Phan Gia Nhật Linh sinh năm 1979, là một đạo diễn trẻ tài năng; năm 36 tuổi đã có phim điện ảnh đầu tay Em là bà nội của anh đạt doanh thu trên 100 tỷ. Các dự án sau đó của anh như Trạng Tí, Cô gái đến từ hôm qua... và gần đây là Em và Trịnh đều thành công. Không chỉ làm đạo diễn, Phan Gia Nhật Linh còn tham gia đào tạo lĩnh vực điện ảnh, hỗ trợ phát triển các dự án phim. Trong cuộc trò chuyện với phóng viên VOV, đạo diễn Phan Gia Nhật Linh chia sẻ về ước mơ điện ảnh từ nhỏ, chặng đường làm nghề đã qua cùng những tâm tư, định hướng tương lai. Qua đó, giúp những bạn trẻ có mơ ước làm phim có thể tham khảo bài học từ anh.
Nhiều người biết đến anh là một đạo diễn thành danh với nhiều phim dạt doanh thu trăm tỷ. Tuy nhiên, xuất phát điểm của anh lại là một người viết báo, viết blog với bút danh Phan Xine?
Tôi đến với ngành làm phim không phải là quyết định trong một khoảnh khắc mà đó là một chặng đường rất dài. Từ khi còn nhỏ tôi đã có ước mơ trở thành đạo diễn, tuy nhiên giấc mơ đó không theo đường thẳng mà theo con đường vòng. Lẽ ra tôi phải thi vào trường điện ảnh, nhưng ở thời điểm đó tôi không có niềm tin vào các trường đào tạo điện ảnh ở Việt Nam. Bởi lẽ khi đó xem phim Việt Nam tôi không thấy hay. Tôi có suy nghĩ đơn giản thế này: Nếu trường đào tạo ra được người làm phim giỏi thì sẽ có phim hay! Phim không hay một phần là do đào tạo chưa tốt! Tôi đã lén vào trường thử dự một vài buổi giảng thì thấy không hấp dẫn.
Năm 1997, internet bắt đầu vào Việt Nam, tôi có cơ hội tiếp cận với những thông tin phong phú. Tôi lên mạng đọc các sách và tư liệu về làm phim, nó mở ra cho tôi một chân trời kiến thức rất phong phú. Cho nên tôi tự nhủ có khi tự học cũng được. Tôi cũng có tuổi thơ may mắn, mẹ tôi làm ở Công ty Phát hành và Xuất nhập khẩu phim Việt Nam (Fafilm VN) nên tôi có nhiều cơ hội xem phim. Tình yêu và kiến thức điện ảnh cứ bồi đắp dần dần như thế. Năm đó thi đại học, thay vì thi vào trường điện ảnh thì tôi thi vào trường kiến trúc một phần vì năm đó có “SV96”, trường Kiến trúc TP.HCM đã lọt vào chung kết. Tôi thấy các anh chị đi thi toàn là những người tài năng khiến tôi rất hâm mộ. Thêm đó, tôi vô tình đọc được trên báo là 2 đạo diễn James Cameroon và Luc Besson xuất thân làm kiến trúc, mãi sau này tôi mới biết thông tin đó là sai (cười).
Hành trình điện ảnh của anh tiếp tục như thế nào?
Thời điểm tôi học kiến trúc, các diễn đàn trên mạng rất phổ biến. Ví như mạng Trí Tuệ Việt Nam (TTVNol) rất phát triển, tôi hay đi xem phim và viết review những cảm nhận của mình ở một box trên đó là Movie’s Boom, nơi mà những người xem phim xong bàn tán rất sôi nổi. Sau Movie’s Boom là đến một forum khác là Yxine. Bắt đầu từ đó tôi được nhiều người biết tới. Rồi tôi cộng tác với báo Mực Tím và báo Tuổi Trẻ với bút danh Phan Xine. Sau đó tôi được mời làm thư ký tòa soạn tờ Điện ảnh Kịch trường số cuối tháng. Trong suốt quá trình đó tôi học được việc xem phim và viết phê bình lý luận.
Nhưng đến một ngày, một người bạn học của tôi nói: Nếu ước mơ của Linh là làm đạo diễn thì cậu phải đi làm phim chứ sao lại suốt ngày chỉ đi phê bình phim? Tôi thấy điều đó rất đúng và bắt đầu suy nghĩ về việc đi làm phim. Tôi nghĩ chắc phải nghỉ công việc làm báo thì mới có thời gian đi học làm phim. Cũng rất may mắn là lúc đó Quỹ Ford vào Việt Nam, họ có học bổng đi học làm phim ở Mỹ. Tôi nộp đơn và may mắn nhận được học bổng. Tôi có 1 năm để chuẩn bị Trong 1 năm đó, tôi nghỉ viết báo và bắt đầu đi theo các đoàn phim để học hỏi. Đoàn phim đầu tiên mà tôi đi theo như một thành viên thực thụ là đoàn phim Hồn Trương Ba da hàng thịt của anh Nguyễn Quang Dũng. Đó là phim đầu tay của anh Dũng, tôi theo từ khi anh có ý tưởng, viết kịch bản, hỗ trợ sửa kịch bản, rồi làm đủ các công việc từ chụp ảnh, làm poster, làm PR marketing cho phim... Kết thúc phim đó tôi bắt đầu đi du học.
Trong 4 năm học ở Mỹ về ngành phim tôi vẫn duy trì công việc viết báo vì đó là nguồn thu nhập quan trọng với tôi. Cho đến tận khi đi học về tôi vẫn tiếp tục viết báo trong 2 năm. Nhưng rồi sau đó tôi nhận ra rằng, việc viết báo khiến tôi không thể tập trung vào việc làm phim, vì lúc nào tôi cũng nghĩ như một người làm báo chứ không phải một người làm phim. Hai cách suy nghĩ đó rất khác nhau! Cuối cùng tôi không viết báo nữa.
Ngoài làm phim, anh đang làm những công việc gì trong ngành công nghiệp điện ảnh?
Ngoài làm đạo diễn thì từ 3 năm nay tôi bắt đầu nhận làm sản xuất. Phim đầu tiên tôi làm sản xuất là Tiệc trăng máu, làm cho anh Nguyễn Quang Dũng. Sau đó tôi sản xuất cho các bạn đạo diễn trẻ. Hiện tôi đang làm một dự án của bạn Andy Nguyễn (đây là dự án đầu tay của Andy). Một dự án khác là phim thứ 2 của bạn Chung Chí Công. Tôi rất quý và thích tinh thần làm việc của Công qua phim đầu tay của bạn ấy là “Trời sáng rồi ta đi ngủ thôi”, nên tôi nhận lời sản xuất cho phim thứ 2 của bạn ấy. Còn một dự án nữa của một đạo diễn trẻ chưa bao giờ làm phim dài là Lê Hoàng. Ngoài ra bên hãng phim của tôi đang có dự án phim series trên Galaxy Play, tôi muốn tạo điều kiện cho các bạn đạo diễn trẻ có cơ hội làm phim. Tôi đã mời 4 đạo diễn trẻ cùng tham gia dự án này để họ có cơ hội giới thiệu bản thân trên các kênh chính thống. Đó là các công việc ở vai trò sản xuất.
Bên cạnh đó, tôi cũng làm một dự án cộng đồng là Tiệc phim ngắn YxineFF. Trong suốt 5 năm làm dự án này tôi được tiếp xúc với rất nhiều bạn làm phim trẻ ở Việt Nam. Nhiều bạn ở tiệc phim ngắn này đã thành danh, ví dụ Trần Thanh Huy với phim Ròm, Lê Bảo với phim Vị, Vũ Ngọc Phượng hay Leon Lê... Tôi thấy đây là một dự án có ý nghĩa, thúc đẩy được sự phát triển của ngành điện ảnh ở Việt Nam. Đến năm 2018, tôi lập ra Cine House, một nơi để các bạn làm phim trẻ gặp gỡ và học hỏi lẫn nhau, kết nối các nhà làm phim đã thành công đến chia sẻ câu chuyện, truyền cảm hứng cho các bạn làm phim trẻ. Đó cũng là một hoạt động cộng đồng rất quan trọng với sự phát triển của các nhà làm phim trẻ trong ngành công nghiệp điện ảnh Việt Nam.
Cảm ơn anh đã chia sẻ!
Anh Tuấn thực hiện