Viết báo thời Covid-19

Kể từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát ở nước ta, báo chí thường xuyên tuyên truyền về phòng chống dịch.

 

Trong điều kiện kinh tế đất nước chúng ta chưa khá giả, lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Mặt trận Tổ quốc cùng các tổ chức chính trị - xã hội đã phát động toàn dân chung tay phòng, chống dịch, coi “chống dịch như chống giặc”. Cùng với đội ngũ tuyến đầu như y, bác sĩ, công an, quân đội…,  những “chiến sĩ” cầm bút cũng đã xông xáo trong tâm dịch, nhiều nhà báo, phóng viên không được nghỉ Tết, rong ruổi khắp dải đất biên cương để đưa tin chính xác, kịp thời tuyên truyền về các biện pháp phòng, chống dịch, đồng thời, đập tan mọi luận điệu xuyên tạc, thông tin sai sự thật về công tác phòng, chống dịch Covid-19 của các cơ quan chức năng.

Kể từ khi Việt Nam ghi nhận ca dương tính đầu tiên (1/2020), thuật ngữ Covid-19 được nhắc đến thường xuyên. Trong những người làm báo bắt đầu xuất hiện một đội ngũ phóng viên chuyên đưa tin, theo dõi mảng Covid-19. Họ là những người không ngại khó, ngại khổ, dám dấn thân vào tuyến đầu để đồng hành với các lực lượng y, bác sĩ, công an, biên phòng… bám sát trung tâm CDC để cung cấp đến bạn đọc thông tin mới nhất, nhanh nhất và chính xác nhất về tình hình dịch bệnh. Bên cạnh đó, những phóng viên thường trú tại các địa phương cũng đảm nhận luôn hai vai, vừa đưa tin về Covid-19 tại địa bàn phụ trách vừa thực hiện nhiệm vụ, kế hoạch khác của tòa soạn giao.

Gặp phóng viên Nguyễn Thanh Hải trên đỉnh Trường Sơn, nơi đóng quân của Đồn biên phòng Ra Mai trên huyện biên giới Minh Hóa, tỉnh Quảng Bình, khuôn mặt anh có phần hốc hác, nước da rám nắng, ba lô trĩu nặng cùng lỉnh kỉnh những máy móc, đang leo con dốc trên đường vào chốt kiểm soát Covid -19 Ra Mai. Khi trò chuyện, giọng nói của anh vẫn còn chút hổn hển:  “Không nhớ nổi mình đã đi đến bao nhiêu chốt kiếm soát Covid-19 của bộ đội biên phòng ở dải Trường Sơn này. Biết đi là vất vả, nguy hiểm, nhưng hơn cả nhiệm vụ đó là đam mê nghề nghiệp, mong muốn phản ánh, thông tin về “cuộc chiến” chống Covid-19 đặc biệt vất vả, hiểm nguy, gian lao của người lính biên phòng”.

Thanh Hải là phóng viên của báo Dân tộc và Phát triển thường trú ở khu vực Bắc Trung bộ. Khi dịch Covid-19 bắt đầu bùng phát, nhận nhiệm vụ, anh khẩn trương lên đường khắp các tỉnh Bắc trung bộ. Những lần vượt dốc, trèo đèo để vào chốt kiểm dịch của các Đồn Biên phòng không thể tả hết những nỗi gian truân, khó khăn, cơ cực. Ruồi vàng, vắt ở rừng sâu rồi cả những con dốc cao dường như thẳng đứng không ngăn được bước của anh. Nhưng có lẽ thử thách lớn nhất đối với phóng viên tác nghiệp vùng biên, nơi các chốt kiếm soát dịch Covid -19 đóng quân là chuyển hình ảnh, thông tin về tòa soạn nhanh nhất trong khi hầu hết ở các trạm, các chốt đều không có điện, nhiều chỗ không có sóng điện thoại, chứ chưa nói đến 3G, 4G…

Với phóng viên Từ Thành, báo Sức khỏe & Đời sống (Bộ Y tế) thường trú địa bàn tỉnh Nghệ An, ngay khi địa phương có ca dương tính với Covid-19, anh lên đường ngay trong đêm vào tâm dịch ở huyện Quỳnh Lưu, kịp thời có tin, bài, ảnh phục vụ tuyên truyền phòng, chống dịch, kịp thời định hướng dư luận. Nhờ những bài viết của những phóng viên như anh mới chấm dứt tình trạng đồn đoàn, thêu dệt, chống lại thông tin xuyên tạc gây hoang mang dư luận.

Đội ngũ những người làm báo đã không quản khó khăn, bỏ qua nguy cơ bị lây nhiếm Covid -19 để lao vào tâm dịch.

Viết báo là một công việc đặc thù, đòi hỏi phải đồng hành giữa “đi, đến, gặp, hỏi, đọc, chụp ảnh…. viết”. Bên cạnh đó, bài viết phải có ảnh đi kèm để chứng minh tính xác thực của thông tin, bổ sung thông tin đáng tin cậy nhất cho bài viết. Cùng với những phóng viên theo dõi, đưa tin về mảng dịch Covid-19 theo sự phân công của Ban biên tập, đội ngũ những người viết báo ở các mảng, chuyên trang chuyên mục khác cũng gặp nhiều khó khăn trong mùa dịch. Việc “đi, đến, gặp” trong chuỗi đồng hành để viết báo bị hạn chế. Những phóng viên có thâm niên còn trông cậy vào vốn trải nghiệm và danh bạ điện thoại, còn những phóng viên mới ra trường không đễ để hoàn thành nhiệm vụ.

Những câu chuyện giở khóc giở cười của nghề như viết bài rất tốt nhưng không có ảnh; gọi điện cho người có thẩm quyền đang giữ tin gửi tài liệu qua gmail gấp, nhưng rồi cả ngày không nhận được; …..cũng đã xảy ra thời Covid-19. Đặc biệt đối với những đề tài nhạy cảm, đề tài phản biện, việc liên hệ công tác, đặt lịch phóng vẫn lấy tin thì điệp khúc “do dịch” để từ chối thật khó tránh. Đại dịch Covid-19 vẫn chưa có dấu hiệu chấm dứt, đội ngũ những người viết báo vẫn đang ngày đêm đồng hành, tuyên truyền chống dịch, cung cấp thông tin khách quan, chính xác và kịp thời để đập tan mọi luận điệu xuyên tạc, thông tin xấu độc về công tác phòng, chống đại dịch Covid-19 ở nước ta.    

Thanh Hải, Từ Thành cũng như hàng trăm, hàng ngàn phóng viên “chiến trường” trên trận tuyến chống dịch Covid-19, lúc lăn xả hay có khi lặng lẽ đưa tin. Cơm hộp ăn vội hay thức cùng các chốt phòng dịch, nỗi nhớ vợ con, lên đường mang theo cả những lo âu, hồi hộp của gia đình hay đội ngũ những người viết báo thời Covid-19, họ thực sự là những “chiến sĩ cách mạng; cây bút, trang giấy là vũ khí sắc bén …” như lời Hồ Chủ tịch, người thầy vĩ đại của báo chí cách mạng Việt Nam từng nói./.

 

Bình luận

    Chưa có bình luận