Dự báo ảm đạm

Mức độ ảm đạm còn sâu đậm hơn khi mấy lần dự báo của IMF đều theo hướng chỉ hạ thấp chứ không tăng mức độ dự báo.

Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) đi đầu và chắc chắn các thể chế tài chính, tiền tệ và các viện nghiên cứu kinh tế trên thế giới sẽ tiếp theo sau với việc hạ thấp mức độ dự báo về tăng trưởng kinh tế thế giới cho năm nay.

IMF cho rằng kinh tế thế giới năm 2022 chỉ có thể tăng trưởng 3,2% chứ không thể đạt 3,6% như đã dự báo hồi tháng 4 vừa qua và triển vọng cho năm 2023 là 2,9% chứ không thể là 3,6%. Bản thân những dữ liệu này đã ẩn chứa đủ gam màu ảm đạm trong bức tranh về thực trạng và triển vọng tăng trưởng của kinh tế thế giới. Mức độ ảm đạm còn sâu đậm hơn khi mấy lần dự báo của IMF đều theo hướng chỉ hạ thấp chứ không tăng mức độ dự báo.

Nhưng nguyên nhân được IMF chỉ ra để chứng minh cho sự điều chỉnh dự báo lần này mới là điều khiến cho triển vọng không những chỉ ảm đạm mà tình trạng ảm đạm có thể còn dai dẳng. Ba nguyên nhân chính được IMF đưa ra là tác động tiêu cực của dịch bệnh, tình trạng lạm phát cao ở các nền kinh tế phát triển và cuộc chiến ở Ukraine giữa Nga và Ukraine. Ngoài ra, IMF còn đặc biệt nhấn mạnh triển vọng đáng lo ngại về tăng trưởng kinh tế ở Mỹ, Trung Quốc và EU, tức là sự thiếu vắng của động lực và đầu tàu cho tăng trưởng của kinh tế thế giới.

Dịch bệnh tuy không còn làm đảo lộn cả thế giới như trước nhưng tác động vẫn rất tai hại với sự xuất hiện của biến chủng mới và với sự bùng phát của làn sóng dịch bệnh mới ở nhiều nơi trên thế giới. Dịch bệnh đậu mùa khỉ lại đang đe dọa. Ở Mỹ hay EU, tỷ lệ lạm phát hiện rất cao và các biện pháp chống lạm phát không thể sớm phát huy tác dụng. Chiến sự ở Ukraine không biết đến khi nào mới đi vào hồi kết và hiện đã ảnh hưởng rất tiêu cực tới tăng trưởng của kinh tế thế giới. Nói theo cách khác, những nguyên nhân nói trên còn tác động tiêu cực dài dài thì triển vọng tăng trưởng của kinh tế thế giới làm sao có thể mau chóng sáng sủa và lạc quan được./.

Ngân Hà

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận