Cuộc khủng hoảng chính trị ở Hàn Quốc tiếp tục gia tăng mức độ trầm trọng và phức tạp khi tổng thống Yoon Suk-yeol kiên quyết bất chấp sự phế truất từ phía quốc hội và bất hợp tác với phía công tố nhà nước và cảnh sát điều tra trong quá trình luận tội tổng thống.
Nguồn cơn ban đầu là quyết định bất ngờ của ông Yoon Suk-yeol ban bố lệnh thiết quân luật, nhưng rồi chỉ 6 giờ sau đã phải rút lại vì bị dân chúng và dân biểu phản đối.
Sau hai lần biểu quyết trong quốc hội, ông Yoon Suk-yeol đã bị quốc hội phế truất với lá phiếu của 204 trong tổng số 300 nghị sĩ quốc hội. Lá phiếu biểu quyết của cả một số dân biểu thuộc Đảng Quyền lực nhân dân (PPP) mà ông Yoon Suk-yeol là thành viên đã giúp phe đối lập thành công trong việc quốc hội phế truất tổng thống ở lần kiến nghị phế truất thứ hai.
Bây giờ, toà án hiến pháp Hàn Quốc có thời gian 6 tháng để quyết định có phế truất ông Yoon Suk-yeol hay không. Trong trường hợp tổng thống bị phế truất, Hàn Quốc sẽ phải tiến hành bầu cử tổng thống mới trong thời gian 60 ngày sau đấy.
Lộ trình diễn biến vụ việc thì rất rõ ràng và cụ thể nhưng kết cục của việc phế truất tổng thống lại chưa ai dám chắc. Toà án hiến pháp Hàn Quốc có 9 thành viên và tổng thống bị phế truất khi có ít nhất 7 thành viên cùng quyết định như vậy.
Hiện tại, toà này chỉ có 6 thành viên và 3 thành viên khác chưa được bầu. Chỉ cần 1 trong số 6 thành viên không đồng ý phế truất tổng thống thì ông Yoon Suk-yeol sẽ thoát nạn. Nếu lại bầu tổng thống thì cũng rất khó để tiên đoán ai thuộc phe cánh chính trị nào sẽ thắng cử bởi nội bộ chính trường và xã hội ở nước này hiện bị phân rẽ sâu sắc.
Rối ren và xung khắc quyền lực, bất an và bất ổn về chính trị và xã hội sẽ rất tai hại và nguy hại đối với Hàn Quốc. Tình trạng như thế gây bất lợi lớn cho quốc gia này về đối ngoại bởi bị đối nội làm cho yếu thế về đối ngoại, bởi phải bận rộn với chuyện đối nội, bị khó xử với các đối tác và khó khăn thêm trong ứng phó các đối thủ./.
Ngân Hà