Nhà văn Hoàng Thế Sinh: 'Tôi không có quyền quên bạn bè mình!'

Giải thưởng Văn học sông Mekong lần thứ 12 năm 2021 đã gọi tên tiểu thuyết 'Cánh đồng Chum mùa hoa ban', cuốn tiểu thuyết thứ 8 của nhà văn Hoàng Thế Sinh.

 

Được viết từ ký ức của một người lính, tác phẩm đã tái hiện cuộc chiến đấu gian khổ và anh dũng của quân tình nguyện Việt Nam trong chiến dịch Cánh đồng Chum, Xiêng Khoảng, Lào những năm 1971 - 1972.

 Điều gì đã thôi thúc ông viết tiểu thuyết “Cánh đồng Chum mùa hoa ban”?

Tôi đã tự giấu kỹ những ký ức về cuộc chiến đấu gian khổ và tàn khốc năm 1971 - 1972 ở Cánh đồng Chum, Xiêng Khoảng, Lào trong trái tim mình. Giấu rất kỹ. Giấu rất lâu. Không bao giờ kể lại. Không bao giờ viết điều gì. Tôi nghĩ cuộc chiến đấu của mấy bạn trẻ tuổi mười chín, hai mươi chúng tôi dù gian khổ, hy sinh bao nhiêu cũng chưa thể sánh với sự chiến đấu vô cùng gian khổ, sự hy sinh vô cùng dũng cảm và to lớn của nhân dân, của đồng đội lớp cha anh suốt từ kháng chiến chống giặc Pháp đến kháng chiến chống Mỹ. Tôi đã cố ghìm lòng suốt 50 năm qua! Nhưng rồi, trong mấy cuộc hội ngộ bạn học cùng lớp, cùng trường cấp III Bảo Yên, nhân vui chuyện, một bạn từng làm công tác tuyên giáo Huyện ủy Bảo Yên nói với tôi rằng: "Cậu là nhà văn mà cứ viết đâu đâu ấy, sao không viết về chính cuộc chiến đấu của chúng mình ở Cánh đồng Chum năm nào nhỉ?", Tôi ậm ừ bảo: "Đáng gì chứ?", bạn bảo: "Sao không đáng? Biết bao nhiêu xương máu, thân xác bạn bè, đồng đội vùi trong đất Lào, mãi mãi, không đáng để chúng mình nhắc nhở sao? Cậu viết đi, quan trọng lắm đấy!". Về, mãi tôi cũng không chịu viết gì cả, bỏ ngoài tai lời khích của ông bạn kia. Đến một ngày, Quân khu 2 có cuộc thi ảnh, sáng tác thơ, truyện ký về đề tài quân đội trong toàn quân và toàn dân, bạn văn nghệ Yên Bái giục tôi tham dự, giục nhiều lần. Thế là tôi cắm cúi viết, 5.000 chữ, tiêu đề: "Chước ơi, về nhà thôi!", Chước người Tày xã Nghĩa Đô, là bạn học cùng lớp, hy sinh ngay trận đầu, cả khẩu đội cối 82 gồm 4 chiến sĩ mà Chước làm lính thông tin vô tuyến, bị trúng bom, bay mất tăm mất tích cả. Tôi viết xong, gửi cho Ban tổ chức nhưng xin không dự thi vì chính tôi được Quân khu 2 mời làm giám khảo cùng với nhà văn Nguyễn Hữu Nhàn và nhà văn Phùng Văn Khai. Tổng kết cuộc thi tại Quân khu 2, tôi đến dự. Thật bất ngờ là Ban tổ chức quyết định trao Giải đặc biệt cho truyện ký "Chước ơi, về nhà thôi". Chẳng biết từ lúc nào, tôi cứ âm thầm nghĩ về Chước, nghĩ về các bạn tôi là tiểu đội trưởng Đán, là Quy, là Thăng, là Thắng, là Đức..., từng chiến đấu và hy sinh anh dũng trên Cánh đồng Chum kia. Tôi không có quyền quên bạn bè mình! Vì vậy, tôi đã chuyển một phần ý tưởng trong "Chước ơi, về nhà thôi" vào câu chuyện dài, câu chuyện trong tiểu thuyết "Cánh đồng Chum mùa hoa ban".

Là người viết cả thơ và văn xuôi, chinh chiến với nhiều thể loại từ bút ký, truyện ngắn, truyện cười,.. thách thức của ông khi viết tiểu thuyết nói chung và với riêng tiểu thuyết “Cánh đồng Chum mùa hoa ban” là gì? 

Viết tiểu thuyết là việc khó trăm bề. Nó đòi hỏi người viết phải trải nghiệm nhiều, tích lũy vốn sống nhiều, đi nhiều, đọc nhiều, viết nhiều nữa, và chắc chắn  phải có chút khả năng sáng tạo ở cái tầm "chỉ huy một sư đoàn", nghĩa là phải biết huy động tổng lực, các lực lượng cho cả “chiến dịch” tác phẩm lớn hơn nhiều so với truyện ngắn. Còn riêng với tiểu thuyết "Cánh đồng Chum mùa hoa ban", tôi chẳng cảm thấy có thách thức nào bởi vì đây đã là cuốn tiểu thuyết thứ 8 trong 9 cuốn tiểu thuyết mà tôi đã viết và xuất bản. Nếu có, có lẽ là tôi phải cố ghìm nén cảm xúc của mình để làm sao viết theo một cách chân thật nhất, một cách thuyết phục nhất cả về nội dung và hình thức. Tôi không được phép hư cấu quá lên làm cho câu chuyện chiến đấu thêm khác lạ, thêm dữ dội, thêm gay cấn, thêm tàn khốc, là bởi các bạn chiến đấu cùng tôi, tuy nhiều bạn đã hy sinh, nhưng nhiều bạn vẫn còn đây. Tôi tự biết phải tôn trọng tối đa tính chân thật và tôn trọng bạn tôi, đồng đội của tôi.

Đề tài chiến tranh và người lính đều là những đề tài quen thuộc trong văn chương nước nhà. Vậy trong “Cánh đồng Chum mùa hoa ban”, hình tượng người lính như: Thanh Bình, Yên Hoàng, Minh Phú, Dương Minh… đã được ông khắc họa ra sao?

Câu hỏi này mà trả lời thì cả ngày chẳng hết đâu. Ai đã đọc tuyển thuyết "Cánh đồng Chum mùa hoa ban" của tôi thì sẽ hình tượng rõ nhân vật được khắc họa thế nào. Có lẽ các hình tượng nhân vật như: Thanh Bình, Yên Hoàng, Minh Phú, Dương Minh được tôi khắc họa một cách chân thật nhất, gần như trùng khớp với con người thật, vốn là những bạn học cùng lớp, cùng trường, cùng tuổi, cùng tham gia chiến đấu với tôi. Cả 4 nhân vật này hiện vẫn còn sống khỏe, hai người ở thành phố Yên Bái, một ở thành phố Lào Cai, một ở thành phố Hà Nội. Ngày đánh các trận mở cửa chiến dịch Cánh đồng Chum năm 1971 - 1972 ấy, họ vốn là thanh niên nông thôn miền núi, nên hiền lành, vô tư, trong sáng lắm, và lơ ngơ nữa. Tôi vẫn gọi là "lính tò te đánh trận".

Giải thưởng Văn học sông Mekong lần thứ 12 năm 2021 đã gọi tên tiểu thuyết “Cánh đồng Chum mùa hoa ban”, cuốn tiểu thuyết thứ 8 của nhà văn Hoàng Thế Sinh.

Nói đến “Cánh đồng Chum mùa hoa ban”, bên cạnh những người lính tình nguyện, không thể không nhắc đến tình hữu nghị Việt - Lào. Ông có thể nói thêm về khía cạnh này của tiểu thuyết?

Có lẽ tình hữu nghị Việt - Lào được thể hiện rõ nét nhất chính là ở tinh thần chiến đấu và hy sinh vô cùng dũng cảm của các chiến sĩ tình nguyện Việt Nam cho công cuộc giải phóng và đem lại hòa bình, tự do cho dân tộc Lào. Mấy chiến sĩ tình nguyện chúng tôi thuộc Tiểu đoàn 4, Trung đoàn 165, Sư đoàn 312, là đơn vị "cơm Bắc, giặc Lào", đánh trận theo chiến dịch, từ Bắc sang Lào chiến đấu, xong chiến dịch lại trở về Bắc Việt Nam để củng cố lực lượng, chuẩn bị mọi mặt cho chiến dịch sau. Bởi vậy, trên thực tế, hầu như chúng tôi không ở lâu trên đất Lào, không ở trong dân mà chủ yếu ở rừng núi, trong hầm hào, trong các hang động đá, rất ít quan hệ trực tiếp với người dân Lào cũng như các chiến sĩ Pa-thét. Trong câu chuyện, tôi có mấy trường đoạn nói đến chiến sĩ Hoàng Tương Lai, vốn là người đồng hương Yên Bái. Anh thuộc Sư đoàn 316, đơn vị ở liền suốt cuộc kháng chiến Lào cho đến tận ngày đất nước Lào hòa bình. Đơn vị anh có điều kiện gần dân, chia sẻ với dân, tình cảm với người dân Lào mật thiết, thân yêu như nhân dân Việt Nam ta vậy. Câu chuyện chiến sĩ Hoàng Tương Lai với mẹ Bun May, với cô y tá xinh đẹp Bua Xa Ly, cô Bun La nữa, với bài hát dân ca Lào, dân ca Tày Việt Nam, với giấc mơ chiến sĩ Thanh Bình cùng đoàn chiến tượng ra trận, với vòng hoa chăm pa, vòng hoa ban trắng ngần,... đã phần nào nói lên tình hữu Việt - Lào vô cùng trong sáng và đẹp đẽ.

Nhận giải thưởng văn học quốc tế danh giá này, tôi không nguôi nhớ bạn, nhớ đồng đội vĩnh viễn tuổi hai mươi trên chiến trường Cánh đồng Chum, Xiêng Khoảng, Lào, năm 1971 – 1972” - nhà văn Hoàng Thế Sinh.

Xin cảm ơn ông!

 Nguyễn Hà thực hiện

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận