Dù chỉ sáng tác bài hát cho phim nhưng những ca khúc của anh thường có đời sống độc lập và sức sống lâu bền.
Góp phần tạo nên thành công của bộ phim
Nghệ sĩ Tiến Minh được đào tạo để trở thành diễn viên chứ không được học về sáng tác nhạc. Anh chỉ biết về piano và sáo, nhưng sáng tác ca khúc như là bản năng trong con người anh, chỉ cần có ý tứ là ca từ cứ tuôn trào. Chỉ là nhạc sĩ tay ngang mà anh có đến hơn 40 tác phẩm, trong đó không ít tác phẩm trở thành bản hits - điều mà ngay cả nhạc sĩ chuyên nghiệp cũng mong muốn. Có thể kể ra những ca khúc của anh trong các phim được nhiều người yêu mến như: Đi qua bóng tối, Con đường hạnh phúc, Nơi tình yêu bắt đầu, Chỉ còn lại tình yêu, Vệt nắng cuối trời… Những bài hát này có bài đã ra đời được hơn chục năm, khán giả chẳng con nhớ được nội dung bộ phim nhưng vẫn nhớ bài hát của anh, đó là điều hạnh phúc của người sáng tác.
Trong bộ phim truyền hình Hướng dương ngược nắng được yêu thích phát sóng thời gian gần đây thì 2 ca khúc “Yêu là thế ư” và “Điều dang dở ngọt ngào nhất” của nghệ sĩ Tiến Minh đã góp phần tạo nên thành công của bộ phim. Là một diễn viên nên anh có nhiều thuận lợi trong việc nắm bắt cảm xúc của nhân vật, từ đó tìm ra chất liệu âm nhạc phù hợp cho từng bài hát trong mỗi bộ phim.
Nghệ sĩ Tiến Minh chia sẻ, khi sáng tác ca khúc cho phim, anh thường đặt cái tôi của mình vào nhân vật. Anh nghiên cứu kỹ tâm lý nhân vật, nắm bắt những biến cố trong cuộc sống, mâu thuẫn nội tâm của nhân vật… và tự hỏi nếu là mình thì ở trong hoàn cảnh ấy mình cần chất liệu âm nhạc gì, ca từ và giai điệu ra sao? Ví như hai ca khúc trong phim Hướng dương ngược nắng, trước khi đặt bút viết, anh tìm hiểu rất kỹ từ tên phim, kịch bản, cao trào trong bộ phim, diễn biến tâm lý nhân vật… Anh khá ấn tượng ngay từ tên bộ phim, tại sao lại là Hướng dương ngược nắng? Hoa hướng dương luôn hướng về mặt trời, vậy khi hướng dương ngược nắng tức là bông hoa ấy phát triển không bình thường. Sự không bình thường đấy có thể do cá tính, tố chất hay bản thân con người đấy lựa chọn như thế. Tất cả những mâu thuẫn, mối quan hệ của các nhân vật trong phim này phải chăng đều như những bông hướng dương ấy, không tuân theo quy luật tự nhiên? Thế thì ca khúc trong phim luôn phải là một dấu hỏi, điều gì là đúng đắn cho bạn, cho tôi, cho tất cả chúng ta?”
Cái duyên với nghề sáng tác
Nghệ sĩ Tiến Minh đến với âm nhạc như một cơ duyên. Năm 2000, Tiến Minh được đạo diễn Hoàng Thanh Du mời đóng vai chính trong bộ phim “Tình thắm Sa Pa”. Khi lên Sa Pa quay phim, đạo diễn Thanh Du có mời một nhạc sĩ sáng tác ca khúc chủ đề cho phim. Thế nhưng do thời gian gấp gáp, nhạc sĩ ấy không viết kịp. “Anh Du lo lắng than phiền với tôi là tình hình căng lắm, chắc phải lấy một bài hát cũ về Sa Pa để dùng. Bài hát ấy rất hay, tuy nhiên khi lồng nhạc thì không ổn vì bài hát ấy không đúng tinh thần bộ phim. Tối hôm ấy tôi đã thử viết một bài. Hôm sau, tôi hát cho mọi người nghe thì được khen ngợi. Anh Du hỏi tôi bài hát của ai? Tôi trả lời tạm thời tôi chưa nhớ tên nhạc sĩ. Bẵng đi một thời gian, khi anh Du dựng hậu kỳ cho phim đã gọi điện cho tôi nói tôi cố gắng nhớ tên tác giả để anh còn liên lạc với họ xin phép dùng bài hát. Lúc đó tôi mới thú thật là bài hát ấy của mình” - nghệ sĩ Tiến Minh nhớ lại.
Kể từ bài hát đầu tiên đó, sau này đạo diễn Thanh Du và các đạo diễn khác đã tìm tới Tiến Minh để đặt bài. Và Tiến Minh cũng chỉ viết khi có đơn đặt hàng. Lý giải về điều này, Tiến Minh cho rằng, anh chỉ là người sáng tác tay ngang nên hợp với đơn đặt hàng hơn. “Những ca khúc viết cho phim hay cho kịch có nội dung và chủ đề tư tưởng sẵn rồi nên tôi nắm bắt vấn đề dễ dàng hơn. Giống như diễn viên khi đọc kịch bản nắm được nội dung tư tưởng rồi thì sẽ biết cách làm cho vai diễn hợp lý hơn. Với tôi nghiệp diễn và sáng tác có sự bổ trợ cho nhau. Bản năng tôi viết ca khúc cũng là bản năng của diễn viên. Chỉ cần một chi tiết rất nhỏ trong bộ phim hay vở kịch cũng đã tạo cảm hứng, cảm xúc để tôi viết bài” - nghệ sĩ Tiến Minh lý giải.
Chỉ là người viết ca khúc
Dù trong tay Tiến Minh có đến mấy chục ca khúc nhưng Tiến Minh vẫn không nhận mình là nhạc sĩ. “Bố mẹ, các bác, các chú tôi nhiều người làm nghệ thuật, không ít người là ca sĩ, nhạc sĩ tên tuổi nên tôi hiểu để có danh xưng đó người ta cần phải có điều kiện cần và đủ như thế nào, người ta phải học tập, lao động, cống hiến ra sao, chứ như tôi sáng tác là bản năng sẵn có nên danh hiệu nhạc sĩ với tôi là không đúng” - nghệ sĩ Tiến Minh bày tỏ.
Tiến Minh thường thể hiện ca khúc do mình sáng tác. Hỏi anh có phải không tin tưởng ca sĩ hay không? Tiến Minh lý giải: “Tôi phải tự hát bài hát do mình sáng tác, cảm giác đầu tiên là thấy thất bại bởi mình không tìm được ca sĩ thể hiện ca khúc mà đạo diễn, nhà sản xuất thấy ưng ý. Ca khúc của tôi không khó hát, nhưng hát cho phim khác khi biểu diễn. Khi biểu diễn ca sĩ nào cũng có cái tôi của mình. Nhưng khi hát trong một bộ phim thì phải dẹp cái tôi ấy đi, dành cảm xúc cho đoạn diễn, cho nhân vật. Những ca sĩ chuyên nghiệp, họ thường không thích hát ca khúc trong phim”.
Với số lượng ca khúc hiện có, Tiến Minh có thể ra 2 - 3 album nhưng anh vẫn chưa thực hiện. Anh bảo số lượng ca khúc thì đủ rồi nhưng anh vẫn cảm thấy thiếu cái gì đó mà anh không lý giải nổi. “Tôi chỉ là người viết không chuyên, nếu đi quá sâu thì có khi cái tự nhiên, cái ngẫu nhiên không đến với mình nữa. Hơn nữa, tôi muốn tìm kiếm một vai diễn để đời ghi dấu trong lòng công chúng ở nghề chính - nghề diễn viên”.
Phùng Tiến Minh tốt nghiệp khoa Kịch nói trường Đại học Sân khấu Điện ảnh, sau đó về công tác tại Nhà hát Kịch Hà Nội từ năm 1999. Trong hơn 20 năm theo đuổi nghiệp diễn, Phùng Tiến Minh đã tham gia hàng trăm vai diễn, sở hữu nhièu giải thưởng tại các liên hoan sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc. Năm 2019, anh được Nhà nước trao tặng danh hiệu NSƯT.
|