Chị đã trò chuyện với phóng viên VOV về nghề đạo diễn đầy gian truân.
Phải thấy mình nhỏ bé thì mới có thể lớn lên được
Theo chị, để đạt được thành công, các đạo diễn trẻ cần phải làm gì?
Trước hết, chúng ta phải học, phải đọc, phải làm nhiều và lắng nghe. Sự học hỏi là một yêu cầu rất quan trọng và dường như không có giới hạn. Các bạn trẻ cứ học hỏi đi, học nhiều vào và lúc nào cũng như một kẻ thèm khát kiến thức thì sẽ có một nền móng vững chắc cho công việc.
Tiếp đến là đọc, phải đọc thật nhiều. Đây cũng là một kiểu thu nạp kiến thức, kinh nghiệm một cách gián tiếp nhưng cũng vô cùng hiệu quả. Nó giúp chúng ta rất nhiều trong việc cảm thụ nghệ thuật và đưa ra ý tưởng cho mỗi vở diễn.
Tiếp đến là được làm nhiều, điều này thì hơi khó vì không phải ai cũng được tin tưởng được giao việc, nhất là với các đạo diễn trẻ. Thế nên, chúng ta phải trân quý từng cơ hội nhỏ để khẳng định khả năng của mình, để tạo dựng niềm tin với mọi người. Tôi may mắn đã ghi được dấu ấn ngay ở vở diễn đầu tay nên được các nhà hát, các đoàn nghệ thuật ưu ái và việc của tôi là phải cố gắng hết sức mình có thể...
Lắng nghe cũng là một phẩm chất mà nghề đạo diễn rất cần. Ý tưởng của mình dù có độc đáo đến mấy cũng khó tránh khỏi sự non nớt, phiến diện, vì thế việc thu nhận ý kiến đóng góp của người khác là điều rất quan trọng. Khi được các thầy và đồng nghiệp góp ý, tôi sẽ lắng nghe không bỏ sót một câu nào. Tôi luôn luôn nhắc nhở mình về sự cầu thị, phải thấy mình nhỏ bé thì mới có thể lớn lên được.
Xem các vở diễn của chị thì thấy rằng mỗi tác phẩm là một sự tìm tòi. Chị nhận xét như thế nào về các vở diễn của các đạo diễn trẻ hôm nay?
Các đạo diễn trẻ muốn nhận được sự tin tưởng thì phải nỗ lực để xây dựng niềm tin. Niềm tin ấy không thể hiện bằng lời mà là bằng tác phẩm. Vì vậy nếu có cơ hội được thử sức, các bạn hãy làm hết mình, từ đó các lời mời sẽ đến. Mà chúng ta không chỉ làm ở một lĩnh vực đâu, giống như tôi từ cải lương đến chèo, dân ca, tuồng… đủ hết. Xem các vở diễn của các đạo diễn trẻ, tôi luôn thấy chất trẻ, sự nhiệt tình, sự hăng say khám phá khao khát thể hiện mình với nghệ thuật, tuy nhiên sự độc đáo thì chưa có nhiều.
Phải chăng các đạo diễn trẻ chưa đầu tư thời gian đúng mức cho công việc, thưa chị?
Tôi không dám khẳng định điều đó mà chỉ muốn nhấn mạnh rằng nghề đạo diễn rất vất vả, gian truân nếu như chúng ta không chịu khó thì sẽ không thể nào có kết quả tốt. Tôi chỉ nói về kinh nghiệm của cá nhân tôi suốt từng ấy năm không biết đã đọc bao nhiêu cuốn sách, bao lần khăn gói một mình đi thâm nhập thực tế, bao đêm thức trắng để suy nghĩ hướng đi cho vở diễn. Mỗi một tác phẩm hoàn thành dường như đều vắt kiệt sức lực của tôi, đến nỗi nhiều khi tự nhủ là có khi chỉ làm xong vở diễn này rồi thôi không làm nữa. Nhưng rồi hết vở này đến vở khác, niềm say mê cứ cuốn tôi đi! Mỗi vở diễn thành công lại thêm một chút đam mê cho mình, dù biết sẽ cực khổ, vất vả và phải hy sinh ghê gớm.
Khán giả là người thầy nghiêm khắc
Chị có thấy mình may mắn khi có những người thầy, những bạn nghề giỏi?
Đúng là để có được thành công ngày hôm na, ngoài những cố gắng của bản thân, tôi đã may mắn được học tập và làm việc với những người thầy giỏi: NSND Doãn Hoàng Giang, NSND Xuân Huyền, NSND Lê Hùng, NSƯT Lê Chức và đặc biệt là thầy NSND Đình Quang và NSND Trần Ngọc Giàu. Chính họ đã mang đến cho tôi niềm say mê sân khấu. Tôi được học những bài tập cơ bản về đạo diễn, được thử sức với vai trò mới, tiếp cận với tác phẩm từ nhiều góc độ. Từ những điều căn cốt ấy khi tự tạo dựng tác phẩm, tôi vững tin hơn rất nhiều. Biến tất cả những kiến thức đã học từ các thầy thành bài học cho mình và dựa trên cá tính của mình, phong cách của mình để sáng tạo hình tượng nhân vật cho tác phẩm.
Ngoài những người thầy đáng trân quý ấy còn có một người thầy nghiêm khắc và đáng yêu nữa đó là các khán giả. Chính họ là thước đo cho những cố gắng và sự trưởng thành của tôi. Mỗi khi tôi có một tác phẩm mới, tôi lại hồi hộp đón nhận phản ứng của khán giả và điều may mắn là tôi đã được yêu mến, được chấp nhận!
Trong những ngày đầu khi đứng ở vị trí đạo diễn mà xung quanh là những nghệ sĩ lớn, những bậc thầy của mình, có khi nào giữa chị và họ xảy ra sự đối nghịch về quan điểm nghệ thuật?
Có chứ, có những lúc tôi cảm thấy khá áp lực khi mình hợp tác với những người được coi là “cây đại thụ” của sân khấu như: NSND Doãn Châu, NSND Hạnh Nhân... Thực sự mình quá nhỏ bé so với sự cống hiến và tài năng của họ nhưng ở vai trò của mình, tôi vẫn cứ làm đúng những gì mình tâm đắc, mình chắc chắn. Đạo diễn muốn nhận được sự nhất trí cao, ngoài những kiến thức chuyên môn cần phải có tinh thần phản biện, có bản lĩnh để thuyết phục ê- kíp của mình. Rất may cho tôi là với từng ấy vở diễn, tôi luôn được các thầy, các nghệ sĩ bậc cha chú tin tưởng, đồng thuận. Bởi mỗi khi đưa ra một quyết định nào đó, tôi đều phải rất cân nhắc dựa trên tinh thần, lợi ích chung cho tác phẩm.
Các vở diễn của chị hầu hết là về đề tài lịch sử nhưng người xem thấy rõ được cái tinh thần mới, sự duyên dáng trẻ trung?
Điều bạn nói về tác phẩm của tôi cũng là nhận xét mà nhiều người dành tặng cho tôi. Quả thực là rất vui! Nhưng chắc chắn đó không phải là một điều ngẫu nhiên. Tất cả phải được xây dựng trên cái nền của văn hóa của kiến thức và sự công phu. Tôi biết ơn mảnh đất xứ Nghệ, quê hương của tôi, nơi tôi đã có một tuổi thơ êm đềm. Tôi lớn lên trong bầu không khí của những câu hò, ví dặm. May mắn tôi cũng là một cô bé học giỏi môn Văn nên tôi càng cảm nhận rõ hơn điều đó.
Rời mái trường PTTH quê nhà, tôi đến với nghệ thuật cải lương, những khát vọng sáng tạo về cái đẹp cứ chảy mãi trong tim tôi và ngày càng mãnh liệt. Đó cũng là một sự thôi thúc để tôi đến với công việc đạo diễn. Với tôi, đó là một quá trình gian nan nhưng cũng rất hạnh phúc khi mình làm được những điều mình ao ước./.
Xin cảm ơn chị!
Vân Khánh thực hiện