NSƯT Tạ Tuấn Minh: Diễn xuất là một nghề thú vị!

NSƯT Tạ Tuấn Minh (Nhà hát Kịch Việt Nam" là một diễn viên năng nổ, luôn nỗ lực hoàn thiện mình và đã gặt hái được thành công qua một loạt giải thưởng.

 

Có thể đảm nhiệm nhiều vai diễn  

Vừa nhận được HCV cho vai Trần Thủ Độ trong vở diễn “Thiên mệnh” tại Liên hoan Kịch nói toàn quốc, ddiều này chứng minh anh có thể đảm nhận nhiều dạng vai diễn?

Tôi phải tự hào mà nói rằng Nhà hát Kịch Việt Nam có rất nhiều diễn viên tài năng có thể hóa thân nhiều dạng vai có nội tâm và đời sống phức tạp . Từ thế hệ đầu tiên của nhà hát đến thế hệ tiếp theo, rồi bây giờ là chúng tôi và các bạn trẻ hơn nữa cũng vậy. Chúng tôi không ngừng  nỗ lực không ngừng để có thể đảm đương đủ các dạng vai trong các thể loại kịch từ cổ điển, lịch sử đến dân gian hay hiện đại, đáp ứng cho việc xây dựng nhiều thể loại kịch. Tôi chỉ là một trong số các nghệ sĩ của nhà hát làm được như vậy mà thôi.

Nhiều người nói diễn xuất của anh đã có thể đảm bảo được thành công cho vở diễn, anh thấy nhận xét đó thế nào?

Việc một cá nhân có thể làm nên thành công cho vở diễn tôi là sẽ rất khó. Giống như một đội bóng, tiền đạo không thể ghi bàn khi không có sự chỉ đạo của huấn luyện viên cho đồng đội chuyền bóng để anh ta ghi bàn thắng. Một diễn viên thăng hoa cũng như một tiền đạo tỏa sáng được là nhờ chiến thuật của huấn luyện viên, sự phối hợp nhịp nhàng của đồng đội và cùng nâng đỡ nhau lên. Tôi cho rằng thành công của vở diễn nào cũng sẽ là công sức của cả tập thể chứ không phải riêng một cá nhân nào cả. Vì vậy nếu ai đó có nói rằng tôi có thể đảm bảo thành công cho vở diễn thỉ chẳng qua là họ có cái nhìn quá ưu ái dành cho tôi thôi!

Nghe nói chỉ với những vai diễn lớn như: Hamlet, Dam - San hay Trần Thủ Độ,… anh mới nghiên cứu nhân vật trước khi đóng?

Đối với bất cứ vai diễn nào, tôi cũng làm việc này một cách rất nghiêm túc. Tôi luôn phải tìm cho bằng được hạt nhân của vai diễn đó. Và từ cái gốc hay cái lõi của nhân vật như thế, tôi sẽ sáng tạo và đặt mình vào hoàn cảnh của nhân vật để sống. Một nhân vật trên sân khấu tồn tại được phải có đời sống, có tình yêu, có khát vọng, có mục đích và hành động xuyên suốt vở diễn, hay còn gọi là nhiệm vụ tối cao để từ đó diễn viên có thể bộc lộ cho khán giả thấy. Một hình tượng nhân vật chỉ có bên ngoài mà không có đời sống bên trong thì chỉ là minh họa, mặc dù có thể tạo hình giống nhân vật thật đến 100% đi chăng nữa.

Vì vậy, tôi nghĩ nghiên cứu về nhân vật để hiểu, để cảm và để tái hiện về họ trên sân khấu là công việc tất yếu của bất kỳ diễn viên nào khi làm vai. Và tôi thì cũng không phải là một ngoại lệ.

Việc hiểu biết tường tận về nhân vật của mình đương nhiên mang đến cho anh định hướng để mình hoàn thiện các tiêu chuẩn đặt ra, nhưng có khi nào NSƯT Tạ Tuấn Minh cảm thấy điều đó quá khuôn phép hay không?

Tôi cho rằng sự sáng tạo luôn bắt nguồn từ nền tảng của sự khuôn phép. Nhân vật của mình phải được xây dựng chuẩn mực trước đã, sau đó diễn viên có thể phiêu, có thể biến tấu, có thể đắp cho nhân vật những mạch máu, những hình hài, những tính cách, những thói quen, những đời sống và hành động khác lạ hơn. Nhân vật mà định hướng sai thì hình tượng sẽ vẹo vọ, méo mó, khi ấy có khi lại thành “tối” tạo chứ không phải là sáng tạo nữa. Theo tôi phông văn hóa, gu thẩm mỹ của diễn viên sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến thành công của vai diễn. Vì vậy, ngoài việc tìm hiểu về nhân vật tôi còn nghiền ngẫm rất kỹ kịch bản văn học trước khi lên sân khấu.

NSƯT Tạ Tuấn Minh có thể hóa thân nhiều dạng vai.

Nên nuông chiều cảm xúc

người lại cho rằng, diễn viên giỏi là phải biết vượt ra mọi quy chuẩn để diễn một cách tự nhiên. Anh có thấy điều này phi thực tế không?

Diễn viên diễn giỏi thường không bê nguyên xi những thứ có sẵn của họ lên sân khấu, trừ phi điều đó quá trùng khớp với yêu cầu về nhân vật. Còn đa phần họ phải rất cố gắng để hoàn thiện mọi kỹ năng, kỹ thuật nhập vai. Vai diễn phải đúng là vai diễn chứ không thể có sự mập mờ nào. Tuy vậy, tôi cho rằng ngoài sự nỗ lực chúng ta cũng nên nuông chiều cảm xúc của mình tạo sự hòa nhập với nhân vật. Vì nếu gò bó quá, khuôn thước quá sẽ không thể nào diễn tả được đời sống nội tâm của nhân vật. Thế nên theo tôi, diễn viên giỏi là người biết điều chỉnh những cái thuộc về tự nhiên của bản thân mình với những thứ mà vai diễn cần có. Tôi nghĩ phải đọc sách, quan sát, học hỏi, tìm tòi để có trình độ chuyên môn nhất định. Có vốn kiến thức dồi dào, lúc ấy mới có thể bàn đến việc có nên vượt chuẩn hay không.

Vậy theo anh diễn viên nên diễn bằng lý trí nhiều hơn hay là diễn bằng cảm xúc nhiều hơn?

Theo tôi thì cả hai. Cả lý trí và cảm xúc phải được kết hợp nhuần nhuyễn và hòa quyện vào nhau. “Cái tôi” của diễn viên (lý trí) phải chỉ huy được “cái tôi” của nhân vật (cảm xúc) và ngược lại cảm xúc phải dung hòa được lý trí sao cho khán giả không thấy diễn viên đang diễn kịch mà họ thấy nhân vật đang sống trước mắt họ và họ tin nhân vật ấy là có thật, nhưng bản thân diễn viên phải phân định rõ là họ đang diễn kịch. Có rất nhiều phương pháp biểu diễn khác nhau, nhưng cái tôi nói đến là phương pháp hiện thực tâm lý của Stanislavski mà chúng tôi đang áp dụng và khá phổ biến tại Việt Nam.

Anh có thể chia sẻ một chút về gia đình nhỏ của mình, nơi cho anh nhiều động lực để phấn đấu và cống hiến cho sàn diễn?

Vợ chồng tôi cùng làm nghệ thuật nên tôi luôn có được sự ủng hộ của vợ. Cô ấy là chỗ dựa tinh thần vững chắc mỗi khi tôi lên sàn diễn. Mỗi khi tôi thành công hay thất bại đều có vợ con tôi bên cạnh. Tôi trân trọng sự hy sinh của vợ khi cô ấy đã vì tôi mà lùi lại phía sau, dành hầu hết thời gian cho gia đình để tôi được làm nghề. Cô ấy chịu thiệt thòi vì tôi rất nhiều và tôi nghĩ mình luôn phải biết ơn cô ấy. Hai con của tôi rất yêu nghệ thuật và luôn hãnh diện, tự hào về bố mẹ. Chỉ những điều nhỏ bé ấy thôi đã đủ khiến tôi thấy năng lượng hạnh phúc để bước trên chặng đường tiếp theo rồi!

Xin cảm ơn anh!

Vũ Nga thực hiện 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận