209, Sư đoàn 312 nhân dịp 27/7.
Trường ca “Chư Tan Kra mây trắng” lấy cảm hứng từ câu chuyện về Trung đoàn mũ sắt - tên gọi quen thuộc của Trung đoàn 209, Sư đoàn 312, là lực lượng được tuyển chọn đặc biệt, nhiều đồng chí là người Hà Nội gốc. Sau thời gian luyện quân kỹ lưỡng ở Thái Nguyên, đánh trận giả ở Hòa Bình… đơn vị bộ binh này được trang bị quân trang, khí tài hiện đại nhất thời đó như: mũ sắt của Liên Xô, áo Tô Châu của Trung Quốc… cũng là đơn vị đầu tiên được sử dụng B41 tại chiến trường. Tất cả họ đều nhập ngũ cùng ngày 27/3/1967, đánh trận đầu tiên trong đời ở dãy núi Chư Tan Kra, huyện Sa Thầy, tỉnh Kon Tum ngày 26/3/1968. Trong trận đánh này, gần chàng trai Hà Nội thuộc Trung đoàn mũ sắt đã chiến đấu quả cảm và anh dũng hy sinh trong cuộc giao tranh ác liệt với Mỹ tại điểm cao 995-996. Hơn nửa thế kỷ trôi qua những người lính may mắn được trở về sau cuộc chiến đã bước sang tuổi bảy mươi, vẫn trăn trở về đồng đội còn nằm lại Chư Tan Kra. Vì thế, bắt đầu từ năm 2009, các cựu chiến binh đã mang theo nhiều tư liệu, quân trang, lương thực… để đi tìm hài cốt đồng đội. Hơn 10 năm qua, những hành trình thầm lặng của họ đã giúp cho “đường về nhà” của các liệt sĩ ngắn lại, nhiều gia đình đã tìm được người thân của mình. Đặc biệt, trong những chuyến đi ấy, nhiều ngôi mộ tập thể đã được tìm thấy. Những đóng góp thầm lặng của các Cựu chiến binh được Đảng, Nhà nước và Quân đội ghi nhận. Trong những chuyến đi tìm đồng đội của các Cựu chiến binh Trung đoàn mũ sắt, có rất nhiều thân nhân liệt sĩ và cả những bạn trẻ tình nguyện viên trên mọi miền Tổ quốc đồng hành, hỗ trợ cung cấp sử liệu làm căn cứ giúp các bác, các chú tìm đồng đội của mình. Đặc biệt, trong những hành trình thầm lặng ấy, có cả những cựu binh Mỹ từng tham chiến tại Chư Tan Kra…
Trường ca “Chư Tan Kra mây trắng” ra đời trong nguồn cảm hứng, cảm xúc về thế hệ những người lính thuộc Trung đoàn mũ sắt đã chiến đấu quả cảm, hy sinh xương máu cho Tổ quốc và những người lính trở về, dù mỗi người một số phận, hoàn cảnh riêng, có nhiều người là thương binh, gặp nhiều khó khăn do sức khỏe, tuổi tác… nhưng họ vẫn giữ khí chất, tinh thần dũng cảm, hào hoa, sống và hành động vì nghĩa lớn.
“Chư Tan Kra mây trắng” có 6 chương, gồm: Chương I - Giấc mơ vụn; Chương II - Đỉnh gió; Chương III - Bên kia đại dương; Chương IV - Mẹ vẫn đợi con về; Chương V - Gửi hòa bình; Chương VI - Mẹ.
Chương I - Giấc mơ vụn: Nội dung về những giấc mơ chập chờn, trở đi trở lại, không theo trật tự, tuyến tính… của một nữ phóng viên chuyên thực hiện các chương trình về liệt sĩ. Và những giấc mơ của cô khởi nguồn sau những chuyến đi cùng các Cựu chiến binh Trung đoàn mũ sắt tìm hài cốt đồng đội tại Chư Tan Kra. Tác giả cho biết, nguyên mẫu của nhân vật này chính là các Phóng viên, Biên tập viên của Chương trình Đi tìm đồng đội (một chương trình rất nhân văn của kênh Truyền hình QPVN) mà chị có cơ hội tiếp xúc, tương tác trong công việc và trở thành bạn bè. Các anh chị đều còn trẻ nhưng đầy nhiệt huyết, không quản gian khó và giàu lòng trắc ẩn về công việc ý nghĩa này.
Nhà thơ Lữ Mai cho biết “Đề tài về những người lính dũng cảm chiến đấu, hy sinh xương máu cho Tổ quốc luôn là niềm trăn trở, thôi thúc trong tôi. Tôi là con của một người lính, bố tôi là bộ đội trở về từ chiến trường Campuchia. Từ nhỏ, qua những câu chuyện ký ức của bố và hiện tại đời sống người lính trong thời bình, tôi cảm nhận được phần nào nỗi ám ảnh chiến tranh, niềm trăn trở, hy sinh lớn lao mà thầm lặng. Sau này, nhờ công việc báo chí, văn chương, tôi được đến với nhiều vùng miền của đất nước, tiếp xúc nhiều thế hệ người lính và hậu phương của họ, càng cảm nhận sâu hơn và ngẫm nghĩ nhiều hơn. Trước khi trường ca này ra đời, tôi đã có những truyện ngắn, bài thơ, tập thơ về đề tài người lính, gần nhất là trường ca “Ngang qua bình minh” thể hiện hình ảnh người chiến sĩ Hải quân trên các chuyến tàu làm nhiệm vụ bảo vệ vùng biển, đảo của Tổ quốc. Đây là tập sách tôi tự túc in ấn và nhận được sự ủng hộ nhiệt tình từ gia đình, đồng nghiệp, đặc biệt là các cựu chiến binh. Họa sĩ Trần Đức Quyền hỗ trợ vẽ tranh bìa và minh họa, nhà báo Khiếu Minh trình bày bìa… và rất nhiều sự chung tay chia sẻ khác mà không thể kể hết. Sau khi sách được xuất bản, tôi có gửi tặng các cựu chiến binh Chư Tan Kra một lượng sách để các bác đọc, tặng gia đình, đồng đội, bạn bè hoặc giữ làm kỷ niệm. Ngoài ra, một lượng sách tôi gửi một số bạn bè gắn bó với chương trình Đi tìm đồng đội phát hành, toàn bộ kinh phí thu được chúng tôi sẽ công khai chi tiết và gửi tặng lại Ban liên lạc cựu chiến binh tìm liệt sĩ Sư đoàn 1 đang thực hiện công việc đi tìm đồng đội, bởi vì hơn 10 năm nay, các cựu chiến binh toàn tự bỏ kinh phí để đi tìm đồng đội của mình. Điều đó khiến tôi rất xúc động và mong muốn được chia sẻ một phần nhỏ bé của mình. Tôi có xin phép các cựu chiến binh và đã nhận được sự đồng ý”.
Vân Khánh