NSƯT Trịnh Quang Tùng: Khoảnh khắc như duyên phận

NSƯT Trịnh Quang Tùng biết ơn những khoảnh khắc như duyên phận mà cuộc sống đưa đến cho anh, để anh có được thành công ngày hôm nay.

 

Từ một nhân viên kỹ thuật ở Hãng phim Tài liệu và Khoa học Trung ương cho tới vị trí quay phim phụ, quay phim chính rồi trở thành đạo diễn, phó giám đốc phụ trách Hãng phim  -  là một hành trình đầy nỗ lực và cũng tràn đầy cảm hứng của NSƯT Trịnh Quang Tùng.

NSƯT Trịnh Quang Tùng biết ơn những khoảnh khắc như duyên phận mà cuộc sống đưa đến cho anh, để anh có được thành công ngày hôm nay. Một trong những khoảnh khắc như duyên phận ấy gắn với thời điểm năm 1999, anh tham gia trong đoàn làm phim “Vì cuộc sống bình yên”. Đây là phim tài liệu đề tài hậu chiến, khắc họa hậu quả, sức tàn phá ghê gớm của bom mìn đối với con người. “Tôi đã đi vào bãi mìn mà hồn nhiên nghĩ rằng không có vấn đề gì cả, tức là mình đam mê quá, mình ham hình quá cho nên mê mải với những cảnh trong bãi mìn. Đến khi rút khỏi bối cảnh đó tôi mới thấy sợ, thấy nguy hiểm. Trong phim có những hình ảnh vô cùng ám ảnh. Những người lớn, những em bé bị mất đi một phần thân thể khi giẫm phải mìn, vướng phải bom bi. Nhiều vụ tai nạn  do cưa bom mìn mà bay cả thân xác, nhiều gia đình mất đi người thân, hoàn cảnh rất buồn thương. Tác phẩm đó đánh dấu bước đầu tiên tôi đến với điện ảnh, như là nhân duyên cuộc đời”, NSƯT Trịnh Quang Tùng tâm sự.

 Ngay từ lần đầu tiên tham gia quay phim, Trịnh Quang Tùng đã cảm thấy mối gắn kết giữa anh với phim tài liệu. Tác nghiệp ở hiện trường thường vất vả, thậm chí nguy hiểm, nhưng khi những hình ảnh đời sống được tái hiện qua từng giây hình, cảm giác thật hạnh phúc - niềm hạnh phúc có thể cầm, nắm, có thể ngân vang mãi trong tâm hồn. Niềm hạnh phúc ấy dẫn dắt anh, thúc đẩy anh, nhân lên trong anh khao khát được ghi lại hiện thực và sáng tạo trước hiện thực. Và một mảnh hiện thực đời sống đã được Trịnh Quang Tùng tái hiện thành công qua “Quán trà câm” - tác phẩm tốt nghiệp chuyên ngành quay phim của anh ở trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh Hà Nội. Thực hiện tác phẩm này anh mất gần 3 tháng lân la, vạ vật ở quán trà mà những người khiếm thính hay lui tới. Mãi rồi mới làm quen, học được cách giao tiếp với họ, được họ dẫn về nhà chơi, rủ đi uống trà, uống bia. Khi anh bắt đầu quay thì giữa anh và họ không còn bất kỳ một khoảng cách nào. Chính cái không khoảng cách đó đã tạo nên thành công của bộ phim. Cả 5 giảng viên trong hội đồng chấm thi tốt nghiệp của Trường Đại học Sân khấu Điện ảnh Hà Nội năm đó đều cho anh điểm 10 tuyệt đối. “Với người làm phim tài liệu, bao giờ họ cũng đau đáu về những câu chuyện, những vấn đề trước mắt. Khi không có chính kiến, khi không còn mối bận tâm trăn trở với đời sống xã hội chắc chắn lúc đó mình không còn làm nghề được nữa. Thường trực trong tôi luôn phải quan sát, tìm hiểu xem vấn đề này như thế nào, có tác động đến ai, khi mình đề cập thì nó có mang lại điều gì không?” - những suy nghĩ ấy luôn ở trong Trịnh Quang Tùng động viên anh tìm tòi và sáng tạo. Phim tài liệu đầu tay “Khi không thể vượt qua chính mình” (đồng đạo diễn với Bùi Thị Phương Thảo), Trịnh Quang Tùng đã chọn một đề tài khó tiếp cận, đó là những người bị khủng hoảng tâm lý, mắc bệnh tâm thần. Quá trình thực hiện từng cảnh quay cũng chính là quá trình anh vượt qua chính mình, đưa được tiếng nói của những người bé nhỏ cùng những thông điệp nóng của đời sống hiện đại vào tác phẩm. “Khi không thể vượt qua chính mình” đoạt Cánh diều Bạc năm 2009 đã mở đường cho anh chinh phục một loạt giải điện ảnh khác với những tác phẩm: Chuyện dài ở bệnh viện, Lang thang như đám mây trời, Bướm côn trùng cánh vảy, Lũ miền núi.

Ngay từ lần đầu tiên tham gia quay phim, Trịnh Quang Tùng đã cảm thấy mối gắn kết giữa anh với phim tài liệu.

Là một đạo diễn trưởng thành từ quay phim, gặt hái được nhiều thành công với phim tài liệu và phim khoa học, nhưng nếu hỏi Trịnh Quang Tùng là anh đã đoạt được bao nhiêu giải thưởng, đã tham gia vào bao nhiêu tác phẩm, anh sẽ không thể trả lời ngay. Cảm giác về sự vất vả sau mỗi hành trình cũng qua đi rất nhanh, chỉ còn lại niềm hạnh phúc khi đã vượt qua giới hạn của bản thân, được gặp gỡ, được tái hiện cuộc đời của nhiều trí thức và chính trị gia nổi tiếng, được đồng cảm sẻ chia với những số phận đời thường, được bày tỏ những thông điệp cuộc sống… Từng khung hình qua máy quay phim luôn hấp dẫn anh, thúc giục anh trải nghiệm và khám phá. “Tôi muốn góp phần tạo nên những thay đổi để mảng phim tài liệu -  khoa học có hướng tiếp cận mới hơn, có những cách làm mới hơn, có những bộ phim chất lượng hơn”- đạo diễn NSUT Trịnh Quang Tùng bày tỏ.

Đi cùng với thành công luôn là áp lực. Hiện nay, ở vị trí phó giám đốc phụ trách Hãng phim Tài liệu và Khoa học Trung ương, đạo diễn NSƯT Trịnh Quang Tùng có nhiều băn khoăn trăn trở, những đam mê cá nhân phải nhường chỗ cho trách nhiệm và nghĩa vụ với tập thể. Song có lẽ trong anh vẫn thường trực niềm khao khát về một ngày nào đó được lang thang trên những nẻo đường, được lấp đầy lồng ngực những âm thanh và hương vị dịu dàng đắng ngọt của đời thường. Và khi niềm khao khát ấy còn vẫy gọi thì sẽ còn sáng tạo!

Đạo diễn - NSƯT Trịnh Quang Tùng sinh năm 1975 tại Thanh Hóa. Anh nhiều lần được nhận Giải quay phim xuất sắc, Đạo diễn xuất sắc, giải Bông sen Vàng, Bông sen Bạc, Cánh diều Vàng, Cánh diều Bạc… Năm 2019, đạo diễn Trịnh Quang Tùng được phong danh hiệu Nghệ sĩ ưu tú.

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận