Phóng viên Kiều Thanh Phượng: 'Tôi đã được chứng kiến những hình ảnh đẹp'

Ở đợt bùng phát dịch Covid -19 lần thứ tư này, Bắc Giang trở thành tâm dịch. Ban Văn hóa - Xã hội, Đài TNVN (VOV2) đã cử một ê-kíp đến tác nghiệp tại đây.

 

Kiều Thanh Phượng, phóng viên Phòng Y tế trong ê-kíp đó. Thanh Phượng đã chia sẻ những gì mình cảm nhận được trong những ngày tác nghiệp tại tâm dịch.

Muốn thu vào ống kính những gì nhìn thấy

Cảm xúc đầu tiên khi bạn đặt chân đến tâm dịch Bắc Giang?

Ngày 18/5 lần đầu tiên tôi đặt chân đến tâm dịch Bắc Giang, thời điểm này, số ca nhiễm của Bắc Giang đã lên đến 600 ca. Và “vết loang” Covid-19 đang lan rất nhanh trong các khu công nghiệp (KCN), đặc biệt là tại Công ty Hosiden - thuộc KCN Quang Châu, là  nơi chúng tôi đặt chân đến. 

Thời điểm chúng tôi đến, huyện Việt Yên đã thực hiện giãn cách xã hội. Vì thế, đường sá vắng tanh, không một bóng người. Các đường nhánh rẽ vào các KCN đều được chặn bằng dải phân cách mềm và có lực lượng công an đóng chốt (sau này khi tình hình dịch căng thẳng đã chuyển thành đường ngăn cách cứng và chỉ để đúng một lối ra, một lối vào KCN Quang Châu, Vân Trung). Toàn bộ các doanh nghiệp (DN) trong KCN Quang Châu đã ngừng sản xuất, công nhân cũng không được phép ra khỏi nhà.

Đã từng đi vào tâm dịch nhiều lần từ những lần dịch trước nên tôi không quá lo lắng mình bị lây nhiễm mà chỉ thấy giật mình. Một KCN sôi động bậc nhất khu vực phía Bắc mà khi tôi đến không một bóng người. Nếu có thì chỉ là những bóng áo trắng của một số y bác sĩ, hay một vài chiến sĩ mặc cảnh phục và dân quân hỗ trợ chống dịch. Đến đoạn ngã ba thôn Núi Hiểu, anh Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Việt Yên nói rằng: Bình thường, chỗ này sầm uất nhất, còn hơn cả thành phố. Hàng quán dày đặc để phục vụ công nhân suốt cả ngày và đêm, bởi số lượng công nhân của KCN Quang Châu là 90.000 người, còn lớn hơn cả một huyện lớn nhất của tỉnh Bắc Giang. Nhưng giờ trống trơn hết cả, dấu tích của nó là những biển hiệu được hạ xuống vệ đường. Đó là sự khốc liệt mà “cơn sóng” Covid-19 đang quét qua đây khiến tôi và các đồng nghiệp thấy rất buồn.

Ê- kíp VOV2 tác nghiệp tại Bắc Giang.

Điều khiến bạn xúc động và cảm phục nhất trong những ngày tác nghiệp ở đây là gì?

Tôi trở đi trở lại Bắc Giang 3 lần vào những thời điểm khác nhau. Có lần tôi vào xã Quang Châu - nơi có KCN Quang Châu, có lần thì vào thẳng Công ty Hosiden - nơi có số ca nhiễm Covid-19 cao nhất, có lần lại đến KCN Đình Trám. Mỗi lần đi tôi gặp những con người khác nhau, nghe những câu chuyện của họ mang đến cho tôi cảm xúc không giống nhau.

Nhưng có lẽ, giọt nước mắt rơi giữa tâm dịch vẫn luôn là điều xúc động nhất. Và tôi đã thấy nhiều giọt nước mắt như thế. Chị Trạm trưởng Trạm Y tế xã Quang Châu đã nghẹn ngào khi nói về đứa con nhỏ 9 tuổi. Nhà chỉ cách trạm có mấy trăm mét thôi mà 10 ngày rồi chị chưa về nhà, chồng lại đi làm ăn xa, nên cháu ở nhà một mình. Có bữa thằng bé phải ăn mì tôm sống vì không dám động vào nước nóng. Tại Trạm y tế Quang Châu này, tôi cũng bắt gặp ánh mắt đỏ hoe của một người đàn ông đã luống tuổi. Chắc chỉ còn 1 - 2 năm nữa là anh nghỉ hưu. Anh dốc cho tôi xem cái ủng õng nước vì mồ hôi của mình. Anh bảo suốt từ lúc có dịch đến giờ, ngày nào cũng như ngày nào, anh làm từ 8 giờ sáng đến 9 giờ đêm. Áp lực công việc khủng khiếp và mối đe dọa lây nhiễm Covid-19 chực chờ nhưng anh không có thời gian để sợ hãi, than thở. Ngày nào cũng có hàng trăm người đến trạm báo về tình trạng của mình và nhiệm vụ của anh là phải phân loại và báo cáo cấp trên để đưa họ đi cách ly tập trung. Chị Phó giám đốc Trung tâm Y tế huyện Việt Yên đưa cho tôi xem các hộp cơm trưa của anh em nhân viên y tế. Các anh chị ăn nhiều nhất cũng chỉ vơi đi một nửa, còn lại là bỏ dở vì thời tiết nắng nóng, anh em làm việc mệt mỏi, gần như không ăn được gì, chỉ có uống nước.

Ở tâm dịch Bắc Giang, đâu đâu chúng tôi cũng nghe được những câu chuyện như thế này. Có lúc tôi trộm nghĩ, không biết sau khi hết dịch có cơ hội gặp lại, chúng tôi có thể nhận ra nhau được không bởi ai cũng trong bộ đồ bảo hộ kín mít. Tôi chỉ nhìn thấy ánh mắt của các anh chị qua một lớp kính bảo hộ mà trên lớp kính ấy mồ hôi đọng thành giọt.

Một lần, chúng tôi tiếp cận khu vực thôn Núi Hiểu - nơi được gọi là “đại bản doanh” của các công nhân KCN Quang Châu. Số công nhân thuê trọ tại đây gấp 5 lần số người dân bản địa. Lúc chúng tôi đến là khoảng 7 giờ tối. Toàn bộ khu vực nhà văn hóa thôn được trưng dụng làm nơi lấy mẫu xét nghiệm cho công nhân. Buổi tối hôm ấy, 50 y bác sĩ trong bộ đồ bảo hộ màu trắng làm việc dưới ánh đèn cao áp. Tôi chưa bao giờ bắt gặp một hình ảnh đẹp như thế. Lúc đó, tôi đã ước, giá mình là nhiếp ảnh gia, tôi có thể thu vào ống kính những gì mà tôi đang được chứng kiến. Thời điểm đó, chúng tôi lao đến tâm dịch Bắc Giang với sự lo lắng vô cùng, khi Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 của tỉnh nhận định: Gần như toàn bộ số công nhân của xưởng 4 thuộc Công ty Hosiden đã bị nhiễm bệnh. Và tỷ lệ dương tính với Covid-19 là rất cao, cứ 100 người xét nghiệm thì có 40 nhiễm.  Nhưng khi đứng ở giữa tâm dịch, không hiểu sao, chúng tôi lại cảm thấy bình tĩnh trở lại vì thấy mọi việc ở đây diễn ra rất gấp rút nhưng hết sức bài bản, liên tục xoay chuyển chiến lược để theo kịp mức độ lây lan dịch.

Một bác sĩ là lực lượng tăng cường của tỉnh Thái Nguyên nói rằng: Hôm qua, họ tiến hành gộp mẫu, 10 người một mẫu, nhưng tỷ lệ dương tính rất cao nên hôm nay xét nghiệm lại toàn bộ, tiến hành lấy mẫu đơn. Và họ đã lấy mẫu suốt từ 1 giờ chiều đến 8 giờ tối. Lúc đó, tôi thấy có nhiều bác sĩ vì quá mệt đã nằm sõng soài ra nền đất để nghỉ ngơi. Tôi cảm phục thực sự. Sau này khi tác nghiệp lần thứ 3 ở Bắc Giang, tôi đã phải liên tục ở ngoài trời nắng từ 15 - 20 giờ trong bộ đồ bảo hộ, tôi mới hiểu cái cảm giác được nằm lăn, ngồi phệt giữa trời nó thoải mái đến mức nào khi mà toàn bộ cơ thể mình rã rời, đau nhức và không còn chút sức lực.

Được biết, VOV2 tổ chức đến Bắc Giang theo nhóm. Vậy việc phối hợp nhóm được các bạn thực hiện như thế nào?

Tất cả các lần tác nghiệp ở Bắc Giang đều được tiến hành theo nhóm. Bởi vì, nhiệm vụ của chúng tôi không chỉ là sản xuất các chương trình phát thanh trên sóng của Đài TNVN mà chúng tôi còn chuyển tải nội dung trên các nền tảng như trang: web vov2.vn, fanpage “vov2 cuộc sống muôn màu”… Mỗi lần tiếp cận tâm dịch ở Bắc Giang, chúng tôi đều livestream trực tiếp từ hiện trường để giúp nhân dân cả nước có được cái nhìn chân thực nhất về cuộc sống, về tình hình cũng như là các biện pháp phòng dịch ở đây.

Một điều nữa khiến chúng tôi phải tiến hành theo ê-kip đó là vì đây là tâm dịch, cần có người hỗ trợ trong lúc cần thiết. Chẳng hạn một việc rất đơn giản là mặc và tháo đồ bảo hộ. Bạn sẽ rất khó khăn nếu chỉ có một mình. Và sau khi thực hiện xong nhiệm vụ, bạn sẽ phải rất loay hay với việc phun khử khuẩn toàn thân nếu chỉ có một mình.

Không lúc nào chủ quan

Khi biết bạn có ý định đi vào vùng dịch để tác nghiệp, người thân của bạn có thái độ như thế nào?

Ngoài những người thân nhất trong gia đình và cơ quan thì không ai biết chúng tôi đi vào vùng dịch. Có lẽ, đây là một việc không nên “khoe”, vì nó khiến mọi người thêm hoang mang, sợ hãi. Chính vì thế, tôi và các đồng nghiệp trong ê-kip sau mỗi lần từ vùng dịch về đều hạn chế tiếp xúc, đi lại. Chúng tôi đeo khẩu trang mọi nơi, mọi lúc. Có chị đồng nghiệp cùng ê-kip của tôi tâm sự là ở nhà, chị bố trí chỗ ngồi ăn riêng, ngủ riêng một phòng và khi ngủ cũng đeo khẩu trang. Còn tôi, tôi gửi con về quê 3 tuần rồi cũng không dám về thăm cháu.

Bác sĩ có gì, phóng viên VOV2 có nấy: từ quần áo bảo hộ, tấm chắn, khẩu trang N95, găng tay, vỏ bịt micro, dung dịch sát khuẩn…

Các bạn làm gì để giảm thiểu nguy cơ lây nhiễm khi tác nghiệp?

Đây là điều chúng tôi lo lắng nhất mỗi khi tác nghiệp ở vùng dịch. Vì nguy cơ lây nhiễm rất cao. Nhưng đây đã là lần thứ 4 dịch quay trở lại và cũng là lần thứ 4, phóng viên theo dõi mảng y tế như chúng tôi đi tiếp cận các vùng dịch nên chúng tôi cũng “bỏ túi” một số kinh nghiệm và đặc biệt là không chủ quan.

Điều đầu tiên phải nói đến là phương tiện bảo hộ khi tác nghiệp. Bác sĩ có gì, chúng tôi có nấy: từ quần áo bảo hộ, tấm chắn, khẩu trang N95, găng tay, vỏ bịt micro, dung dịch sát khuẩn… Mặc đồ bảo hộ không khó nhưng cởi đồ bảo hộ là việc phải có quy trình, nếu không rất dễ phơi nhiễm. Và chúng tôi học được từ những lần quan sát bác sĩ làm việc. Chẳng hạn như găng tay là thứ phải cởi bỏ cuối cùng, tất cả đồ bảo hộ phải cởi lộn trái. Cởi xong phải sát trùng, khử khuẩn toàn bộ người và vật dụng tác nghiệp. Trong một lần tác nghiệp ở lần dịch thứ nhất, một bạn y tá lấy mẫu xét nghiệm đã hướng dẫn tôi cách đứng phỏng vấn. Đó là không được đứng trực diện trước mặt, để phòng người đối diện hắt hơi, hoặc giọt bắn khi nói chuyện sẽ theo phương thẳng hướng trực diện vào mình… Thế là chúng tôi lại có thêm một kinh nghiệm khi đi tác nghiệp ở vùng dịch.

Chúng tôi luôn cố gắng hết sức có thể để đề phòng lây nhiễm khi đi làm việc. Thế nhưng, trong thâm tâm tôi luôn hiểu rằng, mọi chuyện đều có thể xảy ra. Và nếu điều đó đến, chúng tôi buộc phải chấp nhận./.

          Cảm ơn bạn đã chia sẻ!

Minh Thư thực hiện

 

Bình luận

    Chưa có bình luận