Nghệ sĩ cello Đinh Hoài Xuân vừa tham dự Shark Tank - show truyền hình thực tế dành cho các doanh nhân khởi nghiệp - để gọi vốn nhằm thực hiện chương trình hòa nhạc giao hưởng. Lần đầu tiên, nơi tưởng như chỉ dành cho đầu tư tài chính lại có sự xuất hiện của một nghệ sĩ. Chị đã chia sẻ với phóng viên VOV về con đường đi của mình.
Trong rất nhiều cách gọi vốn để tổ chức chương trình hòa nhạc hiện nay, tại sao chị lại chọn cách tìm đến với một chương trình truyền hình thực tế như Shark Tank?
Trong luận văn tiến sĩ của Xuân làm ở Bucharest (Romania), tất cả những chiến lược Xuân đi bây giờ như: các hình thức gọi vốn, tổ chức các cuộc gặp mặt để kêu gọi tài trợ đều đã được nghiên cứu kỹ trong 4 năm rồi. Shark Tank hay bất kỳ chương trình nào đều nhằm mục đích để phát triển chuỗi hòa nhạc Cello Fundamento - một chuỗi hòa nhạc quốc tế về âm nhạc cổ điển ở Việt Nam.
Xuân tìm đến với Shark Tank cũng có một cái duyên! Vì đây là một chương trình được nhiều bạn trẻ quan tâm, tạo điều kiện cho những start-up trẻ - mới - năng động có thể tìm cơ hội phát triển sự nghiệp của mình. Xuân tìm đến với ý nghĩ, nếu mình được đầu tư thì chuỗi hòa nhạc của mình sẽ có thêm cơ hội phát triển. Mình phải tìm nhiều cách để phát triển, không chỉ gọi vốn mà phải còn phải liên hệ với nhiều doanh nghiệp và tổ chức tài chính, không chỉ ở Việt Nam mà cả quốc tế. Mong muốn và khao khát của Xuân là được biểu diễn và phát triển âm nhạc giao hưởng cổ điển ở Việt Nam.
Trong chương trình, chị đã được Shark Hưng hứa đầu tư 2 tỷ đồng để đổi lấy một số điều khoản nhất định. Sau khi chương trình kết thúc, chị đã nhận được số vốn đó chưa?
Sau khi chương trình phát sóng thì bên phía Shark Tank đã liên hệ với cả 2 bên: nghệ sĩ và nhà đầu tư để tiến hành ký kết. Hiện nay, Xuân và team Cello Fundamento đã cung cấp các dữ liệu, thông số, sở hữu trí tuệ thương hiệu... cho bên nhà đầu tư của Shark Hưng là Tập đoàn Cen Group; hiện tại cũng đã thỏa thuận được những hợp đồng đầu tiên.
Dự án chương trình lần này Xuân kêu gọi sẽ được tổ chức vào năm 2022. Từ giờ đến đó sẽ có những quá trình giải ngân theo từng giai đoạn cụ thể trong hợp đồng.
Sau khi học xong chị có cơ hội làm việc ở nước ngoài, vì sao chị chọn về nước lập nghiệp?
Thực ra ban đầu Xuân cũng định ở lại nước ngoài và đi đi về về Việt Nam. Ở nước ngoài thuận lợi hơn, giảng dạy cũng ổn định hơn, khán giả của dòng nhạc cổ điển đã có sẵn và con đường phát triển cũng thuận lợi hơn.
Tuy nhiên, Xuân muốn phá cách và tạo ra con đường phát triển riêng cho mình. Để làm được như thế thì không thể chỉ trông đợi vào ngoại cảnh và yếu tố khách quan, mà chính mình phải năng động, lăn xả để phát triển âm nhạc cổ điển ở Việt Nam. Nếu ở lại nước ngoài thì Xuân sẽ mãi cống hiến cho người nước ngoài. Đo đó, thay vì ở nước ngoài và thi thoảng về Việt Nam, Xuân chọn về Việt Nam và thi thoảng ra nước ngoài biểu diễn. Mọi người thưởng nói, ở Việt Nam không có môi trường cho nhạc cổ điển phát triển, thế thì chính mình phải tạo ra môi trường. Khi mình tạo ra môi trường đó thì không chỉ mình phát triển mà còn có thể kéo theo rất nhiều anh chị em bạn bè đồng nghiệp của mình cùng phát triển.
Tất nhiên, người tiên phong thì sẽ có nhiều khó khăn. Chưa kể cái gì mới sẽ có nhiều ý kiến trái chiều. Nhưng, Xuân kiên định với con đường này. Nếu có nhiều bạn trẻ, nghệ sĩ, start-up, founder... tìm ra được con đường riêng phát triển phong phú ở Việt Nam thì dần dần âm nhạc cổ điển giao hưởng thính phòng sẽ có chỗ đứng trong xã hội chúng ta. Mỗi người chỉ sống được một lần, sao không hết mình với đam mê?
Cảm ơn những chia sẻ của chị!
Anh Tuấn thực hiện