Thảo Trang: Truyện kinh dị của tôi sẽ bám sát hiện thực cuộc sống

Nhắc tới các tác giả viết truyện kinh dị thuần Việt, chắc chắn không thể bỏ qua Thảo Trang.

 

Sau khi gây ấn tượng với cộng đồng mạng qua nhiều tác phẩm kinh dị, cây bút 9x đã có màn chào sân giới xuất bản khá ấn tượng.

Thảo Trang vừa ra mắt tiểu thuyết “Tết ở làng Địa Ngục” (Công ty sách Đinh Tị) và “Ngủ cùng người chết” (Công ty sách Linh Lan). Tiểu thuyết “Tết ở làng Địa Ngục” đã được mua bản quyền để chuyển thể thành phim, dự kiến ra rạp vào năm 2023. Lựa chọn theo đuổi thể loại kinh dị, Thảo Trang đối diện với những thách thức nào, nhất là khi cô luôn mong muốn “viết ra những tác phẩm không đơn thuần để giải trí”? Thảo Trang đã chia sẻ điều này trong cuộc trò chuyện với PV VOV.

Trước khi sáng tác truyện kinh dị, Thảo Trang đã thử sức với các thể loại khác chưa? Điều gì khiến bạn bén duyên với dòng truyện “đau tim” này?

 Từ hồi còn ngồi trên ghế nhà trường tôi đã viết cho một số tờ báo như: Thiếu niên tiền phong, Nhi Đồng. Khi đó, tôi viết những mẩu chuyện phù hợp với lứa tuổi của mình để bạn bè đồng trang lứa đọc. Vào năm đầu đại học, tôi mới có cảm hứng với những câu chuyện tâm linh vốn rất quen thuộc với người Việt, là nguồn cảm hứng sáng tác không bao giờ vơi cạn với tôi.

Trước khi “chào sân” giới xuất bản với “Tết ở làng Địa Ngục”, Thảo Trang là một tác giả quen thuộc với thính giả chuyên nghe truyện kinh dị trên youtube. Vậy tại sao bạn vẫn quyết định lựa chọn xuất bản sách giấy, nhất là khi các tác phẩm này (bao gồm “Tết ở làng Địa Ngục”, “Ngủ cùng người chết”) đều đã có truyện audio?

Sách giấy là con đường đến với độc giả một cách chính thống. Và đây cũng là đích đến của rất nhiều tác giả, đặc biệt là các cây viết online. Mỗi cuốn sách đến tay độc giả đều trải qua quá trình biên tập, chỉnh sửa rất kỹ lưỡng. Điều này giúp các tác giả cũng như tôi nâng cao kỹ năng, khắc phục những điểm còn tồn tại trong tác phẩm của tôi. Đó cũng chính là lý do mà tôi lựa chọn sách giấy.

Thảo Trang vừa ra mắt tiểu thuyết “Tết ở làng Địa Ngục” (Công ty sách Đinh Tị) và “Ngủ cùng người chết” (Công ty sách Linh Lan).

 Ở các ấn bản sách giấy của Thảo Trang, có điều gì khác để thu hút độc giả khi họ đã biết nội dung chính của truyện?

 Sách giấy là một sản phẩm thương mại. Giống như các tác giả khác, tôi cũng phải cân nhắc nhiều yếu tố như nội dung, thời điểm phát hành, phụ kiện, tranh bìa… Sách giấy sẽ được biên tập chỉn chu hơn. Bên cạnh đó, còn có những phần ngoại truyện mà độc giả chưa từng biết tới. 2 cuốn sách: “Tết ở làng Địa Ngục” và “Ngủ cùng người chết” mặc dù đã hé lộ rất nhiều nội dung nhưng sách vẫn bán rất chạy.

 Ở góc độ của một người đọc/người nghe, truyện của Thảo Trang thường khiến tôi bất ngờ với hàng loạt cú ngoặt, các chi tiết cài cắm mà phải đến khi kết truyện mới hiểu ra. Bạn có thể bật mí một chút về quá trình xây dựng cốt truyện, nhân vật?

Quá trình xây dựng nhân vật sẽ diễn ra trước khi mình chính thức viết. Mình thường sẽ làm một bản lý lịch cho nhân vật. Bản lý lịch này sẽ khắc họa rất rõ những thông tin về nhân vật. Ví dụ nhân vật sinh vào ngày nào, tính cách ra làm sao, có sự kiện gì trong quá khứ ảnh hưởng tới tính cách và quá trình phát triển tâm lý của nhân vật hay không. Thậm chí, nhân vật ấy thích ăn gì, thích mặc gì, sợ cái gì đều phải liệt kê rõ ràng. Trong quá trình viết, mình sẽ dựa vào hồ sơ nhân vật để xây dựng nên các tình tiết và bồi đắp thêm.

 Thảo Trang có kỳ vọng như thế nào với phiên bản “Tết ở làng Địa Ngục” sẽ ra mắt vào năm 2023?

“Tết ở làng Địa Ngục” lấy bối cảnh một ngôi làng ở Hà Giang. Chính vì vậy, mong muốn đầu tiên của tôi là bộ phim sẽ quảng bá cho đông đảo khán giả biết được cảnh sắc tại đó, góp phần vào việc phát triển du lịch khu vực miền núi phía Bắc và thật sự tôi rất mong bộ phim sẽ được đông đảo khán giả đón nhận. Từ đó, dòng phim kinh dị thuần Việt sẽ được chào đón nhiệt liệt hơn.

Khi theo dõi các tác phẩm của Thảo Trang, tôi thấy bối cảnh thường là các làng quê. Phải chăng đây là phông nền yêu thích của bạn khi kể một câu chuyện tâm linh, kinh dị?

 Thực ra tôi viết khá đa dạng bối cảnh. “Tết ở làng Địa Ngục” lấy bối cảnh một ngôi làng trên núi. “Ngủ cùng người chết” lại đưa độc giả tới bối cảnh vùng biên giới và những cung đường của nhóm tội phạm buôn người tại Trung Quốc. Trong thời gian tới, tôi sẽ ra mắt cuốn “Vật hiến tế” và lần này, mọi người sẽ cùng nhau tới một vùng biển và chìm trong bầu không khí quỷ dị nơi đây. Trong tương lai, tôi sẽ viết truyện ma lấy bối cảnh đô thị. Đây là một thử thách lớn vì ma quỷ xuất hiện giữa đô thị sẽ cần các yếu tố mới mẻ và cuốn hút đủ để thuyết phục người đọc.

Dự định sắp tới của tác giả Thảo Trang với dòng truyện kinh dị là gì?

Tôi có hai dự định lớn. Thứ nhất, tôi vẫn sẽ theo đuổi dòng truyện kinh dị nhưng sẽ bám sát các vấn nạn trong thực tế. Trong cuốn tiểu thuyết “Ngủ cùng người chết” thì vấn nạn buôn người đã được đề cập. Điều đó khiến cho câu chuyện tôi kể thời sự hơn và mang đến cho độc giả, đặc biệt là các độc giả còn ngồi trên ghế nhà trường, nhiều ý nghĩa thiết thực. Dự định thứ hai, tôi muốn đẩy mạnh vấn đề quảng bá tác phẩm, không chỉ thực hiện ở trong nước mà còn thực hiện ở quốc tế. Rất có thể mình sẽ kết hợp với các festival mang văn hóa Việt Nam lan tỏa tới nhiều nước trên thế giới hơn.

Cảm ơn Thảo Trang và chúc bạn thành công với dự định của mình!

Nguyễn Hà thực hiện

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận