Nặng danh nghĩa, nhẹ thực chất

G20 năm nay tiếp nối truyền thống nặng hình thức mà nhẹ thực chất.

Hội nghị cấp cao thường niên năm nay của nhóm G20 được tổ chức ở thủ đô Roma của Italy. Sau 4 năm, sự kiện lớn nhất và quam trọng nhất của khuôn khổ diễn đàn này lại diễn ra ở châu Âu. Nhìn vào bề ngoài, hội nghị cấp cao G20 năm nay được chú ý đến trước hết nhờ hai điều là G20 lần đầu tiên tổ chức hội nghị cấp cao thường niên theo hình thức trực tiếp kể từ khi bùng phát dịch bệnh viêm đường hô hâp cấp do virus corono gây ra và ngay sau sự kiện lớn của nhóm ở Roma có hội nghị cấp cao của LHQ về chống biến đổi khí hậu trái đất (COP26) diễn ra ở thành phố Glasgow của Scotland (Anh). Chống biến đổi khí hậu trái đất cũng là một trong những chủ đề nội dung chính trên chương trình nghị sự của hội nghị cấp cao G20 ở Roma. Các thành viên hiện tại của G20 góp phần chính gây ra tình trạng biến đổi khí hậu trái đất và cũng là diện đối tác có thể đóng góp nhiều nhất vào việc khắc phục hệ lụy tai hại của tình trạng biến đổi khí hậu trái đất. Cho nên nhìn vào diễn biến và kết quả của hội nghị cấp cao của G20 ở Roma có về chủ đề nội dung này có thể dự liệu được về diễn biến và kết quả của COP26.

Ngoài việc thông qua quyết định về áp thuế doanh nghiệp toàn cầu tối thiểu 15%, sự kiện lớn ở Roma vẫn đặc thù cho khuôn khổ diễn đàn G20 khi bàn thảo nhiều mà quyết định ít, khi mọi quyết định chỉ chung chung với tính khả thi không được đảm bảo và xung khắc lợi ích giữa các thành viên của nhóm vẫn rất sâu sắc và cơ bản. Mức độ đồng thuận quan điểm giữa các thành viên của nhóm G20 dừng lại ở sự nhất trí về sự cần thiết phải hợp tác và hậu thuẫn nhau cùng đối phó dịch bệnh và cùng nhau bảo vệ khí hậu trái đất. Nhưng sự sẵn sàng hợp tác thật sự hiệu quả với nhau để kiểm soát và đẩy lùi dịch bệnh cũng như giảm lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính lại rất hạn chế. G20 năm nay tiếp nối truyền thống nặng hình thức mà nhẹ thực chất./.

Ngân Hà

Bình luận

    Chưa có bình luận