Nhà biên kịch Hoàng Tích Chỉ qua đời ngày 20/3 ở tuổi 90. Ông thuộc thế hệ biên kịch tiên phong của điện ảnh cách mạng Việt Nam, cùng với Cao Đình Báu, Văn Thảo Nguyên, Bành Châu, Đào Hồng Cẩm, Nông Ích Đạt, Vũ Lê Mai, Bành Bảo, Phan Vũ... Năm 2012, Hoàng Tích Chỉ trở thành nhà biên kịch đầu tiên được trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật.
Nhà biên kịch Hoàng Tích Chỉ đã "khai sinh" hàng loạt tác phẩm kinh điển của điện ảnh Cách mạng Việt Nam như: "Biển gọi," "Vĩ tuyến 17 ngày và đêm", "Em bé Hà Nội", "Mối tình đầu," "Thành phố lúc rạng đông"…
Nhà biên kịch Trịnh Thanh Nhã đã có những chia sẻ với VOV.VN về "cây đại thụ" của điện ảnh Việt Nam.
Người dò đường và thử sức cho điện ảnh Việt
PV: Thưa nhà biên kịch Trịnh Thanh Nhã, những dấu ấn của nhà biên kịch Hoàng Tích Chỉ trong nền điện ảnh cách mạng Việt Nam?
Nhà biên kịch Trịnh Thanh Nhã: Nhà biên kịch Hoàng Tích Chỉ là một trong những biên kịch thế hệ đầu tiên của điện ảnh cách mạng Việt Nam. Sau những bộ phim đầu tiên như “Chung một dòng sông”, “Con chim vành khuyên”... thì những phim như “Vỹ tuyến 17 ngày và đêm” ra đời, đánh dấu những bước tiến mới cả trong nghệ thuật kể truyện lẫn nghệ thuật dàn dựng, diễn xuất của điện ảnh Việt. Nhà biên kịch Hoàng Tích Chỉ tham gia vào việc hình thành nên những tác phẩm đồ sộ này và liên tiếp đánh dấu tài năng của mình trên những tác phẩm tiếp theo như “Em bé Hà Nội”, “Tự thú trước bình minh”, “Mối tình đầu”... Các phim này đều đạt thứ hạng cao trong các Liên hoan phim quốc gia và quốc tế, trở thành những tác phẩm kinh điển của điện ảnh cách mạng Việt Nam.
Sau này, vào khoảng những năm 1985 - 1990, Xưởng phim I thuộc Hãng Phim Truyện Việt Nam được tách ra trở thành một hãng độc lập, nhà biên kịch Hoàng Tích Chỉ lúc đó là Xưởng trưởng Xưởng I trở thành giám đốc một hãng mới toanh, nhưng truyền thống làm phim tử tế thì vẫn duy trì song hành cùng Hãng anh cả. Do cơ cấu gọn nhẹ hơn, cùng với vị giám đốc đầu tiên ít nói nhưng đầy năng động của mình, Hãng I đã tiến vào thị trường điện ảnh sôi động lúc đó với những bộ phim đình đám vừa nghiêm túc vừa hút khán giả như "Người đàn bà bị săn đuổi", (đạo diễn Hoàng Tích Chỉ), hay “Dòng sông hoa trắng”, “Săn bắt cướp” (đạo diễn Trần Phương)... Có thể nói bằng lao động sáng tạo của mình, nhà biên kịch Hoàng Tích Chỉ đã thực sự là một cây đại thụ của Điện ảnh cách mạng Việt Nam với đầy đủ ý nghĩa cao đẹp nhất.
PV: Cả cuộc đời lao động sáng tạo, cống hiến cho điện ảnh, bà thấy được gì về tinh thần làm việc của ông?
Nhà biên kịch Trịnh Thanh Nhã: Nhà biên kịch Hoàng Tích Chỉ có một nội lực có vẻ khá trái ngược với vẻ bên ngoài khiêm nhường của ông. Ở cương vị biên kịch của Hãng phim, ông cặm cụi tìm kiếm phát hiện đề tài, đi thực tế... và đặt nền móng cho những bộ phim mà sau này trở thành kinh điển của điện ảnh Việt. Ở cương vị của người lãnh đạo chịu trách nhiệm về nội dung phim, ông nâng đỡ, khuyến khích để Hãng I có những sản phẩm xuất sắc như phim “Lưới trời” của đạo diễn Phi Tiến Sơn từng gây xôn xao một thời vì là bộ phim đầu tiên làm về đề tài chống tham nhũng đến cấp trung ương.
Tuy là người lặng lẽ và có danh vị nghề nghiệp vững chắc, nhưng ông đã dám bước ra khỏi vùng an toàn đó để thử sức mình trong cương vị đạo diễn phim truyện, biên kịch và đạo diễn phim tài liệu... với tâm niệm là nếu mình không làm, ai sẽ là người dò đường, dù cho mọi thử nghiệm có thể mang tới thất bại, thậm chí thân bại danh liệt. May mắn là trong các bước dò đường và thử sức ấy, ông đã không bại trận như nhiều người lo ngại hộ.
PV: Tiếp xúc và gần gũi với nhà biên kịch Hoàng Tích Chỉ, bà cảm nhận như thế nào về con người ông?
Nhà biên kịch Trịnh Thanh Nhã: Như tôi đã nói ở trên, nhà biên kịch Hoàng Tích Chỉ là người khiêm nhường bẩm sinh, không hay đao to búa lớn. Với gia đình, ông luôn được vợ con nể trọng. Ông đặt tên con trai là Hoàng Tích Thiện, như một cách nhắc nhở mình và các con không bao giờ làm những điều thất đức. Với đồng nghiệp, ông thường tủm tỉm cười mỗi khi có tranh cãi, và sẵn sàng lùi bước với một nụ cười rất hiền. Nhưng chỉ cần các biên kịch trẻ "chích" vào một câu hỏi nghề nghiệp, thì ông sẽ rủ rỉ hàng giờ với một cách diễn đạt nhẹ nhàng, như muốn dỗ dành chúng tôi rằng cứ cố gắng đi, nghề này không đáng sợ lắm đâu... Chúng tôi lúc đó là những người mới vào nghề, được sự dẫn dắt, động viên của những người đi trước như nhà biên kịch Hoàng Tích Chỉ là rất may mắn.
Tấm gương lớn cho thế hệ biên kịch sau này
PV: Theo bà, điều gì làm nên được thành công của nhà biên kịch Hoàng Tích Chỉ với rất nhiều tác phẩm lớn để lại cho chúng ta bây giờ?
Nhà biên kịch Trịnh Thanh Nhã: Sự thành công của mỗi người, mỗi nghề đều có những nguyên cớ, không có ai, không cái gì thành công mà lại ăn may cả. Với nhà biên kịch Hoàng Tích Chỉ, sự thành công đến từ chính tính cách ông, từ cách sống và làm việc lặng lẽ, chỉ một lòng tận tâm với công việc, với lý tưởng của mình. Ông trọng nghề, và đáp lại, nghề cũng đã không phụ ông. Nhưng còn hơn thế, ông trọng khán giả, tôn trong sự chân thực trong từng chi tiết phim.
Sự lăn lộn của ông trong những chuyến đi thực tế để có được những chi tiết hay nhất, thật nhất cho bộ phim là điều tiên quyết khiến người xem thế hệ nào cũng cảm thấy bị thuyết phục, được khơi dậy cảm xúc mà không có cảm giác bị các tác giả phim "dắt mũi". Thành công, nghe thì có vẻ đơn giản, nhưng với nghề biên kịch nó thực sự đòi hỏi rất nhiều nỗ lực, bởi điện ảnh tuy là một ngành nghệ thuật có dàn dựng, nhưng bản chất lại luôn hướng đến tham vọng chinh phục khán giả bằng cái hiện thực chân thực nhất. Không lăn lộn, không quan sát, không trải nghiệm... không thể có các chi tiết sống động đó. Về phương diện ấy, nhà biên kịch Hoàng Tích Chỉ là tấm gương lớn cho các thế hệ biên kịch sau này.
PV: Không chỉ để lại nhiều tác phẩm, ông còn để lại cho thế hệ hậu sinh kinh nghiệm quý báu về nghề viết. Bà học hỏi được gì từ ông?
Nhà biên kịch Trịnh Thanh Nhã: Sự khiêm nhường, tận tuỵ với nghề. Điều này nói ra thì dễ, nhưng thực hiện rất khó. Người làm nghệ thuật ai cũng muốn chứng minh sự tồn tại và toả sáng của cá nhân người sáng tạo. Ẩn mình đi để làm việc là một thách thức không nhỏ. Nhà biên kịch Hoàng Tích Chỉ khiêm nhường cả trong lúc làm việc, trong đời sống hàng ngày, và cả trong quan hệ bạn bè. So với nhiều nhà biên kịch khác cùng thời, thậm chí so với cả thế hệ biên kịch sau ông như chúng tôi, ông có vẻ là người không quảng giao, cũng không biết tự PR bản thân, lại càng không bao giờ chủ động "nhô ra" để tìm kiếm vinh quang hào nhoáng.
Chúng tôi còn học cách "biết sợ" từ ông, bởi chính ông từng nói: "danh vị nghề nghiệp càng cao thì càng phải biết sợ. Nhưng cũng đừng sợ tới mức có danh vị rồi thì... không làm gì nữa chỉ để bảo toàn nó. Như thế là tự giết chết nguồn năng lượng sáng tạo của chính mình".
PV: Xin cảm ơn bà!./.
Nhà biên kịch Hoàng Tích Chỉ sinh năm 1932 tại Từ Sơn, Bắc Ninh, trong một gia đình có nhiều người nổi tiếng như anh cả là nhà báo Hoàng Tích Chu, anh hai họa sĩ Hoàng Tích Chù, anh ba nhà viết kịch Hoàng Tích Linh. Từ năm 1946, ông Hoàng Tích Chỉ đã sớm giác ngộ cách mạng và làm trinh sát ở Ty Liêm phóng Bắc Giang.
Năm 2012, ông được Nhà nước tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học - nghệ thuật năm 2012 cho các kịch bản phim truyện (mà ông là tác giả hoặc đồng tác giả): Trên vĩ tuyến 17, Biển gọi, Vĩ tuyến 17 ngày và đêm, Em bé Hà Nội, Mối tình đầu và kịch bản phim tài liệu Thành phố lúc rạng đông.
Tên ông gắn với nhiều bộ phim kinh điển như: Biển gọi (Bông sen bạc LHP Việt Nam lần thứ I, 1970); Vĩ tuyến 17 ngày và đêm (1973, Bông sen bạc LHP Việt Nam lần thứ II, 1973); Em bé Hà Nội (Bông sen vàng LHP Việt Nam lần thứ III-1975, Giải đặc biệt của ban giám khảo tại LHP quốc tế Matxcơva - 1975); Mắt bão (1972) dựng thành phim Tọa độ chết (1985); Mối tình đầu (1977, Bông sen bạc LHP phim Việt Nam lần thứ V - 1980, giải Chiếc thuyền bạc LHP Hiện thực mới tại Ý - 1981); Thành phố lúc rạng đông (1975, giải Bồ Câu Vàng đặc biệt, LHP Leipzig - CHDC Đức); tiểu thuyết Tướng cướp hoàn lương dựng thành phim truyện SBC; Người đàn bà bị săn đuổi (1990); từ tiểu thuyết Bóng ma rừng Sác dựng thành phim Bông hoa rừng Sác (1995)…
Hà Phương/VOV.VN (thực hiện)