Việc Thụy Điển gia nhập NATO hiện vẫn bị hai nước thành viên NATO là Hungary và Thổ Nhĩ Kỳ ngăn trở. Thủ tướng Hungary Viktor Orban không cho biết khi nào sẽ chấp thuận cho Thụy Điển được gia nhập NATO nhưng tuyên bố Hungari sẽ không phải là thành viên cuối cùng đồng ý cho Thụy Điển gia nhập NATO. Như thế có thể hiểu là chừng nào Thổ Nhĩ Kỳ đồng ý thì khi ấy Hungary cũng đồng ý. Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan vừa có chuyến thăm Hungary. Người này và ông Orban tỏ ra rất hài lòng về chuyến thăm Hungary này của ông Erdogan. Ngay sau khi trở về từ Hungary, ông Erdogan lại một lần nữa đặt điều kiện cho việc Thổ Nhĩ Kỳ không còn cản trở NATO thu nạp Thụy Điển.
Ông Erdogan đưa ra hai điều kiện cụ thể. Thứ nhất là Mỹ bán máy bay tiêm kích F-16 cho Thổ Nhĩ Kỳ. Thứ hai là Canada và các thành viên khác của NATO dỡ bỏ quyết định cấm vận vũ khí đối với Thổ Nhĩ Kỳ.
Trong thực chất, việc Thụy Điển gia nhập NATO chẳng liên quan gì đến chuyện mua bán vũ khí quân sự hiện đại giữa Thổ Nhĩ Kỳ với Mỹ, Canada hay với một số thành viên khác của NATO. Nhưng trên thực tế, Thổ Nhĩ Kỳ đã biến việc NATO kết nạp Thụy Điển thành một cuộc mặc cả lớn. Trong chuyện Thụy Điển gia nhập NATO, phía NATO và Thụy Điển cần nhưng Thổ Nhĩ Kỳ không vội. Còn trong chuyện mua bán vũ khí quân sự hiện đại thì Thổ Nhĩ Kỳ cần nhưng NATO, Mỹ, Canada và một số thành viên khác đâu có vội. Cuộc mặc cả lớn giữa các bên liên quan hình thành và diễn ra trong bối cảnh tình hình như thế.
Cách hành xử của Hungary trong chuyện này rất hữu ích cho Thổ Nhĩ Kỳ. Ông Orban dựa vào ông Erdogan để đề cao vị thế của mình trong EU và NATO. Còn ông Erdogan cũng dựa vào ông Orban để làm giá cao hơn với Mỹ, Canada và các thành viên NATO kia.
Chắc chắn NATO, EU, Mỹ và một số thành viên khác sẽ phải tìm cách khác để ép Thổ Nhĩ Kỳ nhanh chóng đồng ý cho Thụy Điển gia nhập NATO chứ không nhượng bộ ông Erdogan. Phe này không thể không hoài nghi về khả năng ông Erdogan lại đưa ra điều kiện mới để mặc cả tiếp./.
Ngân Hà