy chạnh lòng.

Lan tỏa những điều tốt đẹp

Khi người dân đổ xô ra đường đợt 2 đòi về quê không được phải trở về nhà trọ, Hiệp chạy xe hơn chục cây số theo cặp vợ chồng mang con nhỏ trên xe máy để hỏi chuyện, lấy tư liệu cho bài viết. “Thấy chị kể gia cảnh khổ quá, em móc bóp còn 200 ngàn đưa tặng, mà chị ấy cứ chối, mãi mới chịu nhận… Về tới nhà, bụng đói, chưa kịp ăn, phải tắm rửa, thay đồ, rồi ào vô ôm con, cứ nhớ hình ảnh cháu nhỏ ban chiều mà thương”.

Sống trong vùng phong tỏa, vợ chồng Khánh Hiệp cùng bạn bè liên tục kêu gọi các nhà hảo tâm ủng hộ gạo, rau, khoai, dầu ăn… để giúp đỡ người nghèo xung quanh. Còn Thiên Lý ở Bình Dương, ngay từ khi dịch bùng phát đã xăng xái tham gia nhiều hoạt động thiện nguyện. “Hơn 20 tài xế bên em ngày nào cũng rong ruổi ngoài đường để đón F0 xuất viện, F1 hết cách ly về nhà; đưa người đi cấp cứu”.

PV Thiên Lý tích cực tham gia hoạt động thiện nguyện tại Bình Dương.

Một câu chuyện xúc động mà Thiên Lý không thể quên. Khi nhận được lời kêu cứu của 2 gia đình nghèo có người qua đời không đủ tiền mai táng, Lý đã kêu gọi mọi người ủng hộ và chỉ sau vài giờ, sự tận tâm ấy đã được hưởng ứng. Xúc động trào nước mắt, Lý thông báo với mọi người: “Số tiền của địa phương, nhà hảo tâm đã giúp gia đình có kinh phí mai táng cho cụ bà (Thủ Dầu Một) và chú T (TP. Thuận An). Nếu không có sự chung tay của mọi người, 2 thi thể vẫn còn nằm lạnh lẽo trong nhà trọ”.

Không chỉ viết bài, Thiên Lý còn điện thoại trực tiếp tới lãnh đạo địa phương và không ít sự việc đã được lãnh đạo tiếp thu, chỉ đạo thực hiện ngay. Lý bộc bạch: “Em chỉ sợ cơ quan phê bình làm thiện nguyện nhiều lại quên việc phóng viên. Nhưng được khích lệ thì em sẽ tích cực hơn khi còn có thể”. Nữ phóng viên đã xăng xái kêu gọi các nhà tài trợ ủng hộ thực phẩm, hàng thiết yếu cho hàng trăm người nghèo, nhất là công nhân còn ở lại Bình Dương. Vì vậy, số điện thoại và tài khoản mạng xã hội của Thiên Lý đang trở thành một trong những đường dây “hót” ở Bình Dương.

Nhà báo làm thơ tặng con là bác sĩ

Nhà báo Nguyễn Hồng Thủy thường tự hào khi nói tới con gái lớn là bác sĩ chuyên khoa 1 đang làm việc tại Bệnh viện dã chiến số 10, chuyên cấp cứu, chăm sóc bệnh nhân nặng. Chỗ làm chỉ cách nhà ít phút chạy xe mà cả tháng con chị không được về nhà “ăn cơm mẹ nấu”. Hằng ngày đều đặn cơm hộp xốp, ngủ giường gấp, cô bác sĩ mảnh mai, nhiệt tình, cứ đến tối lại phải gọi video call về nhà, theo “lệnh” của bố mẹ. Gần đây, thông tin toàn TP có trên 1.000 nhân viên y tế dương tính, khiến vợ chồng chị lòng như lửa đốt. “Nhìn con xanh xao, nghe con kể chuyện ăn ở, sinh hoạt mà rớt nước mắt. Tắt máy, tôi mới dám khóc cho nhẹ lòng. Cả thành phố này đang cần tới mấy nghìn bác sĩ chi viện, thì mình phải gắng động viên con”.

Chị Thủy lao vào công việc để phân tán bớt nỗi lo, cố gắng giấu tâm trạng, nhưng đến một ngày không kìm nén được, chị đã làm bài thơ đăng trên trang cá nhân tặng con, mà câu kết trong khổ cuối của bài thơ nói lên tất cả: “Hết dịch rồi con sẽ trở về/ Nhớ lời con hẹn lúc ra đi/ Bình an con nhé! Nhanh về nhé! Lòng mẹ chờ con đã tái tê...”. Mạnh mẽ là vậy, nhưng rồi chính chị lại dương tính và phải nhập viện chữa bệnh. Rồi lại phải tự động viên chính mình để mong qua cơn đại dịch.

Ba tháng thực hiện giãn cách, các phóng viên thường trú “nhà Đài” nơi tâm dịch đã viết hàng ngàn tin, bài. Họ có mặt khắp địa bàn 9 tỉnh, thành phố, góp phần vào cuộc chiến sinh tử với đại dịch Covid-19 để những nơi “tâm dịch” sớm trở lại cuộc sống bình thường mới./.

Đợt dịch thứ tư ập đến, cả tháng trời liên tiếp mỗi ngày trên dưới 4.000 ca dương tính. VOV TP.HCM có 2F0, 3F1 và 13/40 cán bộ, phóng viên ở trong vùng phong tỏa.

 

“Chúng tôi thống nhất với nhau, hãy cố gắng làm việc tốt, dù đó là việc nhỏ trong lúc này cũng rất quý. Nếu không làm được thì lan tỏa, khích lệ, động viên. Và nếu không làm được 2 việc đó, thì hãy thực hiện tốt 5K, đừng chỉ trích, phê phán, kêu ca điều gì trong thời điểm hiện nay”.

Nhà báo Nguyễn Ngọc Năm, Giám đốc VOV TP.HCM.

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận