Nhà sản xuất Hoàng Quân: 'Tôi tin tưởng vào tương lai phim kinh dị của Việt Nam'

Nhà sản xuất Hoàng Quân đã chia sẻ với phóng viên VOV về phim kinh dị ở Việt Nam.

 

Ở các nền điện ảnh đang phát triển, phim kinh dị, phim ma,… là dòng phim phù hợp để sản xuất bởi kinh phí không cao như phim hành động bom tấn, đồng thời có thể khai thác tối đa các yếu tố văn hóa bản địa để tạo dấu ấn, bản sắc cho tác phẩm khi cạnh tranh quốc tế.

Chuyện ma gần nhà khá thành công với con số doanh thu ổn định! Phần bối cảnh khá công phu, đã làm bật lên màu sắc Sài Gòn ở thập niên 50, 60 của thế kỷ trước. Anh có thể chia sẻ quá trình chuẩn bị để đạt được điều đó?

Chuyện ma gần nhà có 3 câu chuyện, phức tạp gấp 3 lần với các bộ phim thông thường chỉ có một tuyến nhân vật và một số bối cảnh nhất định. Vì có 3 câu chuyện nhỏ nên bối cảnh sẽ nhân ba: 3 tuyến nhân vật, 3 nhóm bối cảnh và 3 ý đồ thể hiện về mặt hình ảnh. Việc tái hiện lại một bối cảnh nào đó sẽ khó hơn là quay các dòng phim bối cảnh thời hiện đại. Ngoài việc tìm được các bối cảnh thể hiện đúng màu sắc (hay gọi là không khí của phim), ví dụ như những căn nhà của thập niên 50, 60 thế kỷ trước được xây kiểu khác, hay có sân vườn, nội thất cũng khác, chất liệu khác,… những thứ rất khó để phục dựng. Việc đi tìm đúng bối cảnh có độ chân thực cao là một thách thức lớn với nhà sản xuất!

 Căn chung cư cũ của nhân vật nhà văn Mạc Can, anh đã tìm ở đâu?

Ở Sài Gòn vẫn còn khá nhiều những căn chung cư cũ như vậy, nhưng chung cư sẵn sàng cho quay phim thì rất hiếm! Bối cảnh câu chuyện số 2 (của nhà văn Mạc Can) được tái hiện tại một trường học cũ ở quận 5 (đó không phải một căn chung cư). Tôi đã lấy khoảng thông tầng ở chính giữa các tầng để thiết kế lại, làm thành căn chung cư giống như những năm 50, 60. Các khoảng thông tầng nối từ dưới lên trên, tạo nên độ sâu và độ ám ảnh cho phim.

Màu phim chắc là thiên về kỹ thuật dựng hậu kỳ sau này phải không?

Xét về màu phim, những điều mà mọi người thấy là tổng hợp của nhiều yếu tố! Để tạo ra được độ sần của phim phụ thuộc vào loại máy quay và loại ống. Đạo diễn và giám đốc hình ảnh đã chọn dòng máy không phải là dòng nịnh mắt, nên phim quay ra đã có độ sần rồi. Nhiều yếu tố tổng hợp lại tạo cho người xem cảm giác xưa cũ, nguy hiểm, cô đơn… Mọi người chỉ nhìn thấy phần bề mặt, nhưng đằng sau đó là những lớp lang được chúng tôi dụng công rất tỉ mỉ. Nhân vật mặc áo màu gì? Tại sao đánh ánh sáng như vậy? Tại sao phải có một đốm màu ở chỗ đó,… đều tạo nên yếu tố kể chuyện trong từng khung hình.

Một yếu tố thành công nữa của phim là phần âm nhạc. Anh xuất thân là một ca sĩ, những hiểu biết về âm nhạc có tác dụng gì trong việc lựa chọn các đoạn nhạc và bài hát cho phim?

Đối với dòng phim kinh dị nói riêng và các phim khác nói chung thì âm nhạc cũng là một yếu tố kể chuyện rất lớn. Ở Việt Nam, việc đầu tư cho nhạc phim chưa mấy được chú trọng. Nhạc phim không phải là lắp ghép các đoạn nhạc vào mà phải có ý đồ. Ở nước ngoài, cách họ làm nhạc phim là nhạc phải thể hiện được cá tính của nhân vật! Mỗi khi một nhân vật xuất hiện sẽ có một đoạn nhạc - tạm gọi là ADN âm nhạc - tính chất, tính cách nhân vật đó được thể hiện phần nào qua âm nhạc, mỗi nhân vật có màu nhạc riêng. Nhưng màu nhạc đó vẫn nằm trong tổng thể chung ý tưởng lớn về âm nhạc. Riêng với Chuyện ma gần nhà thì bài hát chủ đề là “Đừng bỏ em một mình”, nhạc sĩ đã biến báo giai điệu đó thành nhiều đoạn phái sinh để kể những câu chuyện khác nhau. Khán giả sẽ thấy bài hát đó lúc thì rất ma mị, quỷ quyệt,… lúc lại rất da diết tùy theo mục tiêu ý đồ của từng phân cảnh mà nó vang lên. Cần lấy cảm xúc thế nào thì âm nhạc sẽ góp phần hỗ trợ để đẩy cảm xúc đó lên. 

Nhà sản xuất Hoàng Quân tin tưởng vào tương lai phim kinh dị của Việt Nam.Dòng phim kinh dị ở Việt Nam trước nay hay gặp khó với Hội đồng duyệt. Nếu làm cảnh kinh dị đó không “tới” thì khán giả sẽ quay lưng. Nhưng nếu làm “tới” thì đôi khi lại vượt quá sự cho phép của Hội đồng duyệt. Các anh xử lý mâu thuẫn đó như thế nào?

Ba phim vừa rồi của Quân và Tấn đều có áp lực là mình phải tự kiểm duyệt trước xem là những cảnh này có qua được Hội đồng duyệt không? May mắn là 3 phim đều được Hội đồng duyệt rất hỗ trợ. Hội đồng duyệt của mình hiện nay đã có rất nhiều sự đổi mới, sự cởi mở với dòng phim kinh dị. Đặc biệt là khi đã áp được vào độ tuổi khán giả xem phim thì những người làm phim rất tự tin kể những câu chuyện đúng với lứa tuổi của lớp khán giả mà mình hướng tới. Ví dụ như khi xác định làm phim cho lứa tuổi 18+ thì có thể mạnh dạn đầu tư vào những phân cảnh gai góc, ấn tượng hơn. Dĩ nhiên, kinh dị vẫn là dòng phim không dành cho số đông. Nó vẫn nhắm đến lớp khán giả đặc trưng thích sự gai góc. Điều đặc biệt nữa, họ là những mọt phim trung thành, xem rất nhiều thể loại phim của nước ngoài: Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc, Thái Lan - những cường quốc phim kinh dị. Mình bán sản phẩm cho những đối tượng rất am hiểu thể loại phim đó thì phải kể được một câu chuyện làm họ thấy thích thú (gọi là đủ đô).

Có một đặc trưng nữa là kinh dị có rất nhiều nhánh: tâm lý giật gân, hồi hộp, kinh dị nặng đô. Khán giả chỉ hiểu đây là kinh dị thôi, chứ chưa nắm hết phim kinh dị này thuộc nhánh nào, và yếu tố kinh dị của nó nằm ở những chi tiết thế nào? Có những dòng phim phải rất máu me, căng thẳng; đó là đặc trưng của thể loại. Của mình thì chỉ gọi chung chung là phim kinh dị, nên khó mà thuyết phục họ là tôi làm theo nhánh này hay nhánh kia. Kinh dị nhưng tại sao cuối cùng lại mơ, lại bị điên, đa nhân cách…? Vì đó là tâm lý giật gân, nói về những ám ảnh tâm lý của con người, trong sự ám ảnh đó họ làm ra những việc như thế. Dòng phim đó bắt buộc nhân vật phải như vậy. Khán giả đôi khi không hiểu hết những điều này, cho nên việc của mình bây giờ là làm tốt nhất có thể trong khả năng thôi. Thời gian dần dần sẽ làm cho khán giả hiểu được các phân nhánh cụ thể của kinh dị là thế nào.

Cảm ơn anh về cuộc trò chuyện!

 Anh Tuấn thực hiện

 

Bình luận

    Chưa có bình luận