Tác giả Lưu Vĩ Lân: Người đi tìm 'Mật đạo'

Nhà báo, nhà văn Lưu Vĩ Lân có nhiều bài viết về vùng đất Quảng Trị.

 

Sau 24 năm, ám ảnh về vùng đất Quảng Trị, nơi có vĩ tuyến 17 chia đôi đất nước, có Đường 9 cắt ngang đại ngàn Trường Sơn và đường Hồ Chí Minh huyền thoại đã thôi thúc ông viết tiểu thuyết “Mật đạo”, sau này cùng với “Ngẫu tượng” và “Nghiệp chướng” tập hợp thành bộ ba tiểu thuyết đã được vinh danh trong hạng mục Phát hiện mới của Giải Sách hay năm nay. Tác giả đã chia sẻ về bộ ba tiểu thuyết này.

Viết hồi ký về cha ông mình

 Mảnh đất Quảng Trị, bối cảnh chính của “Mật đạo”, có ý nghĩa như thế nào đối với ông?

Tôi lớn lên ở vùng đất gần Quảng Trị, chính là vùng hỏa tuyến ngày xưa. Đây là nơi có nhiều bi sử rất hùng tráng từ thời vua Hàm Nghi lên Tân Sở ra chiếu Cần Vương. Tôi đã tập trung viết về vùng đất này trong cuốn tiểu thuyết “Mật đạo”.

          Cách đây 30 năm, tôi đi qua căn cứ Khe Sanh, nơi ác liệt nhất của cuộc chiến tranh và vẫn còn mìn, còn rừng rậm. Bây giờ thì con đường phía trước căn cứ đó đã là một con phố với nhà gạch xây hai bên. Khách du lịch đi vào di tích như đi vào một con hẻm. Sự đổi thay đó ghê gớm lắm. Tất cả bỗng nhiên chìm vào quên lãng. Trước đây vùng Quảng Trị và vĩ tuyến 17 là trung tâm của cuộc xung đột toàn cầu. 50 năm trước, hai thế giới Đông Tây đụng độ ở đây nên đó là nơi bi tráng và mang dấu ấn của thời đại. Giờ đây, thời gian có thể làm mai một nhưng trong lịch sử đó vẫn là cột mốc quan trọng của thời đại. 

Nhiều lần nhấn mạnh tới tính hư cấu của tiểu thuyết “Mật đạo” nhưng ngay từ những trang đầu của cuốn sách, ông cung cấp sơ đồ về khu trại Ba Đồi kèm theo đó là những sự kiện lịch sử tương ứng. Chưa kể sự chi tiết của cuốn sách khi viết về các sự kiện, kiến trúc, phương tiện, địa hình,... cũng là một điểm nhấn của tác phẩm. Làm sao ông có thể xây dựng “Mật đạo”, một cuốn tiểu thuyết bao gồm các sự kiện trải dài một trăm năm, một cách chân thực như thế? 

Có người nói rằng đọc cuốn sách có cảm giác như tôi đang viết hồi ký về ông cha mình. Sự thật là sau 40 năm chìm đắm trong ám ảnh về Quảng Trị, tôi đã hóa thân vào nhân vật và bối cảnh lịch sử ở đó. Trong quá trình làm việc, tôi cũng đã bỏ công nghiên cứu rất nhiều. Sau năm 1975, chỉ khoảng 10, 15 năm sau đó, tôi đã trở lại Quảng Trị, nơi lúc đó còn vương vãi đầy bom, mìn. Nhiều bản đồ từ thời

chiến tranh Pháp, Mỹ và cuộc chiến của quân Giải phóng cũng được tôi sưu tầm, lưu giữ. Tôi chìm đắm trong những truyền thuyết và tìm hiểu cả những nhân vật đầu tiên khai phá vùng đất Khe Sanh như Eugène Poilane. Cho đến bây giờ, ông vẫn là nhân vật mà dân địa phương còn nhớ đến.

Nhà báo, nhà văn Lưu Vĩ Lân có nhiều bài viết về vùng đất Quảng Trị.

Viết hư cấu để thoát khỏi ràng buộc 

Với việc tập hợp tư liệu chi tiết như thế cùng với nhiều năm làm báo, vì sao ông viết tiểu thuyết “Mật đạo” mà không phải là một tác phẩm phi hư cấu? 

Tôi đã nghe một nhà nghiên cứu phương Tây chỉ ra một điều rất thú vị. Đó là khi chúng ta làm báo, chúng ta tiếp nhận sự thật, sự kiện. Nhưng trong quá trình viết, nhiều khi chúng ta không thể nào nói được tất cả mọi việc, và cũng có những lúc phải tránh né điều đó, hoặc là trong góc nhìn của chúng ta cũng có những góc khuất, thành ra từ sự thật, chúng ta lại tiến đến một sự thật không hoàn hảo. Trong khi ngược lại, với tiểu thuyết hư cấu, nghĩa là mọi chuyện đều do tưởng tượng mà ra, chúng ta lại thoát khỏi nhiều ràng buộc. Và chính từ sự hư cấu đó lại dễ dàng tiếp cận với sự thật hơn. Đó là một trong những phát hiện trong nghề viết của tôi. Đồng thời, đây là lý do tôi quyết định không sử dụng thể loại phi hư cấu mà dùng hư cấu để viết “Mật đạo”.

Có độc giả cho rằng “Mật đạo” là cuốn tiểu thuyết có bối cảnh chiến tranh, với sự xuất hiện của sĩ quan tình báo cao cấp của quân đội Mỹ, của biệt kích Sài Gòn,… nhưng lại không hoàn toàn viết về chiến tranh, cũng không hẳn là một tiểu thuyết lịch sử. Quan điểm của ông về nhận định này?  

Tôi nghĩ đấy là một nhận xét chí lý. Bởi vì đứng trước một vùng đất hội tụ những điển hình, huyền thoại như vùng đất Quảng Trị, Khe Sanh này thì bạn sẽ thấy ở đấy không đơn giản là lịch sử hay là chiến tranh. Giữa những thời khắc lịch sử bi tráng, con người và sự hư ảo của thiên nhiên, tất cả quyện lại vào nhau. Bởi vậy, khi viết về vùng đất này và câu chuyện này, trước hết, đối với tôi, đó là một khắc khoải về hư vô. Nếu bạn đến đó và sống giữa vùng biên địa, một bìa rừng, một bên là thị xã nhỏ nhỏ, kế đó là hoang mạc, kế đó là đại ngàn Trường Sơn, thì bạn sẽ thấy giống như mình sống bên lề của hai thế giới. Người ta gọi là sống giữa biên địa của thế giới thật và thế giới ảo. Vì thế, khi tôi viết tiểu thuyết này, nó giống như một giấc miên viễn của linh hồn mình, trầm tư trong vùng hoang địa, từ đó, đưa ra những suy tư thần học, triết học về trần gian. Cũng chính vì vậy, câu chuyện sẽ lớn hơn chiến tranh và lịch sử. Tôi cũng tin rằng mỗi chúng ta cũng là một mật đạo, không biết lúc nào đó rồi sẽ đi về đâu. Đó cũng là thông điệp của cuốn sách mà tôi muốn nói đến. 

Trong “Mật đạo”, việc phân tuyến nhân vật thành hai phe ta - địch không đi theo lối mòn. Bản thân nhân vật chính là ông Lam, một nhà tư sản cũng không được xây dựng theo kiểu nguyên phiến tốt - xấu, trắng - đen. Thế giới nhân vật của “Mật đạo” cũng rất ít kẻ ác. Phải chăng đây là sự lãng mạn của người viết? 

Thật ra đó không phải là sự lãng mạn mà tôi không thích suy tư về cuộc đời theo một góc nhìn như vậy. Tôi không muốn phân vai cho ai cả. Tôi để cho các nhân vật xuất hiện trong cuộc đời và cọ xát với nhau. Khi không buộc phải chọn phe ta, địch thì chúng ta sẽ nhìn thấy ở mỗi bên đều có những điều đáng lưu ý. Đó là cách mà tôi tư duy về tiểu thuyết. Tôi không muốn phân tuyến. Trong tất cả các tác phẩm của tôi đều không có sự phân tuyến tốt, xấu hay là trắng đen rõ ràng hết. Đối với tôi, từ màu trắng đến màu đen là một sự chuyển hóa của các tông màu xám thành ra không có cái gì là đen nhức mắt và không có cái gì là trắng nhức mắt cả.

                   Xin cảm ơn tác giả Lưu Vĩ Lân!
Nguyễn Hà thực hiện

 

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận