Mối bất hoà giữa Azerbaijan và Armenia về vùng lãnh thổ Nagorno Karabakh vốn đã có từ lâu. Hai bên vì Nagorno Karabakh mà chiến tranh với nhau. Họ đạt được với nhau thoả thuận ngừng bắn vào năm 1994 nhưng đụng độ vũ trang vẫn còn không ít lần xảy ra, chỉ có điều giao tranh quân sự chưa khi nào dữ dội và quyết liệt như vừa rồi. Với sự trung gian hoà giải của Nga, hai nước này đã có thỏa thuận ngừng chiến mới, nhưng việc thực hiện nó lại không nghiêm chỉnh và đầy đủ ở cả hai phía.
Bối cảnh tình hình mới ở khu vực, tương quan lực lượng quân sự cũng như kinh tế giữa Azerbaijan và Armenia cũng như cục diện quan hệ mới giữa tất cả các bên liên quan trực tiếp và gián tiếp tới xung khắc giữa Azerbaijan và Armenia làm cho chuyện cũ trở nên phức tạp hơn, nhạy cảm hơn và nan giải hơn đáng kể.
Trong những thập kỷ vừa qua, cả Azerbaijan lẫn Armenia đều mạnh lên hơn trước rất nhiều về kinh tế và quân sự, giúp họ có thể chiến tranh trực tiếp với nhau trong thời gian dài và làm cho mức độ chiến sự có thể quyết liệt và dữ dội hơn trước rất nhiều. Nếu Azerbaijan chủ trương dùng biện pháp quân sự để giành lại vùng Nagorno Karabakh thì phía Armenia chắc chắn cũng sẽ quyết tâm trả mọi giá về quân sự để giữ vùng lãnh thổ này. Nga không thể đứng hẳn về một bên nên lợi ích của Nga là chấm dứt chiến sự, duy trì thực trạng hiện tại cho tới khi Azerbaijan và Armenia đạt được với nhau giải pháp chính trị hòa bình cho vùng Nagorno Karabakh. EU hay NATO, LHQ hay Tổ chức An ninh và hợp tác ở châu Âu (OSCE) đều không có đủ năng lực trên thực tế để buộc ép Azerbaijan và Armenia phải đi vào hòa đàm và thỏa thuận về giải pháp chính trị hoà bình với nhau mà chỉ có thể hậu thuẫn nỗ lực trung gian hòa giải của ai đấy. Sự can dự trực tiếp cũng như gián tiếp của Thổ Nhĩ Kỳ, Iran và Israel vì lợi ích chiến lược riêng của họ khiến cho mức độ bất hòa giữa Azerbaijan và Armenia có thể gia tăng thêm chứ không ngược lại. Chuyện cũ lại thời sự khiến giải pháp trở nên cấp thiết trong khi chuyện cũ ấy khó có thể được giải quyết hơn./.
Ngân Hà