Nhà thơ, nhạc sĩ Nguyễn Trọng Tạo: Vẫn sống giữa mọi người với nụ cười an nhiên

Nhạc sĩ Nguyễn Trọng Tạo trút hơi thở cuối cùng vào tối ngày 7/1/2019 tại Bệnh viện Bạch mai Hà Nội.

 

Với bạn bè văn nghệ

Là người tài, nhưng với thế hệ hậu sinh chúng tôi, nhà thơ, nhạc sĩ Nguyễn Trọng Tạo như một người anh gần gũi, thân thương, hết lòng chia sẻ chuyện đời, chuyện nghề. Chúng tôi ngưỡng mộ anh không chỉ bởi tài năng, nhân cách mà còn ở cái tình với đồng nghiệp, bạn bè đầy chân thành, độ lượng.

Nhạc sĩ Giáng Son nhớ lại kỷ niệm cũ: “Tiền thân của 5 Dòng Kẻ là nhóm Du ca, nhưng rồi do nhân duyên tôi được gặp nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo. Trong một buổi trò chuyện giữa nhạc sĩ Nguyễn Thụy Kha, Ngọc Đại và Nguyễn Trọng Tạo, mọi người góp ý nên đổi tên nhóm thành “5 dòng kẻ”. Nhạc sĩ Nguyễn Trọng Tạo lập luận: 5 ca sĩ là 5 dòng kẻ trên một khuông nhạc. Những dòng kẻ ấy chứa đựng những thanh âm, giai điệu của các thành viên. Cái tên ấy hay lại phù hợp với chất nhạc, dòng nhạc mà nhóm theo đuổi nên chúng tôi đã nhất trí đổi tên nhóm. Với tôi, anh Tạo là một nghệ sĩ đa tài. Tôi ấn tượng với những thiết kế bìa sách của anh, thích những giai điệu thấm đẫm hồn quê của anh và đặc biệt thích thơ anh nên tôi đã phổ nhiều bài thơ của anh như: “Cây nến trắng”, “Tình bạn”, “Cỏ và mưa”... Anh Tạo là người sống tình cảm, phóng khoáng, nồng hậu, hết lòng vì bạn bè. Mỗi khi ở trại sáng tác hay đi đâu đó có anh Tạo đi cùng sẽ rất vui”.

Nhạc sĩ Nguyễn Thụy Kha kể: “Năm 1978, tôi được đơn vị yêu cầu viết bài hát về quân tình nguyện Việt Nam - Campuchia. Tôi đã đọc được bài thơ của nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo đăng trên Báo Văn nghệ nhan đề: “Hát ru em bé Campuchia” và tôi đã phổ nhạc. Lúc ấy, tôi chưa biết về nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo. Bài hát khi hoàn thành được Đài TNVN thu thanh và trở thành bài hát mở đầu cho băng nhạc những bài hát viết về tình hữu nghị Việt Nam - Campuchia gửi tới Liên hiệp quốc nhằm khẳng định việc Việt Nam sang Campuchia là để giúp đỡ đất nước Campuchia thoát khỏi nạn diệt chủng. Cũng từ đó, chúng tôi chơi thân với nhau cho tới ngày nay. Nguyễn Trọng Tạo là người rất tài hoa. Bên cạnh sáng tác thơ, văn, anh còn có những đóng góp nhất định trong lĩnh vực  âm nhạc. Nghệ thuật thì dài lâu, đời người thì có hạn nên chúng tôi luôn ủng hộ nhau, giúp nhau đưa bản sắc của từng người tới công chúng. Nguyễn Trọng Tạo là một nghệ sĩ đích thực hết lòng vì nghệ thuật, vì sự phát triển của thế hệ trẻ”.

Thi ca, âm nhạc là cuộc đời

Sống và đam mê, Nguyễn Trọng Tạo đi đến tận cùng của thi ca để tìm ra vẻ đẹp và chiều sâu thăm thẳm của triết lý và tính nhân văn trong từng con chữ như: “Đồng dao cho người lớn”, “Nương thân”, “Thế giới không còn trăng”, đặc biệt phải để kể đến Trường ca: “Con đường của những vì sao” và “Biển mặn”...

Nhà phê bình văn học Hoàng Ngọc Hiến từng nhận xét: “Thơ Nguyễn Trọng Tạo là thơ của những cái chớp mắt, cảm hứng nhân văn của Nguyễn Trọng Tạo không dễ dãi và lấp lánh vô tận như những cái chớp mắt” (Đồng dao cho người lớn - NXB Hội Nhà văn 1994), còn nhà phê bình Thụy Khuê (Paris) nhận xét “... Những câu thơ hay như thể bất chợt đến, bất chợt gặp trong thơ anh rất nhiều. Thơ anh thản nhiên, nhẹ nhàng và dễ dàng như hình tượng đã sẵn có trên cây, anh chỉ việc rung cây là chúng rụng xuống thơ anh...” (Đồng dao cho người lớn –NXB Hội Nhà văn 1994).

Với âm nhạc, nhạc sĩ Nguyễn Trọng Tạo viết không nhiều, viết chậm, nhưng 100 tác phẩm ra mắt bạn yêu nhạc là một trăm câu chuyện âm nhạc để lại dấu ấn trong lòng người yêu nhạc. Đối với những người xa quê, âm nhạc của Nguyễn Trọng Tạo như sợi dây se kết, rút ngắn khoảng cách không gian, thời gian như gần  hơn với cố hương, mà bất cứ ai cũng có thể nhớ đôi ba câu hát trong: “Làng Quan họ quê tôi” (thơ Phan Hách); “Đôi mắt đò ngang”, “Khúc hát sông quê” (Lê Huy Mậu), “Tình ca bên một dòng sông”, “Mẹ tôi”, “Đồng Lộc thông ru”, “Tình ca hạt giống vàng”, “Tình Đông”, “Tình Xuân”, “Tình Hạ”, “Mưa”, “Nghe biển ru đêm”…

“Nguyễn Trọng Tạo là một trong những nhà thơ hàng đầu trong thế hệ các nhà thơ giai đoạn kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Thơ ông mang tính triết lý và nhân văn sâu sắc. Tôi phục Nguyễn Trọng Tạo bởi cái gì cũng tài, kể cả trong cuộc sống. Một người nghệ sĩ lý tưởng và sống rất nghệ sĩ” - nhà thơ Phan Hách

Dù tác phẩm ở lĩnh lực văn xuôi, thơ ca, hay âm nhạc, nhạc sĩ  Nguyễn Trọng Tạo đều khắc tên mình bằng rất nhiều giải thưởng, trong đó phải kể đến Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật được trao năm 2012.

Tác giả bài viết và nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo (Thứ tư và thứ năm từ trái sang)

Vẫn “rong chơi” đó đây

Cái duyên “hữu xạ” đến từ bạn bè như “sự đã rồi” mà anh nói đùa “già rồi mà vẫn trót dại đưa chân” đưa đến chương trình “Khúc hát sông quê”, diễn ra tại Nhà hát Lớn Hà Nội vào tháng 9/2017. Rồi lại là cái tình bạn bè mà anh đã có thêm một đêm nhạc vào tháng 8/2018 để tạ ơn quê hương. 2 đêm nhạc nhiều cảm xúc dành cho bạn bè, người thân và khán giả hâm mộ nhà thơ, nhạc sĩ Nguyễn Trọng Tạo mà nói như nhạc sĩ Nguyễn Thụy Kha: “Việc công bố những tác phẩm của mình để thêm một lần nữa khẳng định sự nghiệp nhưng là dịp để công chúng có cơ hội hiểu rõ hơn về một Nguyễn Trọng Tạo”.

Người ta vẫn nói, nghệ sĩ thường nhạy cảm và với nhà thơ, nhạc sĩ Nguyễn Trọng Tạo, anh không chỉ nhạy cảm mà linh giác của anh thường hay mách bảo anh những điều sẽ diễn ra như một định mệnh. Và có lẽ anh đã chuẩn bị sẵn tâm thế cho mình trong chuyến đi dài này. Cách đây hơn 3 tuần xuống thăm anh, anh kể về giấc mơ của mình và nhà lưu niệm mang tên Nguyễn Trọng Tạo. Và giấc mơ ấy đã thành hiện thực chỉ sau đó vài ngày khi anh mua được căn nhà sát căn hộ anh đang sống để sau này làm nhà lưu niệm đúng như tâm nguyện. Viết tới đây, tự dưng trong đầu tôi xuất hiện những vần thơ trong bài thơ “Thời gian”: “Ngày bóc tờ lịch/Dán vào đời tôi/Ngày bóc đời tôi/Ném vào đen đỏ/Rồi thua xanh cỏ/Rồi tóc trắng vôi/Rồi thua ngọn gió/Một trời rong chơi/Vẫn bóc vẫn dán/Vẫn đầy vẫn vơi/Tôi còn cái lõi/Ngày bóc luôn rồi/Còn chi bóc nữa?/Hãy bóc hồn tôi/Tôi thành tờ lịch/ Bóc sang luân hồi”.

Nhà thơ, nhạc sĩ Nguyễn Trọng Tạo đã bỏ “cuộc chơi” đầy đa đoan trên dương thế để thực hiện một chuyến đi dài nơi miền tây phương cực lạc vào một đêm đông. Cơn mưa phùn đêm đông Hà Nội như lạnh thêm, càng khiến cho lòng người cảm thấy như thiếu vắng, trống trải.

Sẽ là một chuyến đi dài mang anh đến với miền của những người bạn tri kỷ thơ, nhạc. Anh sẽ không còn phải đớn đau, trăn trở về sự lưu lạc: “Ngác ngơ giữa phố /Một thằng nhà quê/Nhớ thương mộ tổ/Biết bao giờ về...”. Anh hãy cứ “rong chơi” nhé, mọi người sẽ nhớ mãi nụ cười của anh!

Trong giới văn nghệ sĩ, Nguyễn Trọng Tạo là con người của thi ca, âm nhạc và hội họa. Với tôi anh là một người anh tài hoa, khiêm nhường và độ lượng, luôn sống hết lòng vì mọi thứ ở trên đời.

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận