Nhà văn Lê Anh Hoài: 'Tôi muốn định vị lại nhân vật nghệ sĩ'

Nhà văn Lê Anh Hoài là 'chủ nhân' của hai tập thơ, hai tập truyện ngắn và hai tiểu thuyết.

 

“Nỗi sợ & những khuôn hình” (NXB Trẻ, 2022) là tập truyện ngắn mới nhất của anh. Nhà văn Lê Anh Hoài đã chia sẻ với phóng viên VOV về những điều mới mẻ trong “Nỗi sợ & những khuôn hình”.

Thông thường, tên của các tập truyện ngắn thường được lấy tên của một truyện trong tập. Tuy nhiên, “Nỗi sợ & những khuôn hình” lại không phải là tên của bất cứ tác phẩm nào trong tập truyện. Anh lý giải như thế nào về lựa chọn này?

Tôi đã từng có một tập truyện ngắn mà nhan đề không phải là tên một truyện nào trong tuyển tập đấy cả. Tôi quan niệm rằng, tên một tập truyện sẽ mang một thông điệp chung thay cho cách làm thông thường, nghĩa là lấy một truyện ngắn nào đấy có thể là ấn tượng nhất, hoặc có cái tên ấn tượng nhất để cuốn hút độc giả. Với “Nỗi sợ & những khuôn hình”, tôi chọn cách thứ hai nhưng có sự phát triển lên. Đó là một cái tên có ấn tượng nhất định, nhưng vẫn bao hàm một ý niệm chung của tôi cũng như không khí chung của toàn bộ tập truyện. Hy vọng là độc giả sẽ không bị thất vọng hoặc quá thắc mắc về vấn đề này.

Có thể coi “Nỗi sợ & những khuôn hình” có nỗi sợ của tác giả. Vậy đó là một nỗi sợ cụ thể hay là một cảm giác mơ hồ, không rõ ràng?

Trong tập sách này có khá nhiều nhân vật tương đối đặc dị. Người đấy có thể là một nhà nghiên cứu, thậm chí có thể là một cô gái rất bình thường, hoặc là một bác sĩ, không chỉ là văn nghệ sĩ đâu. Nhưng điểm chung mà tôi nhận thấy là bản thể của con người. Nếu như người ta sống với tất cả những gì tự nhiên nhất, thì sẽ gặp khá nhiều vấn đề với người khác, hoặc có thể dùng một từ cô đọng là với “tha nhân”. Bản thể con người là một bản thể xã hội. Tuy nhiên, bản thể con người cũng rất cá nhân, thậm chí ở góc độ nào đấy là ích kỷ. Điều đó tất yếu sẽ tạo ra xung đột. Và xung đột này chính là thứ tôi muốn nhấn mạnh bằng những nỗi sợ. Chẳng hạn, trong “Bầy mắt”, tôi khắc họa một cô gái chịu sự dòm ngó của bà chủ nhà. Thực ra câu chuyện này có vẻ rất bình thường, nhất là trong xã hội của chúng ta. Tuy nhiên, nếu nhìn ở góc độ tự do cá nhân thì rõ ràng đấy là một nỗi sợ. Con người ta vừa muốn có người khác quan tâm, nhưng đồng thời cũng rất sợ cái nhìn soi mói, sợ sự can thiệp vào những chuyện riêng tư. Hoặc trong một truyện ngắn khác, tôi viết về một anh họa sĩ trẻ khát khao sáng tạo. Anh muốn làm những điều mà trước nay chưa có. Nhưng rồi vì cơm, áo, gạo, tiền, anh ta lại có xu hướng chạy theo đám đông, chạy theo các nhà tổ chức triển lãm, chạy theo thị trường. Và đấy chính là nỗi sợ. Khi người ta đã quá sợ, người ta không thể làm nghệ thuật được. Đấy là nỗi sợ mà tôi muốn truyền tải.

Nhà văn Lê Anh Hoài là “chủ nhân” của hai tập thơ, hai tập truyện ngắn và hai tiểu thuyết.

Trong “Nỗi sợ & những khuôn hình”, số lượng nhân vật là nghệ sĩ nhiều hơn các nhân vật khác. Có phải anh ưu ái kiểu nhân vật nghệ sĩ không?

Tôi quan tâm tới đời sống cũng như thân phận của những người làm nghệ thuật vì bản thân tôi cũng làm nghệ thuật. Tôi có mối quan hệ trong đời thực với khá nhiều văn nghệ sĩ. Điều đó giúp tôi có một số kinh nghiệm. Tôi nhận thấy nghệ sĩ có khát khao sáng tạo, mà sáng tạo của họ bản chất là tạo ra những điều khác, những điều mới. Với những văn nghệ sĩ đích thực, bản thân họ, có lẽ là trời sinh, có một số khả năng tương đối đặc biệt. Và từ bản năng đấy, từ cá tính đặc biệt đấy, họ có những độ chênh nhất định đối với cộng đồng, thậm chí là có độ chênh rất lớn đối với những người trong gia đình, trong mối quan hệ vợ chồng, mối quan hệ tình yêu… Đây chính là điều mà tôi muốn truyền tải một cách tương đối khách quan. Bởi vì có một hiện trạng là khá nhiều độc giả thường hình dung các văn nghệ sĩ, một là theo hướng những người không thể hiểu nổi, thậm chí, ở góc độ nào đấy, là những phần tử cá biệt. Nếu bảo là người ta có yêu quý văn nghệ sĩ không thì cũng có, nhưng hỏi họ có muốn con cái trở thành văn nghệ sĩ không thì đa phần là không, có nghĩa là họ thấy khó chấp nhận. Như vậy, ở đây có một sự không hiểu, thiếu thông hiểu nhất định. Có một xu hướng thứ hai tôi thấy xuất hiện ngay ở những người sáng tác. Ví dụ, trong bộ phim truyền hình, vở kịch hoặc truyện, tiểu thuyết vẽ nên những văn nghệ sĩ, nhà văn, nhà thơ như là bay lơ lửng trên cành cây hay đi thơ thẩn trên bãi biển. Tóm lại, đấy cũng là một trạng thái thơ mộng hóa lên. Thực ra điều đó không đúng. Bằng nỗ lực nho nhỏ của mình, tôi muốn định vị lại. Tức là họ là những con người như vậy. Trước đây bạn có thể có thành kiến nhất định với họ thì nay, khi đọc những nhân vật của tôi,  bạn sẽ thấy họ đơn thuần chỉ là vậy thôi. Trời sinh ra thế. Và nếu có thể được thì hãy cố gắng hiểu họ.

Ấn tượng của tôi khi đọc tập truyện này đó là sự mất kết nối của các nhân vật, đặc biệt là các nhân vật nghệ sĩ, kể cả khi họ và những người xung quanh đều rất nỗ lực. Vậy với nhân vật của anh và cả bản thân anh làm sao để vượt qua sự mất kết nối này?

Đây là một ẩn số rất lớn. Chắc là bản thân tôi cũng không giải quyết được đâu. Nhưng xin chia sẻ một số ý thế này. Văn nghệ sĩ thực sự họ cũng khác người. Tôi có đọc một công trình nghiên cứu của nước ngoài thì văn nghệ sĩ có những người có năng lực cá biệt. Họ có thể trở thành văn nghệ sĩ, hoặc nếu không thì sẽ là những phần tử dị biệt, có khuynh hướng xa rời xã hội. Từ câu chuyện đó thì sẽ thấy một mặt người nghệ sĩ, có thể có ý thức hoặc đơn giản họ chỉ làm việc của mình, cống hiến cho xã hội bằng các tác phẩm âm nhạc, thơ ca, tiểu thuyết, bức họa… Nhưng trong đời sống cá nhân lại khá khó hiểu và khó gần trên cơ sở chúng ta coi hiểu có nghĩa là hòa hợp hoặc kết nối. Tôi chỉ cố gắng lột tả độ chênh đó, sự mất kết nối đó. Một số nhân vật trong “Nỗi sợ & những khuôn hình” cũng có nỗ lực nhất định để kết nối với người yêu, với chồng hoặc vợ, với hàng xóm, với cộng đồng. Nhưng ở đây, rõ ràng có một sự vật vã, sự thiếu hụt về mặt năng lực, hoặc thiếu gắn kết một cách rất tự nhiên. Nó là một câu chuyện mà tôi chỉ muốn cố gắng phản ánh, còn để làm gì thì mỗi người đọc sẽ tự có suy nghĩ của mình.

Trong tập truyện này, nhà văn Lê Anh Hoài có đưa ra một số ý tưởng về nghệ thuật sắp đặt. Không rõ những ý tưởng này đã được anh thực hiện ngoài đời hay chưa?

 Nghệ thuật sắp đặt là một ngôn ngữ nghệ thuật được thu nhận từ phương Tây. Tuy nhiên, với một số nghệ sĩ Việt Nam, trong đó có tôi, thì đây là một nguyên liệu, một cách làm để có thể tạo ra một tác phẩm nghệ thuật đa nghĩa hoặc có thông điệp. Về các ý tưởng được nhắc tới trong “Nỗi sợ & những khuôn hình” thì có một số tôi đã thực hiện rồi. Chẳng hạn như tác phẩm “Tiến lên” với những mũi tên bằng sắt rỉ. “Cỗ hồng” thì tôi chưa làm. Còn về những con tằm thì đấy lại là tác phẩm của một người bạn. Với tất cả những thực tế như thế, tôi tìm cách truyền tải vào những truyện ngắn của mình như một bối cảnh, thậm chí có thể như một trình hiện bằng ngôn ngữ để bạn đọc, thông qua ngôn ngữ, thấy được một tác phẩm sắp đặt thay vì thấy một tác phẩm sắp đặt bằng hình ảnh và âm thanh.

          Xin cảm ơn nhà văn!

Nguyễn Hà thực hiện

 

Bình luận

    Chưa có bình luận