Ở các nước thành viên NATO hiện lại xôn sao về những tiết lộ mới trên báo chí và truyền thông ở Mỹ cho rằng Tổng thống Mỹ Donald Trump đã quyết định rút bớt binh lính Mỹ hiện đang đồn trú ở nước Đức về nước hoặc đưa đến nơi khác. Số liệu được đề cập đến là rút 9.500 trong tổng số 34.500 binh lính Mỹ trên lãnh thổ nước Đức. Trước đây, ông Trump đã dọa làm việc này để thúc ép các thành viên NATO chi nhiều hơn cho ngân quỹ quốc phòng và quân sự, cụ thể là thực hiện thoả thuận chung trong NATO năm 2014 là dành 2% GDP cho ngân sách quốc phòng và quân sự.
Trên phương diện này, trong số các nước thành viên NATO, ông Trump không hài lòng nhiều nhất về Đức. So với tất cả các thành viên khác của NATO thì mối quan hệ của Mỹ với nước Đức cũng trắc trở hơn cả kể từ khi ông Trump lên cầm quyền ở Mỹ. Mới rồi, Thủ tướng Đức Angela Merkel lại từ chối lời mời của ông Trump sang Mỹ dự hội nghị cấp cao thường niên năm nay của nhóm G7.
Có thể vì bực bội với bà Merkel mà ông Trump đưa ra quyết sách nói trên vào thời điểm hiện tại, nhưng cũng có thể không phải như vậy. Điều chắc chắn là ông Trump không coi trọng NATO và lợi ích của các thành viên NATO trong sự tồn tại và vai trò của NATO như những người tiền nhiệm. Người này lại còn coi việc ép buộc được các thành viên NATO phải bỏ ra nhiều tiền của hơn trước cho an ninh của chính họ chứ không dựa dẫm mãi nữa vào sự bảo hộ an ninh của Mỹ là bằng chứng cho kết quả của phương châm và khẩu hiệu "Nước Mỹ trước hết".
Các thành viên NATO cho rằng Mỹ có lợi ích chiến lược với việc hiện diện quân sự trực tiếp ở châu Âu trong khi ông Trump lại dành ưu tiên hàng đầu cho việc được tái cử trong cuộc bầu cử tổng thống sắp tới ở nước Mỹ. Việc rút lính Mỹ ra khỏi nước Đức phục vụ đắc lực cho cuộc vận động tranh cử mà chỉ cần ngỏ ý thôi chứ chưa cần triển khai thực hiện cụ thể cũng đã có được hiệu ứng ấy. Tức là đòn gió hay đòn thật thì cũng đều rất có lợi cho ông Trump. Trước mắt, ông Trump chỉ chơi đòn gió, nhưng khi thấy cần thì người này sẽ không ngại biến nó thành đòn thật./.
Ngân Hà