Tin vào tương lai của phim tài liệu độc lập

Các nhà làm phim độc lập ở nước ta sau năm 2000 với những bước đi chập chững thì nay một số đã khẳng định được mình qua những thành quả lao động.

 

Phóng viên VOV có cuộc trò chuyện với nhà nghiên cứu Cao Trung Vinh, Viện Văn hóa Nghệ thuật Quốc gia Việt Nam về sự phát triển của phim tài liệu độc lập ở nước ta.

Là người nghiên cứu cũng như từng tham gia làm phim tài liệu độc lập, theo anh, sự phân định giữa phim tài liệu độc lập với phim tài liệu theo phong cách truyền thống nằm ở góc độ nào?

Phim tài liệu đã có mặt ở nước ta từ lâu, nhưng đến những năm 2000 vẫn chủ yếu phục vụ mục đích tuyên truyền và sử dụng tiền ngân sách để làm phim. Sau năm 2000 có những người trẻ được học bài bản ở nước ngoài về, chủ động làm những bộ phim tài liệu theo hướng đi vào thân phận cá nhân. Một trong những bộ phim tài liệu độc lập đầu tiên để lại dấu ấn là phim “Love men love women” của nhà làm phim Nguyễn Trinh Thi, hay dự án phim “My Life - My View” của Phan Ý Ly, kể về cuộc sống của những đứa trẻ nơi bãi giữa sông Hồng. Các bạn chủ động kiếm tìm tài trợ, lên ý tưởng và chịu trách nhiệm với đề tài của mình, thậm chí là tự quay và dựng phim, sau đó tự mang phim của mình đi quảng bá thông qua các liên hoan phim.

Nhắc đến phim tài liệu độc lập là nhắc đến những người trẻ khao khát sáng tạo và khẳng định bản thân, anh ấn tượng với trường hợp nào?

Tôi nhớ đến trường hợp đạo diễn trẻ Nguyễn Thị Thắm với bộ phim “Chuyến đi cuối cùng của chị Phụng”. Thời điểm khởi quay là tháng 10/2010, khi Thắm mới ra trường. Bạn ấy vác máy đi theo gánh hát của chị Ngọc Phụng, một nhân vật chuyển giới. Bạn ấy làm vì say mê, theo đuổi ý tưởng, theo đuổi nhân vật. Khi có một số chất liệu, bạn ấy đi xin tài trợ để làm tiền kỳ cho bộ phim. Nguồn tài trợ không nhiều. Đến giai đoạn hậu kỳ, bạn ấy hết tiền, phải mang toàn bộ tư liệu đã làm tiền kì để đi xin một nhà tài trợ khác. Bộ phim “Chuyến đi cuối cùng của chị Phụng” khi ra mắt công chúng trong và ngoài nước đã tạo được dư luận rất tốt.

Bộ phim của đạo diễn trẻ Nguyễn Thị Thắm được đánh giá cao.Những người làm phim tài liệu độc lập có đi được lâu dài không khi mà bản thân họ phải đối diện nhiều áp lực về mặt tài chính, thời gian và không phải ai cũng có khả năng tiếp cận với các nguồn kinh phí hỗ trợ?

Các nhà làm phim độc lập ở nước ta với bước đi đầu chập chững, họ không thể xin nguồn kinh phí từ phía Chính phủ, từ phía các cơ quan chức năng về văn hóa và phim tài liệu ở Việt Nam. Tuy nhiên, họ đã khẳng định được mình qua  những thành quả lao động, như trường hợp “Chuyến đi cuối cùng của chị Phụng” của Nguyễn Thị Thắm. Hoặc đạo diễn trẻ Phạm Thu Hằng với dự án phim về rà phá bom mìn ở vùng Quảng Trị. Thu Hằng xin được nguồn tài chính ít ỏi từ phía Hàn Quốc để làm phim “Mùa cát vọng”. Phim được trình chiếu ở Liên hoan phim tài liệu quốc tế DMZ và Liên hoan phim quốc tế Singapore (năm 2018), nơi Phạm Thu Hằng nhận giải đạo diễn xuất sắc nhất. Cộng đồng làm phim tài liệu độc lập cũng bắt đầu kết nối lại với nhau. Trong tương lai không xa, khi nhìn thấy được những thế mạnh, những lợi ích từ phim tài liệu, tôi tin những nguồn tài trợ từ phía Nhà nước và cá nhân sẽ để ý đến họ và họ sẽ có được nguồn kinh phí tốt hơn.

Anh tin tưởng điều đó bắt nguồn từ những tín hiệu lạc quan nào?

Chẳng hạn năm 2012, Bộ VH-TT&DL cấp phép cho liên hoan phim nhân học ở TP.HCM.  Liên hoan này chủ yếu lấy nguồn phim từ các nhà làm phim độc lập ở nước ta và trên thế giới, gây được tiếng vang lớn, đánh động đến các nhà làm phim tài liệu ở trong nước. Năm 2016, Bộ VH-TT&DL, mà trực tiếp là Viện Văn hóa - Nghệ thuật Quốc gia Việt Nam cấp phép cho một liên hoan dành cho các nhà làm phim tài liệu trẻ. Nhà nước cũng đã nhìn thấy được lợi thế của việc quảng bá văn hóa và phát triển văn hóa thông qua những bộ phim tài liệu.

Đời sống hiện nay ở nước ta có là chất liệu tốt cho các nhà làm phim độc lập?

Việt Nam bây giờ là môi trường tốt để các nhà làm phim tài liệu trẻ khai thác. Xã hội Việt Nam đang chuyển đổi và phát triển không ngừng, với sự phân hóa ở các giai tầng trong xã hội. Những nhóm thiểu số bị đẩy ra phía ngoài và tiếng nói của những người thiểu số không được đề cao. CNH-HĐH làm thay đổi rất nhiều bối cảnh làng quê Việt Nam. Khi bung ra khỏi làng quê, sống ở đô thị, các cá nhân đối diện với rất nhiều vấn đề. Đấy là những đề tài thú vị, giàu tính gợi mở, thu hút sự quan tâm của giới nghiên cứu nước ngoài. Họ muốn biết tiếng nói, tâm tư, suy nghĩ của những số phận ấy được nhìn nhận trong xã hội ra sao.

Viện Văn hóa Nghệ thuật Quốc gia Việt Nam nơi anh làm việc có sự kết nối như thế nào với cộng đồng những người làm phim độc lập?

Viện có một trung tâm làm phim tài liệu. Trước kia, chúng tôi làm phim theo  đặt hàng của Nhà nước. Bắt đầu từ năm 2009, viện kết nối với các tổ chức làm phim từ phía nước ngoài, cụ thể là Mỹ và Bỉ. Họ đã đầu tư cho việc khuyến khích đào tạo thế hệ trẻ làm phim tài liệu. Viện tổ chức một số khóa đào tạo, tiến hành một số dự án hỗ trợ cho các bạn trẻ, cụ thể chúng tôi tập trung vào phim nhân học, vào các nhóm thiểu số. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng phối hợp với Viện Goethe mà trực tiếp là Hà Nội DOCLAB  là trung tâm làm phim độc lập cho các bạn trẻ, chia sẻ tiếng nói, cách thức và những ý tưởng làm phim. Chúng ta cần phải dung hòa cả hai tiếng nói - tiếng nói riêng của cá thể và tiếng nói chung của cộng đồng và các cơ quan quản lý, để tạo nên tính bền vững, tránh tình trạng xung đột.

Cảm ơn anh!

Anh Thư thực hiện

 

Bình luận

    Chưa có bình luận