Nhà báo Phan Quang: Cánh chim bằng của báo chí Việt Nam

Ngày 11/11/2020, Hội Nhà báo Việt Nam phối hợp với Đài TNVN tổ chức tọa đàm: 'Nhà báo Phan Quang với báo chí cách mạng Việt Nam'.

 

Các ý kiến tham luận tại tọa đàm đều chung nhận định, nhà báo Phan Quang là cây đại thụ của báo chí cách mạng Việt Nam. Ông là nhà văn hóa, nhà báo, nhà văn, nhà ngoại giao và là nhà lãnh đạo, quản lý có nhiều đóng góp cho báo chí, văn học và văn hóa, ngoại giao nước nhà. Hơn 70 năm cống hiến, dù ở cương vị nào, nhà báo Phan Quang cũng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, bằng tâm huyết, trí tuệ, tài năng của mình.

Sách là người bạn đồng hành

Tên tuổi của nhà báo Phan Quang đã trở nên quen thuộc đối với nhiều thế hệ bạn đọc Việt Nam. Cuộc đời ông gắn bó với những bài báo, trang sách, những bản dịch có sức sống mãnh liệt và truyền cảm hứng cho người đọc.

Nhà báo Phan Quang tên thật là Phan Quang Diêu, sinh năm 1928 tại Quảng Trị. Cả cuộc đời ông gắn chặt với nghiệp viết. Nếu tính từ khi ông bắt đầu tham gia viết báo Cứu quốc năm 1948 đến nay, ông đã cống hiến gần 70 năm cho sự nghiệp báo chí cách mạng. Ở tuổi 92, ông vẫn chưa lúc nào ngơi nghỉ việc đi, đọc, viết.

Nhà báo Phan Quang từng khái quát cuộc đời cầm bút của mình trong 4 chữ “đọc - đi - nghĩ - viết” . Ông luôn khẳng định tầm quan trọng của việc đọc sách, gọi sách là “người bạn muôn đời” và khẳng định “văn minh loài người hình thành từ sách”. Trong cuốn sách Thời gian không đổi sắc màu ông viết: “Niềm đam mê đọc sách trong tôi là cái tật bẩm sinh mang tính di truyền, lại bị bội nhiễm, từ thuở ấu thơ cho đến lúc về già tôi gần như sống trong môi trường sách, làm việc ở đâu, nhìn vào phía nào cũng thấy sách và sách”.

Sách đã cho nhà báo Phan Quang vốn hiểu biết rộng lớn về nhiều lĩnh vực, sách bồi đắp cho ông tấm lòng yêu quê hương đất nước vô bờ bến và sự khiêm tốn lạ thường. Ai cũng cảm kích khi được tiếp xúc với ông. Bà Vũ Dương Thúy Ngà, Vụ Thư viện, Bộ VH-TT&DL cho biết, bà gặp nhà báo Phan Quang lần đầu vào tháng 10/2017 và luôn ngưỡng mộ sự hiểu biết rộng lớn của ông. Bà càng đọc, càng tìm hiểu về ông càng cảm thấy hiểu biết của mình về ông còn quá nhỏ bé. “Điều đặc biệt in đậm trong tôi là sự gần gũi, chân tình, là sự ân cần quan tâm và cả những khích lệ động viên với các thế hệ hậu bối, học trò… Sự ân cần, gần gũi ấy làm tỏa sáng hơn một trí tuệ, một tài năng, một phong cách Phan Quang” - bà Thúy Ngà chia sẻ.

PGS.TS Nguyễn Thị Trường Giang, Phó Giám đốc Học viện Báo chí và Tuyên truyền chia sẻ, đến thăm nhà báo Phan Quang mới thực sự hiểu được nguồn sức mạnh và niềm đam mê đọc sách của ông lớn đến chừng nào. Phòng khách của ông là những tủ sách được xếp gần như chật cứng. Người bạn đồng hành này luôn là điểm tựa và đem đến cho ông niềm vui khám phá và giúp ông có thể học suốt đời. Tài năng của ông là một sự tích lũy lâu dài. Học rộng trong quan niệm của ông là phải đọc nhiều.  PGS.TS Trường Giang nhận xét: “Tôi lần giở theo tác phẩm của ông và thực sự khâm phục trước nguồn tư liệu phong phú mà ông đã đọc và chia sẻ với mọi người. Mọi người không chỉ thích thú theo sự dẫn dắt của ông đi từ tác giả này đến tác giả khác, cảm nhận cái hay, cái thú vị, giá trị khoa học của các tác phẩm, các công trình được ông giới thiệu mà thực sự trân quý sự hiểu biết sâu sắc và rộng lớn của Phan Quang và các tác giả, tác phẩm đó”.

Nhà báo Phan Quang phát biểu trong buổi tọa đàm. Ảnh VOVCây đại thụ của báo chí cách mạng

Vinh dự lớn nhất của nhà báo Phan Quang là luôn có mặt ở những điểm nóng, những sự kiện quan trọng của lịch sử nước nhà. Ông đã từng gặp gỡ, tiếp xúc với nhiều lãnh đạo của Đảng, Nhà nước như: Hồ Chí Minh, Trường Chinh, Lê Duẩn, Phạm Văn Đồng, Trần Hữu Dực, Nguyễn Chí Thanh, Nguyễn Văn Linh... Dưới ngòi bút của ông, những lãnh đạo xuất sắc này là những chủ thể luôn hội tụ đủ phẩm chất và năng lực hiếm có. Nhà báo Phan Quang cũng đã lăn lộn, bất chấp hiểm nguy ở các chiến trường, vùng địch hậu như khu IV, khu V… theo sát các đoàn quân để chiến đấu, bám sát thực tế để ghi, chép, viết, phản ánh chân thực cuộc kháng chiến của dân tộc. PGS.TS Nguyễn Thị Trường Giang nhận xét: “Cuộc đời nhà báo Phan Quang là hình ảnh rất đẹp của người trí thức trên con đường cách mạng, vượt lên sóng to, gió lớn của cuộc sống luôn hướng về cách mạng. Những trang viết của ông gợi mở một triết lý sống, cách ứng xử tình người: nhân ái, bao dung, độ lượng. Ông đã chọn cho mình con đường thẳng tắp, thênh thang - con đường của báo chí cách mạng”…

Theo TS Nguyễn Sĩ Đại, thật khó định danh Phan Quang là ai khi chúng ta gặp ông là nhà văn, nhà báo, nhà hoạt động chính trị, nhà văn hóa. Nhưng để nói cái cốt lõi nhất thì Phan Quang là nhà báo cách mạng, nhà báo của Đảng, của nhân dân. 3 tên gọi thống nhất có thể coi là một, nhưng trong từng thời kỳ, từng vấn đề, lại có độ mở, sự phong phú khác biệt. “Cũng là người cầm bút, tôi thực sự khâm phục trí nhớ, tư liệu của tác giả. Những chuyện xảy ra cách đây 30-40  năm viết lại mà từng chi tiết, từng cử chỉ con người cứ hiện lên rõ mồn một” - TS Nguyễn Sĩ Đại chia sẻ.

Với riêng sự nghiệp phát thanh, nhà báo Phan Quang đã kế thừa một cách sáng tạo sự nghiệp “khai sơn phá thạch” Đài phát thanh Quốc gia và ngành phát thanh Việt Nam của nhà báo lớn Trần Lâm, tiếp tục xây dựng và phát triển Đài TNVN với cơ sở hạ tầng từng bước hiện đại, đội ngũ phóng viên, biên tập viên, kỹ thuật viên được đào tạo bài bản hơn, có trình độ tác nghiệp khá, giỏi và rất năng động; đổi mới các hệ, kênh phát thanh của Đài, tạo đà cho các lãnh đạo Đài kế tiếp củng cố, phát triển hệ thống các kênh phát thanh Quốc gia có tính chuyên biệt. Giai đoạn từ sau đổi mới, ông tập trung chỉ đạo xây dựng Đài TNVN theo hướng hiện đại, tiếp cận trình độ phát thanh hiện đại khu vực và thế giới, làm cho Đài có một hạ tầng ngày càng tốt hơn, đội ngũ phóng viên, biên tập viên có trình độ tác nghiệp vững vàng trong nước và môi trường quốc tế.

Tấm gương lao động miệt mài

Hiếm có nhà báo nào có cuộc đời viết dài và có khối lượng tác phẩm đồ sộ như nhà báo Phan Quang. Điều đó cho thấy sự nỗ lực phấn đấu không ngừng của ông. Ông là cánh chim bằng của báo chí Việt Nam bay vượt qua hai thế kỷ với tâm hồn lộng gió thời đại. Rất ít người có được niềm say mê nghề nghiệp và giữ bền hơn 70 năm sự tươi mới của trí tuệ, của tình yêu cách mạng như thuở ban đầu cho ngọn bút như ông.

Từ lúc 18 tuổi bước vào nghề báo, nghiệp văn cho đến tận hôm nay khi đã ở tuổi 92, ngòi bút, bàn phím máy tính của Phan Quang vẫn hoạt động đều đặn không một ngày ngưng nghỉ. Nhà báo Phạm Quốc Toàn, nguyên Phó chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam nhận xét, nhà báo Phan Quang tiêu biểu và mẫu mực, một tấm gương sáng cho hết thảy chúng ta về lòng yêu nghề. Trong 1 năm qua từ tháng 10/2019 đến nay, Phan Quang viết, in, xuất bản 4 cuốn sách dày dặn với hơn 1.000 trang. Báo chí vẫn đang song hành và thắp lửa đam mê trong tâm hồn nhà báo lớn Phan Quang để đến hôm nay vẫn tiếp tục “nhả tơ” sáng óng từng con chữ, ấm nóng tình đời, tình người, tình bạn, đồng nghiệp…

PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng giám đốc Đài TNVN nhận xét, năm nay tròn 92 tuổi đời, nhà báo Phan Quang vẫn say mê, đau đáu với nghề báo, nghề văn như thuở ban đầu. Cuộc đời của ông đã gắn bó với những bài báo, bài văn, cuốn sách, những bản dịch xuất sắc, có sức sống và sức lôi cuốn lớn lao, luôn truyền cảm hứng cho đồng nghiệp và người đọc. Ở tuổi xưa nay hiếm, ông vẫn không ngừng nghiên cứu, ghi chép, sáng tạo. Các thế hệ làm báo, làm văn, hoạt động văn hóa yêu quý, nể trọng Phan Quang ở lòng yêu nghề, năng lực nổi trội, bản lĩnh vững vàng, trách nhiệm với ngòi bút với xã hội. Ngòi bút của ông vẫn còn sung sức, đam mê, cuốn hút, lan tỏa./. 

“Hơn 70 năm cống hiến, sáng tạo, ở bất cứ cương vị nào, Phan Quang cũng tâm huyết làm tròn trách nhiệm của mình. Điều khiến ông thích ứng và làm chủ trong mọi hoàn cảnh là ý chí tự lực, tự học, khát khao tìm hiểu, sáng tạo. Với Phan Quang, tài năng là một sự tích lũy có chủ đích, căn cơ, lâu dài, có ích cho Đảng, cho nước, cho dân… Công chúng yêu mến ông và tác phẩm của ông ở cái tâm, cái tầm, cái tài, sự lao động bền bỉ, nghiêm túc, sáng tạo và cả sự khiêm nhường” - PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng giám đốc Đài TNVN.

 

Nhà báo Phan Quang, sinh năm 1928 từng giữ  nhiều chức vụ quan trọng: nguyên Thứ trưởng Bộ Thông tin, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội, nguyên Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam, nguyên Vụ trưởng Vụ Báo chí tuyên huấn Trung ương, nguyên Tổng Thư ký Hội Nhà báo Việt Nam (khóa 5), nguyên Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam (khóa VI)...

Minh Thư

 

Bình luận

    Chưa có bình luận