Ông chia sẻ với phóng viên VOV về tiểu thuyết mới nhất của mình:“Tằng cẩu”, do NXB Hội Nhà văn ấn hành.
"Tằng cẩu” là tiểu thuyết thứ 10 của nhà văn Hoàng Thế Sinh (từ năm 2020 đến nay năm nào ông cũng ra một cuốn tiểu thuyết mới). Điều gì khiến ông miệt mài theo đuổi thể loại khó như tiểu thuyết vậy,
Tôi từng tâm sự với các bạn văn rằng, viết tiểu thuyết như một cuộc tự đầy ải, đầy khổ tâm, vừa tò mò, vừa kinh hãi, vừa mê đắm và cũng tràn ngập niềm vui sướng. Viết tiểu thuyết mới có khả năng thỏa mãn khát vọng của tôi là muốn bao quát một không gian rộng lớn, một thời gian đủ dài cho việc xuất hiện những tính cách điển hình trong hoàn cảnh điển hình, nhằm khái quát được những vấn đề lớn liên quan đến tư tưởng, tình cảm, hành động của con người, liên quan đến những biến động thường nhật của cuộc sống. Chỉ với tiểu thuyết, tôi mới có thể mặc lòng sáng tạo, được phản ánh sâu về số phận con người - con người hạnh phúc và bất hạnh, con người thông minh và dại khờ, con người với mối quan hệ ràng ríu máu thịt và kỳ bí với chính con người, với núi sông trời biển, với muông thú, ma quỷ, linh hồn và cả thần thánh nữa. Viết tiểu thuyết là miên man khổ và mê mẩn sướng! Thế nên, tôi mới bị thể loại tiểu thuyết dẫn dụ!
Ông có thể bật mí về nhan đề của tiểu thuyết “Tằng cẩu”?
Theo phong tục của người Thái, khi thiếu nữ đi lấy chồng thì phải "tằng cẩu", tức là búi tóc lên đầu. Đây là một trong nhiều nét đẹp của văn hóa Thái. Thật
là khó cho mấy chàng trai hay tán gái, khi thấy phụ nữ Thái dù trông còn rất trẻ, rất xinh nhưng đã "tằng cẩu" rồi thì đành "bótay.com", vì như vậy là người ta đã có chồng! Tôi chọn "tằng cẩu" làm nhan đề cho cuốn sách là có ý gây ấn tượng về một tộc người miền núi Việt Nam, nhất là ở vùng Tây Bắc, vốn có truyền thống văn hóa rất độc đáo như: lễ hội lồng tồng, lễ hội hoa ban, tục cưới hỏi mà nhà gái cũng phải tặng lễ vật chăn, gối, đệm... cho nhà trai, tục cúng rừng thiêng, cúng cơm mới, rồi khắp Thái, hát giao duyên hạn khuống, kể trường ca “Xống chụ xon xao”, múa xòe, thổi pí pặp, pí lè, khèn bè, ngủ thăm, chọc sàn, tằng cẩu... Tôi cũng có ý đề cao nét văn hóa đẹp riêng của người con gái Thái về việc cô nàng rất thật lòng công khai rõ ràng cái việc nàng đã "tằng cẩu" rồi đây, nghĩa là nàng đã có chồng rồi nhé, các chàng trai đừng có mà mơ tưởng, đừng có mà tán tỉnh vớ vẩn nữa. Con gái Thái tằng cẩu nghĩa nàng đã được "đánh dấu" có chủ rồi. Như thế thật đàng hoàng và hãnh diện! Như thế mới rõ là con gái Thái biết trân trọng và giữ gìn phẩm giá của mình qua một nét văn hóa độc đáo. Với những lý do này, "tằng cẩu" đã xứng đáng làm nhan đề cho cuốn tiểu thuyết rồi.
Trong tiểu thuyết này, nhân vật chính là một cô gái Thái. Cuốn sách cũng nhắc đến rất nhiều văn hóa của người Thái từ thành ngữ, dân ca tới phong tục, tập quán, ngôn ngữ của người Thái. Đọc “Tằng cẩu” có những trang rất gần với việc nghiên cứu văn hóa. Làm sao ông có được những trang viết gần gũi, chân thật với đời sống của dân tộc Thái như vậy?
Tôi là nhà báo. Mấy chục năm làm nghề viết báo, tôi đã đi đến rất nhiều bản người Tày, Khơ Mú, Mông, Dao, Thái ở Lào Cai, Điện Biên và nhất là ở Yên Bái. Có lần đi cả ngày đêm vượt núi tới 50 cây số trong mưa rét, mệt mỏi rụng rời, tưởng chết giữa đường. Trong những chuyến đi cơ sở như thế, tôi với bạn đường thường cùng ăn, cùng ngủ nhà sàn, nhà đất, cùng đi nương, đi phá bỏ cây thuốc phiện, cùng uống rượu trong các cuộc lễ, cúng, trong các cuộc cưới hỏi, ma chay, cùng ăn mèn mén, rau rừng, cá suối với đồng bào. Có đêm đông rét quá, tôi phải đắp váy Mông mà ngủ cạnh đống lửa rực hồng. Những chuyến đi ấy, tôi có dịp tham gia vào lễ hội các dân tộc, các cuộc xòe và các cuộc hát giao duyên Hạn Khuống thâu đêm suốt sáng. Thú thật, mấy lần tôi theo các chàng trai Thái đi chọc sàn mãi bản Kim Nọi ở Mù Cang Chải, bản Thái Tú Lệ ở Văn Chấn, bản Ten, bản Nà Cang ở Mường Lò Nghĩa Lộ. Vui lắm! Con gái Thái xinh ơi là xinh! Cô nào cũng hiền hậu, tình tứ, có duyên lắm! Những chuyến đi như thế, đêm về, tôi đều cặm cụi ghi chép cẩn thận, ghi cả cảm xúc riêng tư nữa, cái gì không biết thì mai mốt hỏi đồng bào, nữa thì đọc sách của các nhà sưu tầm văn hóa dân gian, thành ra tôi có cả một kho lưu trữ tư liệu dành cho sáng tác.
“Thiên thần Nam Mê” và “Tằng cẩu”, hai cuốn tiểu thuyết gần đây của ông đều viết về những người phụ nữ xinh đẹp sa chân lỡ bước vào động quỷ. Ở “Thiên thần Nam Mê”, điều này có thể lý giải được vì Nam Mê vốn là một người đàn bà được bao bọc, ít trải nghiệm sống, trong khi đó Hoa Ban của “Tằng cẩu” lại là người có học thức, có hiểu biết. Ở góc độ người viết, ông lý giải sự sa chân của Hoa Ban như thế nào?
Ở đời, cô con gái nào chẳng thương mẹ mình, có khi còn thương hơn cả bản thân mình nữa. Cô Hoa Ban cũng không ngoại lệ. Vì hoàn cảnh nợ nần chồng chất, mà gia đình chỉ hai mẹ con, mẹ thì mù lòa, cô Hoa Ban phải gánh vác hết thảy. Nỗi lo nợ nần khiến Hoa Ban phải nhắm mắt đưa chân đi làm cho ông chủ Bùi Tắc Kin, một doanh nhân giàu có, bị vợ con sang Mỹ bỏ rơi, sống cô đơn và chỉ mê gái Thái xinh đẹp. Sa chân, nhưng Hoa Ban không bán rẻ sự trinh trắng của mình cho kẻ mà cô không hề yêu. Cô Hoa Ban không bị vàng bạc châu báu và đồng tiền dẫn dắt đến kết cục bi thảm như nàng Nam Mê trong “Thiên thần Nam Mê” mà đã đến được bến bờ hạnh phúc một cách trọn vẹn. Cuối tác phẩm, cô Hoa Ban có người yêu Như Đin và con trai Như Bun. Hình ảnh Hoa Ban cùng con trai Như Bun tựa vào vai Như Đin trên bến đá Sam Luống suối Xia như tựa vào núi Pú Lo thực sự là một tượng đài hạnh phúc được xây cất từ tình yêu thủy chung và trong trắng của người con gái Thái xinh đẹp!
Trong hai cuốn tiểu thuyết gần nhất, bên cạnh câu chuyện của các nhân vật chính, còn có thể thấy được sự tàn phá của đồng tiền đối với cảnh quan, con người và văn hóa của dân tộc thiểu số. Đây cũng là thực trạng diễn ra ở nhiều nơi. Là một nhà văn gắn bó với “xứ mưa”, ông có quan điểm như thế nào về vấn đề này?
Tôi có cuốn tiểu thuyết "Ma tiền". Bản thân đồng tiền chẳng có tội lỗi gì đâu. Bao nhiêu tội lỗi đều do con người gây ra mà thôi. Tiền đã trở thành nhân vật tác oai tác quái khủng khiếp. Nó len lỏi vào khắp các mối quan hệ xã hội. Nó có thể mua được rất nhiều thứ, dù không mua được tất cả. Nó làm cho thoái hóa, biến chất, băng hoại mọi thứ truyền thống tốt đẹp của con người. Nó làm ra chuyện đổi trắng hay đen, biến xấu thành tốt, biến sai thành đúng, biến giả thành thật toàn chuyện chết người như bỡn. Một bọn khốn kiếp vì tiền mà xẻ thịt núi non, phá nát rừng già, bóp chết sông suối, uống máu ăn gan muông thú, làm biến dạng tự nhiên và sự sống. Miền núi xa xăm, nơi "xứ mưa" của tôi, vùng có nhiều tộc người sống xa nền văn minh như vùng Đông Bắc, Tây Bắc, Tây Nguyên,... cũng không ngoại lệ. Những nét văn hóa tốt đẹp của các tộc người Việt Nam đang có hiện tượng bị mai một, bị lai căng, bị quên lãng. Đó là mối nguy cho dân tộc. Tôi viết "Tằng cẩu" là muốn góp thêm tiếng nói về việc bảo vệ, giữ gìn, phát huy bẳn sắc dân tộc, nếu không, tự nhiên và con người sẽ bị hủy hoại trong tương lai gần!
“Yên Bái tuy không phải là quê gốc của nhà văn Hoàng Thế Sinh (ông sinh ở Hưng Yên), nhưng ông đã ăn đời ở kiếp cùng xứ sở này. Văn chương của ông đi vào đời sống tinh thần của người Yên Bái theo cái cách thật thú vị. Không ít các danh xưng đã trở nên thân thuộc của đồng rừng Yên Bái lại được đi ra từ các tác phẩm của Hoàng Thế Sinh”. Nhà phê bình văn học Văn Giá |
Xin cảm ơn nhà văn!
Nguyễn Hà thực hiện