Nhiều tờ nhật báo, tuần báo lúc đó phát hành lên đến hàng chục vạn bản, vừa ra khỏi xưởng in đã bán chạy “như tôm tươi”. Đội quân bán báo, nào xe máy, nào xe đạp, rao bằng loa, bằng miệng..làm ồn ã, náo động cả một dãy phố, một khu chợ.. Những tin tức, xã luận, bình luận làm nóng các quán cà phê, những bàn trà, công sở; những phóng sự, loạt phóng sự điều tra rúng động xã hội, làm cho các thế lực tiêu cực, tham nhũng bạt vía, kinh hồn; những trang văn hóa, văn nghệ hấp dẫn bạn đọc, định hướng thẩm mỹ và lối sống. Đài phát thanh quốc gia, không thể khác, cũng cần có một tờ báo in. “Báo ra hàng tuần bằng cách chọn lọc, biên tập và in những tin, bài có giá trị đã phát trên sóng phát thanh trong tuần của Đài TNVN”..., “là cánh tay nối dài rộng thêm làn sóng phát thanh quốc gia”. Tổng Giám đốc Đài TNVN lúc bấy giờ là nhà báo Trần Mai Hạnh cùng ban lãnh đạo Đài quyết định như vậy. Báo in “Đài Tiếng nói Việt Nam” ra đời, Tổng giám đốc Đài trực tiếp làm Tổng biên tập Báo. Tham gia viết bài và chăm chút cho từng số báo, trang báo, bài viết là những cây viết đã thành danh trên làn sóng đài quốc gia như các nhà báo: Trần Nguyên Vấn, Trần Nhật Lam, Trần Thiên Nhiên, Trần Sơn Ngọc, … Thời gian tiếp theo, Tổng Biên tập Báo do một Phó Tổng giám đốc Đài kiêm nhiệm. Báo Đài TNVN đã vươn lên mạnh mẽ, nhanh chóng bắt nhịp với đời sống báo chí, nhất là khối báo in, rất sôi động lúc ấy.
Năm 2003, báo Đài TNVN được đổi tên thành Báo Tiếng nói Việt Nam (Báo TNVN). Cùng các kênh sóng phát thanh, Báo TNVN ra đời kéo theo sự góp mặt một loại hình báo chí quan trọng ở Đài TNVN. Nếu trên các kênh sóng phát thanh, chất liệu truyền tải thông tin là ngôn từ (đề cao tính chuẩn xác, chuẩn mực, trong sáng; sử dụng tốt nhất các yếu tố trọng âm, ngữ điệu, biểu cảm); là âm thanh, tiếng động, sự tham gia của kỹ thuật và công nghệ, thì trên báo in, các tin, bài, ảnh cần được viết và biên tập kĩ lưỡng, bài bản. Tính chính xác, tính thẩm mỹ của ngôn từ đòi hỏi ở mức rất cao. Hình thức trình bày cũng cần có nhiều đổi mới. Hai mươi năm qua, nhiều vấn đề, sự kiện quan trọng của đất nước, của thế giới, của ngành phát thanh, của Đài TNVN được Báo TNVN phản ảnh sinh động, hấp dẫn, nhiều sáng tạo. Đến hôm nay, lật giở những bài báo, trang báo, bài viết, hình ảnh có từ mười năm, mười lăm năm, hai mươi năm trước, vẫn thấy điều gì đó mới mẻ, lại nhuốm màu thời gian, lòng người không khỏi xao xuyến, bồi hồi.
Thời gian đi như bóng câu qua cửa sổ, Báo TNVN đã bước vào độ tuổi đẹp nhất - tuổi hai mươi. Ở độ tuổi này, tình hình đất nước, thế giới đã có nhiều thay đổi sâu sắc - đương nhiên. Nhưng những thay đổi trong lĩnh vực khoa học, kỹ thuật, công nghệ, nhất là công nghệ thông tin, đạt tốc độ vũ bão, tạo nên những đảo lộn ít ai ngờ tới. Người anh cả báo in đã nhường vị trí số một cho truyền hình, phát thanh, gần đây là báo điện tử, trang tin điện tử và mạng xã hội. Những nốt trầm của làng báo in ngày một rõ hơn, khắc khoải hơn. Từ đọc báo giấy, công chúng chuyển sang nghe đài trong xe ô tô; xem truyền hình và đọc báo điện tử trên máy tính; rồi bỏ cả máy tính, đọc tin, lướt web, xem truyền hình, nghe phát thanh trên điện thoại thông minh, trên các thiết bị tiện ích dựa vào nền tảng số. Tốc độ đưa tin của báo chí thời kỹ thuật số cũng chóng mặt không kém. Từ chỗ các cơ quan báo chí làm chủ khâu cung cấp thông tin, nay mỗi người dân có thể biến thành một nhà báo đúng nghĩa của từ này. Thuật ngữ “báo chí công dân” ra đời và ngày càng được xã hội quan tâm (và quan ngại!). Bằng chiếc điện thoại nhỏ xíu, thông minh, ai cũng có thể chụp ảnh, quay phim, ghi âm, rồi tự “biên tập” và đưa lên mạng. Lại còn livestream (truyền hình ảnh trực tiếp). Cách “làm báo” đó vừa tiện, nhanh, bao gồm cả sự tùy tiện, cẩu thả, vô trách nhiệm. Không ít sự kiện, vấn đề, mạng xã hội biết và tung lên trước, báo chí chính thống chạy sau, vừa chạy vừa đính chính hoặc phản bác những thông tin sai trái đó.
Báo chí điện tử, mạng xã hội cạnh tranh, lấn dần lãnh địa của báo in, kể cả nhật báo. Vậy thì các tờ tuần báo như Báo TNVN, không thể khác, rơi vào khó khăn, đứng trước câu hỏi kinh điển “to be, or not to be ?” (tồn tại hay không tồn tại?). Nếu theo cách làm thông thường, kể cả “phong trào” đang diễn ra, có thể báo TNVN (cũng như nhiều báo, tạp chí khác), sẽ phải “đóng cửa”, hay náu mình trong hình hài của một tờ báo điện tử hay trang tin điện tử. Và, ngoài những cách ấy, còn có lối ra khác nào không? Câu hỏi này làm đau đầu ban lãnh đạo Đài, Ban biên tập Báo và nhiều người khác nữa. Câu trả lời, cách nghĩ, cách làm hiện nay là, vừa duy trì ở quy mô, số lượng hợp lý báo in, Báo TNVN phải có trang điện tử và có một ấn phẩm phụ (in) phá cách hơn, hiện đại hơn, “thị trường” hơn. Đó là dự án Tạp chí “Sóng Việt” đang được gấp rút hoàn thiện để ra mắt bạn đọc. Sóng Việt vẫn tiếp tục phản ảnh, nghiên cứu các vấn đề, sự kiện quan trọng của ngành phát thanh, truyền hình; của Đài TNVN; của đất nước. Nhưng tính chuyên biệt, tính chuyên nghiệp, tính “thị trường” (để tự nuôi mình) cần được coi trọng hơn. Báo TNVN đang đứng trước thách thức tồn tại và phát triển như thế nào trong bối cảnh truyền thông đa phương tiện. Những khó khăn khách quan đã rõ và khó đảo chiều. Những khó khăn chủ quan cũng được xác định. Đó là sự trì trệ, chủ quan, thỏa mãn, không theo kịp tình hình. Bên cạnh những khó khăn vừa nêu, Báo TNVN cũng có những thuận lợi không nhỏ. Đó là “thương hiệu” Tiếng Nói Việt Nam được hình thành cùng lúc khai sinh nước Việt Nam dân chủ, cộng hòa; được phát triển và giữ vị trí cao trong suốt hàng chục năm cùng cả nước kháng chiến chống thực dân Pháp, xâm lược Mỹ, giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước và xây dựng chủ nghĩa xã hội.
Thị trường thông tin của khối báo chí in hiện có nhiều phân khúc, nhưng cơ bản có thể chia thành 2 nhóm: đọc nhanh và đọc chậm. Nhóm thông tin đọc nhanh tận dụng lợi thế so sánh là nhanh, nhạy hiện đang có sự cạnh tranh gay gắt. Phát thanh từng được coi là có lợi thế so sánh với truyền hình và báo in về thông tin tức thời, nhưng rồi mất vị trí độc tôn bởi báo điện tử. đến lượt báo điện tử (chính thống) cũng chịu sự cạnh tranh gay gắt của mạng xã hội. Hiện nay, những người dùng thiết bị thông minh còn có cơ hội tiếp cận với loại hình thông tin chủ động tìm đến người xem trên nền tảng internet. Nhóm thông tin đọc chậm đi vào lợi thế thông tin sâu, đằm, nhân văn, nhân bản. Phân khúc này hiện nay ở nước ta đang có sự cạnh tranh ít khốc liệt hơn. Và Báo TNVN, ấn phẩm Sóng Việt của Báo có một số cơ hội.
Đứa con kỳ vọng của Báo TNVN - Sóng Việt, chưa chào đời. Nhưng muốn ấn phẩm này lớn nhanh, khôi ngô, hấp dẫn, cần phải thay đổi nhiều thứ. Đó là kết cấu nội dung, các chuyên mục, chuyên trang; là thay đổi cách viết - ngắn gọn, súc tích, gợi cảm, đậm chất báo, giàu chất văn; tạo dựng một đội ngũ cộng tác viên đủ về số lượng, cao về chất lượng; là cách trình bày hiện đại, lịch lãm; là đưa ấn phẩm Sóng Việt in thành phiên bản điện tử, vào các appstor kỹ thuật số vốn rất mạnh của Đài: VOV.VN, VOVMedia, VTCNOW, giới thiệu, quảng bá trên các kênh phát thanh, truyền hình, báo điện tử; là đẩy mạnh hoạt động quảng cáo, quảng bá các nhãn hàng, các thương hiệu lớn. Tòa soạn báo phải quản trị thật tốt, thật năng động, tận dụng và phát huy lợi thế của cả 4 loại hình truyền thông của Đài, của các mảng nội dung có ưu thế bấy lâu nay như bình luận chính trị, thời luận, phân tích địa chính trị, địa kinh tế quốc tế, diễn đàn kinh tế - xã hội, văn học - nghệ thuật, văn hóa - du lịch, khoa học - công nghệ... Theo đó, các ấn phẩm báo in cũng làm gia tăng giá trị loại hình báo chí khác của Đài, làm mạnh hơn thương hiệu Tiếng nói Việt Nam.