Nghề cận kề nguy hiểm
Trong căn phòng rộng chừng hơn trăm mét vuông của Liên đoàn Xiếc Việt Nam, ngày nào cũng như ngày nào, các diễn viên xiếc tập trung cao độ, mải mê tập luyện với cường độ cao. Họ dường như quên thời gian, quên những giọt mồ hôi đang đổ dồn trên mặt, quên cả những tai nạn nghề nghiệp có thể xảy ra bất cứ lúc nào, mà nhẹ là bong gân, trầy xước, còn nặng thì gãy xương, thậm chí nguy hiểm đến tính mạng.
Nói đến nghề xiếc, người ta dễ dàng tưởng tượng ra một bộ môn nghệ thuật rất vất vả và nguy hiểm, chấn thương luôn thường trực. Bùi Thu Hương, diễn viên Liên đoàn Xiếc Việt Nam, người từng đoạt 3 huy chương vàng quốc tế chia sẻ: "Nghề xiếc mà bị gãy chân là nhẹ rồi. Chúng em coi chuyện tai nạn khi tập luyện, biểu diễn như một bài học đắt giá. Tập luyện không chỉ để cho dẻo mà còn để tăng sức lực, phải chịu được 200% thì khi ra sân khấu mới đủ sức biểu diễn trước áp lực từ khán giả, từ ánh đèn sân khấu. Với nghệ thuật xiếc, diễn viên chỉ có 7 phút để tỏa sáng, và chỉ cần 1 giây sơ suất là có thể gặp rủi ro không lường trước được".
Đối mặt với nguy hiểm, nhưng thu nhập của các diễn viên xiếc lại là một câu chuyện buồn chưa biết đến bao giờ mới có lối thoát. Diễn viên xiếc Dương Thị Hiên, Nhà hát Nghệ thuật Xiếc và Tạp kỹ Hà Nội cho hay: "Ưu đãi của Nhà nước dành cho nghệ thuật xiếc rất ít nên diễn viên trẻ hiện nay không còn chú tâm với nghề. Đồng lương thấp, không đủ bảo đảm cuộc sống tối thiểu thì làm sao các nghệ sĩ xiếc có động lực để phấn đấu tập luyện những tiết mục kỹ thuật cao. Ngay cả khi xảy ra tai nạn cũng không có chế độ hỗ trợ, thế nên, nghệ sĩ xiếc đang sống chỉ bằng "tình yêu nghề"".
Trước sức ép mưu sinh, nhiều nghệ sĩ phải "chân trong, chân ngoài", đi dạy yoga, dạy ép dẻo cho các CLB nghệ thuật, hoặc chạy show các tụ điểm vui chơi, giải trí, quán bar hay hội chợ… "Mặt trái của việc đi làm thêm là nó dần bào mòn tâm huyết của nghệ sĩ với nghề, lấy đi thời gian lẽ ra dành để tập luyện, trong khi nghề xiếc rất cần ngày nào cũng phải tập luyện kỹ thuật và các tiết mục xiếc mới. Có lẽ bởi thế nên hiện nay không còn nhiều các tiết mục xiếc có chất lượng kỹ thuật cao như ngày xưa", diễn viên xiếc Dương Thị Hiên cho hay.
Cũng theo chia sẻ của Hiên, nghệ sĩ trẻ hiện nay chỉ chú trọng tập luyện tiết mục cá nhân để có cơ hội chạy show chứ không muốn đầu tư vào các tiết mục tập thể chất lượng cao bởi các tiết mục này sẽ không có "đất" để chạy show bên ngoài mà chỉ trông chờ vào vài buổi diễn mỗi tháng ở rạp xiếc, đã thế đêm diễn lại cứ bị cắt dần.
Diễn viên Lê Cẩm Ly, Liên đoàn Xiếc Việt Nam tâm sự: "Rất ít diễn viên xiếc sống được bằng nghề. Luyện tập thì không được ngừng nghỉ, nhưng suất diễn lại rất ít. Cả năm chỉ trông chờ vào Tết Thiếu nhi 1/6 hay dịp Trung thu mới nhiều show diễn. Chưa kể khán giả đến với xiếc khá thưa thớt. Nhiều khi nhìn vào hàng ghế thưa vắng khán giả, chúng em thấy chạnh lòng, dù vẫn "cháy" hết mình trên sân khấu".
Các nghệ sĩ xiếc bày tỏ mong muốn khán giả đến với xiếc nhiều hơn để thấy rằng, xiếc hiện nay không phải là nghệ thuật chỉ dành cho trẻ em mà nó đã hòa quyện, trở thành những vở kịch thực thụ dành cho cả người lớn.
Hãy "dắt tay" khán giả vào rạp
Chị Nguyễn Thanh Thủy, Trưởng phòng nghệ thuật, Nhà hát Nghệ thuật Xiếc và Tạp kỹ Hà Nội than thở: "Nghề xiếc vất vả, hiểm nguy, tuổi nghề diễn viên xiếc rất ngắn, vậy mà tiền thù lao, bồi dưỡng và chế độ đãi ngộ quá ít ỏi. Cũng bởi vậy, các diễn viên trẻ bây giờ không thiết tha với nghề. Việc tuyển sinh vào trường xiếc cũng trở nên khó khăn vì không đủ đầu vào. Chúng tôi đã nhiều lần đề xuất lên Trung ương có chế độ đãi ngộ xứng đáng cho diễn viên xiếc, thế nhưng bao năm rồi vẫn thế". Nhiều diễn viên xiếc công tác ở Nhà hát tới 5, 6 năm nhưng đành xin chuyển đoàn hoặc tìm công việc khác. Đã có thời điểm diễn viên xiếc đồng loạt nghỉ khiến Nhà hát thiếu diễn viên để tổ chức biểu diễn.
Dành cả buổi chiều để trao đổi về nghề và người làm nghề xiếc hiện nay, NSƯT Tống Toàn Thắng, Phó Giám đốc Liên đoàn Xiếc Việt Nam cho rằng: "Cơ chế thị trường đã đặt ra một thách thức rất lớn cho các nghệ sĩ xiếc trẻ, nhưng nếu vì miếng cơm manh áo mà họ làm nghề xổi, hoặc chỉ nhìn vào lợi ích kinh tế trước mắt rồi mải miết chạy show thì kết thúc show diễn là hết, không có cơ hội phát triển. Và khi qua thời hoàng kim, diễn viên xiếc sẽ trở về vạch xuất phát, đánh lỡ đi cơ hội cống hiến cho ngành, cho nghề, trong đó có bản thân mình. Trong môi trường công lập, tuy thu nhập thấp hơn nhưng các nghệ sĩ được làm việc trong môi trường chuyên nghiệp, có ý tưởng và con đường hoạch định rõ ràng, được học tập và kế thừa những thành lựu của bao thế hệ nghệ sĩ xiếc. Việc biểu diễn ở bên ngoài, chỉ nên coi đó như một cách nạp thêm năng lượng, lấy ngắn nuôi dài chứ không phải sa đà chạy theo nó đến mức đánh mất mình. Khi các diễn viên xiếc nỗ lực tập luyện, trau dồi kỹ năng thì họ sẽ có nhiều cơ hội được biểu diễn, từ đó đem lại thu nhập".
Trên quan điểm luôn quan tâm và đồng hành cùng các nghệ sĩ xiếc trẻ, Liên đoàn Xiếc Việt Nam đã lo cho diễn viên có nơi ăn chốn ở, có phòng tập luyện chuyên nghiệp. Đặc biệt, Liên đoàn phân công cho nghệ sĩ lâu năm, thành danh kèm cặp cho thế hệ nghệ sĩ xiếc trẻ về chuyên môn, truyền cảm hứng, khơi niềm đam mê và định hướng con đường đi cho họ. Đồng thời, các diễn viên trẻ được tạo điều kiện tham gia biểu diễn, biến cơ hội thành hiện thực. "Chiến lược của Liên đoàn là đưa xiếc Việt ra nước ngoài. Vì thế, với các diễn viên xiếc làm nghề nhiệt huyết sẽ có rất nhiều cơ hội đang chờ đón", NSƯT Tống Toàn Thắng nhấn mạnh.
NSƯT Tống Toàn Thắng cũng bày tỏ mong muốn nhận được sự hỗ trợ từ phía các cơ quan chức năng, đặc biệt là trong việc bảo vệ thương hiệu. "Hiện có nhiều đoàn xiếc gia đình, xiếc cỏ lợi dụng tên tuổi, hình ảnh của chúng tôi, ảnh hưởng xấu đến hoạt động của Liên đoàn Xiếc Việt Nam hiện nay. Chúng tôi mong các ban, ngành, các nhà quản lý văn hóa ở các địa phương giúp hạn chế điều này, dừng cấp phép cho các đoàn xiếc không đủ năng lực nghệ thuật, hoặc giới hạn phạm vi hoạt động của họ", NSƯT Tống Toàn Thắng bày tỏ./.
Box:
"Mỗi nghệ sĩ xiếc đã bỏ ra rất nhiều công sức, mồ hôi, xương máu nên đừng dễ dàng bỏ cuộc. Còn việc khán giả đến với xiếc thưa vắng, nguyên nhân chính là do mình làm nghề chưa đủ cuốn hút. Hãy "dắt tay" khán giả vào sân khấu bằng những tiết mục, chương trình xiếc chất lượng cao, đa dạng sắc màu, phù hợp xu thế, khiến khán giả háo hức xem".