Họa sĩ Văn Công Duy: Mới lạ với 'Ma quỷ dân gian ký'

Giới trẻ có rất nhiều cách để khai thác các giá trị văn hóa dân gian cho công việc và sở thích. Một dự án đáng chú ý gần đây là bộ tranh "Ma quỷ dân gian ký".

 

Ma quỷ dân gian ký là bộ tranh sử dụng phong cách dân gian Đông Hồ, Hàng Trống, Đồ Thế,… để tái hiện những câu chuyện ma quỷ tâm linh truyền miệng của người Việt Nam bao đời nay như: ma da, linh miêu, chó đội nón mê,… nhằm đưa văn hóa tâm linh nước nhà đến với công chúng, đặc biệt là các bạn trẻ.

Ý tưởng đến từ sở thích nghe truyện ma

Ma quỷ dân gian ký được Văn Công Duy xây dựng dựa vào thói quen của mình là vừa nghe truyện ma vừa làm việc. Vừa nghe, Duy vừa hình dung ra hình dáng và những đặc điểm tâm linh của các loài ma quỷ, rồi chợt nảy ra ý tưởng vẽ chúng ra giấy. Điều đặc biệt so với những dự án tâm linh khác là việc Văn Công Duy chọn những yếu tố tâm linh dân gian Việt Nam để mang tới công chúng trong nước đang chịu ảnh hưởng bởi những yếu tố tâm linh nước ngoài như Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan, Trung Quốc… và các nước phương Tây. “Em thực hiện bộ tranh này 2 năm trước. Khi đó có nhiều dự án các bạn ứng dụng văn hóa dân gian để tiếp cận gần hơn với giới trẻ. Em nghĩ đây là cơ hội để mình thể hiện, khẳng định khả năng hội họa của mình, cũng như sở thích đam mê vẽ để cho ra đời một bộ tranh về văn hóa dân gian”, Văn Công Duy chia sẻ.

Trước khi có dự án Ma quỷ dân gian ký, Văn Công Duy theo đuổi phong cách doodle dễ thương qua những dự án như vẽ cung hoàng đạo. Với Ma quỷ dân gian ký, Duy coi đây là một cú chuyển mình, thoát khỏi vùng an toàn của bản thân để tạo thêm cảm hứng trong hội họa. Điều đó thể hiện rất rõ qua những bức tranh của Ma quỷ dân gian ký, đó là sự kết hợp hài hòa nhiều phong cách: vừa mang tính nghệ thuật cao, vừa gợi những điều quen thuộc từ chất liệu tranh dân gian Việt Nam vốn đã định hình phong cách từ lâu đời. Bằng cảm hứng trong tranh dân gian Việt Nam, pha trộn một chút dí dỏm của cuộc sống hiện đại, Văn Công Duy đã nhào nặn những hình tượng ma quỷ có phần “dễ thương” hơn so với những gì ông cha ta mô tả. Từ đó, Duy đem tới cho công chúng cái nhìn về những hình tượng tâm linh Việt Nam mà không gây cảm giác quá kinh sợ.

Tìm trong kho báu

Khi bắt tay vào tìm hiểu, họa sĩ trẻ thấy một số yếu tố liên quan đến tâm linh, ma quỷ ở Việt Nam bị hiểu sai khá nhiều, khác biệt với những truyền thuyết, văn học dân gian hay quan niệm tôn giáo được ông bà ta truyền miệng.“Nhiều câu chuyện ma ở Việt Nam hiện nay bị phóng đại vì nó bị hòa trộn bởi nhiều nền văn hóa khác nhau. Các hiện tượng tâm linh Việt Nam bị ảnh hưởng bởi Nhật Bản, Trung Quốc,... nên sai khác khá nhiều so với những tư liệu gốc của ông bà ta. Ví dụ ma thì lúc nào cũng phải áo trắng, tóc dài hay có những yếu tố mang tính hù dọa, hoặc là ma thường hại người, rồi những con quỷ có nanh vuốt ghê rợn. Những chi tiết đó đi xa hơn những kiến thức tâm linh ông bà ta lưu trữ”.

Với tham vọng tái hiện chính xác nhất những hình tượng ma quỷ trong truyền thuyết Việt Nam, Văn Công Duy dành rất nhiều thời gian nghiên cứu tài liệu, cả từ kho tàng văn hóa, văn học dân gian truyền miệng lẫn tài liệu sách vở. Đi kèm với mỗi bức tranh post lên facebook, Duy chia sẻ thêm một câu chuyện về con ma đó, với những thông tin được Duy sưu tầm, tổng hợp và tự kể lại theo phong cách của riêng mình. “Các truyền thuyết về ma quỷ của Việt Nam có 2 hình thức lưu truyền: truyền miệng và truyền qua sách vở. Qua sách vở thì có những ghi chép cũ như sách Lĩnh nam trích quái, Tang thương ngẫu lục... Thậm chí những bộ chính sử như Đại Việt sử ký toàn thư, Việt Nam sử lược,... cũng có ghi lại những truyện ma quỷ tâm linh dân gian. Có rất nhiều mô tả về các loại ma. Nhưng những loài ma dân gian có một số đặc điểm chung, em chắt lọc và khai thác hình ảnh trên tranh vẽ”, Công Duy cho biết.

Ma quỷ dân gian ký được Văn Công Duy xây dựng dựa vào thói quen của mình là vừa nghe truyện ma vừa làm việc.Sản xuất phim hoạt hình

Đi vào hoạt động hơn 1 năm, Ma quỷ dân gian ký hiện có trên 30 tác phẩm, ứng với 26 đêm trăng. Mỗi đêm trăng sẽ là một câu chuyện tìm hiểu về ma quỷ, hiện tượng, nhân vật tâm linh được Duy sưu tầm, cũng như đến từ những trải nghiệm cá nhân và những câu chuyện được nghe kể.

Trong tương lai, Văn Công Duy muốn thể hiện lên tranh vẽ của mình nhiều loài ma quỷ và những hiện tượng tâm linh hơn nữa như: ma trơi, âm binh, quỷ một giò, bóng đè,… mang đến cho công chúng cái nhìn bao quát về những hình tượng tâm linh dân gian vốn dĩ đã rất quen thuộc trong đời sống. Văn Công Duy cũng ấp ủ về việc phát hành artbook cũng như tổ chức một buổi triển lãm, để thông qua những tác phẩm nghệ thuật của của mình, anh có thể chia sẻ nhiều hơn kiến thức thú vị  về đời sống tinh thần, phong tục tâm linh của ông cha ta ngày xưa. Đồng thời, Duy cũng muốn sản xuất một vài tập phim hoạt hình để mang những hình tượng tâm linh dân gian Việt Nam ra với khán giả thế giới.

Ma quỷ dân gian ký là dự án mới lạ, độc đáo và tham vọng của Văn Công Duy trong công cuộc “tìm trong kho báu”, tái sáng tạo dựa trên kho tàng văn hóa dân gian Việt Nam. Tuy còn khá non trẻ, nhưng với sự đón nhận nồng nhiệt của công chúng, Ma quỷ dân gian ký sẽ tạo cảm hứng cho những dự án tương tự trong tương lai./.

"Những câu chuyện ma quỷ được ông bà ta lưu truyền không chỉ để hù dọa nhau, mà đằng sau đó ẩn chứa những kiến thức dân gian thú vị, giúp giới trẻ ngày nay hiểu thêm về phong tục tập quán ngày xưa. Chẳng hạn, con cái sinh ra không đặt tên ngay mà phải chờ một vài năm, hay lúc ngủ thì đứa trẻ phải đeo vòng chỉ đỏ... Có những hủ tục mình nên loại bỏ, còn những thứ thuộc về văn hóa dân gian, những điều ông bà ta cho là “có thờ có thiêng, có kiêng có lành” thì cũng nên lưu ý”. Công Duy
 

Bình luận

    Chưa có bình luận