Là phóng viên của Tạp chí Văn nghệ Quân đội, đồng thời cũng là nhà văn quan tâm và theo dõi đến các giải thưởng Nobel văn học, nhà văn Uông Triều đã có cuộc chia sẻ với phóng viên VOV về nội dung này.
Nhà văn có cảm xúc như thế nào khi biết tin Hội Nhà văn Việt Nam nhận được thư mời của Ủy ban Nobel đề cử ứng viên tham dự xét giải Nobel văn học cho năm nay?
Tôi rất ngạc nhiên. Nobel có lịch sử rất dài, trước đây chiến tranh không nói làm gì, nhưng cả quãng thời gian dài đổi mới sau này họ cũng không mời, tại sao đến bây giờ người ta mới gửi thư mời cho Việt Nam? Có thể họ đã từng gửi rồi, hoặc là chúng ta không được công bố, hoặc là vì một lý do nào đó. Từ sự ngạc nhiên đó, tôi đặt ra vấn đề là tại sao đến bây giờ họ mới quan tâm đến chúng ta? Có phải văn học của chúng ta chưa có cái gì đáng để bàn, chưa tạo được dấu ấn gì? Nhưng rõ ràng đất nước gần một trăm triệu dân như chúng ta có một nền văn học mà ít nhiều đã có thành tựu, có các gương mặt nhà văn nổi tiếng,… nhưng đến tận bây giờ họ mới biết đến chúng ta. Tôi vừa buồn và vừa vui. Buồn là vì tại sao đến bây giờ người ta mới nhắc đến Việt Nam, nhưng vui là từ giờ trở đi, trên bản đồ văn học thế giới ít nhất Việt Nam cũng được người ta quan tâm. Người ta đã hỏi mình có ý kiến như thế nào, người ta đã tạo ra cơ hội đề cử. Việc được giải hay không là một việc rất xa, nhưng ít nhất người ta đã quan tâm, để ý , nhìn thấy mình. Hy vọng là chúng ta suy nghĩ nghiêm túc về vấn đề này, bàn tính những chuyện xung quanh nó.
Tiêu chí mà Viện Thuỵ Điển thường xét giải Nobel văn chương như thế nào thưa ông?
Đạt được giải Nobel văn học là một điều rất khó. Nhiều nhà văn nổi tiếng có thành tựu rất dài vẫn chưa được giải. Nobel văn học người ta không trao cho một tác phẩm cụ thể mà là thành tựu cả đời. Nghĩa là nhà văn đó phải có sự ảnh hưởng lớn, có cả một trường tác phẩm và tác phấm ấy có ảnh hưởng không chỉ trong nước mà còn có sự ảnh hưởng đến thế giới. Tác phẩm đó phải được quảng bá, được dịch phổ biến với nhiều ngôn ngữ trên thế giới. Để đạt những tiêu chí như họ đặt ra như tác phẩm phải đề cập đến vấn đề vì con người, trình độ viết truyện bậc thầy thì có lẽ quan trọng nhất chính là sự ảnh hưởng, không chỉ trong phạm vi tổ quốc mà phải có sự ảnh hưởng lớn đến nhân loại. Uỷ ban Nobel họ đề cử, rồi xét duyệt qua các vòng rất nghiêm ngặt. Tuy nhiên, tôi hy vọng rằng, chúng ta có cái nhìn nghiêm túc, thẳng thắn về vấn đề này, nên xác lập một con đường dài hơi, đầy cơ hội và thử thách để tương lai sẽ có những tác phẩm đủ điều kiện dự giải, biết đâu lại có quả ngọt.
Anh nghĩ đến những tên tuổi nhà văn, nhà thơ Việt Nam nào có thể xứng đáng là ứng cử viên giải Nobel văn chương?
Đây là vấn đề đáng suy nghĩ. Trước đây họ không để ý đến chúng ta, bây giờ họ quan tâm, chúng ta phải làm gì. Điều này có khiến chúng ta giật mình không? Một cá nhân có đủ ảnh hưởng, nghĩa là tác phẩm có đủ bề dày lịch sử, có đồ sộ hay không, có ảnh hưởng đến Tổ quốc và thế giới hay không? Có những nhà văn Việt Nam rất nổi tiếng, ví dụ như Nguyễn Huy Thiệp nhưng tác phẩm của anh lại không được dịch ở nhiều nước. Hay như nhà văn Bảo Ninh có “Nỗi buồn chiến tranh”, đã được dịch ra nhiều thứ tiếng và Bảo Ninh cũng rất nổi tiếng nhưng anh chỉ có một cuốn tiểu thuyết này. Rõ ràng, chúng ta cũng không có nhiều gương mặt để đưa ra đề cử, bởi xét trên hai phương diện, tác phẩm và dịch thuật thì người này được cái này lại thiếu cái kia. Tôi chú ý đến nhà thơ Mai Văn Phấn, xét trên hai tiêu chí thì anh có nhiều thuận lợi hơn. Anh là nhà thơ khá nổi tiếng ở Việt Nam và lợi thế của anh là có khá nhiều tác phẩm được dịch ra tiếng nước ngoài. Gần đây, anh được nhận giải thưởng Sê-kê-đa của Thụy Điển. Như vậy là về mặt nào đấy thì nhà thơ Mai Văn Phấn đã tiếp cận được các ngôn ngữ quốc tế. Một nhà văn nữa sống ở Pháp là nhà văn Thuận. Chị có lợi thế là sáng tác bằng nhiều ngôn ngữ như Việt, Pháp. Những tiểu thuyết của chị đã được dịch ra nhiều thứ tiếng. Như vậy, về cơ hội, chúng ta nên nhìn nhận thật nghiêm túc về việc này. Về mặt dịch thuật tác phẩm, về sự quảng bá ra thế giới, Mai Văn Phấn và Thuận nắm bắt cơ hội nhiều hơn so với các nhà văn khác.
Vậy những gương mặt nhà văn, nhà thơ trẻ thì sao, thưa anh?
Tôi thấy những nhà văn, nhà thơ trẻ cũng có khá nhiều cơ hội. Bởi vì, họ có lợi thế về ngoại ngữ, sáng tác trực tiếp bằng tiếng nước ngoài. Những gương mặt có thể kể tên ra đây như: Đỗ Bích Thúy, Vi Thùy Linh, Nguyễn Ngọc Tư… Nhưng để mà xét thật kỹ tác phẩm của họ, sự ảnh hưởng cũng như về mặt dịch thuật thì rõ ràng, những thế hệ trẻ chưa thể đáp ứng được. Chúng ta phải nghiêm túc nhìn nhận cho công bằng, rằng để có được tác phẩm để cử, nhà văn đề cử thì cần phải đầu tư dài lâu, bền bỉ và có chiến lược rõ ràng. Nghề văn phải mang tính chuyên nghiệp, có đầu tư mũi nhọn mới mong kết quả tốt được.
Năm 2016, nhạc sĩ, ca sĩ người Mỹ Bob Dylan đã được vinh dự nhận giải thưởng Nobel văn chương. Điều này khiến chúng ta nghĩ tới nhạc sĩ Trịnh Công Sơn với nền âm nhạc và ca từ xuất sắc. Anh nghĩ sao về trường hợp nhạc sĩ Trịnh Công Sơn?
Tôi tin là trường hợp Trịnh Công Sơn sẽ được bởi ông hoàn toàn xứng đáng. Xét về mặt âm nhạc và sự ảnh hưởng, Trịnh Công Sơn đều có thành tựu. Âm nhạc của Trịnh nói tới số phận con người, tình yêu và xóa bỏ hận thù, chiến tranh, tiếng nói phản chiến… và có sức lan tỏa sâu rộng không chỉ trong nước mà nhiều quốc gia trên thế giới.
Theo anh, Hội Nhà văn của nên có những bước đi chủ động như thế nào để chuẩn bị cho những mùa giải Nobel văn học những năm tới?
Chắc chấn đây là một vấn đề mà trong tương lai xa chúng ta phải bàn rất nhiều, và có rất nhiều việc để làm. Đầu tiên, phải có một đội ngũ viết chuyên nghiệp và có một suy nghĩ thực tế về sự nghiệp của mình, không thể tài tử mãi được, phải làm ra được một se ri tác phẩm dày dặn, có đủ độ ảnh hưởng, tầm vóc. Việc thứ hai là công việc quảng bá, được dịch ra tiếng nước ngoài. Điều này cần sự hỗ trợ của chính phủ, của Hội Nhà văn. Khi mà cộng hưởng hai yếu tố ấy, dần dần chúng ta mới tiếp tục hy vọng, bàn bạc một cách cụ thể và thực tế. Những tín hiệu khởi đầu tuy rất muộn mằn, nhưng tôi nghĩ muộn còn hơn là không và chúng ta có quyền hy vọng.
Trân trọng cảm ơn nhà văn Uông Triều về cuộc trò chuyện.
Vân Khánh thực hiện
Theo thông tin trên trang Vanvn.vn, cơ quan ngôn luận của Hội Nhà văn Việt Nam, ngày 17/2, Chủ tịch Hội, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều nhận được thư của Ủy ban Nobel thuộc Viện Thụy Điển đề nghị ông đề cử tác giả Việt Nam để xét "Giải thưởng Nobel Văn chương năm 2022". Tuy nhiên, khi thư đến tay nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, thời hạn gửi đề cử đã qua hơn 2 tuần. Cụ thể, hạn cuối đề cử ứng viên Việt Nam để xét giải Nobel Văn chương 2022 là trước 31/1, nhưng ngày 17/2, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam mới nhận được thư của Ủy ban Nobel. Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều cho biết, dù thời hạn đề cử đã qua, ông vẫn sẽ gửi thư tới Ủy ban Nobel để cảm ơn và mong muốn Ủy ban Nobel sẽ tiếp tục gửi thư sớm hơn trong dịp xét giải Nobel văn chương 2023.
|