Chính quyền mới ở Mỹ đã quyết định chấm dứt khoảng 80% những chương trình cứu trợ, viện trợ phát triển, nhân đạo và khẩn cấp cho thế giới bên ngoài. Quyết định này trong thực chất không mới mẻ và gây bất ngờ mà chỉ là bước tiếp theo của việc tổng thống Mỹ Donald Trump thực hiện chủ ý không tiếp tục đổ tiền của của Mỹ cho các dự án hợp tác phát triển, cứu trợ nhân đạo và khẩn cấp ở các nơi trên thế giới. Ông Trump coi việc cắt giảm này cùng với việc xoá sổ Cơ quan hợp tác phát triển Mỹ (USAID) là một trong những sự thể hiện rõ nét nhất của định hướng và khẩu hiệu hành động "Nước Mỹ trước hết" của mình.
Sự cắt giảm này đồng nghĩa với việc chính quyền mới ở Mỹ buông bỏ một trong những công cụ và phương cách đắc dụng nhất được Mỹ khởi xướng và sử dụng từ thời tổng thống Mỹ John F. Kennedy nhằm gây dựng và gia tăng sức mạnh mềm cho nước Mỹ trong thế giới hiện đại.
Với quyết sách nói trên, chính quyền mới ở Mỹ tiết kiệm được chi tiêu nhưng vai trò và vị thế, uy tín và ảnh hưởng quốc tế của Mỹ không thể tránh khỏi bị ảnh hưởng tiêu cực. Đồng thời, Mỹ buông bỏ như thế còn có nghĩa là Mỹ có cách tiếp cận khác trước về nghĩa vụ và trách nhiệm của nước Mỹ trong tư cách là quốc gia phát triển và giàu có trên thế giới về đóng góp quyết định vào việc giải quyết những vấn đề cấp thiết chung đối với cả thế giới.
Cái giá mà Mỹ sẽ phải trả cho quyết sách nói trên là sẽ rất khó khăn để tập hợp lực lượng theo Mỹ trên thế giới. Các quốc gia và khu vực trên thế giới buộc phải hướng tới và tìm kiếm đối tác khác để hợp tác và có được sự trợ giúp thay thế. Những đối tác lớn khác, cũng giàu có và phát triển như Mỹ có cơ hội mở rộng phạm vi ảnh hướng, tạo dựng nên những tập hợp lực lượng mới do họ dẫn dắt và chi phối, gia tăng mạnh mẽ thế và lực để cạnh tranh chiến lược với Mỹ trên những lĩnh vực khác. Buông bỏ thì dễ nhưng khôi phục thì sẽ rất khó và không thể nhanh chóng thành công./.
Ngân Hà