Sau nhiều tháng ngừng trệ, các bên tham gia giải pháp hồi năm 2015 cho vấn đề hạt nhân của Iran (JCPOA) nối lại đàm phán về số phận tương lai của nó tại thủ đô Viên của nước Áo. Cách thức thương thảo vẫn như trước, tức là Mỹ và Iran không đàm phán trực tiếp với nhau mà thông qua Nga, Trung Quốc, Anh, Pháp và Đức. Mục đích của tiến trình đàm phán vẫn như trước, có nghĩa là vẫn nhằm đưa cả Mỹ và Iran tham gia trở lại JCPOA. Chỉ có điểm xuất phát của các bên liên quan cho lần đàm phán này là khác trước. Ở Iran có sự thay đổi chính phủ và người mới thay thế người cũ đến bàn đàm phán. Phía Mỹ áp dụng thêm biện pháp chính sách trừng phạt Iran. Phía Iran đã gia tăng rõ rệt mức độ làm giàu chất liệu phóng xạ uranium. Sự hợp tác giữa Iran và Cơ quan Năng lượng quốc tế không được êm đẹp và hiệu quả như yêu cầu đặt ra trong JCPOA. Cả Mỹ lẫn phía EU đều đã bắt đầu tỏ ra không còn kiên nhẫn nữa với Iran trong khi Iran hoài nghi ngày càng tăng về sự sẵn sàng thoả hiệp của Mỹ và tính khách quan của EU. Do có sự thay đổi chính quyền từ tổng thống cũ sang tổng thống mới, chuyện đàm phán này càng thêm nhạy cảm về đối nội ở Iran.
Điểm xuất phát như vậy thật sự không thuận lợi cho cuộc đàm phán có thể đạt được kết cục tích cực. Một khi không có lòng tin lẫn nhau thì mọi nhượng bộ lẫn nhau đều rất khó có thể có được do không bên nào sẵn sàng đi bước trước về phía bên kia. Dù vậy, vòng đàm phán này lại vẫn có ý nghĩa quyết định đối với số phận của JCPOA. Nếu lần này các bên không đạt được tiến triển đáng kể nào thể hiện trong kết quả cụ thể thì bản thân khuôn khổ đàm phán hiện tại ở Viên sẽ không còn được coi là thích hợp để cứu vãn JCPOA. Mỹ và phía EU sẽ tính đến những phương cách khác để đối phó Iran và phía Iran càng có lý do để tiếp tục thúc đẩy chương trình hạt nhân. Khi ấy, JCPOA càng khó được giải cứu, thậm chí không còn có thể giải cứu được nữa./.
Ngân Hà