Dễ bớt, khó hết

Phía Mỹ cho thấy không lo ngại nhiều về quyết sách mới của ông Duterte vì biết rằng Mỹ rất cần Philipines nhưng Philipines cũng cần Mỹ không kém.

Quyết định của tổng thống Philipines Rodrigo Duterte hủy bỏ một trong ba hiệp ước hợp tác quân sự giữa đảo quốc này và Mỹ phản ánh tình trạng hiện tại không được ổn thoả và suôn sẻ trong mối quan hệ song phương này. Nghe qua việc này thì không thể không có cảm nhận chung là mối quan hệ đồng minh quân sự giữa Mỹ và Philipines trên nền tảng ba hiệp ước hợp tác kia đang bị rạn vỡ. Nhưng nếu nhìn vào phản ứng của phía Mỹ tỏ ra không bận tâm gì nhiều thì lại phải nhận thức khác.

Kể từ khi lên cầm quyền ở Philipines, ông Duterte không giấu giếm quan điểm thái độ không thân thiện và mặn mà với Mỹ. Người này tìm cách thúc đẩy mạnh mẽ hơn trước quan hệ của Philipines với Trung Quốc và Nga chứ không đẩy mạnh mối quan hệ hợp tác đã có bề dày truyền thống giữa Philipines và Mỹ trên mọi phương diện, không chỉ có ở khía cạnh quân sự, quốc phòng và an ninh. So với tất cả các quốc gia khác ở khu vực Đông Nam Á và Thái Bình Dương thì cặp quan hệ song phương này nổi trội hơn hẳn, đặc biệt về mức độ thể chế hoá quan hệ đồng minh quân sự chiến lược truyền thống.

Đã có không ít người bên ngoài Philipines cho rằng ông Duterte theo đuổi chính sách xa cách Mỹ để/và thân thiết với Trung Quốc và Nga. Thực tiễn đến nay cho thấy dẫu ông Duterte thật sự có chủ định này thì việc thực hiện nó cho đến nay cũng không được thành công cho lắm đối với ông Duterte và Philipines. Đến thời điểm hiện tại, có thể ông Duterte chưa hẳn đã vỡ mộng về Trung Quốc và chưa hẳn đã hết kỳ vọng ở Nga, nhưng chắc chắn vẫn còn định kiến nặng nề về Mỹ.

Phía Mỹ cho thấy không lo ngại nhiều về quyết sách mới nói trên của ông Duterte vì biết rằng Mỹ rất cần Philipines nhưng Philipines cũng cần Mỹ không kém, Philipines có thể giảm bớt nhưng không thể chấm hết quan hệ hợp tác quân sự với Mỹ và ông Duterte rồi cũng có ngày không còn cầm quyền nữa ở Philipines./.

Ngân Hà

Bình luận

    Chưa có bình luận