NS Thu Mỹ: Muốn lột tả chân thực hình ảnh người chiến sĩ công an

Là diễn viên trẻ của Đoàn cải lương Long An, Thu Mỹ ngày càng khẳng định mình trong nghề.

 

Tham gia Liên hoan sân khấu “Hình tượng người chiến sĩ công an nhân dân” diễn ra từ ngày 16/7 đến 2/8 vừa qua, Thu Mỹ đã nhận được HCV cá nhân.

Thu Mỹ có thể chia sẻ về vai diễn đã giúp chị đoạt HCV?

Em đảm nhận vai Dung trong vở Chuyện của Dung. Tham dự liên hoan dịp em được thử sức, cọ sát với các anh chị, bạn nghề thuộc nhiều loại hình của sân khấu như: chèo, dân ca kịch, kịch nói… chứ không riêng gì cải lương. Được Ban lãnh đạo Đoàn tin tưởng giao phó trách nhiệm tham gia hội diễn, em thấy mình trưởng thành hơn. Gia đình em không có ai theo nghệ thuật nhưng vì yêu thích nên em đã lựa chọn con đường này. Tốt nghiệp trường Sân khấu - Điện ảnh TP.HCM, năm 2016 em được nhận về Đoàn cải lương Long An. Tại đây, em nhận được sự dìu dắt, giúp đỡ của các anh chị và đồng nghiệp và dần trưởng thành. Năm 2020 là một năm ghi dấu ấn với em vì vai diễn và vở diễn em tham gia đã nhận được đánh giá cao từ phía khán giả và Ban giám khảo của một cuộc thi lớn.

Trước khi đảm nhận vai Dung, Thu Mỹ có thường xuyên được giao vai diễn chính tại Đoàn cải lương Long An?

     Với các vở của đơn vị đưa đi lưu diễn, em thường đóng chính ví dụ như vở: Hoa Mộc Lan thì em đóng vai Hoa Mộc Lan, Một ngày làm vua thì em đóng vai Tô Kim Đài. Em đóng nhiều vai chính, nhưng khi vào vai Dung là vai diễn cá tính có  nhiều khác biệt so với các vai truyền thống trước kia là một thử thách với em. Vai Dung  cần khắc họa hình tượng một nữ quản giáo trẻ nhiệt huyết về nhận công tác tại một vùng xa xôi, hẻo lánh nên em đã phải nỗ lực rất nhiều từ cách diễn cho đến cách thoại, cách ca. Lúc đầu em thoại hơi bị đơ, biểu cảm giống như con trai thoại lời của một nhân vật nữ. Nhưng rồi quá trình tập luyện với sự chỉ dẫn của đạo diễn cũng như các anh chị trong đoàn, em dần có cảm xúc để vào vai diễn một cách ngọt ngào hơn.

Để có được thành công bước đầu như ngày hôm nay, khi công tác ở Đoàn cải lương Long An, Mỹ chịu ảnh hưởng từ ai nhất?

    Người mà em chịu ảnh hưởng nhiều nhất là đạo diễn, NSƯT Hồ Ngọc Trinh, là trưởng Đoàn của chúng em. Chị dành mọi tâm huyết cho từng vở diễn, vai diễn. Chị cháy hết mình với ngọn lửa đam mê, sáng tạo nghệ thuật. Với các đồng nghiệp, chị là người chỉ bảo, tận tình dìu dắt và nâng đỡ các nghệ sĩ trẻ như em. Có “miếng” nghề nào hay và hữu ích, chị đều tận tình truyền dạy lại cho chúng em. Với nhiều vở diễn, chị đã lui về phía sau cho diễn viên trẻ như chúng em được thể hiện khả năng, được cọ sát, thử sức trong các cuộc thi lớn và với các anh chị em trong nghề, đó là một điều hết sức trân quý mà em luôn luôn ghi nhận.

Vở diễn “Chuyện của Dung” được xây dựng dựa trên một câu chuyện có thật, vậy trước khi nhập vai, Thu Mỹ có những mường tượng nào về nhân vật?

 Rất tiếc là em chưa từng được gặp chị Dung vì chị công tác tại một trại giam ở Thanh Hóa. Trước khi thực hiện vai diễn, em đã được các anh chị trong đoàn cho nghe một đoạn băng có giọng nói của chị ấy. Em hình dung chị rất hiền và dễ thương. Em còn được biết chị có dáng người nhỏ nhắn giống em. Em đã rất xúc động khi nghe câu chuyện của chị và em muốn làm sao mình có thể diễn tả được thông điệp nhân văn đó. Nhưng rõ ràng từ chỗ cảm được đến chỗ thể hiện được những suy tư, trăn trở của nhân vật trong vai diễn là một khoảng cách khá xa. Câu chuyện xảy ra khi chị mới 22 tuổi, nghĩa là trẻ hơn em mấy tuổi. Vì vậy nên khi nhập vai, em cố gắng có những nét diễn rồi thoại thể hiện sự trẻ trung, trong sáng của nhân vật Dung ở ngoài đời.

NS Thu Mỹ đã giành HCV tại Liên hoan sân khấu “Hình tượng người chiến sĩ công an nhân dân” Trước đây khi tham gia lưu diễn hay giao lưu tại các đơn vị công an, các trại giam thì những ấn tượng hay cảm xúc về những người cán bộ quản giáo có giúp ích gì cho Dung khi thể hiện vai diễn này?

Đoàn cải lương Long An mỗi năm có 4 - 5 suất diễn phục vụ ở trại giam. Các anh chị quản giáo rất cực khổ, phải dành nhiều thời gian cho công việc. Họ sống trong trại và rất gần với các phạm nhân nên em thấy họ giống như những thầy cô giáo vậy. Chỉ có đi biểu diễn cho các chiến sĩ và phạm nhân như thế em mới có thể tường tận việc các anh chị công an ứng xử, dẫn dắt và can thiệp phạm nhân như thế nào. Vì vậy, nên khi thể hiện nhân vật Dung, em đã nhớ lại và thể hiện những điều đó. Nếu như không có những chuyến đi tới các trại giam, em sẽ không hiểu được các chiến sĩ công an đã phải vất vả ra sao. Đối với cán bộ nam thì còn đỡ chứ với cán bộ nữ, họ phải gồng mình mới có thể đảm đương được một núi công việc.

Điều gì khiến em đồng cảm với nhân vật Dung cũng như các chiến sĩ công an trẻ làm việc tại trại giam?

    Các chiến sĩ công an ở trong trại với khối lượng lớn công việc. Có những hôm họ phải thức đến 23h mới được đi ngủ. Với những chiến sĩ trẻ tuổi sẽ rất thiệt thòi. Họ hầu như không có thời gian cho cá nhân, cho gia đình, bạn bè và người thân. Sẽ còn khó hơn nữa cho những người độc thân nếu như họ muốn tìm cho mình một người yêu thương. Em rất thương họ. Vì vậy thông qua vở diễn, em muốn chuyển đến khán giả những điều chân thực nhất nhất về hình ảnh người chiến sĩ công an nhân dân.

Cảm ơn Thu Mỹ, chúc bạn có thêm nhiều vai diễn hay trong thời gian sắp tới!

Xin cảm ơn Thu Mỹ!

Vũ Nga thực hiện

 

Bình luận

    Chưa có bình luận