Không ngừng khao khát biểu đạt thông điệp mới của thời đại

Họa sĩ, nghệ sĩ thị giác, giám tuyển - đó là những danh xưng gắn với nghệ sĩTrần Lương.

 

Người đàn ông này có ánh mắt ấm áp, giọng nói từ tốn, ẩn sâu là tính cách quyết đoán, đam mê thử thách và phần nào kiêu ngạo. Cái kiêu ngạo của người hiểu thời thế, luôn chủ động, kiên định với niềm tin và khát vọng nghệ thuật.

Khát vọng, bởi Trần Lương đã sớm chối từ những danh lợi vật chất, khi cơn sóng thị trường bủa vây ông và đồng nghiệp. Không thỏa mãn với các tác phẩm đi theo mỹ cảm truyền thống hay chiều theo thị hiếu đám đông, cái tôi nghệ sĩ ấy khao khát những miền không gian mới, khao khát được biểu đạt những thông điệp mới mẻ của thời cuộc, gắn với xã hội, với cộng đồng. Ông mong muốn đưa nghệ thuật đến gần hơn đời sống, góp phần vào giáo dục, giải trí, khai phóng con người.

Thực dụng chỉ là một phần của cuộc sống. Văn hóa tinh thần là vĩnh cửu. Tâm niệm ấy chi phối cách ông làm việc, ứng xử, đứng về phía những phận người vất vả trên mặt đất. Ông thuộc số ít nghệ sĩ theo đuổi các dự án gắn với phát triển cộng đồng từ hơn 20 năm trước, đến những làng bản xa xôi, vùng biên giới, ngoài đảo nhỏ, dùng nghệ thuật, qua nghệ thuật để giao tiếp, đồng hành và hỗ trợ người dân bản địa, giúp họ cất lên tiếng nói cá nhân.

Năm 2001, trong vai trò giám đốc nghệ thuật của Trung tâm Mỹ thuật đương đại (Hội Mỹ thuật Việt Nam), Trần Lương tổ chức chuyến đi thực tế về mỏ than Mạo Khê. Khoảng thời gian 2 tuần lễ đó thật đặc biệt với các nghệ sĩ. Ra khỏi phòng vẽ, ra khỏi thành phố, họ cùng ăn, cùng ở, cùng xuống hầm lò, cảm nhận giọt mồ hôi lẫn với than đen và những hiểm nguy có thể xảy đến bất cứ lúc nào. Ngày cuối cùng của chuyến đi cũng là ngày hoàn thiện bức tranh tường dài 300m, một tác phẩm sắp đặt - trình diễn, rất nhiều ký họa, các video tư liệu ghi lại những trải nghiệm, tương tác với anh em công nhân và người dân vùng mỏ. Dự án đã trả lời cho Trần Lương điều băn khoăn lớn của ông, đó là: Những người bình dân có cơ hội được tiếp cận với nghệ thuật hay không? Trần Lương cũng lấy chính mình để hóa thân thành Người cơm -  một người cơm trắng xóa, nổi bật, tương phản hoàn toàn với không gian rộng lớn xung quanh của bụi than, của những hạt than rắn và sắc, của màu đen nơi làn da và đôi mắt người thợ mỏ. Hơn 6 tiếng đồng hồ phơi mình dưới ánh nắng - đó là trải nghiệm khó quên của một nghệ sĩ trình diễn.

Ở một xứ sở có nền văn minh lúa nước như Việt Nam, với bao thăng trầm của công cuộc dựng nước, giữ nước và chật vật mưu sinh, hạt cơm - hạt gạo có một vị trí, một giá trị, một ý nghĩa đặc biệt, vừa gần gũi vừa thiêng liêng. Trong những ký ức, ảnh hình, liên tưởng chạy qua tâm trí người nghệ sĩ - khi cơ thể đang được bao bọc bởi những hạt cơm, cảm nhận chúng mềm mại, khô dần đi, và tan rã - có hình ảnh của bát cơm trắng mà cậu bé Trần Lương lỡ tay làm rớt xuống đất, trong ngày tháng khó khăn cùng cực năm nào, trước ánh mắt ngỡ ngàng tiếc nuối của mẹ. Kỷ niệm ấy chạy qua như một lát cứa xót xa.

Nghệ sĩ Trần Lương trong một buổi hướng dẫn thực hành nghệ thuật.Mỗi tác phẩm và mỗi lần thực hiện trình diễn, Trần Lương đều để lại dấu ấn  bởi phong cách riêng cùng những ý niệm độc đáo. Ông coi trình diễn là quá trình thực hành nội tại. Những tương tác, phản ứng ở bên ngoài cùng với trải nghiệm từ chính tâm hồn, trí não, cả những nỗi đau, những áp lực từ cơ thể sẽ gợi dẫn họ khám phá con người nghệ thuật bên trong. Ở Những vết lằn - một dự án nghệ thuật dài hơi, được trình diễn ở 26 thành phố trên thế giới -  Trần Lương biến mình thành một vật thể và khán giả với dải khăn đỏ trên tay chính là người trình diễn. Khi dải khăn đỏ quật xuống tấm lưng trần, cái nhẹ, cái mạnh, cái đau rát, cái hờ hững thoáng qua, cái phẫn nộ, cái bi ai,… cảm xúc của ông rất phức tạp, trong đó có cả hạnh phúc bởi qua một dải khăn, ông đã nhận về/ chịu đựng/ thấu hiểu nhiều trạng thái khác nhau của những cộng đồng khác nhau trên mặt đất.

Luôn tự nhận mình là người ham công tiếc việc, cùng một thời điểm Trần Lương thực hiện nhiều công việc khác nhau, với mục đích vừa phát triển cộng đồng vừa phát triển nghệ thuật. Và để dung hòa hai tiêu chí này không hề đơn giản. Khi thực hiện các dự án phát triển cộng đồng, đó là những việc “ăn cơm nhà vác tù hàng tổng”, nhưng ông được trả lại năng lượng tích cực, niềm hạnh phúc được cống hiến, và đặc biệt là các ý tưởng sáng tạo. Trong một buổi trò chuyện về dự án “Những giọt nước” mà ông và các cộng sự thực hiện ở một số đảo nhỏ của tỉnh Khánh Hòa từ năm 2005, ông tâm sự, nhiều dự án phát triển tiêu tốn lượng tiền rất lớn nhưng vẫn thất bại, bởi người đi làm phát triển với tư tưởng đem văn minh đến dạy cho người nghèo. Đó là một sai lầm. Chúng ta đi làm phát triển, có khi chúng ta học lại của người nghèo rất nhiều điều mà ta không hề biết. Ông tự tin về các kỹ năng thực tế, ngay cả khi có bất đồng về ngôn ngữ thì ông vẫn có thể tương tác với người dân bằng nghệ thuật, qua những bức ảnh, tranh vẽ, làm video, trình diễn, sắp đặt. Và hơn hết là ông đến với họ bằng tấm lòng - một tấm lòng trong sáng, nồng nhiệt, đầy nhân hậu.

Hiện nay, cùng với công việc của một nghệ sĩ sáng tác, giám tuyển ở nhiều triển lãm trong và ngoài nước, Trần Lương đồng sáng lập và điều hành Trung tâm Bảo trợ và Phát triển Nghệ thuật APD với mục tiêu hỗ trợ sáng tạo nghệ thuật, thúc đẩy sự phát triển văn hóa - xã hội. Qua các hoạt động phi lợi nhuận như triển lãm, mở kho tư liệu, các buổi trò chuyện, thực hành mà ông trực tiếp dẫn dắt, kết nối, bạn nghề và công chúng lại nhận thấy một Trần Lương tuổi trung niên điềm tĩnh, giản dị song vẫn đầy năng lượng và khát vọng nghệ thuật./

 

Bình luận

    Chưa có bình luận