Đạo diễn Hà Lệ Diễm và hành trình 3 năm theo sát nhân vật chính

3 năm theo sát từng bước trưởng thành của nhân vật chính, ghi hình 100 tiếng, mất 6 tháng chỉ để tìm bản quyền 1 bài hát tiếng H'Mông...

 

Đó là hành trình đạo diễn Hà Lệ Diễm thực hiện phim tài liệu “Những đứa trẻ trong sương”, phim độc lập đầu tay lọt vào danh sách 15 phim xuất sắc nhất hạng mục Phim tài liệu tại giải thưởng Oscar 2023.

Làm phim về sự biến mất của tuổi thơ

“Những đứa trẻ trong sương” đã trải qua nhiều liên hoan phim quốc tế và lọt vào danh sách rút gọn 15 phim xuất sắc nhất hạng mục Phim tài liệu giải Oscar 2023. Chị có tiếc khi phim dừng chân ở top 15?

Tối hôm trước khi có tin phim vào đến top 15 giải thưởng Oscar, tôi còn chẳng biết gì. Sáng hôm sau, tôi đi chơi cả sáng làm bạn bè nháo nhào liên hệ để báo tin. Nhận tin tôi hơi ngỡ ngàng thầm nghĩ: “Mình đi được xa thế cơ à?” Khi làm phim, tôi đâu có tính được phim đi xa đến vậy. Bộ phim đã trở thành một thực thể độc lập với tôi, có một đời sống riêng. Vì không kỳ vọng, nên tôi cũng không thất vọng khi phim trượt top 5. Bởi tôi biết trong top 5 có những dự án rất xuất sắc (tôi có quen biết 2 tác giả trong chuyến đi sang Hàn Quốc và Ấn Độ học về phim tài liệu từ năm 2019). Họ làm những bộ phim chạm vào đề tài mang tính toàn cầu. Có một phim tôi đã được xem, sau 10 phút chiếu, cả rạp nước mắt dàn dụa vì trong phim có những hình ảnh cảm động về những đứa trẻ trong trại tị nạn do chiến tranh ở Ukraine. Đó là những tác phẩm chất lượng với tư tưởng và tầm ảnh hưởng lớn…

Ý tưởng làm phim đến với chị như thế nào?

Năm 2017, tôi lên Sa Pa với một số dự án do người H'Mông làm để nghiên cứu về trẻ con ở đây. Từ đó tôi biết Di, nhân vật chính của “Những đứa trẻ trong sương”. Biết tôi hay mang theo máy quay, Di rủ đi quay em và các bạn. Có hôm tôi quay cả buổi chiều 4 tiếng những cảnh Di chơi cùng các bạn: chơi Tết, chơi trò kết hôn cô dâu chú rể, đi làm đồng...

Về Hà Nội, tôi chợt nhận ra: Tuổi thơ của mỗi người với những kỷ niệm vui vẻ đã trôi qua nhanh như thế nào! Thế là tôi lên ý tưởng làm phim về sự biến mất của tuổi thơ, ở đó có cảm giác sợ hãi, cô đơn trên hành trình trở thành người lớn. Trong suốt 3 năm, tôi trở đi trở lại giữa Hà Nội và Sa Pa, có những lần ăn ở cả tháng cùng gia đình Di để theo sát hành trình nhân vật. Tôi được gia đình Di xem như con em trong nhà, có chuyện gì bố Di cũng kể với tôi. Thậm chí những lần Di bướng, khó bảo, bố Di cũng nhờ tôi nói chuyện với em, bởi tôi rất thân thiết với Di.

Trong phim, cô bé Di phải đối mặt với tục kéo vợ khi mới 14 - 15 tuổi. Người lớn xung quanh Di có suy nghĩ gì về tục kéo vợ này?

Người H'Mông không coi kéo vợ là hủ tục, mà là phong tục. Họ tin rằng người nam giới đầu tiên hỏi cưới mình là người tốt nhất. Mẹ Di cũng tin là khi được kéo thì con mình có nhiều quyền lực hơn, có thể chạy về nhà bố mẹ, có thể kiện cáo nếu chồng say rượu, đánh đập... Ngược lại, nếu bạn nữ đó không chấp nhận lấy thì bạn trai sẽ bị chê cười. Có những anh trong làng của Di hỏi vợ đến lần thứ 4 mà không được, rồi bị đồn là “ông này hẳn là người không đàng hoàng”.

Ở nước mình, người ta thường nói “phép vua thua lệ làng”. Nhưng ở đây, lệ làng còn thua cả phép gia đình. Ví dụ như câu chuyện ở nhà chú của Di. Khi con gái bị kéo, chú ấy chẳng quan tâm đến tục lệ người H’Mông, gọi luôn cảnh sát, công an xã đến đón con gái về ngay trong đêm. Về sau, trong làng có người mắng chú ấy, nhưng chú chẳng quan tâm, bảo con gái tôi thì tôi có quyền, mang nó về cho nó đi học.

Đạo diễn Hà Lệ Diễm có 3 năm theo sát từng bước trưởng thành của nhân vật chính.Đời sống nhân vật rất đa sắc

Chị mô tả như thế nào về những câu chuyện đời sống của nhân vật mình lựa chọn?

Khi ở với gia đình Di và kể câu chuyện của em, tôi nhận ra họ không đơn sắc; Đôi khi toàn màu xám, đôi khi lại rất rực rỡ. Những con người trong câu chuyện đôi lúc tốt, đôi lúc lại xấu; có khi hơi khó hiểu. Những màu sắc ấy mới làm nên con người. Tôi muốn kể sự phức tạp ấy trong phim của mình. Ở những tình huống khác nhau, họ có màu sắc khác nhau, tôi yêu sự đa sắc ấy.

Chị đã phải vượt qua những trở ngại gì để hoàn thành bộ phim này?

Khi thực hiện phim, tôi chỉ dùng máy quay Sony rất cũ mượn của bạn. Chị Thảo (phụ trách sản xuất của phim) thậm chí nhiều lần còn muốn vứt chiếc máy đó đi vì nó khá là khó dùng, nhưng với tôi, nó là một chiếc máy tương đối vừa vặn.

Đây là một phim mà tôi gần như tự mình làm mọi công đoạn tiền kỳ. Các phim khác có quay phim, có nhà soạn nhạc riêng. Riêng chuyện nhạc phim, tôi có một kỷ niệm đáng nhớ. Trong phim có một bài hát của người H’Mông. Việc đi tìm được bản quyền để sử dụng trong phim rất mệt mỏi. Đó là một bài rất nổi tiếng trong cộng đồng người H’Mông, Di rất thích và có hát ở cuối phim. Tôi đã phải nhờ tất cả các bạn mình hỏi trong cộng đồng người H’Mông ở Lào, Campuchia, Thái Lan... mãi mà không ra. Có một bạn làm phim tài liệu ở Trung Quốc nói với tôi là, nghe giai điệu cảm giác như ở vùng Tây Tạng, nhưng làm thế nào để tìm kiếm tác giả thì bó tay. Tôi cũng được mách tìm đến những cộng đồng người H’Mông ở Mỹ. Tôi tìm email tất cả các trường đại học, các cộng đồng, đại diện, nhà thờ, các đài phát thanh,... của người H’Mông để hỏi. Tôi buộc phải tìm được bản quyền bài hát đó thì mới có thể ký hợp đồng phát hành. Cuối cùng, sau 6 tháng tìm kiếm căng thẳng, chúng tôi đã tìm được người sáng tác bài hát. Đó là một cô ca sĩ người H’Mông sinh ở Thái Lan nhưng hiện sống ở Mỹ. Quá trình gửi giấy tờ sang đó cho cô ấy ký cũng siêu khó khăn. Thế nhưng tôi đã vượt qua được.

Cảm ơn chị đã chia sẻ./.

Anh Tuấn thực hiện

 

Bình luận

    Chưa có bình luận