Nhà văn Nguyễn Xuân Khánh (sinh năm 1933) vừa qua đời tại nhà riêng ở Cổ Nhuế, Hà Nội vào ngày 12/6. Ông hưởng thọ 89 tuổi. Ông ra đi để lại một khoảng trống trên văn đàn Việt Nam đương đại và trong sự tiếc thương của bạn bè, đồng nghiệp và người yêu văn chương.
Dấn thân đến cùng vì văn chương
Nhà văn Nguyễn Văn Thọ nhận định Nguyễn Xuân Khánh là "một cây bút trải qua bao thăng trầm vẫn dấn thân đến cùng vì văn chương. Càng già càng ngọt, càng cay". Điều này thể hiện đậm nét trong chặng đường văn chương gần 5 thập kỷ của Nguyễn Xuân Khánh.
Nhà văn Nguyễn Xuân Khánh ra mắt văn đàn vào đầu năm 1959 với truyện ngắn "Một đêm”. Năm 1963, ông xuất bản tập truyện ngắn đầu tay mang tên "Rừng sâu”, tập hợp các truyện ngắn viết từ năm 1958-1962. Đây là những truyện ngắn "định danh" cái tên nhà văn Nguyễn Xuân Khánh thời kỳ đầu cầm bút.
"Rừng sâu" của Nguyễn Xuân Khánh được văn nghệ đương thời biểu dương bởi ngòi bút viết thuyết phục: giọng văn bình dị quanh "phẩm chất con người mới xã hội chủ nghĩa". Hình tượng con người ấy khá rõ những phẩm chất mới, đó là tinh thần thép và đức hi sinh một thời kỳ cách mạng mà thế hệ ông vừa là chứng nhân vừa là đối tượng để văn học muốn đề cập. Nguyễn Xuân Khánh là người làm chữ thầm lặng, dùng cái nhìn lặng lẽ đầy trìu mến và ngòi bút mộc mạc để "ghi chép" cuộc sống đời thường của con người trong chiến đấu và xây dựng quê hương đất nước.
Bẵng đi một thời gian dài, người ta không thấy Nguyễn Xuân Khánh trên văn đàn. Sau đó, ông chuyển hướng và tái xuất với loạt tiểu thuyết thuộc hai mảng đề tài là văn hóa lịch sử và phúng dụ.
Nổi bật trong mảng tiểu thuyết văn hoá lịch sử của ông là bộ 3 tiểu thuyết “Hồ Quý Ly”(2000), “Mẫu Thượng ngàn” (2006) và “Đội gạo lên chùa” (2011).
Trong bài viết “Nguyễn Xuân Khánh đội gạo lên chùa…”, nhà văn Uông Triều nhận định Nguyễn Xuân Khánh là một nhân vật mang đến những dấu ấn đặc sắc trong bức tranh tiểu thuyết lịch sử. "Theo quan sát của tôi, những cuốn tiểu thuyết lịch sử được coi là hay nhất của văn chương nước Việt từ sau “Hoàng Lê nhất thống chí” của Ngô gia văn phái thì có thể kể đến “Tiêu Sơn tráng sĩ” của Khái Hưng và bẵng đi một thời gian dài, tiểu thuyết lịch sử không có mấy cuốn ghi được những cú nặng ký.
“Hồ Quý Ly” của Nguyễn Xuân Khánh là một trong những cuốn rất đáng kể của dòng tiểu thuyết lịch sử giai đoạn gần đây.Trong cuốn tiểu thuyết cùng tên, Nguyễn Xuân Khánh đã chiêu tuyết cho Hồ Quý Ly và có những kiến giải mới vai trò người trí thức về trong xã hội phong kiến…”, nhà văn Uông Triều chia sẻ.
Đánh giá về bộ 3 cuốn tiểu thuyết của Nguyễn Xuân Khánh, nhà phê bình, dịch giả Phạm Xuân Nguyên cho biết, Nguyễn Xuân Khánh đã truy tìm mạch nguồn sống của dân Việt từ chất liệu lịch sử, những giá trị văn hóa xưa cũ hay tín ngưỡng đạo Phật, đạo Mẫu.
“Nếu “Hồ Quý Ly” cho thấy sự hợp thổ của một học thuyết tư tưởng ngoại lai (Nho giáo) vào thực tế bản địa thông qua một nhân vật lịch sử trong khung cảnh một triều đình. Ở “Mẫu thượng ngàn”, tác giả truy tầm nó ở một tín ngưỡng dân gian làm nền tảng của đời sống tâm linh dân chúng, hiện hữu ở ngôi đền. Đến “Đội gạo lên chùa”, tác giả tìm kiếm điều này tựa vào những “tư tưởng cốt yếu trong Phật giáo” (N.D), trong thể dạng tồn tại đại chúng nhất của tôn giáo này, tồn tại trong ngôi chùa...”.
Năm 2012, trong toạ đàm “Lịch sử và văn hóa qua tự sự nghệ thuật của Nguyễn Xuân Khánh”, PGS.TS Nguyễn Đăng Điệp, Viện trưởng Viện Văn học cho rằng, các tác phẩm của Nguyễn Xuân Khánh có đóng góp lớn cho dòng văn học viết về lịch sử: “Ngày nay người ta coi tiểu thuyết lịch sử như một diễn ngôn văn hóa nghệ thuật. Vì thế mỗi nhà văn phải tạo ra một tư tưởng, cái nhìn riêng về lịch sử, gắn liền với nó là một thi pháp nghệ thuật. Hiện tượng Nguyễn Xuân Khánh đặt ra một vấn đề sâu hơn, đó là sự đổi mới về tư duy nghệ thuật, diễn ngôn lịch sử, làm cho tiểu thuyết lịch sử của Việt Nam phong phú hơn, khiến người ta yêu lịch sử hơn, biết hưởng thụ lịch sử trên tinh thần nhân văn hiện đại”.
Còn ở thể loại phúng dụ, Nguyễn Xuân Khánh ghi dấu với các tác phẩm “Miền hoang tưởng”, “Chuyện ngõ nghèo”. “Chuyện ngõ nghèo” lấy cảm hứng từ chính cuộc đời tác giả, đồng thời vẽ nên bối cảnh những năm bao cấp và loạn lạc, cả xã hội thiếu ăn, đói kém…
Trong khi các nhà văn có xu hướng viết ngắn thì Nguyễn Xuân Khánh từ khi trở lại với văn chương, cuốn nào của ông cũng dày cộm. Nếu so sánh những tiểu thuyết ở giai đoạn trước như “Miền hoang tưởng”, “Chuyện ngõ nghèo” thì giai đoạn sau cuốn nào cũng ngót nghét nghìn trang.
Lý giải về điều này, nhà văn Nguyễn Văn Thọ cho rằng: “Có những nhà văn vào đời văn bằng tiểu thuyết, có những nhà văn vào đời bằng truyện ngắn. Điều đó không quan trọng. Nguyễn Xuân Khánh đã đi từng cung bậc, từ viết báo, truyện ngắn và khi đã đủ độ chín, ông làm một vệt dài 4 tiểu thuyết đồ sộ. Đó là một kết quả trải dài trải nghiệm, suy ngẫm trong cá nhân anh Nguyễn Xuân Khánh mà chuyển động thành văn chương dài. Nếu như các nhà văn không thấm đẫm đời sống này, không lắng nghe những chuyển động của lịch sử, của nhân dân, không thể tạo ra một sự nghiệp văn chương đồ sộ đến như vậy được”.
Còn nhà văn Uông Triều nhận xét: “Lúc còn trẻ ông viết ngắn và khi có tuổi ông viết dài. Đây là quy luật của chiếc lò xo bị nén quá lâu. Nguyễn Xuân Khánh đã có một thời gian dài không viết, sự dồn nén mạnh khi bật ra sẽ có công suất cực lớn. Ông viết mau vì sợ không kịp nữa, viết để bù lại sự mất mát khi trước…”.
Trong một cuộc phỏng vấn, nhà văn Nguyễn Xuân Khánh cũng từng chia sẻ: “Tôi nghĩ tầm 35 đến 50 tuổi là thời gian chín muồi nhất của người viết tiểu thuyết. Nhưng tôi hoàn cảnh có đặc biệt hơn, bị ngắt quãng mất mấy chục năm treo bút, vì thế nên có trưởng thành muộn hơn những bạn viết cùng lứa”.
Có lẽ vì thế mà Nguyễn Xuân Khánh cần mẫn và say mê sáng tác cho tới những năm cuối cuộc đời chăng?! Chỉ đến khi sức khoẻ không cho phép, ông mới ngừng viết vào năm 2016.
Nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên cho biết, sinh thời Nguyễn Xuân Khánh vẫn còn nuôi ý định viết một cuốn tiểu thuyết nữa về Hà Nội, mảnh đất kinh kỳ nhiều ánh sáng và cả bụi bặm ông rất yêu quý. Bên cạnh đó, cố nhà văn còn một bản thảo về chân dung các bạn văn, đang gửi ở Nhà xuất bản Phụ nữ, chưa ấn hành do dịch Covid-19.
“Còn sức Nguyễn Xuân Khánh còn viết. Còn sức, ông còn đi, nhất là đến những nơi chùa chiền, đi tìm những cái đẹp quanh mình. Còn sức, ông còn dịch sách. Còn sức, ông còn tiếp tục tỏa rạng thêm tên mình...”, nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên chia sẻ.
Với những đóng góp cho nền văn học Việt, Nguyễn Xuân Khánh đã được vinh danh trao nhiều giải thưởng: như giải cuộc thi tiểu thuyết của Hội Nhà văn Việt Nam 1998-2000 cho cuốn “Hồ Quý Ly”, giải thưởng Hội Nhà văn Hà Nội năm 2001 (Hồ Quý Ly), giải Hội Nhà văn Hà Nội năm 2006 (Mẫu thượng ngàn), giải Hội Nhà văn Việt Nam năm 2011 với tiểu thuyết Đội gạo lên chùa, giải Thành tựu văn học trọn đời năm 2018 của Hội Nhà văn Hà Nội.
Sống hết mình với quan niệm “Từ - bi - hỉ - xả”
Quyết liệt, hết mình với văn chương là thế nhưng ở ngoài đời, nhà văn Nguyễn Xuân Khánh là một người sống khoan thai, tự tại, ai tiếp xúc cũng thấy nhẹ nhàng, thoải mái.
Trong ký ức của nhà văn Uông Triều, Nguyễn Xuân Khánh là một con người nhã nhặn và lịch lãm, kể cả từng trải qua rất nhiều truân chuyên với chữ nghĩa, ông vẫn không cay nghiệt với nghề, với đời. Anh chia sẻ: “Khi trước tôi cứ nghĩ rằng những nhà văn lớn sẽ rất khụng khiệng, “ông kễnh”. Nhưng không, đa số họ giản dị và chân thành.
Nguyễn Xuân Khánh giản dị và bình thản. Khuôn mặt ông sáng và sang trọng như một trí thức quý tộc, dù ông rất nghèo và trong những năm khốn khó, ông đã từng đi chăn lợn, làm bảo vệ, thợ may, thậm chí có lúc đi bán máu với những người cùng thời với mình như Dương Tường, Lê Bầu, Mạc Lân...
Nhìn khuôn mặt đậm vẻ trí thức của Nguyễn Xuân Khánh, tôi lại nhớ những nhân vật chính trong các tác phẩm của ông, họ cơ bản là những trí thức đau đáu với đời. Trong “Miền hoang tưởng” là Tư, Ngọ; trong “Chuyện ngõ nghèo” là Hoàng, Tám; trong “Hồ Quý Ly” là Hồ Nguyên Trừng, Sử Văn Hoa… Những nhân vật đó ông luôn dành những tâm huyết và trân trọng, có lẽ họ phản ảnh một phần con người ông…”.
Nhiều bạn văn còn khen ngợi Nguyễn Xuân Khánh “sống trẻ”. Nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên kể lại: “Ở độ 80 tuổi ta, Nguyễn Xuân Khánh vẫn còn “phong độ hào hoa” trong cái dáng người gợi nhớ một thời lãng mạn, hồn nhiên tuổi trẻ, trong đôi mắt như cười, trong vài ba cái chép miệng tiếc nuối…”.
Điều này có lẽ bắt nguồn từ triết lý sống nhân văn, xuất phát từ 4 chữ trong đạo Phật “Từ - bi – hỉ - xả” của Nguyễn Xuân Khánh mà ông từng chia sẻ trong một cuộc phỏng vấn: “Cứ sống hết mình với cuộc đời này bằng bốn chữ của nhà Phật từ - bi - hỉ - xả thì tôi nghĩ cũng đã là hạnh phúc rồi, và những người xung quanh cũng cảm thấy dễ chịu rất nhiều”. Ông không chỉ áp dụng quan niệm này trong cuộc sống mà còn thấm đẫm trong từng trang viết, từng nhân vật.
Nguyễn Xuân Khánh đã hoàn thành sứ mệnh của mình với văn chương và với cuộc đời của chính mình. Nhà văn Nguyễn Văn Thọ cho rằng: “Khi coi văn chương là phương tiện để đến với cuộc đời, để sống tử tế trung thành với những điều nhà văn đã viết, sau khi hoàn thành các nhiệm vụ thì họ đều tự mình quên lãng, bởi họ coi ngọn bút và công việc như phương tiện. Vậy sang bến bờ bên kia, đến bến của tình yêu con người. Nguyễn Xuân Khánh đã làm đầy đủ chuyện đó.
Ông là tấm gương mãi mãi cho các thế hệ còn đương bước theo con đường rất khó khăn khi tạo ra những dòng chảy văn học, bằng phong cách văn chương cá biệt hay khu biệt. Dùng văn chương đóng góp cho nền văn học hiện đại, đương đại và tương lai. Thế hệ sau nhìn những tấm gương đó để hành xử với văn chương…”.
Nhà văn Uông Triều bày tỏ: “Tôi nghĩ Nguyễn Xuân Khánh đã sống một đời người nhẫn nại, một đời văn kiên cường. Ông đã “đội gạo lên chùa” thời gian dài với niềm tin vô bờ bến. Theo quy luật của nhân sinh, ông xứng đáng được hưởng những trái ngọt từ những hạt mầm ông đã bao công chăm sóc, vun trồng…"./.
Hạnh Lê/VOV.VN