Nhà văn Hoài Hương: 'Tôi đem cảm xúc của mình với nhân vật phả vào ngôn từ'

Nhà văn Hoài Hương là người viết nội lực khi đã có hơn 10 đầu sách được xuất bản.

 

Chị luôn khát khao vẽ lên những bức chân dung văn chương đẹp, tinh tế và không ngại tìm tòi để có những hình tượng nghệ thuật mới. Nhân dịp chị vừa ra mắt cuốn sách Những khoảnh khắc sinh tử, phóng viên VOV có cuộc trò chuyện với chị.

Muốn thế hệ trẻ biết về cha ông

 “Những khoảnh khắc sinh tử” là tập hợp 12 truyện ngắn viết về chiến tranh, về các chiến sĩ tình báo, biệt động thành trong cuộc kháng chiến chống Mỹ trường kỳ của dân tộc. Những tứ truyện được chị lấy từ dâu?

Lâu nay đã có nhiều bài báo viết về các chiến sĩ tình báo và biệt động của Việt Nam nhưng tác phẩm văn học còn nhiều khoảng trống. Tôi có ba là cán bộ tình báo chiến lược “nằm vùng”. Tôi được ba kể cho nghe nhiều câu chuyện hoạt động bí mật, những hy sinh vì sự nghiệp chống Mỹ xâm lược, sự nghiệp hòa bình thống nhất đất nước của các cô, chú là đồng đội của ba. Là một nhà văn, tại sao tôi không viết về họ? Tôi viết không chỉ như một sự tưởng nhớ, ghi ơn công lao của họ mà còn muốn cho lớp trẻ hôm nay hình dung về một thế hệ cha ông đã từng sống với những lý tưởng cao đẹp, phụng sự hy sinh vì Tổ quốc.

Trong thời bình, nhiều nơi vẫn tuyên truyền cho giới trẻ về chiến thắng như vầng hào quang chói ngời, rực rỡ. Nhưng trong tác phẩm của mình, chị chọn cách thể hiện dung dị mà thành kính về những con người dám gác lại hạnh phúc riêng tư để chiến đấu cho lý tưởng chung. Chị có thể lý giải về cách thể hiện đó.

Chiến tranh không phải trò đùa. Để chiến thắng đã có rất nhiều hy sinh, không chỉ về con người mà còn là sự hy sinh tuổi thanh xuân và hạnh phúc riêng. Có rất nhiều câu chuyện về các nhà tình báo chiến lược, các chiến sĩ biệt động thành, họ đều ở tuổi thanh xuân, nhưng bước vào cuộc chiến một cách nhẹ nhàng, dù biết phía trước là gian khổ, là hy sinh, nhưng không gì làm họ chùn bước.

Trong một lần trả lời phỏng vấn, Tướng tình báo Phạm Xuân Ẩn khi được hỏi: “Vào lúc tranh tối tranh sáng ngày 30/4/1975, ông đang là người thuộc phe “địch”, ông có sợ một viên đạn nhắm vào ông từ phía “quân ta”? Ông trả lời một cách rất nhẹ nhàng: “Cho tới lúc đó, tôi đã hoàn thành xuất săc nhiệm vụ, nếu có chết vì bị lầm là phe địch, tôi vẫn thanh thản nhắm mắt”.

Tôi còn nhớ câu chuyện về một nữ chiến sĩ hoạt động bí mật, do yêu cầu nhiệm vụ, cô phải giả làm vợ chồng với người đồng chí của mình và gây ra sự hiểu lầm cho người chồng đi tập kết khi biết tin “cô có chồng khác, phản bội mình”. Hay câu chuyện về một tình báo viên, là doanh nhân, đã lấy hết gia sản để đi đút lót cứu một lãnh đạo của ta ra khỏi nhà tù chính quyền Sài Gòn... Rồi những câu chuyện các nữ biệt động thành giả làm gái bán bar, phòng trà, làm quen với lính Mỹ, cặp với sĩ quan quân đội Sài Gòn để lấy tin tức cho đơn vị đánh trận… Các chất liệu đó, tôi đưa vào tác phẩm như một sự trân trọng những hy sinh của họ vì sự nghiệp chung, để thấy giá trị những gì ngày hôm nay chúng ta đang được hưởng.

Các truyện ngắn của chị mang phong cách tài liệu bởi sự bám sát các địa danh, địa bàn và các thời điểm của cuộc chiến, đồng thời sử dụng nguồn tư liệu có thật một cách hiệu quả. Vậy còn các nhân vật trong tác phẩm, chị có dựa vào các nguyên mẫu hay sáng tạo bằng trí tưởng tượng?

Trong văn học đương đại hiện nay một thể loại mới đang trở thành xu hướng: Truyện tư liệu lịch sử, ví dụ như cuốn tiểu thuyết tư liệu lịch sử “Biên bản chiến tranh 1-2-3-4.75” của nhà báo, nhà văn Trần Mai Hạnh. Và tôi cũng theo xu hướng này, dựa trên những sự kiện có thật, cùng các nguyên mẫu có thật, tạo nên một câu chuyện viết ra, phảng phất như thật.

Cả 12 câu chuyện trong tập truyện đều có nguyên mẫu ngoài đời thật. Ví như truyện “Những khoảnh khắc sinh tử”, tôi lấy nguyên mẫu là ba tôi, hay “Thân phận tình yêu” là câu chuyện về một nhà văn nổi tiếng hy sinh trong chiến dịch Mậu Thân 1968 và người vợ miền Nam của ông… “Nhà chiêm tinh học bí ẩn, “Và không tiếc tuổi thanh xuân”,… cũng theo nguyên mẫu hai nhà tình báo chiến lược lừng danh của ta, và một số tình tiết trong truyện là chiến công ngoài đời thật của họ.

Nhà văn Hoài Hương là người viết nội lực khi đã có hơn 10 đầu sách được xuất bản.

Chỉ còn lại màu xanh cuộc sống, của thanh bình...

Các anh lính quân giải phóng xuất hiện trong truyện ngắn của chị thường mang vẻ đẹp ngoại hình, tâm hồn, trí tuệ và có đức hy sinh đúng với nét hào hoa tiêu biểu của lớp trí thức thời đó. Liệu có phải đó là cách xây dựng hình tượng nhân vật mang tính hoàn mỹ hay lãng mạn cách mạng không, thưa chị?

Đúng là tôi muốn tạo cho nhân vật của mình một hình ảnh đẹp, hoàn mỹ mang tính lãng mạn cách mạng. Một phần tôi có chút ảnh hưởng từ những nhân vật trong các tác phẩm văn học, điện ảnh phương Tây về tình báo, một phần tôi theo thuyết Đông phương “tâm sinh tướng”. Các nhân vật của tôi đều là những thanh niên có tri thức, có kiến văn lịch lãm, tinh tế, có lý tưởng sống đẹp, không tiếc thanh xuân cống hiến cho sự nghiệp đánh đuổi đế quốc xâm lược, hòa bình thống nhất đất nước… Tự họ đã toát ra vẻ đẹp tinh thần, thì sao không cho họ có vẻ đẹp trai tuấn tú kiêu hùng, gái tú lệ anh thư… Nhưng thật ra cũng không hẳn nhân vật nào cũng đẹp, ví như trong truyện “Nhà chiêm tinh học bí ẩn”, tôi đã miêu tả nhân vật của mình có vẻ ngoài khá cổ quái, tính tình cũng dị biệt, nhưng ẩn sau vẻ ngoài đó là một trí tuệ thông minh siêu Việt, một ý chí kiên cường, quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ.

Hình ảnh cây hoa sữa và cây sấu của Hà Nội được trồng ở TP. Hồ Chí Minh là một hình ảnh mang ý nghĩa biểu tượng. Miêu tả những cái cây bằng tất cả sự nâng niu như những nhân vật thực thụ, chắc hẳn chị cũng muốn truyền đi thông điệp nào đó về con người và thiên nhiên miền Bắc nơi mảnh đất phương Nam?

Cây hoa sữa và cây sấu là hai loài cây biểu tượng khi nhắc đến Hà Nội. Mà Hà Nội trong thời chiến tranh, là địa danh kết nghĩa cùng Sài Gòn - TP. Hồ Chí Minh. Không biết tại sao ở thành phố rộng lớn với các loài cây quen thuộc như: sao dầu, xà cừ, me, gõ,… lại lạc vào một cây hoa sữa, một cây sấu. Cây hoa sữa mọc ở địa điểm xảy ra cuộc giao tranh quyết liệt giữa Quân giải phóng và quân đội Sài Gòn năm Mậu Thân 1968. Theo lịch sử ghi lại, ở nơi đó rất nhiều chiến sĩ Quân giải phóng hy sinh. Cây sấu trong trường Marie Curie xum xuê mà bao năm nay chưa từng một lần ra hoa…

Và ai cũng biết, lực lượng quân giải phóng phần lớn là những người lính từ ngoài Bắc vào chi viện cho miền Nam. Tôi đã phả vào hai cái cây đó những tình tiết về cuộc chiến năm 1968, phả vào đó tình yêu và niềm tin của những người miền Nam vào ngày hòa bình thống nhất đất nước, phả vào đó cả sự tưởng nhớ, tri ân những hy sinh của bao chiến sĩ quân giải phóng… Ngoài ra, tôi chọn cây hoa sữa, cây sấu được trồng, được gieo hạt trong chính những ngày khói lửa chiến tranh khốc liệt, muốn gửi thông điệp, rồi chiến tranh sẽ qua đi, chỉ còn lại màu xanh của cuộc sống, của thanh bình, của tình yêu và hạnh phúc…

Đọc những câu chuyện trong “Những khoảnh khắc sinh tử” thật khó tránh khỏi buồn thương cho những mất mát, đau thương của các nhân vật. Tuy nhiên người đọc sẽ không có cảm giác tiếc nuối vì dù phải lựa chọn cho lý tưởng chung hay đắn đo cho hạnh phúc riêng thì nhân vật vẫn luôn mang lại cho người đọc cảm nhận về sự thấu tình đạt lý?

Các nhân vật của tôi đều có lý tưởng sống, sẵn sàng hy sinh vì sự nghiệp chung, xem đó là trách nhiệm, nghĩa vụ, là sự cống hiến vô điều kiện của mình với Tổ quốc, với nhân dân. Nên khi đối diện với khốc liệt, hủy diệt, sinh-tử trong gang tấc của chiến tranh, họ đã vượt qua để hoàn thành nhiệm vụ không mảy may đắn đo, tính toán gì.

Tôi cũng không có bí quyết gì đặc biệt để tạo nên “hiệu ứng” thấu tình đạt lý, chỉ “kể” câu chuyện một cách chân thật nhất, không cầu kỳ phức tạp, không đánh đố bằng những kỹ thuật kết cấu, mà mang chính cảm xúc của mình với nhân vật phả vào ngôn từ, để người đọc không cảm thấy một “bất hợp lý” nào trong câu chuyện.

Khi viết các tác phẩm về chiến tranh, cảm xúc ý tưởng của tác giả quan trọng hay các tư liệu quan trọng hơn?

Tư liệu, tài liệu tạo cho câu chuyện tính chân thực, dễ thuyết phục. Câu chuyện có tính hiện thực - hư cấu mà như phi hư cấu. Cảm xúc của tác giả cũng quan trọng không kém, khi thông qua ngôn từ, phả hồn cốt của câu chuyện, của nhân vật, sẽ dẫn dụ bạn đọc cảm thấy hấp dẫn mà đọc hết câu chuyện. Nếu kết hợp nhuần nhuyễn cả hai, thì đó là thành công ban đầu của tác phẩm.

Cảm ơn chị về cuộc trò chuyện!

Vũ Nga thực hiện!

 

Bình luận

    Chưa có bình luận