Ngoài việc có những đóng góp mới cho nghệ thuật, Kim Tùng còn tích cực tham gia những hoạt động cộng đồng. Anh dành cho phóng viên VOV cuộc trò chuyện xoay quanh chủ đề Tết và những thay đổi của mỗi người khi đại dịch Covid -19 qua đi.
Mọi người dần lạc quan và vững lòng hơn
Gần cuối năm, TP.HCM trải qua một cơn "bạo bệnh" do Covid -19. Những tổn thất và xáo trộn do dịch bệnh có làm thay đổi cách nhìn của chúng ta về nhiều điều trong cuộc sống hay không?
Đại dịch gây ra nhiều đau thương và mất mát, trong đó TP.HCM là một trong những nơi chịu hậu quả nặng nề nhất cả nước. Cũng may là bây giờ thành phố đã ở trạng thái “bình thường mới”, mọi thứ đều tốt hơn. Tôi tin là mọi người đã dần lạc quan và cảm thấy vững lòng hơn. Nhưng đúng là đã có nhiều thay đổi trong quan niệm, trong suy nghĩ của người dân so với trước đây. Trước khi dịch bệnh bùng phát, tôi đang làm một vài vở diễn, và đến bây giờ tôi thấy những ý tưởng dạo đó của mình hầu như đã lỗi thời. Vì có lẽ đời sống hiện tại đã cho mọi người những mối quan tâm khác nên cảm xúc của khán giả sẽ có những thay đổi so với trước đây.
Covid-19 buộc chúng ta phải có những thích ứng mới. Điều đó có gây khó khăn gì cho công việc của anh?
Tôi thấy dịch bệnh gây ra nhiều tổn thất buộc chúng ta phải chấp nhận những bài học và thử thách khắc nghiệt từ nó. Với cá nhân tôi trong đợt dịch bệnh Covid-19 này, cụ thể là những ngày giãn cách xã hội, tôi tranh thủ làm những điều mà trước đó vì quá bận rộn tôi gác lại hết năm nọ đến tháng kia, như là tham gia vào đội thanh niên tình nguyện phản ứng nhanh của Nhà Văn hóa thanh niên thành phố, đọc sách chuyên môn để bổ sung thêm kiến thức, dành thời gian để ở bên gia đình nhiều hơn. Tôi cũng cảm nhận rõ hơn về tình cảm và sự quan tâm của bạn bè, đồng nghiệp dành cho mình.
Anh có những trải nghiệm như thế nào khi là tình nguyện viên của Nhà Văn hóa thanh niên để hỗ trợ các y, bác sĩ tại Bệnh viện dã chiến, trung tâm y tế của TP.HCM trong đợt dịch vừa qua?
Tôi đến với công việc tình nguyện viên hỗ trợ chống dịch từ những ngày đầu của đợt dịch. Khi biết có thông tin tuyển tình nguyện viên, tôi đăng ký tham gia ngay vì nghĩ rằng mình cần phải làm gì đó cho thành phố. Khi tham gia hỗ trợ các bệnh viện, trung tâm y tế, tôi thực sự khâm phục những cán bộ y tế ở tuyến đầu chống dịch. Họ làm việc quên cả giờ giấc, quên cả sức khỏe của bản thân mà đầy lạc quan, đầy hy vọng, luôn động viên và chia sẻ với bệnh nhân. Nhờ những điều đó, tôi được tiếp thêm nghị lực để đối mặt với dịch bệnh, truyền đi thông điệp tích cực đến với những người xung quanh.
Ngoài làm tình nguyện viên, anh còn làm gì để duy trì nguồn năng lượng nghệ thuật trong con người mình?
Tôi vẫn sáng tác và dạy học online. Không thể dàn dựng các vở diễn thì tôi viết kịch bản để nuôi dưỡng những ý tưởng nghệ thuật của mình. Bên cạnh đó, tôi yêu cầu học trò của mình vẫn phải học online, vì nếu gián đoạn quá lâu, các em sẽ quên bài, mất cảm xúc với sân khấu. Cho nên có thể nói, những ngày giãn cách, tôi vẫn làm việc hằng ngày.
Anh đã từng là F0. Cảm giác của anh như thế nào khi biết mình dương tính với virus Corona?
Cuối tháng 11 vừa rồi, tôi bị nhiễm bệnh. Lúc đó, tôi cũng không lo sợ lắm, vì đã tiêm đủ hai mũi vaccine. Chỉ có sốt ruột vì đã phải gác lại tất cả mọi việc để tự cách ly ở nhà. Ngặt cái là trong lúc đó, tôi đang tập nước rút cho các vở diễn tham gia Liên hoan Sân khấu kịch nói. Tôi nghỉ tập khiến mọi người cũng phải ngưng tập để đợi tôi. Cảm giác lúc đó rất áy náy.
Sự khởi đầu đầy hứng khởi
Liệu Liên hoan kịch nói chuyên nghiệp có phải là sự khởi động lại cho hành trình nghệ thuật mới của sân khấu TP.HCM hay không?
Đúng là như vậy. Bằng tất cả sự hồ hởi, hy vọng và phấn chấn của mình, các sân khấu công lập và xã hội hóa tại TP.HCM đã có một sự quay trở lại đầy ý nghĩa bằng một cuộc thi tài năng. Đây sẽ là những đốm sáng của tình yêu sàn diễn để chúng tôi có nhiều sáng tạo và hoài bão hơn trong năm mới này!
Một loạt các vai diễn của anh trong liên hoan sân khấu lần này có đủ làm chất liệu để thay mới phong cách cũng như quan niệm sáng tạo của anh không?
May mắn là trong Liên hoan Kịch nói lần này, tôi được diễn 4 vai trong 4 vở diễn khác nhau. Mỗi nhân vật là một tính cách, một độ tuổi nên cần những trạng thái tâm lý với những biểu hiện khác nhau. Riêng điều ấy thôi cũng đã cho tôi rất nhiều trải nghiệm thú vị, cho nên tôi thấy hào hứng lắm. Nói là thay đổi ngay thì tôi không dám chắc, nhưng nó sẽ dần hình thành tính đa năng, đa diện trong cá tính diễn xuất của tôi. Và tôi nghĩ, diễn viên rất cần có những điều như thế.
Hãy giữ gìn những phong tục đẹp ngày Tết
Năm mới đến, anh có dự định gì trong vai trò đạo diễn?
Trong năm 2021, tôi chủ yếu tham gia các vở diễn với vai trò diễn viên và chỉ dàn dựng một vở đó là “Gặp nhưng không ở lại”. Sang năm 2022, tôi sẽ mở đầu công việc đạo diễn bằng vở “Lòng son” tại Nhà hát kịch TP.HCM. Một vở diễn về đề tài gia đình, cụ thể là tình yêu thương con vô bờ bến của một người mẹ. Nếu không có gì thay đổi, vở kịch sẽ được ra mắt trong quý I năm 2022. Dự án cũng là tâm huyết được tôi ấp ủ trong suốt 2 năm qua.
Ngày lễ nào trong dịp đầu năm khiến anh cảm thấy thích thú?
Tôi thích nhất là ngày rằm tháng Giêng vì đây là dịp mà nhà nhà vẫn còn không khí Tết. Và đó còn là ngày rằm đầu tiên trong cả một năm. Vì vậy, mỗi gia đình đều tập trung con cháu bên mâm cơm dâng cúng tổ tiên để cầu mong một năm mạnh khỏe, an vui, sung túc. Và một lý do khác nữa là tôi rất thích ông trăng tròn của ngày rằm tháng Giêng. Vầng trăng đẹp đẽ và trong sáng ấy mang lại cho tôi cảm giác viên mãn, may mắn khi bắt đầu công việc của năm mới.
Anh có coi trọng các giá trị truyền thống mà Tết Nguyên đán mang đến không?
Không những đề cao mà tôi còn muốn thông qua các vở diễn của mình nhắn gửi tới các bạn trẻ rằng, hãy luôn yêu và gìn giữ những phong tục đẹp của ông cha. Tôi mới thực hiện một bộ phim ngắn có tên “Về nhà” để trình chiếu trên các nền tảng số vào dịp Tết này. Bộ phim mang đến thông điệp về lòng biết ơn đối với ông bà tổ tiên, quê cha đất tổ. Đó là truyền thống quý báu của mỗi gia đình và cũng là truyền thống uống nước nhớ nguồn của dân tộc ta mà mỗi dịp Tết đến chúng ta lại ý thức rõ hơn điều đó.
Tôi rất thích phong tục nhà nhà làm mâm cơm tất niên trưa 30 Tết để mời ông bà về ăn Tết cùng con cháu. Đó là truyền thống văn hóa, giá trị tinh thần quý báu mà chúng ta nên gìn giữ./.
Cảm ơn những chia sẻ của anh! Chúc anh một năm mới dồi dào sức khỏe và nhiều đạt được thành công hơn nữa!
: “Tôi muốn thông qua các vở diễn của mình nhắn gửi tới các bạn trẻ hãy luôn yêu và gìn giữ những phong tục đẹp của ông cha. Tôi rất thích phong tục nhà nhà làm mâm cơm tất niên trưa 30 Tết để mời ông bà về ăn Tết cùng con cháu. Đó là truyền thống văn hóa, giá trị tinh thần quý báu mà chúng ta nên gìn giữ”. Thái Kim Tùng
|
Vũ Nga thực hiện